Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo khó trung du miền núi phía Bắc. Cuộc sống thiếu thốn nhưng bố mẹ đặc biệt quan tâm đến chuyện ăn học của ba chị em tôi. Từ hồi tôi học tiểu học, mẹ thường mượn truyện ở thư viện trường về cho tôi đọc. Đa phần là truyện cổ tích, truyện ngắn, truyện của các nhà văn nổi tiếng. Tôi nhớ vào đầu lớp 6, tôi đã đọc hết 2 tuyển tập các truyện ngắn của Nam Cao. Đó cũng là lý do vì sao mà tôi có thể đọc sách nhanh và cũng rất ham mê đọc sách.
Tôi bị ấn tượng ngay với tên của tập truyện này – “Nhảy trên cạnh huyền”. Một khái niệm toán học “nhảy” chễm trệ trên bìa của một tuyển tập truyện ngắn. Một “Hoàng tử Rơm” của Nguyễn Thị Kim Hoà hiền hậu, dễ thương. Một “Mùa đông ở xóm chân cầu” của Trương Bảo Châu bình dị, đơn sơ. Một “Tiền của thần cây” của Võ Diệu Thanh ly kỳ, hấp dẫn. Một “Thung lũng đêm” ấm áp, cảm động…v.v. Ngoài cái tên rất thú vị ra thì còn gì lôi cuốn người đọc? Đó là nó chạm được vào những ký ức tươi đẹp trong tôi. Tập truyện ngắn như một “mồi lửa” làm ấm nóng trở lại những hồi ức tưởng chừng như đã bị áp lực “cơm áo gạo tiền” làm cho nguội lạnh.
Nhảy trên cạnh huyền – Chạm vào miền tinh khôi và lương thiện trong mỗi người
Đó là hồi ức về những trưa trốn ngủ, dãi nắng, bắt chuồn chuồn cùng đám bạn trong làng. Đó là hồi ức về những ngày thả trâu bò ở bãi bóng của xóm. Đó là những hồi ức về những đứa bạn thời mặc áo quần vá chằng vá đụp. Đó là hồi ức về những ngày giáp hạt đói kém “hỏi thăm” cả làng xã. Đó là hồi ức về những hôm trời tạnh mưa giông đi quét lá tre về nhóm bếp, đi mót lạc, mót đỗ. Đó là hồi ức về những cây kem đá mát lạnh, về những lá khoai nước xanh ngăn ngắt, về những viên kẹo cứng xanh đỏ, về miếng quế đổi hàng xén cay thơm ấm nóng, về bát cháo thí xì xụp góc làng.
Cảm xúc của tôi đặc biệt lên cao với “Thung lũng đêm”. Tình yêu thương, gắn bó giữa trẻ em và động vật dường như lúc nào cũng khiến trái tim mỗi người lỡ một nhịp đập. Tình cảm giữa Lam và nghé Hoa khiến sống mũi tôi cay cay vì tôi thấy mình trong hình ảnh của Lam. Tôi cũng đã từng như Lam, từng cưỡi trâu rong ruổi khắp đồng, từng kêu khóc khi sơ ý bị trâu giẫm chân, vừa đau vừa tập tễnh mất cả tuần, từng khom lưng khắp các bờ ruộng chọn những đám cỏ xanh non nhất cắt về cho “đầu cơ nghiệp” của nhà mình, từng lo lắng đến mất ngủ khi trâu đổ bệnh hay từng buồn đến thế nào khi chúng bị bán đi.
Rõ ràng là, với tư cách là các phẩm được giải thưởng cuộc vận động sáng tác “Gõ cửa trái tim” (2013 – 2015) do Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch tổ chức, các câu chuyện trong “Nhảy trên cạnh huyền” (NXB Kim Đồng, 2015) đều để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Nhưng hơn hết, nó giúp đánh thức những tình cảm, những cảm xúc đẹp đẽ, tích cực; nó chạm được vào miền sâu thẳm tinh khôi và lương thiện trong mỗi người. Đó là sứ mệnh của người cầm bút, đồng thời, là thứ mà trẻ con và người lớn đều cần, dù trong thời đại nào đi chăng nữa.
Bài và ảnh: Hiếu Nguyễn