Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tính ghen tị

Tính ghen tị

Em có một người bạn thân từ nhỏ, chúng em có nhiều sở thích giống nhau. Vì thế em thường hay tự so sánh mình với bạn ấy và cảm thấy ghen tị mỗi khi bạn ấy hơn em ở bất kì một phương diện nào đó. Em biết đây là một tính rất xấu và muốn cải thiện nó. Cô có thể giúp em khắc phục tính xấu này được không? Em nên làm như thế nào ạ?

Bế Anh Thư (Lớp 8B, Trường THCS Đề Thám, Cao Bằng)

Ảnh: internet

—————————–

Anh Thư thân mến!

Thư của em cho cô thấy một sự chân thật đầy dũng cảm vì không phải ai cũng đủ can đảm nhìn nhận góc bé nhỏ, ghen tị, có chút xấu xí… của mình như vậy cho dù, sâu xa, đó là góc mà ai cũng có – cô có thể đảm bảo với em- kể cả những người tuyệt vời, nhân hậu, vị tha, tốt bụng nhất trên đời! Một con người mà không có những lúc nghĩ ngợi, muốn hơn người ta một chút, chạnh lòng so sánh mình với người… thì chỉ có thể là người máy thôi!

Anh Thư à, đọc thư em chia sẻ, cô phải ngồi nhớ lại chính mình, “tự thú” với lòng mình rằng có lúc nào mình đã từng tị nạnh, từng không vui khi bạn mình nhận được thứ tốt đẹp hơn, được giải cao hơn trong một cuộc thi hay đơn giản là đáng yêu, được nhiều người quý mến hơn mình… Cô cũng lại cố gắng nhớ xem, minhg có từng vì ghen tị mà nói một lời không phải, làm một việc chưa hay đối với người ta không, mình có từng thấy khó nói lời chia vui hay khen tặng khi người ta giỏi giang hơn mình không… Hoá ra, cũng từng có cả! Chỉ là, sau nhiều năm sống, cô đã biết cách rèn luyện mình để… thật sự hiểu mình. Khi mình hiểu mình có khả năng gì, mình giỏi ở đâu, mình đáng quý chỗ nào, mình tin vào giá trị của mình thì cũng là lúc mình công nhận và chấp nhận được những gì người khác giỏi hơn mình, may mắn hơn mình mà điều chỉnh cảm xúc. Khi mình biết mình thì mình sẽ thôi không bon chen, không lo lắng, nghĩ ngợi gì nữa. Là lúc mình hiểu: mỗi người có mặt mạnh riêng, mỗi người sẽ toả sáng theo cách riêng!

Anh Thư đã dũng cảm gọi sự “so sánh, ghen tị” của mình là tính xấu và muốn khắc phục nó. Em ạ, ngay cả những người lớn cũng không phải ai cũng ý thức được điều này đâu! Nhiều người che giấu lòng đố kỵ bằng những lời vòng vo, gièm pha người khác mà cho rằng mình đang góp ý để tốt cho người ta mà thôi!

Cô nhớ câu chuyện về một viên tướng giỏi, khi ông ta lập công, đứng trên đỉnh vinh quang thì cũng là lúc ông ta cô độc nhất. Bạn bè có thể chia sẻ, giúp đỡ khi khó khăn, nhưng lúc chứng kiến hạnh phúc và thành công của một người, để bày tỏ sự tán thưởng, để chia vui – không phải việc dễ dàng.

Nói vậy để thấy, trong bản chất sâu xa của con người luôn tồn tại những tính xấu. Ta có thể rèn luyện để kiểm soát nó, để mở lòng với mọi người xung quanh và những đức tính tốt đẹp sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, lấn át đi góc ích kỷ, nhỏ bé của mình.

Cô có một bài tập nhỏ này, cô rất hay dùng nó để rèn mình. Thật ra, nó cũng giống như một trò chơi mỗi sáng thôi. Sáng dậy, đứng trước gương, cô sẽ sửa soạn tóc tai, quần áo mình sao cho ổn nhất… để cô có thể nói với mình một lời khen!

