Nói đến chuyện nuôi dạy trẻ con, không người lớn nào không có khái niệm thưởng phạt trong đầu. Đủ thứ hình phạt được nghĩ ra, từ xưa đến nay, nhằm mục đích sao cho trẻ “nhớ đời” mà “chừa”, không lặp lại lỗi sai nữa.
Những ngày đầu của năm học mới, tôi đã nghe thấy nhiều xôn xao về các hình phạt mà các thày cô áp dụng cho bọn trẻ ở trường.
Một bà mẹ kể: “Thằng con đoảng quên vở ở nhà. Thế là cô bắt viết 50 dòng TỪ NAY EM XIN HỨA KHÔNG QUÊN VỞ NỮA. Khổ cái là bài tập đã nhiều, bò ra làm chưa xong, lại thêm cái bài chép phạt này nữa, nó làm xong thì ngủ gục, chả còn thời gian xếp sách vở cho cẩn thận, hôm sau… lại quên!”.
Một ông bố thì than, chẳng may đưa con đến trường muộn, thế là thằng con bị phạt đứng ngoài cửa hết một tiết, không được học.
Ngoài ra còn biết bao hình phạt từ nhẹ nhàng có tính chất cảnh báo đến ghê gớm hơn là làm rối loạn cả cuộc sống bọn trẻ, gọi bố mẹ đến, con khóc mẹ la, rồi cuối cùng là đuổi học. Nhiều người cho rằng thế cũng là bình thường: ngày xưa hỗn là các cụ đánh cho nát đít, rồi đọc sai thì quật thước đỏ cả tay hay quỳ gai mít khi có lỗi, nhớ đến già. Nhưng cũng nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, cho rằng nhà trường cần phải áp dụng những kiểu phạt hợp lý hơn, không gây tâm lý hoang mang cho trẻ mà vẫn hiệu quả.
Vậy thế nào là hình phạt hiệu quả?
Để trả lời được câu hỏi ấy, phải trả lời một câu trước đã: Mục đích của hình phạt? Xin hãy chọn một trong những mục đích sau:
1. Để tạo cảm giác SỢ – sợ cô, sợ một Hội đồng kỷ luật nào đó, sợ phải đối diện với bố mẹ. Cảm giác SỢ sẽ bắt đứa trẻ thay đổi hành vi của mình, phù hợp với các quy tắc kỷ luật đã đề ra.
2. Để trẻ NHỚ đã từng có một hành động phạm lỗi như thế này, thấy XẤU HỔ mà không lặp lại nữa.
3. Để LÀM GƯƠNG, răn dạy những đứa khác nếu … cũng đang lăm le định phạm lỗi.
4. Để trẻ HIỂU lỗi của mình, có cơ hội thể hiện sự HỐI HẬN, được CHỊU TRÁCH NHIỆM cho hành vi phạm lỗi của mình đồng thời biết cách không làm sai nữa.
Việc người lớn lựa chọn mục đích nào thì sẽ có bộ “công cụ” ấy, đồng thời cũng sẽ phải chấp nhận những cái được và cái bất cập đối với từng phương pháp, thậm chí là hậu quả từ nhỏ đến lớn mà “tác dụng phụ” của hình phạt mang đến.
Những hình phạt như đánh, mắng dữ dội, mỉa mai, đem bêu trước trường, đuổi ra khỏi lớp, trừ điểm, đuổi học là những hình thức tương đối nặng và có khả năng tạo được cảm giác SỢ, XẤU HỔ, từ đó trẻ sẽ NHỚ mà có thể không dám lặp lại nữa. Nhưng trên thực tế, những cách phạt này có thể đem đến cho trẻ cú sốc về tâm lý, nhẹ hơn là cảm xúc rất tiêu cực khiến trẻ mất hứng thú với việc học, với tập thể. Tệ hơn nữa, trẻ có thể tự đánh giá mình thấp đi, cảm thấy mình mất giá trị trước cộng đồng. Ở một thái cực, điều ấy thể hiện qua sự mất tự tin, hay sợ phải tự mình giao tiếp, ít phát biểu, ít nói, ngại đến gần cô, co mình lại trong mọi việc dù bên ngoài, trẻ trở nên rất ngoan ngoãn. Ở thái cực khác, trẻ có thể tỏ ra bất cần, ăn nói văng mạng, thách thức, có những thái độ không hợp lý với các bạn khác và thày cô và dần trở thành “khó bảo” hơn nữa trong mắt những người lớn. Hình thức đuổi ra khỏi lớp, đuổi học rõ ràng thể hiện sự bất lực của người lớn, của thày cô chứ không có thể gọi là hình phạt nữa. Việc đuổi học chỉ gọi là hình phạt khi áp dụng với bậc học cao hơn – đại học, khi những đứa trẻ của chúng ta đã trở thành người lớn. Và hình phạt này thực sự là một hình thức kỷ luật mà con người phải nhận để “trả giá” cho những hành vi sai phạm của mình.
