Home / Giới thiệu sách / “Nhờ có truyện cổ tích của Andersen…”

“Nhờ có truyện cổ tích của Andersen…”

  (Nhà văn LÊ PHƯƠNG LIÊN)

 

Năm 1982, khi được học tập ở ngôi trường tại một lâu đài cổ, nằm sâu trong vùng rừng núi phía nam nước Cộng hòa dân chủ Đức ngày xưa, trong một cuộc giao lưu, tôi đã được gặp gỡ với các bạn thanh niên Đan Mạch. Đó là một buổi tối có tuyết rơi, gió rất lạnh, rừng núi âm u bí ẩn. Chúng tôi cùng ngồi uống trà nóng và tôi nói:

– Tôi đã đọc và rất thích Andersen.

Các bạn cũng như tôi đều nói tiếng Anh không thạo nhưng ngay lập tức chúng tôi cùng hiểu nhau, cùng reo lên: “Andersen! Andersen!”.

Khuôn mặt của những người bạn Đan Mạch trắng hồng rực rỡ lên, ánh mắt xanh biếc như mầu nước biển và thật là bất ngờ… buổi tối đó chúng tôi được xem một vở kịch câm diễn truyện “Nàng công chúa và hạt đậu”. Dường như có một ngôn ngữ kỳ lạ truyền cảm từ ánh mắt, từ những ngón tay, từ một dáng nghiêng nghiêng khiến cho mình vừa bật lên tiếng cười vừa trào nước mắt, một nỗi cảm thông thiêng liêng và hạnh phúc tràn ngập hồn người khi bước vào thế giới “Truyện cổ tích Andersen”… Và, ngay lúc ấy tôi cảm thấy như có bóng dáng của một người cao gầy mặc tấm áo đen vừa lướt qua cửa sổ… Hans Christian Andersen!

“Nhờ có truyện Andersen mà chúng mình đã quen nhau và chơi với nhau”. Tôi đã nói như thế với các bạn Đan Mạch trong một buổi tối ở nước Đức xa xôi.

 

Tôi biết đến truyện cổ tích Andersen lần đầu tiên ở một góc nhà trên sàn gỗ ọp ẹp nơi phố cổ Hà Nội. Vào một buổi tối mùa xuân mưa rơi mờ mịt đường phố cũ, tôi đọc truyện “Chú lính chì dũng cảm” trên những trang giấy xấu đen vàng ố, nhưng chữ đều tăm tắp và chắc chắn không có lỗi in nào. Đó là trang báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam thời mới giải phóng Thủ đô… Ngày ấy tôi chỉ là một cô bé nghèo khổ thân phận chẳng khác gì những đứa trẻ đang đi bán lạc rang trên tàu điện ngày xưa. Trái tim thơ dại của tôi cũng chưa hiểu được tình yêu. Nhưng, hình ảnh cô vũ nữ bằng giấy bay thẳng vào ngọn lửa và bùng cháy cùng chú lính chì dũng cảm đã ngời ngời trong tâm hồn tôi. Như đã gieo vào lòng tôi một mầm cây tình yêu tươi thắm, để khi tôi ngước mắt lên nhìn ngọn Tháp Bút ướt đẫm mưa xuân, tôi đã ước mơ một mùa xuân thiếu nữ như bình minh sẽ đến.

Có lẽ Andersen đã mỉm cười hóm hỉnh khi từ trên bầu trời lấp lánh ánh sao của những đêm hè năm 1971 đột nhiên nhìn thấy một người thiếu nữ (là tôi) hồi hộp, nắn nót tập viết những dòng văn đầu tiên với một tâm trạng khao khát là viết cho trẻ em đọc.

Sau này, mới được gặp, mới biết nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần đã nói chuyện, câu thơ “Cô gió chăn mây trên đồng” là Khoa đã học ở Andersen… Tôi cũng đã nói với Khoa rằng: “Nhờ có truyện cổ tích Andersen mà chúng mình có lúc đã gặp nhau”.

Vào mùa thu năm 1993, tôi đã đến Tokyo, tôi thật sự ngạc nhiên và choáng ngợp trước những tác phẩm vẽ minh họa truyện Andersen của các họa sĩ Nhật Bản. Kỹ thuật in ấn tuyệt diệu đã tôn vinh vẻ đẹp màu sắc khiến mái nhà nặng trĩu tuyết trắng trong đêm Noel như rưng rưng trước mắt tôi, khiến tôi mơ màng lâng lâng như cùng cất cánh bay trong ánh sáng của que diêm cuối cùng đưa Cô bé bán diêm lên thiên đàng với bà ngoại. Tự dưng một niềm cảm thông đã khiến mình không còn thấy lạ lẫm ở nơi đất khách nữa. Tôi cũng đã nói với các họa sĩ Nhật Bản: “Nhờ có Andersen mà chúng ta hiểu nhau và cùng đồng cảm”.

 

Có thể là nhiều người đã theo chân “truyện cổ tích Andersen” mà đi, trong số đó có những người phụ nữ như tôi.

Tháng 6 năm 2000, khi ở Việt Nam là mùa hè rực nắng thì ở Nam bán cầu trời rét thấu xương. Khi ấy tôi đã đến Melbourne (Australia), một thành phố ở rất gần Nam cực, biển ở đây cũng lạnh như biển ở Odense quê hương Andersen.

