Home / Tư vấn - Chia sẻ / Là chính mình…?

Là chính mình…?

Cô ơi. Năm nay con học lớp 7. Con là lớp phó học tập của lớp, đồng thời là Liên đội phó của trường. Từ nhỏ con đã gan dạ và khi lên cấp 2 trở nên rất tự tin trong giao tiếp cũng như sôi nổi trong mọi hoạt động của nhà trường. Đối với con, khi trả lời sai, hay thiếu sót gì thì vẫn rất bình thản, ngồi xuống và rút kinh nghiệm lần sau. Sai thì sửa, chẳng gì phải sợ, phải xấu hổ. Nhưng mà cũng vì tự tin, tích cực và không sợ sai nên có nhiều bạn trong lớp không hài lòng với con. Có lần, năm lớp 6, các bạn còn tẩy chay con nữa. Nhờ có cô giáo chủ nhiệm nên các bạn mới hiểu ra. Còn con cũng rút kinh nghiệm, cũng thường hỏi ý kiến các bạn là mình còn chỗ nào chưa đúng thì các bạn giúp mình, nói để mình còn sửa. Rồi tụi con cũng hiểu nhau hơn. Nhưng con cảm thấy khi thay đổi con không phải là con, không phải là con người thật của con. Nếu con không thay đổi, thì lại cho là thích thể hiện, làm quá.

Theo cô, con cần làm gì để vẫn là mình mà hài hoà được với các bạn trong lớp.

Con cảm ơn cô.

Nguyễn Hoàng Hà (quên ghi địa chỉ)

———-

Hoàng Hà ơi,

Câu hỏi của em khiến cô phải nghĩ nhiều, nhớ lại cả quãng đời đi học của mình, nghĩ đến từng bạn với tính cách khác nhau, thật nhiều điều các cô đã trải qua như em vậy.

Cũng có bạn bị ghét, bị tẩy chay. Cũng có bạn bị coi là lập dị, bị xì xào sau lưng… Hẳn họ đều nhận ra điều đó và đôi khi phải dằn vặt suy nghĩ giống như em bây giờ.

Tuổi các em là tuổi bạn tuổi bè, tuổi loay hoay tìm cách sống đồng thuận với tập thể. Nhưng cô đồng ý với em, dù thế nào mình vẫn không nên cố gò ép để sống không phải là mình, để chiều lòng ai đó. Làm như thế sẽ mệt mỏi lắm, đúng không em?

Vì thế, cô nghĩ, mình nên xác định một số ranh giới.

Một là, bản tính của mình là sôi nổi, nhiệt tình, xốc vác, thấy việc là nhận làm, thấy biết là giơ tay. Vậy em cứ sống tự nhiên như vậy, miễn sao không để cách sống của mình làm tổn thương người khác, tạo khoảng cách giữa em và tập thể. Hãy đặt câu hỏi kiểu như thế này để kiểm tra nhé:

  1. Khi mình xung phong trả lời câu hỏi, liệu mình có quá sốt ruột, chỉ chăm chăm muốn “thể hiện” mà không thấy rằng, mình đã trả lời vài câu trong khi xung quanh các bạn cũng giơ tay không?
  2. Có bao giờ em nhận thấy, một số bạn rất nhút nhát, dù biết câu trả lời, bạn vẫn không dám giơ tay? Em có bao giờ chấp nhận lùi lại, khuyến khích bạn ấy nói ra thay vì em lo sợ mọi người không biết rằng mình cũng biết, cố gắng dành quyền nói bằng được?
  3. Em có bao giờ tham gia làm việc nhóm, kiên nhẫn đợi đến lượt nói và lắng nghe người khác đưa ra ý tưởng? Hay là em tự mình đưa ra một loạt ý tưởng và mong muốn mọi người chấp nhận chúng?
  4. Em có biết mặt mạnh của từng bạn trong tổ hoặc trong lớp? Em có phục bạn nào không? Em có nghĩ, có một việc gì đó có bạn trong lớp có khả năng làm tốt hơn em? Khi là tổ trưởng hay trưởng nhóm, em có thể phân công mỗi người 1 việc không hay em thấy các bạn không thể làm ưng ý được?
  5. Lúc nào em cũng tràn đầy năng lượng, em thấy mình nghĩ ra được thật nhiều thứ mà các bạn quá chậm. Nhiệm vụ nào cô giáo đưa ra, em cũng thấy chỉ có mình làm là tốt nhất. Em nghĩ mình là thủ lĩnh.

