Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tin hay không tin? (Bài 2)

Tin hay không tin? (Bài 2)

“Mẹ muốn tin con…”

 Cô bạn tôi gọi điện sang nhà, nói thảng thốt: “Con Sóc nó nói dối!”. Phải rồi, đó là tin động trời, vì từ trước đến nay, con Sóc (6 tuổi) nhà cô ấy luôn là tấm gương cho lũ trẻ nghịch ngợm nhà hàng xóm. Giờ thấy mẹ Sóc kêu thất thanh như vậy, hẳn là gay rồi!

Chuyện này xảy ra đã vài lần mẹ Sóc mới để ý. Hôm thì thấy con có một cuốn truyện mới, hỏi, con bảo bạn Hòa cho. Hôm sau thấy cái kẹp tóc rõ đẹp, Sóc bảo nhặt được ngoài sân… Cho đến khi Sóc đánh vỡ cái bình hoa, mẹ Sóc nhòm thấy rõ ràng qua cửa bếp đang hé mở, cô nàng vội vội vàng vàng quét quét thu thu, rồi hất cả vào thùng rác. Lát sau mẹ vào hỏi cái bình hoa, thì Sóc tỉnh bơ: “Con không biết!”. Mẹ gặng, rồi tra hỏi, rồi dọa, rồi quất mấy roi, mới moi được sự thật ra. Và những sự thật khác, rằng con lấy cuốn truyện của Hòa chứ bạn ấy chưa cho, rằng con thích cái kẹp tóc có nơ của bạn hàng xóm, mượn rồi dùng luôn…

Mẹ Sóc sốc và buồn, vì trước đó, cô bé gần như không biết nói dối. Mẹ Sóc luôn tin Sóc vô điều kiện. Tự nhiên Sóc lại “đổ đốn” ra thế này, mẹ Sóc biết giải quyết làm sao?

Giải quyết “cấp cứu”

Khi bé của bạn lên 5 tuổi, hãy chuẩn bị trước tinh thần cho những tình huống thế này. Bé sợ tội, chối tội thực ra có thể coi là một phản ứng rất tự nhiên của con người. Chưa cần để ý đến chuyện hay dở, bạn có thể nghĩ một hướng tích cực hơn rằng, như vậy là con của mình đã lớn. Nó đã cân nhắc việc nói hay không nói một điều. Thêm nữa, là sự tự ái, “sĩ diện”, không muốn “mất mặt” trước người lớn – hãy hiểu cho bé điều này – cũng lại là một điểm khiến bạn biết được mốc phát triển tâm sinh lý của bé. Đã có gì đó thay đổi, lớn lên, khác đi… trong nhận thức và suy nghĩ của con. Với trường hợp này, bố mẹ cần phải giữ nguyên tắc triệt để – không dung thứ cho việc nói dối, coi sự đổ lỗi cho người khác là một điều xấu. Hãy nói ra điều đó bằng một giọng kiên quyết, cứng rắn chứ không phải quát tháo một cách mất bình tĩnh.

Hãy tạm thời lắc đầu bỏ sang phòng bên, vừa để mình hạ hỏa mà không quát tháo con ầm lên, vừa để cho “đối phương” cảm thấy hoang mang, bối rối…  Một khoảng thời gian trống nhất định khiến bé cảm nhận được một cách tự giác mình sai ở đâu, cũng sẵn sàng nhận lời phiền trách tiếp đó của mẹ mà không “xù lông” lên, cãi bướng hoặc ngược lại, tỏ thái độ bất hợp tác bằng cách im lặng thách thức. Sau khi đã bình tĩnh, bạn hãy quay lại ngay vấn đề này. Hãy nhắc lại với con rằng từ trước đến nay, mẹ lúc nào cũng tin con, vì con luôn trung thực. Bây giờ, con nói sai sự thật, mẹ buồn không chỉ vì con nói dối mẹ lần này, mà buồn vì lo lắng quá, sợ rằng từ bây giờ trở đi, mẹ không được tin con hoàn toàn nữa! Mẹ không muốn luôn phải nghi ngờ, phải kiểm tra con…  Sau đó, bạn hãy đặt mình vào vị trí của bé để thấy rằng, mẹ hiểu lý do vì sao con nói dối (do con sợ bị phạt quá), rồi kết luận: “Con làm vỡ lọ hoa, mẹ tiếc lắm. Mẹ có mắng con thì đó cũng là điều đúng, có lý. Tuy nhiên, mẹ mắng con một vài câu lúc ấy, nhưng về sau, mẹ lại luôn luôn tin con, thế thì thích hơn là mẹ không mắng con, và về sau mẹ lại không bao giờ tin con nữa, có phải không con?”.