Khi tôi và con trai ngồi trên bãi cỏ và đánh rơi một vài vụn bánh mì, bỗng đâu những con hải âu trắng nuốt sải cánh rộng bay đến. Chúng xúm xít bên mẹ con tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Một lát sau, những con bồ câu cũng vẫy cánh bay đến, hồn nhiên ngước nhìn tôi rồi thủng thẳng ăn và  không quên để lại một vài vụn bánh để kẻ đến sau vẫn còn có niềm vui nhặt nhạnh.

Tôi không khỏi nhớ đến thiên truyện đặc sắc “Cô gái xéo lên bánh mì”. Không phải chỉ có hải âu và bồ câu đã đem truyện Andersen đến với tôi ở nơi xa xôi ấy, tôi đã gặp truyện Andersen thực sự trong một hiệu sách hấp dẫn nơi người ta rải thảm ấm áp và có cả những cái gối êm ái để cho trẻ con vừa nằm bò ra vừa đọc sách.

Là một người yêu quý sách, tôi đã xúc động bước vào cửa hàng sách nhỏ ấy, bên một hè phố rất vắng ở Melbourne. Cửa hàng có hai gian, bên ngoài là gian trưng bày những tủ kính sách để mọi người xem và lựa chọn giống như mọi cửa hàng sách ở Việt Nam. Nhưng, bên gian trong… có lẽ tôi thấy đó là một “thiên đường”. Nơi ấy, những đứa trẻ có thể nằm thoải mái trên thảm đọc sách miễn phí. Lại có cả những con ngựa gỗ, những con cua như một cái ghế thú vị để trẻ em có thể vừa cưỡi vừa đọc sách. Tôi đã thấy một cậu bé tóc vàng nín thở và khẽ thổi vào trang giấy mỏng để nó bay sang trang… Dễ thường cậu bé sợ rằng nếu lật trang sách một cách thô bạo thì có thể “Cô bé tí hon” huyền ảo có thể sẽ rơi ra khỏi chiếc nôi bằng vỏ hạt dẻ mỏng manh. Lúc ấy những người lớn trong hiệu sách không ai dám nói to, không ai dám đi nặng bước chân để tôn trọng thế giới trẻ thơ kỳ diệu.

Tại những hiệu sách thiếu nhi như thế, nơi có cả sách mới, có cả sách cũ giảm giá, tôi đã tìm được tuyển tập truyện cổ tích trẻ em thế giới, trong đó có những truyện cổ Andersen đặc sắc nhất. Tôi nghĩ rằng, lúc sinh thời, Andersen chắc chưa bao giờ đặt chân tới Australia, nhưng các nhân vật trong truyện cổ tích của ông đã đi xa và sống lâu hơn ông rất nhiều.

Năm 2001, tôi đã đến Buôn Đôn ở cách thành phố Ban Mê Thuột (Đăk Lắk) không xa lắm. Nơi có dòng sông Xrepok chảy xiết và đàn voi thuần thục là bạn với con người. Tôi đã gặp các em bé người Êđê tập đọc những truyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế”; “Vịt con xấu xí”; “Bầy thiên nga” bằng những ấn phẩm xinh xắn của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tôi đã cùng cười, hòa với tiếng cười như pháo nổ của trẻ con Tây Nguyên khi gấp lại trang cuối cùng của những thiên truyện Andersen.

Ôi chà chà, nếu tất cả trẻ con đang đọc Andersen giờ này trên trái đất cùng nắm tay nhau lại thì có lẽ chúng ta có cả một vòng ôm trọn quả địa cầu. Ý nghĩ vui vui ấy có lẽ không hoàn toàn hoang tưởng.

Một trong những nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam, say mê, yêu quý và tôn thờ Andersen như một vị thánh, đó là nhà văn Trần Hoài Dương. Ông là người cả đời viết cho thiếu nhi, cả trăm truyện ngắn, cả chục đầu sách của ông đều hướng theo nghệ thuật thẩm mỹ của Andersen với vẻ đẹp trong tâm hồn, sự kỳ diệu trong cách nhìn thế giới vừa thật vừa ảo, những rung cảm tinh tế trong từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt nhìn hoa, nhìn lá…

Nhà văn Trần Hoài Dương đã ra đi trong một ngày tháng 5 năm 2011, ở một thành phố phương nam xa quê hương đất Bắc của ông cả ngàn dặm. Việc ra đi của ông, một nhà văn viết cho thiếu nhi Việt Nam cũng rất thanh thản và kỳ ảo như những nhân vật của Andersen. Những nhân vật như Cô bé bán diêm, Chú lính chì dũng cảm, Nàng tiên cá… đều là những người bạn thân của nhà văn Trần Hoài Dương, ông đã suốt đời yêu tha thiết và khao khát được gặp gỡ nơi vĩnh cửu.

Sự tồn tại trần thế của mỗi con người đều là hữu hạn, nhưng sức sống của các nhân vật văn học lại là vô hạn.

Chẳng hiểu sao, mỗi lần mở trang sách bước vào thế giới truyện cổ tích Andersen, tôi thấy những con chữ không chỉ là chữ mà đã sống dậy, khiến cho mình bật cười, bật khóc. Dẫu có buồn da diết như biết rằng mình sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại được một người bạn thân yêu, nhưng tâm hồn mình bỗng bừng thức như có tiếng “chim họa mi” hót, rồi mình như chú “vịt con xấu xí” bỗng lớn lên lúc nào không hay và tung cánh bay lên như một nàng thiên nga…

Viết lần đầu 2005-sửa lại 2011. L.P.L

About admin2

Scroll To Top