Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tình bạn

Tình bạn

Thưa cô Thuỵ Anh,

Vấn đề em đang trăn trở và vướng mắc đó chính là vấn đề về tình bạn. Bạn ấy là người bạn đầu tiên em quen từ khi bước chân vào cánh cổng trường THCS và cũng là người bạn mà em coi là thân nhất đến tận bây giờ. Do không cùng lịch học nữa nên chúng em ít chơi với nhau hơn, những buổi học nhóm, những buổi đi chơi cùng nhau,… giữa hai đứa ít dần và thậm chí là không có nữa. Những kỉ niệm trong suốt hai năm học vừa qua của em và bạn ấy em vẫn nhớ rất rõ và hay hoài niệm về chúng. Nhưng từ giờ chắc chẳng còn những kỉ niệm như thế nữa. Bên cạnh cậu ấy giờ đây có rất nhiều bạn mới, với tính cách hướng ngoại, thẳng thắn, tốt bụng và thân thiện của cậu ấy chắc chắn có rất nhiều mối quan hệ bạn bè mới rồi. Vì ít gặp nhau nên tụi em cũng ít được nói chuyện với nhau. Em không còn thời gian tâm sự chuyện trên trời dưới đất, chuyện về cuộc sống của em với cậu ấy nữa. Rồi dần mỗi lần gặp em, cậu ấy phớt lờ em, lạnh lùng đi chỗ khác cùng lắm là vẫy tay chào đại khái như hai đứa mới quen biết. Em cảm thấy buồn lắm nên đã nghĩ về chuyện này rất nhiều. Phải chăng “xa mặt cách lòng” hay tình bạn của chúng em chưa đủ bền chặt! Em rất mong cô có thể đưa ra cho em những lời khuyên hữu ích và chỉ cho em biết cách làm thế nào để xây dựng một tình bạn tốt đẹp, gắn bó thân thiết dài lâu ạ?

(Nhân vật xin được giấu tên)

—————–
Chào em thân mến!

Lá thư của em cho cô được trở về những tháng ngày tình bạn của thời cấp 2, cấp 3 xưa (tương đương với THCS và THPT bây giờ.). Thời ấy, với ta, bạn bè đôi là mối quan tâm trước nhất, quan trọng, không thể thiếu được trong cuộc sống. Cũng chính vì thế mà bạn bè cũng khiến ta buồn khổ, day dứt vì những hiểu lầm, những chia rẽ, nhưng xa cách… Không chỉ tình bạn khác giới, ngay cả những người bạn gái, những người bạn trai cũng có thể hờn giận và nghi kỵ lẫn nhau đến mức… bỗng dưng vĩnh viễn mất đi một mối quan hệ, một tình bạn đẹp!

Em quan sát thấy rất đúng: đôi lúc, những mối quan hệ mới, bạn bè mới xuất hiện làm những người bạn cũ thấy hoang mang vì bị… ra rìa. Cô cũng từng có cảm giác tủi thân như thế với một người bạn thân. Thời cô học lớp 7, lớp 8. Thế rồi thời gian trôi đi, có những thời điểm cô và bạn ấy gần như không chơi với nhau nữa, nhưng vẫn thầm để ý đến thông tin về cuộc sống của nhau…

Em ạ, cô chỉ muốn nói rằng, mọi mối quan hệ đều có lúc thăng lúc trầm, tức là lúc vô cùng khăng khít, lúc lại xa cách, nhạt nhẽo. Chuyện đó là cực kỳ bình thường! Tuy nhiên, nếu muốn thật sự gìn giữ tình bạn, chăm chút cho nó được bền và gần gũi hơn, đương nhiên, ta cũng có cách, có những nguyên tắc chung như thế này:

1. Chuyện chung. Tiếng nói chung, mối quan tâm chung, sở thích chung hoặc các hoạt động chung – một trong số đó là cơ sở để phát triển tình bạn. Hãy nghĩ xem, giữa em và bạn có một điểm bé nhỏ nào đó giao nhau không? Một nhà văn yêu thích? Một ca sĩ thần tượng? Một môn học cùng say mê? Một buổi học thêm chung? Chung đường về nhà?… Túm lại, chỉ cần có một điều gì đó chia sẻ được với nhau, các em đều có cơ hội có lại được và gìn giữ tình bạn. Hãy chủ động chăm chút cho điểm chung ấy được nhấn mạnh hơn thay vì để nó như một câu chuyện tình cờ thoáng qua. Chẳng hạn, đến ngày sinh, tặng bạn cuốn sách mà hai người đều thích, không quên ghi lời đề tặng, nhắc nhớ rằng cả mình cả bạn đều thích tác giả ấy. Hoặc trò chuyện tập trung hơn về chủ đề hai người đều quan tâm… Những giao tiếp thân tình, thường xuyên là mảnh đất ươm mầm tình bạn đẹp!