Những hình phạt có vẻ như đơn giản hơn: đứng lên, đứng góc lớp, đứng ngoài cửa lớp, chép phạt… tưởng chừng không có vấn đề gì, rất “phổ biến” nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ không kém các hình phạt vừa nêu trên – nếu không đi kèm với những điều kiện khác.
ĐIỀU KIỆN QUAN TRỌNG cần có khi quyết định phạt một đứa trẻ ở lớp học:
1. THỎA THUẬN. Việc thưởng phạt đối với học sinh trên thực tế phải là một thỏa thuận có tính nguyên tắc giữa tất cả các thành viên của cộng đồng. Cộng đồng ở đây là một tổ, một lớp, một trường học. Các em biết rằng, nếu học giỏi, nhiều điểm cao, tuân thủ kỷ luật… sẽ có hình thức khen thưởng như giấy khen, bằng khen, quà tặng.v..v.. Nhưng không mấy khi các em được biết trước mình sẽ nhận hình phạt nào khi sai phạm. Và đây là điều cần làm với trẻ, một cách công khai, cho trẻ cùng tham gia thảo luận, từ những lỗi nho nhỏ trẻ dễ phạm phải nhất như nói chuyện riêng, đi học muộn, không làm bài tập. Chỉ sau khi đưa ra được những thỏa thuận, hình phạt mới bắt đầu có tác dụng sau đó. Học sinh sẽ buồn, lo, nhưng chấp nhận hình phạt như một “luật chơi” mà chính các em đã đề ra. Ấn tượng tâm lý này sẽ tạo cho trẻ cảm giác công bằng, đồng thời không gây hoảng sợ, hoang mang. Trẻ hiểu rằng, mình đang phải chịu Trách Nhiệm cho hành động của mình.
2. BÌNH TĨNH. Khi trẻ có lỗi, hẳn các thày cô sẽ rất giận dữ. Hình phạt chỉ nên được tuyên bố khi cơn giận ấy đã dịu xuống. Điều này sẽ tránh cho trẻ cảm giác bị… trút giận, bị hứng chịu cơn bực bội của người lớn. Hình phạt được đưa ra phải được nói với một giọng điệu nghiêm túc, bình tĩnh, rành mạch, không xen cảm xúc tiêu cực. Vậy, các thày cô hãy cố gắng để cuối giờ hẵng ra quyết định phạt thay vì ngay lúc ấy quát lên thông báo hình thức kỷ luật đối với trẻ.
3. CÁ NHÂN. Khi tuyên bố hình phạt, hãy làm việc cá nhân với em học sinh, dù là một lổi nhỏ nhất. Trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, được bảo vệ khỏi cảm giác xấu hổ với các bạn khác và hãy tin rằng, cơ hội để trẻ không lặp lại lỗi sai sẽ lớn hơn nhiều so với trường hợp xướng kỷ luật thật to lên cho cả lớp cùng biết.
4. TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN. Trước khi phạt, đương nhiên không thể không tìm hiểu kỹ nguyên nhân của hành vi phạm lỗi. Rất có thể có những nguyên nhân sâu xa hơn và cô giáo có thể kịp thời hỗ trợ để trẻ không mắc lỗi nữa hoặc có những điều mà trẻ không hề nhận thức được mình đang làm sai. Chẳng hạn, trẻ không hiểu bài, lại không muốn chép bài của bạn hay nhờ bố mẹ giảng nên đành không làm bài, cũng không dám hỏi lại cô giáo. Hoặc, ở nhà có một việc đột xuất xảy ra, bố mẹ không kịp đưa em đi học đúng giờ. Hay, có trường hợp trẻ đau bụng quá đến nỗi không kịp xin phép cô đã chạy ra nhà vệ sinh, bị khép vào lỗi vô tổ chức… Và vô vàn lý do khác nữa đều có thể từ những nông nổi, hồn nhiên của trẻ hoặc khách quan từ bên ngoài. Cô giáo cần chia sẻ được với trẻ những điều này.
5. GIỮ NGUYÊN TẮC. Tuy nhiên, bất luận là lý do gì, vẫn nên giữ vững nguyên tắc thưởng phạt của mình, không phải vì lý do “khách quan”, “chính đáng” mà xí xóa không phạt. Cô giáo thấu hiểu vì sao em phạm lỗi, cô giáo chỉ cho em hướng giải quyết hoặc nhờ các bạn cùng giúp để không phạm lỗi nữa, nhưng dù vậy, theo quy tắc chúng ta đã cùng đề ra, vì em đã vi phạm lỗi này, em vẫn phải thực hiện hình phạt giống các bạn. Điều này sẽ khiến đứa trẻ “tâm phục khẩu phục” mà an tâm thực hiện hình phạt, không còn ấm ức vì “con oan” hay “con không biết” nữa. Lỗi sai sẽ được ghi nhớ để không lặp lại. Ngoài ra, cách này còn giúp tránh được những “lý do, lý trấu” mà những người lớn vẫn phàn nàn là bọn trẻ con nói dối, nghĩ ra để “lừa” người lớn.
