Con yêu quý,
Năm nay con đã lên lớp 7, không còn bé bỏng nữa. Ấy vậy mà bố nghe con học bài Sử thuộc lòng ra rả như cuốc kêu mà ngay sau đó bố hỏi con một vài điểm chính thì con lại ấp úng lẩm nhẩm từ đầu. Bố có cảm tưởng con như bé học sinh lớp Một học bài vậy. Con đừng tự ái vội nhé, đấy cũng là lỗi của bố thôi. Lẽ ra bố phải bày cho con cách học thuộc lòng nhanh từ lâu rồi mới phải.
Con ạ, theo lý thuyết thì trí nhớ của con người có nhiều dạng lắm. Cũng vì thế mỗi người có nhiều cách khác nhau để thu nhận thông tin vào bộ não của mình. Bố tạm gọi các cách ấy là nhớ bằng hình ảnh, bằng âm thanh và bằng suy luận. Nếu kết hợp được cả ba hình thức này, con sẽ thuộc rất nhanh. Ví dụ thế này nhé: Con hãy mở sách giáo khoa ra và lấy bút màu gạch những điểm chính của bài, đặc biệt là những con số. (Các cô giáo có thể sẽ phản đối vì con làm bẩn sách, riêng bố thì bố cho phép con làm thế nếu đó là cuốn sách của riêng con). Điều này rất quan trọng. Có những bài học từ ngày xưa bố nhớ rất lâu vì bố đã “chụp ảnh” trang giấy của sách giáo khoa vào trong đầu, nổi bật lên là những điểm gạch bút màu, không thể nào quên được. Sau đó con lấy tờ giấy nháp ra viết to những con số lên đó theo thứ tự của bài: ngày tháng diễn ra sự kiện, số liệu…, nhưng nhớ là mỗi dữ kiện con viết một dòng riêng để không bị lẫn lộn vào nhau, cạnh đó có thể viết thêm những tên địa danh hoặc tên riêng của nhân vật nào găn liền với số liệu này. Khi con đã đọc qua bài vài lần, con có thể nhìn vào số liệu và nói được số liệu ấy liên quan đến cái gì. Lúc này mới là lúc con đọc to lên vài lần cho nhanh nhớ. Bố tin rằng với cách đó, con sẽ nhớ nhanh hơn là đọc, đọc và đọc… mà không suy ngẫm gì.
Cuối cùng, con hãy ngẫm nghĩ một chút theo hướng thế này:
– Nội dung bài nói về cái gì?
– Có mấy ý lớn (con có thể viết ra tóm tắt các ý ấy bằng 1 câu)
– Trong mỗi ý lớn có chi tiết nào đặc biệt cần lưu ý
– Những câu hỏi cơ bản cô giáo có khả năng đặt ra (ví dụ như bài Sử con học về một cuộc khởi nghĩa thì bao giờ cũng có những câu hỏi như nguyên nhân, diễn biến, kết quả, những yếu tố làm nên thắng lợi hoặc yếu tố khiến khởi nghĩa thất bại, bài học rút ra…) Đó là những câu hỏi gần như rất quen thuộc, con có thể dựa vào đó làm sườn cho bài thuộc lòng của mình. Kể lại bài Sử theo dạng có sườn bài như thế có khi hay hơn là bê nguyên xi những gì có trong sách giáo khoa, con ạ.
Riêng đối với các con số, nhiều khi bố thấy chúng cũng quá nhiều trong một bài con cần học thuộc, nhiều đến độ dễ lẫn lộn nên con thường dựa vào việc đọc to lên cho âm thanh đập đi đập lại vào tai mà nhớ. Bố thử nói cho con một cách này: Bố hay nghĩ ra một quy luật nào đó, hoặc một điều gì đó quen thuộc cho dễ nhớ. Ví dụ ngày 15-5-1863… bố sẽ nghĩ đến ngày sinh của mẹ là 14-5, như vậy sau ngày sinh của mẹ 1 ngày. Hai chữ số đầu và hai chữ số cuối của năm 1863 đều có tổng là 9. Cũng tương tự như khi bố bày cho con cách nhớ số điện thoại của bà nội: 8241978 – 8 là số lúc nào cũng có, 24 là 24 tiếng trong ngày lúc nào bà cũng có nhà, 1978 là năm sinh của chú Vinh của con. Đấy con xem, chỉ cần mình suy nghĩ, mình chịu khó tưởng tượng một tí mà thôi.
Bố lại ví dụ như một từ tiếng Anh mới mà con cần thuộc gấp như từ Sun là mặt trời chẳng hạn, con có thể nghĩ… đi nhiều dưới nắng mặt trời cũng là cách cho da dẻ con săn lại – Hoặc River – nước sông cứ rì rào thế mà cũng có khi mạnh đến nỗi vỡ bờ – Bố biết con đang cười. Buồn cười thật đấy. Nhưng con cũng hãy nghĩ ra những điều của riêng con đi, đừng nói ra với ai vì có thể mọi người lại sẽ cười vì không hiểu cách suy diễn của con. Nhưng đó chính là vũ khí để con tấn công mọi bài học khó, là cách bố bày riêng cho con để con của bố có thể học thuộc bất kỳ cái gì một cách nhanh chóng. Bố mong con hãy thử xem.
Ký tên: Bố tấn
(Bố ơi vì sao? – TSGD Nguyễn Thụy Anh)