Thưa cô Thuỵ Anh. Cháu đang là học sinh lớp 12. Có lẽ mọi người hay nghĩ là đến thời điểm này, chắc ai cũng đã đưa ra một lựa chọn, một quyết định cho tương lai của mình. Nhưng cháu vẫn đang rất băn khoăn, cảm giác như bị mất phương hướng vậy, không biết mục đích của mình là gì. Cháu không biết mình thích gì và có khả năng làm được gì. Cháu từng muốn trở thành một doanh nhân nhưng lại thấy rằng kinh tế đâu có hợp với một đứa ngại thay đổi và khả năng giao tiếp hạn chế như mình. Khi bỏ ý nghĩ đó, cháu tự nhắc bản thân phải quyết tâm trở thành một hoạ sĩ giỏi nhưng cũng đâu có dễ, vì bố mẹ không thích cháu học mĩ thuật, nó không phải một công việc ổn định, còn cháu thì lại không chắc mình có thể sáng tạo và có khả năng ấy. Rồi sau lại tự hỏi, hai trở thành một nhà báo nhưng nhìn lại điểm văn lại luôn ở dạng bình thường của mình liệu có thể cố gắng được không? Thực sự cháu không biết phải làm thế nào để biết ngành học nào sẽ phù hợp với mình nữa. Cháu không biết đích đến của mình nên cũng không có được sự quyết tâm hoàn toàn trong học tập. Rồi lúc nào cũng cảm thấy tự ti, kém cỏi. Cô có thể tư vấn giúp cháu vượt qua trạng thái hiện tại không ạ? Cháu rất mong nhận được lời tư vấn của cô.
Cháu cảm ơn cô ạ.
Lê Thị Thuý
Lớp 12 A2, THPT Ân Thi – huyện Ân Thi – Hưng Yên
TRẢ LỜI EM THUÝ:
Thuý thân mến,
Đọc kỹ thư của Thuý, cô hiểu ra rằng, vấn đề của em không nằm ở việc chọn ngành nghề để thi và theo học. Chuyện chọn ngành học là câu chuyện dài, còn có thể thay đổi trong quá trình học hoặc thậm chí sau đại học. Vấn đề em đang phải đối mặt ở đây là em đang thấy mất động cơ học – không hiểu học thế nào, học gì, học để làm gì, từ đó cảm thấy hoang mang, tự ti, thấy mình có vẻ như kém cỏi, không bằng mọi người!
Thuý ạ,
Em có đề nghị rất hay: “Cô có thể tư vấn giúp cháu vượt qua trạng thái hiện tại không ạ?”. Vậy mình hãy thử thay đổi cách nghĩ về mình, về việc học và nghề nghiệp trong tương lai nhé!
Em hãy lấy nhiều mẩu giấy nhỏ, trên mỗi mẩu giấy, em viết những gì em thấy tự hào hoặc đưa ra những thông tin tích cực về mình. Cô đưa câu hỏi gợi ý nhé:
- Điểm số cao nhất em từng đạt được là điểm bao nhiêu, của giờ kiểm tra 15 phút hay 45 phút, hay một cuộc thi?
- Em biết làm gì giỏi hơn một vài người?
- Nhớ lại cảm giác hài lòng, tự hào về mình trong một hai năm trở lại đây, đó là trường hợp nào?
- Em hãy nhắm mắt tưởng tượng mình vào vai một ai đó. Em muốn nhìn thấy mình trong hình ảnh của ai?
- Tính cách nào ở mẹ em, em thấy thú vị và lôi cuốn nhất?
- Tính cách nào ở bố em, em thấy thú vị và lôi cuốn nhất?
- Em thấy mình giống bố hay mẹ?
- Một cuốn sách em thích nhất.
- Một bộ phim gần đây em mới xem và khiến em rung động?
- Một ca khúc em yêu thích hơn cả?
- Bức tranh em từng xem và tâm đắc?
- Món ăn em yêu thích? Món ăn em biết nấu…
Sau khi viết ra hết, em thấy rõ, mình là người không đến nỗi nhạt nhẽo, cũng có những thông tin có thể chia sẻ với mọi người, phải không? Một người chỉ cần trả lời ngay lập tức được 5, 6 câu trong số 12 câu hỏi trên là người đó vẫn có thể tự mình vượt qua những hoang mang và cảm giác mất phương hướng, chẳng muốn làm gì nữa.
Thường thì người ta hay phải tìm ra khả năng tiềm ẩn của mình, sự yêu thích và đam mê của mình để quyết định hoạt động nghề nghiệp. Nhưng cũng có một lý thuyết khác rất hay là: hãy thử làm một việc, tìm mọi cách ép mình vượt qua khó khăn và sự e ngại, chán nản, cố xoay sở cải tiến phương pháp để kết quả được tốt hơn và cuối cùng là cảm thấy việc mình làm bỗng trở nên có ý nghĩa dù kết quả chưa hoàn toàn như ý. Lý thuyết này giúp cho một người vận động tích cực hơn, cảm giác tự tin sẽ nhận được qua quá trình đó… Cô thấy, em có thể thử dùng cách này. Ví dụ, em lựa chọn một môn học mà em chưa thấy đam mê, như môn Văn, để chinh phục nó. Môn Văn không chỉ là việc học thuộc lý thuyết văn học hoặc lịch sử phát triển văn học, cũng không chỉ là việc em viết một bài văn nghị luận thật hay. Văn còn là cách em đọc, ghi chép và diễn đạt . Mỗi ngày, em chọn một đoạn văn ngắn trong cuốn sách bất kỳ, thử ghi ra những từ khoá quan trọng nhất, cố gắng nắm bắt logic của tác giả, rồi diễn đạt lại những ý đó theo cách của em. Nghĩa là, em tự đặt cho mình một thử thách. Vượt qua thử thách đó, em bỗng có một niềm vui, niềm tự hào nho nhỏ mỗi ngày. Chính điều đó sẽ khiến em tự tin hơn, hào hứng hơn với việc học và với cuộc sống.
