Ngày tôi học lớp 12, chuẩn bị thi đại học, tôi sống trong mong đợi háo hức, sẵn sàng cho kỳ thi lớn của cuộc đời. Sau khi tôi đã ôn thi có vẻ ổn, thi thử được điểm khá cao, thì một hôm, bố tôi đưa đi xem kịch và tâm tình. Tôi ngỡ ông sẽ động viên để tôi thêm quyết tâm thi cho tốt. Nhưng không, câu chuyện bố nói với tôi hôm ấy lại có từ khóa là “thất bại”. Tôi rất ngạc nhiên. Tôi không bao giờ mong và nghĩ đến thất bại. Thế mà bố tôi lại nói đến nó với vẻ bình thản, thậm chí trìu mến, nếu tôi cảm nhận không nhầm.
Giờ đây, khi đọc cuốn sách của tác giả Jessica Lahey (Mỹ), một nhà giáo dục, diễn giả, nhà văn, một tiến sĩ Luật với một cái tên sách khá thú vị và hoàn toàn có thể mang lại hoài nghi cho những ai đang nỗ lực hướng tới thắng lợi, thì tôi nhớ bố tôi vô cùng. Những gì bố nói với tôi ngày tôi 17 tuổi thật quan trọng. Nó cho tôi tâm thế đón nhận những thất bại như một món quà của số phận, vượt qua cả những cảm xúc cay đắng mà món quà đó có thể đem lại. Đôi khi, những vấp ngã nhẹ lại giúp ta tránh được những cú ngã mạnh hơn. Tôi biết chấp nhận thất bại như một phép thử, một lời cảnh báo, một chia sẻ mà tôi nhận được từ cuộc đời. Tôi hạnh phúc vì điều đó.
Và cuốn sách của Jessica Lahey lý giải tường tận được điều này. Không những thế, cô còn chỉ ra cho người đọc thấy, thời gian nào là… lý tưởng cho những thất bại, ai sẽ là người đồng hành cùng những thất bại của một đứa trẻ, và chân giá trị của những bài học từ mọi sai lầm, nhầm lẫn, thua cuộc, thi trượt, điểm thấp đối với một con người. Tác giả khẳng định ngay từ phần Một của cuốn sách: “Thất bại – công cụ giá trị nhất của cha mẹ”!
Cuốn sách được chia làm ba phần.
Phần Một, Jessica Lahey cất công đọc, trích và tóm lược những vấn đề liên quan đến khái niệm “Thất bại” trong giáo dục qua các thời kỳ khác nhau như thời nước Mỹ thuộc địa, nước Mỹ trước và sau cách mạng, nước Mỹ với nền kinh tế chuyển dịch từ trang trại sang thành thị từ cuối thế kỷ XIX… và sự xuất hiện của những chuyên gia kỹ năng làm cha mẹ. Đây không chỉ là “lược sử cách dạy con kiểu Mỹ” mà còn là một bài nghiên cứu nho nhỏ được trình bày giản dị, sáng sủa, dễ hiểu, để các bậc phụ huynh có thể lùi ra xa, không nhìn cận cảnh những vấn đề của mình và con mình mà đặt chúng trong bối cảnh chung của sự phát triển tư duy, tư tưởng nhân loại về cái gọi là “nghệ thuật dạy con”, “cách ứng xử với con”, “nghệ thuật làm cha mẹ”. Cách tiếp cận này khá thú vị và cần thiết cho các bố mẹ đang bối rối và đôi khi mất lòng tin vào sức mạnh nội tại của mình. Hóa ra, việc hôm nay chúng ta nổi nóng vì con cãi lại mình, ngày mai chúng ta nổi giận lôi đình vì con nhận điểm kém, một ngày nọ chúng ta sẽ đau khổ vì con đã không còn để tâm đến lời khuyên của bố mẹ .. – tất cả đều thật nhỏ nhặt, như những sợi len nhỏ dần bị rối tung không mối gỡ nếu chúng ta không nhìn chúng bằng con mắt bình tĩnh, khoa học, rộng mở hơn với các chiều kích không gian, thời gian. Tác giả nhấn mạnh: “Nuôi dạy con vì những điều đúng đắn và tốt đẹp trong mục tiêu cuối cùng chứ không vì những điều khiến chúng ta thấy đúng đắn và tốt đẹp trong thời điểm này. Nuôi dạy con vì ngày mai, không chỉ vì hôm nay.”.
Jessica đề nghị các bố mẹ thay đổi cách nhìn nhận vai trò của mình trong từng bước trưởng thành của con, từ đó đề xuất thuật ngữ “Phương pháp dạy con tự chủ”. Cô dành nhiều trang phân tích sự khác biệt giữa “cha mẹ kiểm soát” và “cha mẹ ủng hộ sự tự chủ”.
