Home / Bài Viết / Khi con bạn kén ăn

Khi con bạn kén ăn

Ở lứa tuổi mầm non, các món ăn với trẻ không chỉ là mùi vị, nó còn là hình dáng, là màu sắc, là tên gọi. Ở giai đoạn này, hôm nay trẻ thích ăn món này, nhưng ngay ngày mai chúng có thể đột ngột ghét tất cả các món ăn mà chúng vừa thích. Các chuyên gia gọi đây là hiện tượng kén ăn ở trẻ. Tức là, nhất định, tất cả các bữa trong ngày, trẻ chỉ ăn duy nhất một loại thực phẩm, được chế biến giống nhau.

Theo bác sĩ, đây là biểu hiện của “nỗi sợ những điều mới mẻ”. Bạn không dám thử những điều mới lạ bởi vì bạn không chắc là chúng có an toàn hay không. Sợ những điều mới thường xảy ra ở độ tuổi 4 – 5 nhưng với một vài trẻ sẽ kéo dài đến khi trẻ trưởng thành. Cho dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa, trẻ chỉ chấp nhận những thứ giống nhau và nhất quyết phải là như thế, không chấp nhận cái gì không giống với ý muốn của trẻ. Trẻ có thể không thử món ăn mới, trừ khi bạn nấu đến hàng chục lần.

Việc kén ăn cũng có thể là cách mà trẻ mầm non tuyên bố sự độc lập của mình với phụ huynh: “Bố/Mẹ không thể bắt con ăn món đó đâu”. Ngoài ra, ở độ tuổi này, trẻ không thể ngồi quá lâu một chỗ để ăn hết đồ bạn dọn ra. Bạn có thể làm cho trẻ hứng thú với đồ ăn lâu hơn bằng cách không để trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, vừa chơi đồ chơi.

Kén ăn cũng có thể là “tuyên ngôn độc lập” của trẻ với phụ huynh. Ảnh: Internet

Một vài gợi ý giới thiệu đồ ăn mới với trẻ kén ăn

Trẻ có một khả năng bẩm sinh, đó là biết rằng cơ thể mình cần bao nhiêu thức ăn để cao lớn và khoẻ mạnh, vì vậy, hãy để trẻ quyết định những gì trẻ sẽ ăn. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm đó là đưa ra nhiều lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ trong một bầu không khí tích cực, thoải mái nhất có thể để cho thời gian ăn cơm đều vui vẻ với tất cả mọi người. Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn “đương đầu” với trẻ kén ăn.

Bữa ăn đa dạng, phong phú. Với mỗi bữa ăn, bạn hãy chịu khó nấu đa dạng các món để trẻ có thể chọn lựa. Và nhớ rằng phải thật kiên nhẫn – bạn có thể phải mất rất nhiều lần để trẻ sẵn sàng thử món mới. Khi bạn giới thiệu với trẻ món ăn mới, đừng làm gì cầu kỳ, đơn giản là đặt nó trên bàn cùng các món ăn khác, và cũng đừng “kẻ cả” với con. Nếu bạn kiên quyết đặt món mới ở trước mặt con, nó có thể khiến trẻ nghĩ bạn đang đe doạ trẻ là phải ăn, nếu không ăn thì không được. Thậm chí là nếu trẻ không ăn một vài lần đầu, bạn hãy ăn món đó. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, muốn thử món ăn đó hơn khi được tận mắt nhìn thấy bạn ăn.

Khẩu phần ăn phù hợp với trẻ. Khẩu phần ăn của trẻ sẽ bằng một nửa của người lớn. Với nhiều món ăn, khẩu phần sẽ phụ thuộc vào cân nặng của trẻ. Đừng bắt trẻ phải ăn suất ăn như người lớn.

Đừng để trẻ tự do lựa chọn. Nếu bạn nói: “Bữa tối đến rồi. Con thích ăn gì nào?”. Trẻ sẽ chỉ chọn lựa những gì quen thuộc với trẻ, vì trẻ vốn đã kén ăn. Tuy nhiên, bạn chỉ cần thay đổi một chút: “Đây là bữa tối. Mẹ mời con!”. Trẻ sẽ phải lựa chọn một trong các món mà bạn bày ra. Tất nhiên, cũng đừng chỉ nấu toàn món lạ trong một bữa ăn sẽ khiến trẻ không ăn được gì cả, ít nhất, cũng nên có một món mà bạn biết là trẻ sẽ thích và sẽ ăn.

Giới thiệu món ăn mới với lượng nhỏ. Khi trẻ mầm non hứng thú với món ăn mới, hãy để trẻ nếm và yêu cầu bạn cho trẻ ăn thêm. Bằng cách này, trẻ sẽ có cảm giác mình được kiểm soát “thế trận”, bạn cũng không cảm thấy mình lãng phí thực phẩm nếu trẻ không ăn. Nếu có thể được, hãy mời trẻ thử món mới khi trẻ đói.

