Home / Tin Tức / Tọa đàm “Gõ cửa vào Thế giới của con” và ra mắt cuốn sách “Chúng mình làm bạn con nhé”

Tọa đàm “Gõ cửa vào Thế giới của con” và ra mắt cuốn sách “Chúng mình làm bạn con nhé”

Nằm trong chuỗi hoạt động Chào mừng Ngày hội sách Việt Nam21/4, buổi chiều này 19/4 vừa qua NXB Phụ Nữ đã tổ chức ra mắt cuốn sách Chúng mình làm bạn con nhé của tác giả Phong Điệp và Tọa đàm với chủ đề “Gõ cửa cùng vào Thế giới của con” với sự tham gia của TSGD Nguyễn Thụy Anh và Nhà văn Xuân Thủy tại Bảo tàng Phụ nữ.

 Mở đầu chương trình Tọa đàm “Gõ cửa cùng vào thế giới của con” cùng với 1 quả bóng tương tác trong tay, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã cùng các bố mẹ và các bạn tạo ra khái niệm “Thế nào là BẠN?” với các từ khóa: lắng nghe, tranh luận, trao đổi, ở bên cạnh khi buồn, đồng cảm, chia sẻ, lắng nghe, nói chuyện và từ khóa quan trọng nhất chính là Yêu thương. Vậy bố mẹ và con có thể trở thành BẠN được hay không? Và muốn trở thành Bạn của con bố mẹ sẽ phải làm gì?

Trong cuốn sách mới “Chúng mình làm bạn con nhé” nhà văn Phong Điệp sẽ kể cho người đọc những câu chuyện nhỏ của mình – với tư cách một người mẹ với con thông qua những lá thư tay, nhưng đây cũng là chia sẻ thân tình, một lời đề nghị chân tình mà một người Bạn lớn dành cho Bạn nhỏ của mình. Những lá thư như hành trình kí ức từ khi Sẻ Đồng, Cún Con – 2 cô con gái xinh xắn, đáng yêu của chị còn nhỏ cho tới bây giờ và có lẽ là cả thời gian dài phía sau nữa trên hành trình khôn lớn của mình chị vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với con bằng những cánh thư. Theo như tác giả chia sẻ, chị muốn mình giúp con ghi lại Nhật kí tuổi thơ, để sau này khi có thời gian các con ngồi đọc lại và nhớ lại khoảng thời gian mình đã từng trải qua và luôn có gia đình, bố mẹ ở bên. Anh Tuấn Anh – cũng chính là phu quân của chị Phong Điệp cũng chia sẻ rằng “Có lẽ vì Điệp là nhà văn nên cô chọn cách viết thư tay cho các con, và tôi cũng thật may mắn vì vợ của mình chăm sóc các con rất tốt và dành nhiều thời gian ở bên con. Điệp là một người mẹ kiên nhẫn với con và tôi luôn vỗ tay ủng hộ cách giáo dục con của Điệp”.

  

Chia sẻ với độc giả về việc chọn hình thức viết thư tay để tạo sợi dây gắn kết với con, chị Phong Điệp cũng nói thêm: “Mỗi bố, mẹ sẽ có cách lựa chọn giao lưu với con, riêng với bản thân mình chọn việc viết thư tay và cho con tự lựa chọn thời gian để đọc những dòng cảm xúc mà mẹ đã trao gửi. Và cũng bởi có những điều không nên nói trực tiếp ngay lúc đó mà lui lại để suy nghĩ kĩ hơn và bình tĩnh hơn. Lúc mình ở tuổi của con cũng đã từng có cảm xúc như con bây giờ, thông qua những trải nghiệm của mình, mẹ kể lại cho con để chia sẻ và tạo sự đồng cảm với con”.

Dưới góc nhìn của một ông bố trẻ, nhà văn Xuân Thủy cũng chia sẻ với độc giả: “Ranh giỡi giữa người lớn và trẻ con là rất gần gũi. Cũng như một ngôi nhà, để vào được trong nhà chúng ta cần gõ cửa. Một đứa trẻ cũng vậy, ngay trong mỗi đứa trẻ là cả một thế giới của riêng chúng, bởi vậy muốn bước vào bố mẹ hãy gõ cửa.”

