Bé Huy 4 tuổi, thấy mẹ về chạy ra mách: “Mẹ ơi, chị Hà toàn đánh con, xoắn tai con nữa!”. Chị Hà là chị giúp việc nhà Huy, mặt đỏ tía tai, nói to bực bội: “Nói điêu! Đồ nói điêu!”.
Bé Tùng học lớp 2, đi học về kể: “Cô toàn cốc đầu con đau lắm, làm hôm nay con chẳng học bài được vì đau đầu chóng mặt.” Chừng chưa đủ thê thảm, bé chua thêm: “Với cả buồn nôn ơi là buồn nôn mẹ ạ!”…
Nghe con nói thế, mẹ nào chẳng choáng! Có người thì xót con mà mắng át người giúp việc, trách móc cô giáo. Có người thì lại nửa tin nửa ngờ… Các cụ chẳng từng bảo: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” đấy sao! Trẻ con có gì chúng nói ra hết, đến tận cùng của sự thật!
Stop! Hãy thận trọng!
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ rất nên cẩn trọng trước khi hoàn toàn tin tưởng vào “sự thật” của con. Thực tế cho thấy, đến một độ tuổi nhất định, thường là từ 3 tuổi trở lên, rất nhiều em bé bắt đầu có hiện tượng “nói sai sự thật”. Tôi không muốn dùng từ “nói dối” ở đây, vì đó không phải là tên gọi chính xác của hiện tượng này. Hiện tượng “nói sai sự thật” có nhiều cấp độ khác nhau và cũng bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân:
1. Bé con kể những điều xảy ra với mình, nhưng lại không có thật. Chẳng hạn: “Mẹ ơi, hôm nay con ăn ba bát cơm” (mà thực tế là bé hôm ấy bỏ cơm), hoặc: “Con bị hàn răng đấy” (mà thực tế là răng bé vẫn rất ổn, chỉ có bà ngoại đi hàn răng mới về mà thôi!), hay: “Bà ơi, bố cháu ở Sài Gòn về rồi đấy” (mà thực tế là bố của bé vẫn đang trong chuyến công tác dài ngày ở thành phố phương Nam ấy). Kiểu nói sai sự thật thế này có thể khẳng định không phải là “nói dối” mà chỉ là một cách phát triển trí tưởng tượng ở trẻ mà thôi. Đó còn có thể là cách bé nói lên mong muốn của mình, thay vì nói “Con muốn…”. Ngoài ra, đôi khi các bé thích trêu chọc người lớn bằng những thông tin không có thật như thế, rồi khi người lớn tin thì cười vang thích thú. Thường ở cấp độ này, những lời của bé nói ra có tính chất “đại ngôn”, khoác lác, ngay lập tức đã thấy là khó tin, buồn cười, kỳ quặc, không hợp logic.
2. Trẻ hồn nhiên nói sai sự thật, một cách vô hại, chỉ để gây sự chú ý của mọi người xung quanh, để nhận được lời khen mà bé cảm thấy thiếu thốn. Chẳng hạn, con trai 7 tuổi của bạn tôi một thời gian dài đi học toàn bị điểm 6, điểm 7 môn Toán, cứ về đến nhà là mẹ lại thở dài ngao ngán, không hiểu sao cu cậu không thể có được điểm cao hơn. Một lần, bé về nhà hớn hở khoe: “Con được điểm 10 Toán!”. Cả nhà hân hoan, bố mẹ vừa khen vừa thưởng cho đủ thứ hay ho. Nhưng đến lúc bố mẹ muốn nhìn tận mắt cái điểm 10 hiếm hoi ấy, thì cu cậu lại lúng túng. Hỏi cô, thì cô bảo không có…
3. Bé lười, ngại, hoặc sợ làm một việc gì đó, nhưng lại không muốn thú nhận sự lười, sự ngại và sự sợ hãi ấy của mình, và giữ “thể diện” bằng cách nói sai sự thật. Ví dụ, “Con đánh răng rồi!” (thực tế là chưa, vì bé sợ ma không dám vào nhà tắm một mình), “Con đi tè rồi” (thực tế là chưa, vì bé mải chơi không muốn ra ngoài giữa chừng), “Cô chẳng giao bài tập gì về nhà cả!” (thực tế là có, nhưng bé ngại làm quá, nói đại như vậy cho xong, rồi mọi chuyện tính sau!). Trẻ thường không bao giờ lường được những hậu quả của việc nói sai sự thật này của mình, cũng chẳng nghĩ xa hơn, xem bố mẹ có tin những lời ấy không và có áp dụng phương cách nào để làm sáng tỏ sự thật hay không. Giải pháp đến trong tích tắc, và bé nghĩ là làm thôi!