✍️ Và, bước 1 của bài tập: mỉm cười và thầm khen mình. Hãy khen thật lòng! Chính vì thế, để xứng đáng với lời khen ấy, em sẽ phải có chút nỗ lực. Hôm nay, em chải đầu xinh hơn, mặc trang phục cá tính hơn. Ngày mai, em làm một việc thú vị và chính nhờ thế, em thấy phấn chấn, rạng rỡ. Hôm sau, em có một thành tích mới hoặc thực hiện được một việc tốt. Hôm sau nữa, em học được một kỹ năng – ví dụ, đơn giản là biết… đồ xôi, làm một món đồ handmade… Mỗi ngày, cần có một điều để khen mình!

✍️ Bước 2: Em hãy tập nói lời khen chân thành với một số người – bất kỳ người nào em lựa chọn. Chẳng hạn, mẹ của mình. Một người hàng xóm. Người bạn thân. Ban đầu, lời khen đến từ sự quan sát vẻ bề ngoài: gương mặt tươi tắn, một chiếc áo mới, một “thần thái” sáng sủa, nụ cười tươi… Sau đó, khi ta quan tâm hơn đến đối tượng, ta sẽ biết được một điều đáng khen của người ấy: vẻ hài hước, sự thông minh, một thành tích mới… Lưu ý: mình chỉ khen khi thực sự thấy khâm phục, thấy họ đáng khen. Không ép mình nói lời xã giao giả dối! Quá trình em quan sát, tìm hiểu, phân tích điểm đáng khen của người ta chính là em đang từng bước gọt giũa cho nhỏ bớt góc ghen tị khó chịu của mình đấy.

✍️ Song song với bài tập 2 bước nói trên, em có thể làm một bài tập nâng cao, trực tiếp liên quan đến người bạn của em. Em hãy chia tờ giấy ra làm đôi, một nửa ghi dấu -, một nửa là dấu +.

Hãy bắt đầu từ điểm [-], những gì ở người bạn ấy em thấy không phục, hãy ghi ra bằng hết.

Sau đó là điểm [+].

Cô tin, em sẽ công tâm khi thực hiện việc này với riêng cá nhân mình, không ai biết.

Và em có thể tiến hành phân tích mặt [+] và [-] của chính mình. Lần này, hãy bắt đầu từ mặt ưu điểm. Thường chúng ta nhìn thấy điểm xấu của người khác và điểm tốt đẹp của mình dễ dàng hơn là ngược lại. OK, vậy cứ “thuận theo tự nhiên”, ta cứ thế mà làm. Thật lòng. Trung thực…

Chỉ vài ba lần làm việc này, em đã thấy được rõ hơn mình mạnh điểm nào, bạn mạnh điểm nào, từ đó, ta không còn gì phải ganh tị, khó chịu nữa. Ta chấp nhận mình, chấp nhận bạn. Chỉ một lần khen ngợi bạn, chúc mừng bạn trong lòng, nói thầm thôi – đã là một lần em vượt lên trên thói xấu thuộc về bản năng của con người rồi!

✍️ Và cuối cùng, hãy khám phá mình: thử nhiều hoạt động mới để tìm ra những khả năng tiềm ẩn trong mình. Khi em bận rộn với bản thân, em sẽ quan tâm hơn đến những điều mới mẻ em muốn biết, muốn thử, những đỉnh cao mới em phải chinh phục. Không còn thời gian để phí phạm vào việc xét nét, tị hiềm với người khác nữa. Hoặc suy nghĩ và trái tim em đã mở rộng hơn với cuộc đời này, em đã trưởng thành hơn….

Cô chúc em cảm thấy tự tin, tìm ra nhiều khả năng của bản thân, rèn luyện thêm được nhiều năng lực mới để cuộc sống phong phú, hạnh phúc hơn.

Một người tự tin, hạnh phúc sẽ chỉ luôn muốn mỉm cười với mọi người, và nhất là người bạn thân của mình. Lúc ấy, em sẽ chỉ thấy, bạn cũng là một giá trị của chính mình: mình tự hào vì có một người bạn như vậy!

Cô chân thành chúc em thành công!

Cô Thuỵ Anh.

About Chang Che It

Scroll To Top