6. KHÔNG QUY KẾT, CHỤP MŨ. Chỉ phạt đúng lỗi trẻ phạm phải, mô tả lỗi đó cụ thể chứ không đặt tên cho sai phạm của trẻ bằng một cái tên “kinh khủng” nào khác theo kiểu quy kết, chụp mũ. Ví dụ, trẻ quên vở – thì chỉ phạt vì hành vi quên vở chứ không kết luận “luộm thuộm, coi thường việc học”. Trẻ … cười đùa trong giờ học thì có thể nhận hình phạt vì không tập trung chứ không phải là vì “không coi cô giáo ra gì”..v..v..
7. QUYỀN ĐƯỢC SAI VÀ QUYỀN ĐƯỢC SỬA LỖI. Trẻ con vẫn là trẻ con và vì thế, khác với người lớn, nó có quyền được sai và quyền được tìm cách không sai nữa. Người lớn thay vì nhăm nhăm tìm lỗi hay tệ hơn, bắt những đứa trẻ bơi móc lỗi của nhau – hãy cho trẻ biết thiện chí của mình thông qua việc… đưa ra các hình phạt. Nhân đây, tôi cũng xin nêu quan điểm của mình về việc sử dụng các bạn Sao đỏ và cán bộ lớp như những công cụ phát hiện và báo cáo sai phạm của các bạn. Cán bộ lớp chỉ nên cùng các bạn làm việc nhóm, giao nhiệm vụ cho các bạn, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, nhắc nhở các bạn tuân thủ kỷ luật chứ không thể biến thành công cụ điều hành về kỷ luật của cô giáo.
Ngược lại, nếu đã có thỏa thuận trước thì bất kỳ bạn nào cũng có thể phát hiện ra lỗi sai của một bạn khác, thông báo công khai và cô giáo sẽ xử lý những tình huống đó. Đôi khi “áp lực học đường” lại bắt đầu từ những câu chuyện “quyền lực” giữa những đứa trẻ.
Theo tôi, chỉ có tuân thủ 7 điều kiện trên, các hình phạt của thày cô giáo mới có tác dụng thật sự đối với trẻ, khiến trẻ hiểu rõ vì sao bị phạt, cách không lặp lại lỗi sai và thấy mình được tôn trọng, giá trị của đứa trẻ không bị hạ thấp. Và đây chính là mục đích khi nhà trường áp dụng các hình thức phạt, kỷ luật với trẻ. Đó là phương án thứ 4. Đứa trẻ có cơ hội được chịu TRÁCH NHIỆM sẽ không mang cảm giác đeo đẳng của một “bị cáo” – là cảm xúc tiêu cực mà không đứa trẻ nào phải chịu!
Lưu ý, khi đưa ra các hình thức phạt đối với trẻ, người lớn cần chú ý đến:
– đặc điểm lứa tuổi. Không nên coi là lỗi nếu sai phạm đó là phản ứng tự nhiên của lứa tuổi. Chẳng hạn, với những bạn lớp 1, 2 mới đến trường, các bé chưa tập trung được lâu, có thể ngủ gục, có thể đứng lên ngồi xuống – bé được nhắc nhở nhưng không nên bị phạt. Những đứa trẻ tuổi dậy thì (13, 14) do sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có thể trở nên ít nói, lầm lì hoặc ngược lại hay cười mà người lớn coi là “vô duyên”. Với lứa tuổi đó, những phản ứng giao tiếp với giáo viên kiểu như thế dễ bị coi là hỗn, tuy nhiên các thày cô có thể nhắc nhở, giải thích bằng hình thức nào đó để trẻ hiểu được cảm giác của người đối diện, thay đổi hành vi ứng xử, chứ cũng không nên phạt các em vì lỗi này.
– những cảm xúc tự nhiên không kiềm chế được: khóc vì buồn, đấm vào tường vì cáu, ngại ngùng không muốn thể hiện..v.v. cũng không phải là lý do bị phạt.
– sự vụng về vì ít trải nghiệm: làm vỡ cốc nước, đánh rơi quả cầu dạy học của cô giáo, làm đổ nước vào vở của bạn khác..v.v.
Trong khuôn khổ nhà trường, việc thưởng phạt luôn cần thiết. Tuy nhiên, phải công bằng, minh bạch và thấu hiểu để trẻ có thể “học qua những lỗi sai”, không sợ sai, không sợ sửa sai, vui vẻ, hạnh phúc với cuộc đời đến trường của mình.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (09/2014)