Trở lại với việc chọn ngành học, cô cho rằng, em vẫn còn thời gian để làm việc này nếu em bắt đầu thử làm theo cách cô nói ở trên. Sau khi lấy lại được tự tin, cảm giác lạc quan, em có thể tham khảo ý kiến các thày cô bộ môn để quyết định cho mình một hướng đi. Đừng lo quá, em còn cả một học kỳ để làm việc này!
Cô sẽ trích lại một số thông tin cô từng viết trong thư chia sẻ với một bạn cách đây vài tháng về vấn đề hướng nghiệp theo THIÊN HƯỚNG CỦA BẢN THÂN để em suy nghĩ thêm. Tuy nhiên, em cũng đừng cho rằng, quyết định lần này của mình là duy nhất và bất biến, rằng mình đã chọn thi vào báo chí là bắt buộc phải thành nhà báo, không còn đường khác. Thật ra, việc học đại học cho mình phương pháp làm việc, nghiên cứu ban đầu, còn hoạt động nghề nghiệp sau này phần nhiều còn thay đổi nhờ các cơ hội mình sẽ có, và việc trải nghiệm, tự học, tự đào tạo sau này mới là quan trọng. Cho đến khi thực sự đạt đến độ chín để hiểu mình, nắm bắt được nhu cầu và năng lực của mình, hoạt động nghề nghiệp của em tự nhiên sẽ được xác định dễ dàng.
THÔNG TIN THAM KHẢO VỀ THIÊN HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP:
1. Thiên hướng nghiên cứu:
– thích ĐỌC: có khả năng nhớ tốt các chi tiết sau khi đọc, giữ được tập trung lâu khi đọc hoặc nghe người khác đọc, có vốn từ và cách diễn đạt tốt, biết cách đọc diễn cảm, nhấn nhá từ khoá quan trọng trong khi đọc;
– với TOÁN HỌC: từ bé dễ dàng nắm được những khái niệm về các con số, thời gian, thích đếm và tính tiền tốt, dễ dàng tính nhẩm, thích thú khi được đố và giải toán;
– với KIẾN THỨC VỀ TỰ NHIÊN: thích tìm hiểu và hỏi kỹ về các hiện tượng tự nhiên, hay quan tâm đến nguồn gốc và chức năng của các sự vật, thích thử nghiệm, háo hức với các thí nghiệm khoa học, luôn có những nhận xét mang tính phân loại các sự vật hiện tượng…
2. Thiên hướng tư duy sáng tạo: luôn tò mò tìm hiểu và đắm chìm trong một hoạt động nào đó không dứt ra nổi; trong các việc không muốn dập khuôn, thích làm theo kiểu của mình, dễ tự ái nếu ai đó bắt mình làm theo cách của họ; tỏ ra nhiều sáng kiến, ý tưởng mới lạ trong các trò chơi; tự mình sáng tạo ra trò chơi để rủ các bạn cùng chơi; nhìn bất kỳ đồ vật nào cũng có thể nảy ra ý tưởng sử dụng nó vào một mục đích nào đó…
3. Thiên hướng giao tiếp xã hội và lãnh đạo: luôn dễ dàng thích nghi với môi trường mới, tập thể mới; trong khi chơi trò chơi, luôn được bầu làm thủ lĩnh; trong đám đông không tỏ ra mất bình tĩnh và tự tin; không sợ nói chuyện với… người lớn; hay được bạn bè tâm sự và hỏi ý kiến…
4. Thiên hướng nghệ thuật:
– Với HÌNH ẢNH, MÀU SẮC – quan tâm đến tranh vẽ, hình ảnh, từ bé khi vẽ, bức tranh đã có nhiều màu sắc thú vị; thích vẽ thích nặn đất trong một thời gian dài không chán; luôn tỏ ra khéo tay khi làm một việc gì đó hoặc sắp xếp đồ vật;
– với ÂM NHẠC: tỏ ra nhạy cảm với tâm trạng cảm xúc khi nghe nhạc buồn vui; nhớ và nhận biết giai điệu rất nhanh; thích hát theo những ca khúc quen; dễ dàng lặp lại những đoạn âm thanh lạ…
5. Thiên hướng vận động: thích chạy nhảy, bơi lội, bò trườn; ném và bắt bóng (đồ vật) tốt; giữ cân bằng cơ thể rất tốt khi chơi các trò chơi đi trên hàng thẳng; sức bật tốt; thích tham gia các cuộc thi vận động ngay từ nhỏ…
Chúc em vui lên và không sợ chọn cho mình một thử thách! Nhớ thư cho cô biết tin về quyết định của mình nhé!
Cô Thuỵ Anh