Home / Tư vấn - Chia sẻ / Đối mặt với nỗi sợ và nỗi đau

Đối mặt với nỗi sợ và nỗi đau

Tôi nghe được chuyện giữa hai mẹ con ở chỗ bác sĩ nha khoa, khi người mẹ đem con đến nhổ răng:

– Mẹ ơi, con sợ!

– Chẳng việc gì phải sợ cả! Có đau đâu!

– Có chảy máu không hả mẹ?

– Không, chẳng đau tí nào, cũng chẳng chảy máu đâu con ạ.

Lát sau, em bé khóc ré lên:

– Mẹ ơi, có máu… Có đau…

– Một tí thôi, không việc gì con phải khóc. Con là người đàn ông dũng cảm của mẹ mà. Nín đi, không em gái bên kia nhìn, em ý cười cho…

Mẹ ơi, con sợ! Ảnh: Mẹ Lanh

Phàm đã là con người, ai chẳng có những lúc sợ hãi hay đau đớn. Một đứa trẻ bé bỏng càng có nhiều nỗi sợ hơn khi tiếp xúc với thế giới xung quanh mình. Đèn đang sáng bỗng nhiên vụt tắt. Trời đang yên bỗng nổi cơn gió lớn. Tiếng gõ lọc cọc của nhà hàng xóm. Một vệt bẩn trên trần nhà có hình thù kỳ quái. Những cú xóc đột ngột khi đi tàu thủy. Cảm giác chống chếnh, nôn nao khi máy bay cất cánh… Tất thảy đều có thể làm bé sợ hãi. Và một trong những nguyên nhân khiến bé sợ hãi lớn nhất, đó là cảm giác đau. Một lần đi tiêm, bé biết rằng tiêm rất đau, cho dù cái đau hết cũng rất nhanh, nhưng “kinh nghiệm” ấy làm bé không thể bình tĩnh mỗi lần “bị” dẫn đến bác sĩ. Vậy các bậc phụ huynh cần có thái độ thế nào trong từng trường hợp, và cần làm gì để cùng con đối mặt với nỗi sợ và nỗi đau như thế?

Đối mặt, nghĩa là đón nhận chứ không né tránh!

Theo tôi, có một số nguyên tắc như sau:

– Không chế giễu trẻ: Đừng bao giờ chế giễu, làm bé xấu hổ vì bé hay sợ một con vật gì, một hiện tượng gì, hay đơn giản là vì bé khóc nhè. Chớ lấy đứa trẻ “dũng cảm” khác ra so sánh để thấy bé nhút nhát, “hèn” quá! Nếu người lớn làm vậy, có khả năng sau này bé sẽ không thổ lộ nỗi sợ hãi của mình nữa, và như thế bé dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, không vui vẻ, ngại tiếp xúc.

– Đồng cảm, thấu hiểu: Bạn hãy cho bé thấy rõ, bạn hiểu nỗi sợ của bé như thế nào. Thậm chí, bạn có thể cho bé biết, bạn cũng có những nỗi sợ của riêng mình. Ví dụ: “Mẹ biết con sợ đi máy bay. Mẹ thì hay sợ khi đi ôtô, vì xung quanh nhiều xe cứ phóng ngang dọc, mẹ chỉ sợ họ đâm vào xe mình…”. Hay: “Hồi bé mẹ cũng sợ tiếng sấm lắm. Mẹ toàn khóc gọi bà ầm cả lên!”. Nỗi sợ được chia sẻ, được thông cảm chắc chắn sẽ nhỏ đi rất nhiều. Và quan trọng nhất là, bé cảm thấy bình tĩnh hơn khi hiểu, không chỉ một mình bé hay có nỗi sợ nào đó.

– Đừng bao giờ nói dối: Hãy luôn cho trẻ biết rõ điều gì sẽ xảy ra, một cách trung thực, với thái độ hoàn toàn bình tĩnh của người đã từng trải qua. Ví dụ, với em bé đi nhổ răng tôi nhắc đến trên kia, nếu tôi là mẹ em, tôi sẽ nói: “Nhổ răng sẽ hơi đau một chút, và có thể có một tí tẹo máu. Hồi bé mẹ nhổ răng cũng như vậy mà. Mẹ thấy đau nhưng chịu được, không đến nỗi đau quá. Mẹ tin chắc là con cũng sẽ chịu được.”. Nếu khẳng định với bé là không đau, mà sau đó thực sự lại có đau, thì cái đau lúc ấy còn lớn hơn rất nhiều, cùng với sự hoảng sợ, không hiểu tiếp theo còn những chuyện gì nữa có thể xảy đến! Nhưng bé sẽ tự tin hơn nếu bạn không coi bé như đứa trẻ không biết gì, thẳng thắn thông báo cho bé những gì sẽ đến.

