Cháu chào cô Thụy Anh.
Cháu rất hồi hộp từ khi đặt bút viết câu hỏi tới cô và cháu luôn chờ đợi thư trả lời của cô. Vấn đề của cháu là:
Lớp cháu có 43 học sinh, chia thành 4 tổ. Trong các tiết học, giáo viên chia tiếp thành 6 nhóm nhỏ, mỗi nhóm 7 học sinh. Như vậy một nhóm sẽ có 8 học sinh. Cháu được xếp vào nhóm đó. Tuy nhiên, khi thảo luận nhóm, cháu thấy các bạn không bao giờ hỏi ý cháu và cháu cũng chưa bao giờ được phát biểu. Cháu có cảm giác mình như người thừa trong nhóm. Cháu rất buồn vì việc này, nhưng cháu cũng không đủ tự tin để nói với các bạn. Dĩ nhiên, một phần lí do là các bạn trong nhóm học tốt hơn cháu. Các bạn đều làm tốt và điều đó làm cháu càng tự ti hơn.
Theo cô, cháu cần làm gì để có thể có tiếng nói của mình trong nhóm?
Cao Thị Hằng
Tổ dân phố Cáo Đỉnh 2 – Xuân Đỉnh – Từ Liêm – Hà Nội
Trả lời:
Hằng thân mến,
Về nguyên tắc, khi làm việc nhóm, tất cả các thành viên của nhóm đều phải được tham gia quá trình thảo luận, nếu không, mỗi người cũng phải nhận một nhiệm vụ – một vai trò trong hoạt động. Kỹ thuật làm việc nhóm đòi hỏi điều đó. Khi thảo luận, thủ lĩnh nhóm dẫn dắt chủ đề sẽ lần lượt lấy ý kiến của từng người, và thư ký hoặc chính các thành viên sẽ ghi chú lại. Nếu có ai đó sau một thời gian học mà chưa từng được phát biểu thì kỹ năng teamwork của chúng ta có vấn đề.
Cô rất mừng là em băn khoăn chứ không tặc lưỡi: “Ồi càng đỡ phải nghĩ!”. Như vậy là bài tập làm việc nhóm cũng có ảnh hưởng tích cực đến em, khiến em thấy mình phải thay đổi để các bạn mình thay đổi cách ứng xử trong việc này.
Lời khuyên của cô dành cho Hằng:
1. TẠO SỰ CHÚ Ý VÀ THÔNG ĐIỆP “SẴN SÀNG”: Không ai là không có mặt mạnh gì đó của mình. Hằng hãy tự quan sát mình… từ bên ngoài, một cách công tâm, không cần ngại ngùng, để thấy mình có thể làm tốt nhất điều gì. Ví dụ: chữ viết đẹp; cách trình bày trên giấy sáng sủa; vẽ đẹp; hay có sáng kiến… kỳ quặc (!)… Trong một buổi học hoặc sinh hoạt chung, hãy thử một lần xung phong thể hiện mình, dù chỉ là xung phong trang trí tên nhóm lên tấm bìa, hay vẽ vài hình thú vị trên bản đồ tư duy; hoặc nói một câu hài hước thoáng qua. Mỗi lần biết “gây chú ý” như vậy cũng là cách để nhắc nhở mọi người về sự sẵn sàng tham gia của mình. Đôi khi, mình thể hiện hiền lành, e ngại quá, các bạn lại không nghĩ mình muốn phát biểu.
2. THỂ HIỆN MÌNH: Chọn một môn là mặt mạnh nhất của mình để thể hiện. Trong một buổi làm việc nhóm, hãy tập trung ý chí để ép mình… giơ tay xin đóng góp ý kiến. Đừng ngại! Hãy nghĩ, ít nhất một lần này thôi. Em có thể nói giản dị: “Tớ có ý kiến! Tớ muốn nói về vấn đề này! Tớ xin trình bày mục này!”. Cô tin không ai lại không sẵn sàng lắng nghe khi em đã đề nghị như vậy.
3. THẲNG THẮN TRAO ĐỔI: Hãy chọn một bạn trong nhóm mà em tương đối thấy dễ tâm tình nhất để nói về suy nghĩ của mình, như em đã viết cho cô vậy. Em có thể nói, có thể viết, nhắn tin. Sự thẳng thắn chia sẻ bao giờ cũng cho kết quả thú vị không ngờ. Đừng quên nói về ngững ảnh hưởng tích cực của nhóm đến ý thức học tập của mình nhé!
4. CAN THIỆP BÊN NGOÀI: phương án này khó hơn nhưng cũng có thể sử dụng khi cần. Em có thể nói với cô giáo hoặc ai đó mà em tin tưởng, đồng thời người ấy có thể can thiệp trong quá trình các em thảo luận: ví dụ, lớp trưởng; lớp phó phụ trách học tập; hoặc một nhân vật có uy tín trong lớp. Người này sẽ hỗ trợ nhóm em bằng cách hướng dẫn lại kỹ thuật làm việc nhóm mà không sợ nhóm tự ái. Ví dụ, người ấy sẽ ngồi cùng nhóm em, đặt câu hỏi, lần lượt mời từng người đóng góp ý kiến, hoặc phân công nhiệm vụ cho từng người. Chỉ vài lần như vậy là em có thể nắm bắt được cơ hội, phải không em?
5. Và cuối cùng, đương nhiên, ta cần tăng cường trau dồi kiến thức, mở rộng tìm hiểu các vấn đề ngoài sách giáo khoa. Đọc nhiều cũng là cách khiến mình tự tin hơn đấy em ạ. Khi đọc, chớ quên có sổ ghi chép, trích dẫn những câu hay, những thông tin thú vị. Đến một lúc nào đó, lượng kiến thức em đọc được sẽ khiến mọi người để ý đến em hơn, khiến em thấy mình duyên dáng thú vị hơn trong mắt… chính mình.
6. Có nhiều cách để tham gia làm việc nhóm: Nói, trình bày ý tưởng – ai cũng biết rồi. Ngoài ra, em có thể đề xuất các phương pháp kỹ thuật khác như Khăn trải bàn (Mỗi người vẽ, viết vào một phần của tờ giấy khổ lớn, hoặc viết lên tấm bìa những từ cốt yếu rồi ghép lại cùng đồng đội.)…
Nhóm em có 8, lẽ ra phải là điểm “vượt trội” so với các nhóm 7 khác. Những sáng kiến mình đưa ra sẽ khiến các thành viên trong nhóm lưu ý và đánh giá được đóng góp của em.
Vậy điều quan trọng bây giờ chỉ là: hãy vượt qua mọi e ngại để giơ tay…
Chúc em vui và thành công!
Cô Thuỵ Anh