Hãy nhớ rằng, trẻ có khẩu vị rất nhạy cảm. Nhiều trẻ chỉ đơn giản là không thích tên gọi, màu sắc hoặc mùi vị của một số đồ ăn. Đó cũng là lý do mà trẻ không thích đồ ăn nào đó cho dù trẻ chưa thử bao giờ. Ngoài ra, một vài trẻ có thể từ chối một món ăn vì khiến trẻ nhớ lại những khi mình bị ốm, hoặc do trẻ nghe những nhận xét tiêu cực từ người khác. Nếu trẻ phàn nàn rằng một món ăn cụ thể nào đó khiến trẻ cảm thấy chán ngán, hãy dừng nấu món đó. Bạn có thể nấu lại cho trẻ ăn đến khi nào trẻ lớn hơn.

Bất cứ khi nào có thể, mời trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị nấu ăn cùng bạn: cùng đi chợ mua thực phẩm, cùng sơ chế, nấu ăn. Nếu bạn trồng rau ở nhà thì còn tuyệt vời hơn nữa, bạn có thể cho trẻ tham gia vào quá trình chăm sóc. Điều này sẽ tạo cảm giác trẻ có thể kiểm soát những gì trẻ ăn. Hoặc rất có thể trẻ sẽ thích ăn những gì trẻ được chọn lựa, được chuẩn bị. Hiệu quả cao nhất trong trường hợp này là bạn đã chọn và mua một số loại thực phẩm rồi mời trẻ chọn trong số những gì bạn vừa mua về. Hãy cùng nhau làm một cách vui vẻ và chế biến những món ăn bổ dưỡng!

Tìm kiếm phương án để gia tăng giá trị dinh dưỡng trong các món ăn mà trẻ thích. Với các món mà trẻ thích ăn, hãy cho thêm một vài thành phần để tăng dinh dưỡng mà không làm thay đổi quá nhiều mùi vị món ăn.

Dạy trẻ về dinh dưỡng hợp lý. Treo bảng màu thể hiện các nhóm thực phẩm cơ bản ở trong bếp và mỗi ngày cùng trẻ xem bảng để biết trẻ cần ăn “màu” gì hôm nay. Nói với trẻ một cách “thờ ơ cố ý” rằng món ăn đó sẽ giúp người ăn cao lớn hay có làn da đẹp..v.v. Rất có thể trẻ sẽ muốn ăn hơn.

Hãy là một tấm gương tốt cho trẻ nhìn vào và ăn các loại thực phẩm mà bạn muốn trẻ ăn. Bữa ăn trong ngày của cả gia đình là một cách tuyệt vời để kết nối với trẻ và cùng thưởng thức các món ăn bổ dưỡng.

Đừng phục vụ mọi yêu cầu của con. Ở tuổi mầm non, bạn có thể cắt món ăn thành các hình xinh xắn cho trẻ nhưng khi trẻ đã lớn hơn, hãy để trẻ ăn bình thường mà không cần bất kỳ một “chiêu trò” nào.

Thế giới của trẻ sẽ rộng lớn hơn và trẻ bắt đầu đến trường mầm non, khẩu vị của trẻ cũng sẽ đa dạng hơn. Điều này hoàn toàn hợp lý, khi ở xa nhà, trẻ sẽ không thể “kén cá chọn canh” được nữa.

Đừng bi kịch hoá nếu trẻ không lên cân

Nhiều mẹ tỏ ra sốt ruột và rầu rĩ vì thói kén ăn mà con không thấy tăng cân. Đừng khóc lóc đau khổ. Mỗi trẻ có một quá trình phát triển riêng. Mỗi giai đoạn trẻ lại phát triển khác nhau. Nếu bạn quá lo lắng, có thể tìm gặp bác sĩ nhưng đừng bộc lộ sự sợ hãi của bạn cho trẻ biết. Nếu bạn liên tục thúc ép, dỗ dành, thậm chí là đếm từng miếng trẻ ăn thì bạn sẽ chỉ làm cho trẻ ghét ăn hơn mà thôi. Cũng hãy nhớ rằng, mức độ thèm ăn của trẻ cũng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ hoạt động cũng như giai đoạn phát triển của trẻ.

Hiếu Nguyễn dịch (Nguồn: Babycenter.com , Tác giả: Hội đồng cố vấn Babycenter.com.)

Hội đồng cố vấn của BabyCenter gồm các chuyên gia uy tín và dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhi khoa, sản khoa, tâm lý học, nuôi dạy con..v.v. Hội đồng chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và phù hợp của các thông tin trên website babycenter.com.

About admin

Scroll To Top