Trẻ nhỏ không có sức và tính kiên nhẫn để chịu đựng “thuyết trình” quá lâu, bạn hãy dừng bài phê bình đúng lúc. Bạn hãy ra một hình phạt nhất định, chẳng hạn, vì chuyện này, hôm nay mẹ con mình sẽ không đi chơi công viên nữa! Hình phạt khiến trẻ thấy được sự công minh. Chớ nói xong rồi xuề xòa bỏ qua, hoặc ra hình phạt rồi hứng lên lại không phạt nữa! Nhưng bạn chớ đòi hỏi con ngay lập tức xin lỗi mình. Tối kỵ câu: “Đã hiểu vấn đề chưa? Đã xin lỗi mẹ chưa? Xin lỗi mẹ ngay!”. Hãy để cho bé được ân hận một cách… bình tĩnh, trong sự “tự ái” của mình. Hãy cho con có một khoảng “thời gian danh dự”! Chứ sao nữa: người lớn còn đôi khi vì tự ái mà khó mở miệng ra nhận lỗi nữa là trẻ con! Và sau đó cũng chớ hằn gắt bé, không nhắc lại câu chuyện, chỉ xử sự bình thường nhưng không sôi nổi, không vui vẻ như hàng ngày. Trẻ con nhạy cảm, nó sẽ hiểu nỗi buồn của mẹ. Buổi tối hôm đó, đừng quên đi nằm cùng con, vuốt lưng nó, cho bé cơ hội ôm lấy bạn. Rất có thể lúc ấy, bé sẽ nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ…”. Lúc ấy, bạn hãy nhắc lại với bé rằng: “Mẹ rất tin con. Mẹ muốn tin con. Cho nên, đừng bao giờ làm mẹ buồn như hôm nay nhé!”.

Tóm lại, phương châm hành động của chúng ta là: bình tĩnh – kiên quyết – thấu hiểu – cho bé đường thoát mà vẫn có hình phạt để bé nhớ chuyện này thật lâu.

Con không muốn làm mẹ buồn đâu! Ảnh: Điệp Giang

 

Đương nhiên, phải giải quyết vấn đề từ cội rễ…

Nói dối ở trẻ, trừ trường hợp trẻ tưởng tượng, phóng đại (trường hợp 1 trong bài số trước), bất kỳ ở cấp độ nào, đều có những nguyên nhân sâu xa hơn. Hãy tìm hiểu kỹ chuyện này:

        * Chẳng hạn, môi trường xung quanh: những người mà bé tiếp xúc có thể xảy ra những hành động “nói dối” có mục đích khiến bé bắt chước.

        * Có lần bé nói dối, bị phạt nặng quá, bị đòn… khiến bé luôn muốn chối tội.

        *Một điều nữa, là trong bé hình thành tính ích kỷ lúc nào không hay. Bé luôn muốn đạt được những gì bé đòi hỏi, và nếu không được, thì làm mọi cách, kể cả nói dối, để đạt được mục đích. Trường hợp này, người lớn cần xem lại, có chiều bé quá không trong sinh hoạt hàng ngày?; nói gì với bé có giữ nguyên tắc không?; có hay đề cao bé mà chê bai bạn khác?… Điều này tưởng chừng không liên quan, nhưng lại có can hệ trực tiếp đến thói nói dối, “dựng chuyện” mà có những bé mắc phải. Đặc biệt, sự không thống nhất trong cách dạy con của gia đình (ông bà nói một đằng, bố mẹ muốn một nẻo) cũng là một yếu tố tác động đến tâm lý của trẻ (ví dụ, bố mẹ phạt, ông bà lại bênh; trẻ rút ra kết luận: nếu nói với ông bà thế này….  thì ông bà sẽ trách bố mẹ mà thêm chiều chuộng cháu v..v..)

Cho dù nguyên nhân thế nào, thì việc cần nhất, cấp bách nhất của cha mẹ: là sự gần gũi với con! Trẻ càng nói dối nặng, tôi sẽ suy ngay ra rằng, bố mẹ cháu bận nhiều và ít có thời gian âu yếm, trò chuyện với cháu. Người lớn quá chiều hay người lớn quá nghiêm khắc đều đem đến hậu quả như nhau… Hãy dành thời gian cho bé, mỗi ngày độ nửa tiếng nằm chuyện trò trước khi đi ngủ, hay cùng chơi trò nặn đất với con…, bạn sẽ có cơ hội được nghe bé giãi bày nhu cầu, mong muốn, sở thích của bé (giả dụ, có thể bé Sóc sẽ không phải lấy cái cặp nơ của bạn nếu mẹ Sóc có điều kiện biết được, bé thích cái cặp nơ ấy như thế nào!)… Những đứa trẻ lủi thủi chơi một mình chính là những đứa bé dễ nói dối nhất vì bé phải một mình đối mặt với những ham thích hay áp lực tâm lý mà ngay cả người lớn chúng ta cũng khó vượt qua nếu không được giãi bày.

Và thi thoảng đừng quên tìm cách nhắc lại với con rằng:

“Bố mẹ rất tin con”! 

 TSGD Thụy Anh (Bài viết đã đăng trên tạp chí Mẹ&Bé)

About admin2

Scroll To Top