4. Bé sợ tội, sợ bị mắng, bị phạt, nên có “hành vi” chối tội, không dám dũng cảm nhận lỗi, bằng cách nói sai sự thật. Ở cấp độ cao hơn, bé còn đổ lỗi cho người khác. Khi bị phát giác là nói sai sự thật, bé sẽ loanh quanh tìm cách ngụy biện, giải thích đến là dài dòng!!!
5. Cấp độ cao hơn cả, là khi bé bắt đầu nói sai sự thật với mục đích rõ ràng. Ví dụ, trẻ muốn mua đồ chơi lại thông báo với bố mẹ là cần nộp tiền mua sách cho lớp. Hoặc vì muốn “trả thù” chị giúp việc đã không cho mình xem tivi nhiều mà bé Huy mách mẹ như ở ví dụ trên kia, với mong muốn mẹ sẽ phạt chị! Vì muốn được nghỉ học, vì muốn mẹ tỏ ra thương xót khi nghĩ cô giáo không quý con mình, đối xử bất công… mà bé Tùng “dựng chuyện” cho cô giáo, hoặc có một lại nói ra mười – cô cốc đầu nhẹ lại thêm dấm ớt cho câu chuyện có phần kinh khủng! Ở cấp độ này, bé không bị động mà đã suy nghĩ chuẩn bị “kịch bản”. Và thường thì hiện tượng này sẽ xảy ra thành hệ thống, không phải một lần mà nhiều lần trong thời gian dài.
Vậy cha mẹ phải làm sao đây – tin hay không tin bé con của mình?
“Chiến đấu” với bất kỳ thói quen xấu nào của trẻ, kể cả việc nói sai sự thật, cũng đều cần đến tình yêu và … lòng tin!
Thái độ của người lớn: bình tĩnh!
Trước hết, đương nhiên là phải tìm hiểu xem bé nói đúng hay nói sai. Nếu sai sự thật thì hiện tượng ấy đang ở cấp độ nào. Muốn vậy, bạn hãy:
– Hỏi han mà không tỏ ra nghi ngờ: coi lời của con là một giả thiết; bạn chỉ cần tìm các “luận điểm” để chứng minh giả thiết ấy bằng cách hỏi han con về thông tin ấy. Nếu bạn thấy nội dung có vẻ như hơi “đại ngôn” khó tin (như cấp độ 1) thì hãy dùng thái độ “đồng lõa”, đùa cợt để “thẩm tra”. Chẳng hạn, “Ối thật hả? Cho mẹ xem cái răng bị hàn nào? Thế có đau không? Ai hàn cho con? Ai đưa con đến bác sĩ hay con tự đi thế? Cái răng bị hàn nó có biến thành màu hồng không?…” Chỉ vài câu nói, “bản chất sự việc” sẽ lộ ngay ra thôi mà. Riêng những hiện tượng ở cấp độ 1, bạn hãy có thái độ vui vẻ và tiếp tục trò chơi mà bé khơi mào, nhưng cuối cùng thì bằng cách nào đó, kết luận với bé rằng, bạn hiểu đó là một trò chơi của trí tưởng tượng mà thôi. Ví dụ, với trường hợp cái răng: “Hihi, thôi mẹ con mình đi đánh răng đi. Nếu mà không đánh răng á, thì sau này con sẽ bị hàn răng thật đấy chứ chả đùa đâu!”.
Ở trẻ nhỏ, nhu cầu được tưởng tượng, phóng đại… là một nhu cầu có thực.