– Ngày thường không dọa dẫm, phóng đại: Đừng bao giờ dùng nỗi sợ, nỗi đau để dọa dẫm bé, như một hình phạt nếu bé “không ngoan”: “Con ăn không hết bát cơm là mai mẹ cho đi bác sĩ, bác sĩ tiêm một cái cho khỏe chứ không thì yếu như sên thế này!” Hay: “Cứ không nghe lời là nhốt vào buồng ngủ một mình, ông Ba bị ông ấy đến ông ấy bắt đi…”. Không kể chuyện về ma, về phù thủy ăn thịt trẻ con, về những điều đáng sợ. Đừng bao giờ vô cớ đem lại thêm cho bé những nỗi sợ vô hình nào khác, khi cuộc đời này thực sự đã có biết bao điều có thể làm con người ta sợ hãi!. Đối với “đề tài” bác sĩ, hãy luôn kể chuyện về một bác sĩ nào đó, hoặc dùng truyện “Bác sĩ Ai-bô-lít” để tạo dựng hình ảnh đẹp, hiền hậu của một người luôn giúp đỡ các em bé, không làm các em đau đớn. Ngày thường như thế, khi bé bị ốm bệnh (không tránh khỏi!), bạn sẽ thấy bé đến với bác sĩ một cách tự nguyện và bình tĩnh, riêng điều này cũng đã là một trong những yếu tố tâm lý tốt cho sự bình phục rồi!

– Tin tưởng và dùng những xúc cảm lạc quan để trấn an bé:: Hãy tỏ ra tin tưởng vào sức chịu đựng của con. “Mẹ biết con sợ bay máy bay, nhưng mà nếu con ngồi thẳng, thở đều như mẹ thế này, thắt dây an toàn như cô tiếp viên hướng dẫn, và chúng mình cùng hát bài Chú voi con.. nhé, là con sẽ thấy hết sợ ngay!”. Cùng con hát, kể lại những chuyện vui đã qua, nhắc đến những người mà bé yêu quý… để “đánh lạc hướng” nỗi sợ của bé.

– Không gây sức ép: Tin tưởng, nhưng đừng tạo áp lực cho bé “phải là một người dũng cảm”! Bạn hãy nhớ rằng, nước mắt cũng là một thứ vũ khí làm giảm cơn đau, giảm sự sợ hãi và stress. Điều sai lầm của một số bố mẹ là luôn nói: “Đàn ông không được khóc”, mà không có cơ sở nào cả! Khi bé khóc vì đau, đừng làm bé xấu hổ vì những “nguyên tắc” của sự dũng cảm. Hoặc là im lặng vuốt ve bé, hoặc là nói sang một đề tài nào đó, có thể khiến bé chú ý mà nhanh chóng thôi khóc.

– Tạo cảm giác quen thuộc: Nỗi sợ sẽ giảm đi và dần biến mất nếu bối cảnh gây nên sự sợ hãi ấy lặp đi lặp lại thường xuyên, cùng với sự diễn giải trấn an của người lớn. Ví dụ, con bạn sợ những tiếng cưa đục, khoan, khi người ta sửa nhà. Hãy kể với bé về chuyện các bạn nhỏ trong rừng sống trông những ngôi nhà xinh xắn, nhưng một hôm ngôi nhà của Thỏ Trắng bị cơn gió “hư” thổi sập. Tất cả các bạn nhỏ phải cùng nhau sửa lại ngôi nhà ấy giúp Thỏ Trắng. Các bạn cưa này, khoan này, đục này… Có thể cho trẻ đến những nơi đang sửa nhà, đứng đằng xa chứng kiến cảnh ồn ã, tất bật, và nghe những tiếng động mà bé vẫn sợ, thấy được chúng phát ra từ đâu. Vài lần như thế, tôi tin rằng nỗi sợ trong bé sẽ không còn như trước nữa. Hoặc việc đến khám bệnh ở nhà bác sĩ, bạn có thể thi thoảng cùng bé qua thăm bác sĩ, không nhất thiết phải ốm mới đến. Điều này khiến bé sẽ cảm thấy bác sĩ là người thân thuộc, và phòng khám của bác sĩ không quá bí ẩn, đáng sợ.

– Và luyện tập với các tình huống: Có thể chế ngự nỗi sợ hãi bằng sự luyện tập thường xuyên, với các tình huống, thông qua các trò chơi. Ví dụ, chơi trò bác sĩ với tiêm, với trò nghe tim phổi, trò khám họng, há miệng “a…a..”, trò nhổ răng hay khám răng..v..v. Trò bịt mắt bắt dê cũng khiến cho bé quen dần với việc không nhìn thấy gì xung quanh khi trời tối. Hoặc trò bật đèn, tắt đèn cho bé thấy thế giới khi trời sáng và khi trời tối thực ra chỉ là một…

– Và cuối cùng, hãy nhắc:“Mẹ luôn ở bên con”. Bé luôn cần cảm giác an toàn. Bé cần cảm thấy bố mẹ luôn ở bên mình, luôn là chỗ dựa, luôn sẵn sàng trợ giúp, không cho ai “bắt nạt” bé. Bạn có thể nói với bé điều ấy, hoặc ôm lấy bé vỗ vào lưng, hay chỉ là nắm lấy tay bé, vuốt tóc bé. Tất cả những tiếp xúc bằng da thịt như thế với người thân luôn đem lại sự bình ổn về tâm lý.

Như vậy, thông cảm và chia sẻ – đó chính là vũ khí để các bậc phụ huynh đấu tranh với nỗi sợ và đối diện với sự đau đớn về thể xác của đứa con yêu quý của mình. Các bé lớn lên chỉ có thể dũng cảm, mạnh mẽ khi thấu hiểu được cảm xúc của mình và của người, như cha mẹ bé đã từng.

Để con tự tin đối mặt với cả vũ trụ này, chỉ cần mẹ nói rằng, mẹ luôn ở bên con!

Ảnh: RoseVN

 TSGD Thụy Anh (Bài viết đăng trên tạp chí Mẹ&Bé)

About admin2

Scroll To Top