Ranh giới giữa sự nhiệt tình, sốt sắng và việc không quan tâm đến khả năng của người khác mà chỉ muốn chứng minh năng lực của mình thật ra nó mong manh lắm em ạ, nhiều người đôi khi lãng đi không để ý. Cô cũng từng như vậy.

Ảnh: internet

Giả sử, khi trả lời câu 5 trên kia, em nghĩ, mình thích hợp là thủ lĩnh cũng không có gì xấu cả. Như vậy là mình xác lập được nhóm tính cách của mình: tự tin, quyết đoán, năng động. Nhưng nếu với câu 4 mà em trả lời là KHÔNG hết, thì em sẽ là một thủ lĩnh chưa ổn. Mình không cần thanh minh về cách sống của mình mà chỉ cần để tâm hơn đến mọi người xung quanh, quan sát họ kỹ hơn, nhận ra được cái giỏi của từng bạn, cái thú vị của họ, biết khen họ dù chỉ trong lòng mình. Khi mình không thấy phục một ai ở một khía cạnh nào đó – nghĩa là mình thật sự chưa để ý đến mọi người. Một người luôn có điều gì đó đặc biệt. Và một người cũng không bao giờ giỏi hết biết hết mọi thứ…

Khi quan sát kỹ mọi người, trò chuyện chia sẻ, mình sẽ hiểu thêm về họ: những vui buồn, mặt mạnh yếu trong cuộc sống, từ đó mình sống hài hoà hơn, kiên nhẫn hơn. Chẳng hạn, một bạn đang rất cố gắng vươn lên trong môn Văn. Biết điều đó, có thể em sẽ cổ vũ bạn khi có một câu hỏi bạn trả lời được. Em sẽ lùi lại để bạn được nói…. Kỹ năng làm việc nhóm của các em cũng sẽ tốt hơn nếu nắm được khả năng riêng của nhau. Trong công việc của lớp, của Đội, Đoàn, em hãy học cách làm việc nhóm. Ví dụ, dùng phương pháp “khăn trải bàn” – mỗi người viết một góc giấy- từ đó nhặt ra các ý kiến hay, đóng góp cho tập thể, chứ không theo cách một người nói, người khác yếu hơn thì phục tùng. Hãy tin rằng, sự nhiệt tình của mình vẫn thể hiện được trong sự kiên nhẫn lắng nghe các bạn khác, cách mình góp ý chứ không gạt đi ý kiến của họ, cách mình phát triển bổ sung ý tưởng của họ cho hay hơn, cách mình biết trầm trồ, tán thưởng (một cách chân thành, không giả tạo) một suy nghĩ hay cách làm thú vị, hay ho của ai đó…

Cô chúc em vẫn giữ được là chính mình: nhiệt tình, không ngại khó, luôn xông xáo hỗ trợ mọi người, đồng thời vẫn biết cách để tâm đến các bạn, chia sẻ được với bạn những tiến bộ của họ, biết nhìn thấy mặt mạnh, mặt tích cực của người khác. Chỉ cần thế là các bạn dần sẽ hiểu em.

Chúng mình hãy bắt đầu bằng việc: nghĩ về bạn cùng bàn mình, xem bạn ấy có gì rất thú vị, độc đáo khiến mình có thể nói: “Tớ rất thích một điều ở bạn, đó là……….”.

Chúc em vui vui!

Cô Thuỵ Anh (Theo Văn học và tuổi trẻ tháng 02/2018)

About admin2

Scroll To Top