Nó cho ta thấy bé đang lớn, đang phát triển về mặt tư duy, đang trong quá trình tích lũy vốn sống, thể hiện vốn sống, vốn từ vựng của mình qua những câu chuyện tưởng tượng. Bên cạnh đó, những trò tưởng tượng của bé lại phản ánh cả tâm lý của bé nữa: những gì bé đang lo lắng, đang mơ ước, đang yêu thích hoặc đang chán ghét. Chịu khó nghe chuyện của bé, là “đồng minh” với bé trong cuộc phiêu lưu kỳ thú có sự tham gia của sự tưởng tượng – đó là điều bố mẹ cần làm lúc này.
– Kiểm tra: Với hiện tượng nói sai sự thật ở các cấp độ khác, ta có thể kiểm tra, nhưng với thái độ vui vẻ, nhẹ nhàng, chứ không phải “biết tỏng là nói dối rồi, mẹ tìm bằng chứng”. Sau khi có được bằng chứng thì hãy thử nêu lý do của sự việc và tỏ thái độ thông cảm với điều ấy – “Con đánh răng rồi mà sao bàn chải vẫn khô cong thế nhỉ? Có phải con sợ đứng đánh răng một mình không?”. Cuối cùng, hãy khẳng định việc sợ, ngại… ấy là không nên, là vô lý, nhưng còn “không nên hơn là con lại nói với mẹ không đúng sự thật như thế”. Tuyệt đối đừng dùng từ “nói dối” vì từ ấy nghe như một lời tuyên án khiến bé càng sợ hãi thêm.
Một điều tôi muốn nói nữa là: trong việc nuôi dạy bé, đừng bao giờ có thái độ “đuổi đến cùng sự thật”. Điều này xuất phát từ quan điểm, chúng ta không lăm le bắt lỗi trẻ mà chỉ qua những sai lầm của con chỉ ra cho con cách hành xử đúng mực, hợp lý trong các tình huống khác nhau của cuộc đời. Trẻ con được phép sai! Đối với người lớn, những hình phạt đưa ra cho các sai lầm mà người lớn phạm phải là cách anh ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Ngược lại, hình phạt là một hình thức răn đe, cảnh báo, và là một bài học cho bé. Nhiều quan sát cho thấy, chính vì hoảng sợ trước các hình phạt mà trẻ càng lún sâu vào chuyện nói dối, để mong “thoát tội”!
Đôi khi bạn chỉ cần tỏ cho bé biết, bố mẹ nhìn thấy hết, biết hết việc con làm. Và dừng lại ở đó. Không “truy” thêm. Trong nhiều trường hợp, thái độ “tảng lờ, bỏ qua” của người lớn lại khiến cho trẻ nghĩ ngợi nhiều hơn về việc làm của mình.
– Dùng phép thử: Với hai cấp độ còn lại, bạn nên dùng nhiều phép thử. Đó là:
* Để bé ngồi ngang với mình, nhìn sâu vào mắt bé – nếu nói sai, bé chắc chắn không thể nhìn thẳng vào mắt bạn một cách hồn nhiên vô tội;
* Hỏi dồn: chỉ cho mẹ cô cốc đầu con ở đâu? Để mẹ sờ vào nhé, có đau không? Cô cốc con mấy lần, vào lúc nào, có bạn nào nhìn thấy không? Để mẹ đến bạn… hỏi bây giờ nhé? Hôm qua cô có cốc thế không? Con có biết lý do cô cốc đầu con không? Con thấy con có lỗi gì không? Để mẹ gọi điện cho cô nhé?…- vừa hỏi, bạn vừa qua thái độ phản ứng của con mà đoán định được, sự thật đến đâu.
* Hỏi lại: để bẵng đến tối, có thể hỏi lại những điều đã hỏi, xem bé trả lời có khớp không.
Thế cũng có nghĩa là: nếu bé nhìn bạn không bối rối, không sợ hãi, không e ngại khi bố mẹ bảo đi hỏi “nhân chứng”, trả lời dõng dạc, không sai lệch khi bị hỏi nhiều lần cùng một câu, thì bạn có thể tin vào lời bé.
Ở trường hợp ngược lại thì giải quyết ra sao? Bài viết ở số sau chúng tôi sẽ trình bày việc nhìn nhận vấn nạn này dưới góc độ của các nhà sư phạm và đề xuất những biện pháp ngăn ngừa các hiện tượng nói sai sự thật ở trẻ.