Home / Bài Viết / Mặt tích cực của nỗi buồn

Mặt tích cực của nỗi buồn

HỎI:

Cháu chào cô ạ!

Hiện tại cháu đang rất buồn. Ba mẹ cháu vừa chia tay nhau và cháu phải theo mẹ. Cháu cảm thấy thật tủi thân. Các bạn cháu đều có cha mẹ nâng niu, bao bọc khiến cháu càng thêm buồn. Bên cạnh đó, mẹ bắt buộc cháu phải làm nghề bác sĩ bởi làm bác sĩ sẽ giúp ích cho đời và có thêm thu nhập cho gia đình, nhưng… cháu lại có một mơ ước nhỏ là làm một nhà văn.

Mỗi con người đều phải biết tự lập, làm những điều mình thích và có một giấc mơ. Cháu phải làm sao bây giờ? Cháu rất mong cô hồi âm. Cháu xin chân thành cảm ơn!

(Nguyễn Nhật Tiến, Lớp 7E – THCS Nguyễn Thái Bình – Phường 5 – TP. Cà Mau – Cà Mau)

TRẢ LỜI

Nhật Tiến thân mến,

Cô rất xúc động khi đọc những dòng ngắn ngủi mà đầy suy tư của em. Đúng là một lá thư buồn, như tâm trạng mà em chia sẻ. Nhưng như vậy là em đã biết, cuộc sống không chỉ có niềm vui. Những nỗi buồn sâu sắc đầu tiên, dù ta không muốn có, dù khiến ta không hồn nhiên như nhiều bạn cùng trang lứa nữa, nhưng lại khiến ta trưởng thành hơn, biết yêu quý những khoảnh khắc đẹp mà trước kia không quá để tâm. Đó cũng là mặt tích cực của nỗi buồn, em nhỉ?

Cô còn nhớ, ngày nhỏ, cô đến chơi nhà một người bạn. Trong nhà có một con gấu bông bị xé rách tay. Bạn cô kể, đấy là do hai bố mẹ cãi nhau, giằng co nhau, làm con gấu bông của bạn bị tả tơi như vậy. Nhưng bố mẹ vẫn cứ sống cùng nhau, chịu đựng nhau, dù đã không còn yêu thương nhau nữa. Bạn của cô rất buồn, buồn suốt cả những năm đi học. Bố mẹ em thì khác, họ chọn con đường chia tay. Biết đâu, đó là quyết định đúng đắn và trung thực, tuy quyết định ấy cũng khiến em rất buồn và cô đơn. Nhưng cũng hãy cùng cô nhìn ra khía cạnh tích cực của vấn đề nhé, Nhật Tiến: Hai người đã từng yêu quý nhau bỗng vì một lí do nào đó có thể không còn chia sẻ được nhiều điều nữa. Họ không muốn gây những “vết thương” cho người khác như vết thương của con gấu bông nhỏ kia, vì thế, họ không ở cùng nhau nữa. Thế không có nghĩa là em mất bố. Chắn chắn, bố em vẫn luôn yêu và quan tâm đến em. Hãy hẹn cụ thể ngày bố có thể đến chơi hoặc đón em về chơi với bố. Nếu là ngày cố định hàng tháng, em có thể chờ đợi ngày đó với niềm vui lớn dần lên, hai bố con sẽ có những kỉ niệm đẹp bên nhau. Em vẫn luôn có bố, kể cả sau này, khi em đã lớn, đã đi học hoặc đi làm…

Khi yêu nhau, cưới nhau, không đôi vợ chồng nào muốn cảnh chia li. Và những đứa con luôn là hiện thân của tình yêu. Vì vậy, em hãy luôn tự hào về mình, về bố và mẹ của mình, đừng trách họ nhé. Suy nghĩ tích cực khiến cả bố mẹ em cũng hạnh phúc hơn. Họ sẽ bớt cảm thấy mình có lỗi vì đã làm em buồn. Cảm giác có lỗi, áy náy rất khó chịu, phải không em?

Còn về mơ ước của em, cô xin vui mừng chia sẻ! Một ước mơ đẹp và hoàn toàn có thể trở thành sự thật! Cho dù mẹ em chưa hiểu được “giấc mơ” này, cùng đừng vì thế mà buồn. Mẹ có nghĩ gì, nói gì, cũng xuất phát từ lòng yêu thương, lo lắng quá cho em thôi. Nhất là, vì em phải xa bố, mẹ sẽ thương em gấp đôi, muốn che chở cho em nhiều hơn nữa. Có thể, tạm thời giữ mơ ước ấy trong tim em như giấu một viên than nho nhỏ trong bếp lò cũ ấy. Đến một lúc gặp gió, gặp người cơi bếp, thêm củi, viên than sẽ bùng lên, thành ngọn lửa thật sự. Vậy em hãy chuẩn bị cho ngọn lửa bằng cách đọc nhiều, học Ngữ văn tốt, tập ghi Nhật kí để luyện ngòi bút của mình… Em mới học lớp 7. Em còn đủ thời gian để chuẩn bị thực hiện ước mơ. Và cũng sẽ đến lúc em hiểu mình hơn, bấy giờ sẽ quyết định và chứng minh cho mẹ biết, mình thích hợp với công việc gì. Cô tặng em mấy câu thơ do một người bạn cô viết năm lớp 12, để có thể nếu cần, khi nào em học lớp 12 rồi, em có thể dùng để thuyết phục mẹ tin vào lựa chọn của em:

CHỖ ĐỨNG

Chim én bay suốt mùa đông

Để thấy mùa xuân trong chồi lá

Con thuyền vượt qua biển cả

Đến bờ bến xa vời

Con người suốt cả cuộc đời

Tìm một chỗ đứng chân nho nhỏ

Như bến của thuyền, như én với mùa xuân

Bởi vì sống

Chẳng đơn thuần

Là tồn tại

(Nguyễn Quảng Hà)

Cô mong em luôn nghĩ về những điều tích cực, hạnh phúc vì em được yêu thương, dù không tránh khỏi những phút buồn khổ, em nhé!

Thân mến,

Cô Thụy Anh (Bài viết đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số tháng 3 năm 2016)

About DuongMy

Scroll To Top