Home / Bài Viết / Thời trang, mốt và tuổi học trò

Thời trang, mốt và tuổi học trò

Em rất vui mừng khi biết chuyên mục “Góc tư vấn tuổi hồng” xuất hiện trong tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Em mong Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh có thể giúp em giải đáp một vướng mắc. Theo em thấy, hiện nay việc chạy đua theo mốt đang là một xu thế của xã hội, đặc biệt là đối với một số học sinh nữa lứa tuổi như chúng em. Mẹ em thường tỏ ra không tán thành khi em sử dụng những thứ đang theo thời trang, không giống với học sinh. Nhưng theo em nghĩ thì cũng không hẳn là như vậy. Việc ăn mặc theo thời trang cũng chỉ là để thay đổi cách nhìn cho mới mẻ hơn mà thôi, và chỉ cần không quá thường xuyên là được. Một lần, chị em đưa em một chiếc áo crop-top rất đẹp và cũng không kém phần “gợi cảm” nhưng em từ chối vì nghĩ mẹ sẽ không đồng tình. Bây giờ, thực sự em rất hoang mang không biết việc chạy đua theo thời trang như hiện nay là tốt hay không tốt, vì em cũng đã được thấy một số câu chỉ trích của cư dân mạng đối với một số chị em gái “diện” những bộ đồ như thế.

Em mong cô Thụy Anh có thể phân tích cho em về lợi ích và tác hại của việc ăn mặc theo mốt như hiện nay. Và em có nên đồng tình, tán thành các ý kiến cho rằng việc ăn mặc như thế là không tốt hay không? Em xin chân thành cảm ơn cô.

Trần Thị Minh Ngọc (Lớp 8A – THCS Lý Nhật Quang – Đô Lương – Nghệ An)

anh-thoi-trang-hoc-tro-2

Minh Ngọc thân mến,

Thời trang và “mốt” là những khái niệm luôn tồn tại song song với cuộc sống chúng ta. Vì thế, muốn hay không muốn, rồi chúng ta cũng phải nghĩ đến chúng, hoặc tranh cãi về chúng! Mà những cuộc tranh cãi diễn ra nhiều nhất lại là câu chuyện giữa các thế hệ trong xã hội và trong gia đình – giữa bố mẹ và con! Những người lớn với các quan niệm thẩm mỹ đã được xác lập lâu rồi qua năm tháng sẽ cảm thấy khó vừa mắt với những mới mẻ, táo bạo của thời trang người trẻ. Mà bản chất của “thời trang” là phá cách, mới, “độc”, trước đó chưa ai có, ít người dám thử nghiệm. Chỉ có người trẻ mới muốn “liều” thử, không ngại khen chê đẹp hay xấu, miễn sao có cảm giác khác biệt, thú vị. Những người trẻ lại nhanh chóng “bắt chước” nhau, tạo thành trào lưu, khiến thời trang trở thành “mốt”… Cô diễn giải dài dòng vậy để em cũng thông cảm với mẹ, vì sau này khi làm mẹ, rất có thể chính em cũng sẽ có những phàn nàn về “gu thẩm mỹ của bọn trẻ” y như mẹ em đang không hài lòng với cách ăn mặc “không giống học sinh” của em bây giờ vậy. Đến lúc ấy, hẳn em sẽ nhớ lại câu chuyện của chúng ta để lại thông cảm hơn với con mình, nhỉ?

Thời cô còn đi học cũng từng có tranh cãi gay gắt về mốt “áo túm”, “quần bom”, “áo cánh dơi”… Thế rồi thời gian qua đi, những cái mốt ấy cũng biến mất để rồi lại rộ lên mốt khác. Còn những cuộc tranh cãi thì vẫn cứ kéo dài vô tận…

Điều gì cũng có hai mặt của nó: có cái hay và có điều bất cập. Cá nhân cô thấy việc quan tâm đến thời trang, muốn thay đổi mình trong ăn mặc, phá cách chút là điều rất nên làm, nhất là khi ta còn trẻ. Nhưng việc này không có nghĩa là nên “chạy theo mốt”. Định hình gu cá tính của mình không đồng nghĩa với việc mình bất chấp tất cả, mặc theo kiểu thiên hạ đang đổ xô vào. Thế là thiếu bản lĩnh. Thêm nữa, cần lưu ý:

Phù hợp với hoạt động: trong trường học mặc áo hai dây cũng giống như đi biển xúng xính váy áo dạ hội vậy. Nó gây khó khăn cho hoạt động của mình, khiến mình trở nên “kệch cỡm”, ngốc nghếch trong mắt mọi người. Ngoài ra có những quy ước chung về trang phục khi dự tiệc, đi nhà hát, đám cưới, lễ tang, nhà thờ, chùa chiền… muốn hay không muốn mình cũng phải biết để không trở thành vô tâm, phản cảm.

Khả năng tài chính: việc thay tủ quần áo mỗi năm, mỗi quý cũng là gánh nặng tài chính – gánh nặng mà em chưa phải gánh nó, vô tình trút lên người khác.

An toàn của bản thân: đã có nhiều thông tin về việc ăn mặc quá gợi cảm của các cô gái nơi công cộng dẫn đến việc họ trở thành mục tiêu đùa cợt hoặc tấn công của đám người xấu.

anh-thoi-trang-hoc-tro-1

Ảnh minh họa: internet

Trước đây các cụ mình có câu: “Ăn ta, mặc người”. Nghĩa là ăn ngon hay không ngon là vấn đề rất cá nhân, ăn là cho mình. Nhưng mặc đã không còn liên quan đến cá nhân mình nữa, mà đã phải chịu cái nhìn từ bên ngoài. Mặc không chỉ để thoả mãn ý thích của mình mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Cho nên, đã dám “chạy theo mốt” thì cũng phải dám nghe chỉ trích! Cô cũng không thích suy nghĩ cực đoan, gò ép tất cả vào một khuôn mẫu, đưa ra những nhận xét đầy định kiến đối với việc ăn mặc của người trẻ. Cứ mạnh dạn sáng tạo khi có dịp – lúc đi chơi với bạn, đi sinh nhật, dã ngoại, dạo phố… nếu thấy mình thực sự hợp, phong cách ăn mặc khiến mình tự tin hơn, vui vẻ hơn, muốn “toả sáng” hơn. Mặc vì mình thích thật sự chứ không phải vì thấy người ta mặc thì mặc theo. Đừng quên chụp ảnh lại để sau này kể cho con cháu, rằng thời của mẹ, thời trang là thế đấy! Và cũng năng thảo luận, thủ thỉ với mẹ để mẹ gần mình hơn, biết đâu gu ăn mặc của mẹ cũng có chút thay đổi, trẻ trung hơn? Hỏi mẹ xem màu này đi với màu kia sẽ tạo hiệu ứng gì, vui hay buồn, trong một ngày chuyển mùa chẳng hạn! Mẹ và con gái rất nên chia sẻ những câu chuyện ấy.

Chúc em thấy vui với chủ đề thời trang này. Em có thể đưa ra để nhóm bạn gái cùng bàn luận, cùng sáng tạo, thay đổi những bộ cánh cũ chỉ bằng những phụ kiện nhỏ như cái khăn, cái nơ, cúc áo…

Thân mến,

Cô Thuỵ Anh (Bài đăng trên Tạp chí văn học và Tuổi trẻ)

About admin2

Scroll To Top