Home / Tin Tức / Nhà văn Lê Phương Liên gợi ý viết thư UPU lần thứ 46 (năm 2017)

Nhà văn Lê Phương Liên gợi ý viết thư UPU lần thứ 46 (năm 2017)

Các em học sinh thân mến!

Thời hạn nộp bài viết thư UPU lần thứ 46 đã sắp đến rồi, trong thời gian qua các em ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước đã sôi nổi thảo luận tìm hiểu đề bài, tham khảo các tư liệu để tìm ra một ý tưởng viết thư hay nhất. Là thành viên giám khảo quốc gia trong nhiều năm, tôi đã luôn có cảm giác bất ngờ khi đọc các bức thư rất sáng tạo của các em học sinh, bởi thế khi viết bài gợi ý này tôi muốn nhắc các em rằng đây chỉ là một cách gợi ý, các em hoàn toàn có thể viết  một bức thư khác hẳn suy nghĩ của người viết bài này.

Trước khi đặt bút viết bức thư tham gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, việc đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu kỹ đề bài.

Đề thi năm nay: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng thư ký mới của Liên hợp quốc; vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”

Ở đề thi này các em thấy rằng chúng ta đã có một người nhận thư rất rõ ràng: đó là ông Tổng thư ký mới của Liên hợp quốc. Ông tên là Antonio Guterres, một chính trị gia người Bồ Đào Nha, sinh ngày 30/4/1949 tại thủ đô Lisbon ( Bồ Đào Nha), ông tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý và kỹ thuật, tham gia đảng Xã hội của Bồ Đào Nha và sớm trở thành một nhà chính trị. Năm 1995, ông trở thành thủ tướng Bồ Đào Nha. Khi làm thủ tướng ông đã thường xuyên có những cuộc đối thoại và thảo luận với tất cả các thành phần xã hội. Năm 2005 ông trở thành Cao ủy của Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Ông đã có nhiều nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn với làn sóng chạy trốn bạo lực từ Syria, Afghanistan và Iraq. Ông biết 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Với vài nét giới thiệu này, các em đã hình dung ra mình sẽ viết thư cho một người giỏi giang và đã trải qua những công việc lớn lao như thế nào.

anh-goi-y-upu-2017-1

anh-goi-y-upu-2017-2

anh-goi-y-upu-2017-3

Nhà văn Lê Phương Liên tại Lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU trường Nguyễn Phong Sắc (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Về người viết thư : “Hãy tưởng tượng bạn là Cố vấn (advisor)” của ông Antonio Guterres, tổng thư ký mới của Liên hợp quốc. Vậy khi đọc đề bài chúng ta sẽ có một chút suy nghĩ. Ồ, nếu đã được là cố vấn của ông Tổng thư ký thì chắc là phải có dịp gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với ông ta chứ nhỉ, sao lại phải viết thư?

Do đó trong phần mở bài, các em cần nêu lên lý do của việc viết thư, ở đây việc là thể hiện sự tưởng tượng của các em, tạo ra một tình huống, hay một cách lập luận để nói rõ vì sao lại dùng hình thức viết thư để nói chuyện với ông Antonio Guterres. Nên lưu ý các em cần mở bài ngắn gọn tránh dài dòng quá nhé.

Thân bài: nội dung chính của bức thư : “…Vấn đề toàn cầu nào bạn cần giúp ông ấy xử lý trước tiên và giải quyết vấn đề đó như thế nào?”

Chúng ta cũng cần hiểu Liên hợp quốc là gì?  Liên hợp quốc là một tổ chức quốc tế hoạt động với mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng  và quyền tự quyết của các dân tộc.

Vậy vấn đề toàn cầu mà Liên hợp quốc phải quan tâm căn cứ vào mục đích của Liên hợp quốc : “duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới

Chúng ta hãy cùng suy nghĩ : Điều gì đang đe dọa đời sống nhân loại? Mối đe dọa đó đến từ đâu?

  • Từ thiên nhiên: Biến đổi khí hậu, thảm họa động đất sóng thần, sao chổi va chạm với trái đất…Môi trường bị ô nhiễm, thiếu nước sạch…
  • Từ chính con người: Mâu thuẫn sắc tộc, chạy đua vũ trang chế tạo vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học… Nạn khủng bố… Nạn đói, nạn thất nghiệp, thất học… Xâm hại phụ nữ, trẻ em…
  • Mối đe dọa nào là lớn nhất?( Tức là Vấn đề toàn cầu nào… xử lý trước tiên?)
  • Làm thế nào để ngăn chặn những mối đe dọa đó? (Tức là giải quyết vấn đề đó như thế nào?)

Việc giải quyết vấn đề cũng cần căn cứ vào nguyên tắc chúng của Liên hợp quốc là : Dựa trên việc phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, hợp tác quốc tế, tôn trọng quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc.

Liên hợp quốc có thể đưa ra các  biện pháp:

+) Tuyên truyền  thông qua các hình thức văn học nghệ thuật các tổ chức giao lưu, festival quốc tế, tạo ra tình hữu nghị cảm thông chia sẻ giữa các dân tộc, các nước giầu, nghèo khác nhau…

+) Xây dựng một chương trình giáo dục toàn cầu từ nhà trẻ đến Đại học về tình nhân loại, trái đất là mái nhà chung của tất cả các dân tộc.

+) Xây dựng  Luật pháp quốc tế, Bộ quy tắc ứng xử, Công ước quốc tế, có các Tòa án, Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các vụ việc tranh chấp, xâm phạm … bằng biện pháp hòa bình.

+) Xây dựng đội quân quốc tế bảo vệ hòa bình, đội cứu trợ giải quyết các thảm họa…

Các em lưu ý là cần lựa chọn những biện pháp nào là ưu tiên cần làm trước nhất mà lại có ý nghĩa lâu dài, cơ bản mà lại thiết thực dễ thực hiện nhất.

Kết luận: Các em cần có lời chào, và lời chúc với ông Tổng thư ký mới của Liên hợp quốc và bầy tỏ niềm hi vọng về tương lại thế giới sẽ tốt đẹp hơn.Các em có thế nói thêm về vai trò của Liên mình bưu chính thế giới trong việc truyền bá tư tưởng hòa bình hữu nghị và tôn trọng luật pháp quốc tế. Thậm chí khuyên ông nên có một bức thư gửi toàn thế giới …

Với những nội dung như trên , các em lại cần diễn đạt bằng một giọng văn vui tươi, hấp dẫn, gây xúc động cho người đọc bằng cảm xúc chân thành khi viết. Và, điều quan trọng là Bài viết không dài quá 1000 từ.

anh-goi-y-upu-2017-4

Khoảnh khắc Nguyễn Thị Thu Trang nhận huy chương Vàng tại Đại hội Liên minh bưu chính thế giới lần thứ 26- Istanbul 10/2016

anh-goi-y-upu-2017-5

Trang bên bờ biển Istanbul, một trong những bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ thế này đã đón nhận em bé Aylan Kudri trở về với đất liền.

Đừng nghĩ là việc viết thư này là việc khó!

Hãy nghĩ rằng việc viết thư này sẽ đem lại hạnh phúc cho em và cả thế giới !

Hãy viết thư với tư thế của người chủ thế giới tương lai.

Chúc các em thành công nhé!

Nhà văn Lê Phương Liên

About admin2

Scroll To Top