Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tại sao phải so sánh…?

Tại sao phải so sánh…?

Cháu chào cô Thuỵ Anh.

Chẳng biết từ khi nào, môn Văn đã có chỗ đứng trong lòng em. Em yêu thích nó bằng cả trái tim, mong muốn khi lên học THPT sẽ được vào khối chuyên Văn. Nhưng gia đình em lại muốn em vào khối chuyên Toán bởi một lí do rất đơn giản: Muốn em được giống anh của mình. Tiếp đó, dù đã cố gắng học tập, nhưng em luôn bị đánh giá thấp hơn anh, gia đình luôn lấy anh làm khuôn mẫu và bắt em phải cố gắng học theo. Em biết một câu nói: “Mỗi người là một bản thể”, nhưng thật sự em thấy điều đó không được áp dụng với em, cho nên em cảm thấy không được tôn trọng. Tại sao người lớn cứ hay so sánh người này với người kia? Thật sự em cảm thất không thoải mái chút nào khi nhận thấy điều đó.

Vậy theo cô, việc so sánh người này với người kia có nên không và nếu có thì nên như thế nào?

Nguyễn Ngọc Sơn (Lớp 9B, THCS Nguyễn Thượng Hiền, Ứng Hoà, Hà Nội)

———-

Sơn thân mến,

Câu chuyện bố mẹ, người lớn so sánh con mình với ai đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, gần như hồi trước, cô và các bạn cô, ai cũng gặp! Mẹ cô có một người bạn gái thân, cũng có một con gái trạc tuổi cô. Hồi ấy bọn cô 10-11 tuổi. Mẹ này thì chép miệng ước, giá con mình chăm làm việc nhà hơn, giống bạn kia. Mẹ kia thì cứ tấm tắc, bạn này học siêu, đi thi Văn cấp quận hẳn hoi, mà con mình thì viết một câu cũng chưa ra hồn!!! Các bố các mẹ có lý do của mình khi cứ so sánh “con mình” với “con người ta” như vậy. Đó có thể là thật sự khâm phục một người khác, thầm mong ước con mình cũng làm được như thế. Nhưng cũng nhiều bố mẹ đơn giản chỉ muốn “khích tướng”: so sánh thế để tạo động lực cạnh tranh, may ra con mình nghe thấy tự ái mà cố gắng hơn… Tất thảy vẫn chỉ có một mục đích: muốn tốt hơn cho con mình!

Nếu ta hiểu rõ mục đích của bố mẹ, phần nào sẽ thấy bớt bức xúc, thương và thông cảm với bố mẹ hơn, em ạ. Sau này, khi em làm phụ huynh rồi, như cô bây giờ, sẽ hiểu hết lòng mong mỏi của họ đối với đứa con thương yêu của mình… cho dù, mục đích thì chuẩn còn phương pháp thì lại sai!!!

Các bố mẹ, người lớn nói chung thường không lưu ý kiểm soát lời nói của mình. Họ quá sốt ruột muốn trẻ con tiến bộ hơn, đôi khi đã vô tình gây tổn thương cho con mà không biết. Cô vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác… uất ức, tủi thân của mình ngày nhỏ, khi mình bị so sánh với ai đó. Còn ngược lại, khi ai đó bị so sánh với mình thì cũng thật là “thảm hoạ”! Mình không sung sướng, hãnh diện gì thêm mấy!

Em nói đúng, mỗi người là một cá thể độc lập, không lặp lại… Mà ngay cả khi bây giờ, khoa học đã có thể nhân bản vô tính một người, thì cô vẫn tin, một con người tồn tại trên đời vẫn là duy nhất với những cảm xúc và cách ứng xử của mình trong từng hoàn cảnh cuộc sống khác nhau. Chúng ta phải biết nhìn thấy giá trị riêng của người đó. Và nếu có so sánh, hãy so sánh người ấy với chính anh ta trong từng thời điểm phát triển khác nhau để thấy sự tiến bộ hoặc sự thay đổi…

anh tai sao phai so sanh

Tại sao phải so sánh? (ảnh internet)

Với trường hợp cá nhân em, nghe câu chuyện em kể, cô cũng chia sẻ với em mọi sự khó chịu, bất bình. Tuy nhiên, không nên giữ trong mình mà không nói ra. Và nếu nói ra, phải có cách để bố mẹ hiểu thông điệp của mình mà không tự ái, giận dỗi nhau. Cô nghĩ, em có thể viết một lá thư thật tình cảm, mô tả cho bố mẹ nghe cảm giác buồn, hoang mang, thất vọng của mình mỗi khi bị so sánh với anh. Hãy kể cho bố mẹ nghe niềm say mê của mình, những dự định của mình, mơ ước của mình… Bức thư chính là một bài văn nghị luận, có thể thuyết phục được người đọc, truyền cho họ cảm hứng của mình với môn Văn. Bức thư cũng là một cách chứng minh khả năng của em, cái giỏi ở khía cạnh riêng của em… Cô cho rằng, bố mẹ sẽ rung động. Chẳng phải học Văn là để dùng vào những lúc này sao? Dùng lời văn để giãi bày, chứng minh, thuyết phục…

Lưu ý, viết thư tha thiết và lễ phép, dù trình bày về những vấn đề đang khiến em bức xúc. Viết xong, đọc lại, em hãy đặt mình vào vị trí của bố mẹ để đoán xem ảnh hưởng của lá thư sẽ đến mức nào khi mình là một bậc phụ huynh thương con, muốn hướng con đi theo con đường mà mình thấy có sự đảm bảo ổn định, chắc chắn, an toàn nhất.

Một học giả uyên bác của Việt Nam chúng ta, ông Nguyễn Duy Cần, đã từng viết: “Hãy để cây hồng nở ra hoa hồng, cây lan nở ra hoa lan”… chứ không phải ép cây hồng nở ra hoa lan và ngược lại. Hồng cũng sẽ còi cọc mà lan cũng sẽ không đẹp được như ý. Vậy thì, quan trọng nhất là phát hiện được mình hợp, mình giỏi với môn gì, làm được việc gì – là hoa lan hay hoa hồng, để mà phát triển.

Cô tin, em sẽ viết thư kể với cô, rằng giữa bố mẹ và em, tình hình đã tiến triển tích cực hơn, hiểu nhau hơn…

Thân mến,

Cô Thuỵ Anh. (Bài đã đăng trên tạp chí Văn học và tuổi trẻ)

About admin2

Scroll To Top