2. Chân thành và chủ động. Gạt bỏ tự ái để gọi bạn trước, vẫy bạn trước hoặc đến gần hỏi han… “Bọn con trai” nhiều khi vụng về và ngần ngại, không biết cách thể hiện cảm xúc của mình đâu. Có lúc “lờ” mình đi, nhưng “làm vậy mà không phải vậy”… Em quý mến bạn như một người bạn tốt từng chia sẻ nhiều kỷ niệm với nhau thì không phải là điều xấu – vì vậy, hãy thể hiện nhẹ nhàng và chân thành tình cảm của mình. Ta không cố tranh giành tình bạn. Đơn giản là ta tạo một cơ hội để đến gần nhau hơn. Cứ tự nhiên chào to một câu, đặt một câu hỏi, báo một tin mới về điều hai người trước đó từng nói với nhau, kiểu như: “Cậu có biết là anh X đã đi du học rồi không?”, hay “Sao lâu thế không ghé lớp tớ chơi? Bọn Mai, Dũng nhắc cậu luôn. Chiều nay đi ăn chè không?”… Là cô tưởng tượng như vậy! Chỉ có em mới biết thật sự nên bắt đầu câu chuyện thế nào…

anh tinh ban

Ảnh sưu tầm

3. Hỗ trợ kịp thời và không ngại nhờ hỗ trợ. Trong mọi tình huống của cuộc sống, mình đều có thể hỗ trợ lẫn nhau. Hãy để ý xem, có thể bạn ấy cần trợ giúp trong một việc nào đó để chủ động đề xuất được hỗ trợ. Hoặc chính em có thể cần nhờ bạn ấy giúp một việc vốn là sở trường của bạn. “Hey, tớ hỏi chút! Tớ nhớ cậu từng kể là học bóng rổ ở chỗ nào pro lắm. Thằng em tớ muốn học, chỉ cho tớ được không?” hoặc “Lớp tớ học thêm cô ra một bài Toán chịu không hiểu giải cách gì, đưa cậu ngó hộ tớ cái nhé!”… vân vân… Đương nhiên, những sự nhờ vả trợ giúp ấy là điều em cần hỗ trợ thật chứ không phải giả tạo, nhưng là việc em biết chắc bạn ấy thạo, là lĩnh vực của họ. Khi được làm một điều mình giỏi, giá trị tự thân mỗi con người được nâng cao, ai cũng tự tin hơn trong mối quan hệ ấy. Việc phớt lờ nhau hoặc ít hỏi han nhau lắm khi chỉ đơn giản thể hiện sự mất tự tin mà thôi!

4. Lưu giữ kỷ niệm. Trong tình bạn, việc tạo ra kỷ niệm, lưu giữ kỷ niệm, kỷ vật là cách để nhắc nhớ đến tình bạn một cách dễ chịu, nhiều cảm xúc nhất. Mỗi khi có điều kiện tham gia một hoạt động chung, các em đừng quên giữ lại khoảnh khắc bằng cách chụp ảnh, tặng nhau cuốn sách, đồ chơi tự làm, vẽ nguệch ngoạc những hình vui nhộn, nhặt viên sỏi làm cái chặn giấy… Chụp ảnh thì thi thoảng rửa ra ảnh, dán lên bìa tạo hình 3D hoặc lồng vào album, cuốn sổ với lời bình “kinh dị”… Những đồ vật nhỏ bé luôn là lời gọi, lời nhắc hiệu quả giữa những người bạn từng có nhiều thời gian bên nhau.

5. Cảm xúc hài hước, vui vẻ. Tình bạn được nuôi dưỡng bằng niềm vui. Ở bên nhau thấy nhẹ nhõm, hài hài, dễ bật cười – đó là mảnh đất tốt để cây hoa tình bạn mọc lên thân thiện. Kể vài mẩu chuyện cười, gọi nhau bằng nickname kỳ quặc, sáng tác mật khẩu, mật thư, đưa ra những câu đố “hại não” hài hước, hoặc “nói nhảm” nếu cả hai đều thấy thú vị… hay bất kỳ việc gì khiến các bạn có thể cười phá lên hoặc khúc khích cười với nhau. Đó sẽ là những điều ta muốn nhớ về nhau!

6. Sự chia sẻ, đôi khi là sự im lặng lắng nghe. Sẵn sàng nghe bạn giãi bày những lúc bạn buồn bực, thấy cô đơn, thấy bất công, không đùa vô duyên cợt nhả khi bạn trải lòng – đó là một người bạn cực kỳ cần cho mỗi người.

7. Đồng thời cũng hãy kiên nhẫn. Đừng quá nôn nóng muốn có lại được tình bạn để cứ suốt ngày “lẵng nhẵng” hỏi han. Em hãy làm chủ tần suất và mức độ giao tiếp sao cho vừa đủ tình cảm và dễ chịu, không khiến ai cảm thấy bị “ép buộc” chơi với nhau. Có khi, tình bạn cũng cần có những “khoảng lặng” nghỉ ngơi để rồi bắt đầu một giai đoạn mới khăng khít hơn…

Cô không chắc những lời khuyên của cô có giúp gì được cho em không, nhưng hy vọng em cũng coi như một sự chia sẻ ấm áp đến từ người bạn lớn tuổi này. Chép tặng em dăm câu thơ cũ trích trong bài thơ Tình bạn của cô nhé:
“Năm tháng cứ đầy lên. Tình bạn
Cũng đầy lên những kỷ niệm thân yêu
Những mẩu thư viết vội cuối chiều
Gài lên cửa, đợi người về sẽ đọc
Trong cả những ước mơ ta không đơn độc
Có bạn thân bên cạnh cùng mơ
Cùng luận bàn về thời cuộc… ngây thơ
Cùng tưởng tượng bao điều ngốc nghếch
Cùng kể cho nhau câu chuyện không đoạn kết
Về mối tình chớm nở trong tim
Và một vài lần ta bỗng lặng im
Cứ ngồi thế đến khi chiều tắt nắng…”
Cô Thuỵ Anh (Theo tạp chí Văn học và tuổi trẻ, 02/2019)

About admin2

Scroll To Top