Phần Hai của cuốn sách, Jessica Lahey diễn giải, phân tích kỹ lưỡng những ví dụ từ các tình huống sư phạm mà cô được trải nghiệm để đưa ra “hướng dẫn sử dụng” Thất Bại như một công cụ. Jessica dẫn dắt độc giả bằng kỹ thuật: lý thuyết xen trải nghiệm và giải pháp. Những trích dẫn từ sách vở, các nghiên cứu của chuyên gia khiến người đọc bình tâm đọc cuốn sách một cách hệ thống hơn. Những trải nghiệm nho nhỏ và giải pháp cụ thể được mô tả ngay sau đó khiến những ai đang sẵn sàng thay đổi phong cách nuôi dạy con có được sự đồng hành triệt để.
Phần Ba của cuốn sách sẽ là một cách giải đáp hay cho những băn khoăn của bố mẹ về thành tích học tập của con ở trường. Trong chương này, Jessica đã phân tích rất thuyết phục về mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình. Thái độ “lạc quan, tin tưởng” của bố mẹ lại là chìa khóa rất quan trọng cho những thành công thật sự của con. Xin lưu ý, “thành tích” và “thành công” là hai khái niệm cần phân biệt. Tư tưởng “chạy theo thành tích” sẽ cản trở con đường hướng tới “thành công” của các con. Nó sẽ khiến các bố mẹ can thiệp không chỉ vào việc tự chủ của con mà còn vào các hoạt động giáo dục của các thầy cô, che đậy những lỗ hổng trong kiến thức, lấy lá hoa rải lên những ổ gà nho nhỏ dọc đường để đến một ngày, con đường trở nên gập ghềnh đầy bất trắc không lường được trước. Tôi cho rằng, đọc Jessica Lahey, các bố mẹ sẽ bình tâm nhìn lại con đường đi của mình, của con, điều chỉnh thái độ để có được những đồng minh tuyệt vời trong cuộc sống này. Cuộc sống luôn có thất bại và thành công. Nhưng cuộc sống không chỉ có thất bại và thành công. Nó còn có sự đồng hành, đồng cảm, lòng tin và tình yêu thương.
Những khó khăn sẽ tạo cơ hội cho kỹ năng được rèn luyện. Những vấp váp trong thực hiện hành động sẽ giúp các thao tác tư duy được sắc bén, nhanh nhạy hơn. Những điều chưa vừa ý sẽ khiến trẻ biết chia sẻ, lắng nghe cảm xúc từ nhiều góc độ. Những cú sốc nho nhỏ tạo đệm giảm xóc để không rơi vào những cú sốc lớn hơn. Đó cũng chính là “hộp đồ nghề” của một người trẻ mà tác giả Jessica Lahey nhắc đến trong cuốn sách – “Kho tích lũy các kỹ năng học sinh kiếm được thông qua những thất bại, sự thích ứng và phát triển, còn quan trọng hơn bất kỳ công thức toán học hoặc quy tắc ngữ pháp nào…” (tr. 298).
Phải nói thêm rằng, những điều Jessica nói không phải là một “quả bom” thông tin gây sốc. Đây đó, trong nhiều ấn phẩm về giáo dục, chúng ta cũng đã đọc được một số ý tương tự. Trong nhiều cuộc tọa đàm về giáo dục gần đây ở Việt Nam, chúng ta cũng được khuyến nghị những vấn đề tương tự. Tuy nhiên, sau tất cả, chúng ta có làm theo không cho dù cảm thấy rất tâm đắc? Với Jessica, tôi tin là có. Một điều quan trọng mà tác giả đã lưu ý ở chương đầu cuốn sách, cho tới chương cuối, khái niệm này càng hiện lên rõ nét, xuyên suốt và có thể nói, đứng đầu trong những điều cần quan tâm – Động lực nội tại. Động lực hành động nảy sinh từ nhu cầu “muốn hành động” tự thân của mỗi cá nhân sẽ bị suy yếu và mất dần tính dài hạn nếu chúng ta kiểm soát cơ chế này bằng một hệ thống thưởng phạt cho những thành tích cụ thể (thắng lợi tạm thời) và những lỗi sai cụ thể (thất bại tạm thời). Hiểu được điều này, quý vị hẳn sẽ có thêm… động lực để đọc kỹ “Món quà của sự thất bại”, lùi ra xa hơn để quan sát những vấn đề của mình và các con, nhìn ra xa hơn để quyết tâm thử nghiệm những lời khuyên chân tình của tác giả.
Cuốn sách quả thật cũng là một “món quà”, một món quà được làm nên trước nhất bởi mong muốn được chia sẻ của một người mẹ, một nhà giáo dục. Vì thế, đây là món quà quý giá, chân thành.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)