Giải đáp câu hỏi của một khán giả tham gia chương trình về việc Khủng hoảng tuổi lên 7 của trẻ, tác giả Phong Điệp cho rằng: “Biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 7 ở mỗi trẻ một khác nhau, có bé thì thích làm theo điều mình muốn để thể hiện vai trò cá nhân, có bé sẽ không muốn chia sẻ hay tâm sự bất kì điều gì với bố mẹ. Các phụ huynh hãy từ tư, kiên nhẫn và chịu đựng những biểu hiện của con và đồng cảm với con của mình bằng tình cảm chân thành nhất để giúp con bước qua tuổi khủng hoảng của mình”.

Cũng nói về điều này, theo con mắt của một nhà làm Giáo dục, TSGD Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng việc khủng hoảng tuổi lên 7 là giai đoạn bắt buộc phải trải qua ở mỗi con người để lớn, bởi vậy bố mẹ không cần phải lo lắng và hãy thật bình tĩnh để chấp nhận và có những phương pháp giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

  

“Tại sao con muốn đổi tên?” – đây cũng chính là một bức thư được tác giả Phong Điệp chia sẻ trong cuốn “Chúng mình làm bạn con nhé”. TSGD Nguyễn Thụy Anh đã sử dụng câu chuyện này để hỏi các bạn nhỏ và các bố mẹ có mặt trong buổi tọa đàm. Bé Nhật Minh và một số bạn nhỏ khác đã giơ tay rất nhanh khi cô Thụy Anh hỏi “Có bạn nào muốn đổi tên của mình không?”. Chia sẻ về việc giải quyết “đòi hỏi” này của con, bố Nhật Minh cũng kể một câu chuyện rất thú vị về việc đề nghị đổi tên của Nhật Minh: “Con thích một nhân vật trong phim hoạt hình và muốn bố mẹ gọi theo, bố mẹ đồng ý và gọi tên như con muốn, nhưng chỉ vài hôm sau con lại yêu cầu bố mẹ gọi tên Minh của con.”, theo anh vì cái tên Minh đã theo con từ nhỏ, con đã thân thuộc với nó nên con sẽ tự muốn quay trở về cái tên của mình. Có những mẹ khác lại sử dụng hình thức giải thích ý nghĩa tên của con, và chia sẻ với con rằng mẹ phải dành nhiều thời gian thế nào để suy nghĩ nên đặt tên con là gì trước khi con ra đời…

Mỗi bậc phụ huynh đều sẽ có những cách riêng để “đối phó” với tình huống mà đứa trẻ của mình đặt ra và TSGD Nguyễn Thụy Anh giải thích rằng mỗi người đều có tính cá thể, độc lập cá nhân và đứa trẻ cũng không phải là ngoại lệ hay còn được gọi là Vị kỉ trung tâm – đây là cách để giúp trẻ trưởng thành hơn. Còn với Nhà văn Phong Điệp chị chọn cách giải thích với con rằng: “Chính con tạo nên giá trị cái tên của con bằng học tập”.

Và trên cả, theo TSGD Nguyễn Thụy Anh muốn một đứa trẻ lắng nghe bố mẹ mình thì chính bố mẹ phải biết đối mặt với đứa trẻ của mình, không nên quá nựng nịu con mà hãy trò chuyện với con một cách thấu hiểu và chia sẻ như những người Bạn! Không có một công thức chung nào bởi mỗi đứa trẻ là một thế giới, bố mẹ hiểu con sẽ tìm được cách phù hợp để tiếp cận với con và giúp con trưởng thành hơn.

  Cuối chương trình, tác giả Phong Điệp kí tặng sách cho các độc giả đến tham gia buổi ra mắt sách và Tọa đàm.Sau đây là một vài hình ảnh trong chương trình!

      

PV CLB Đọc sách cùng con

About DuongMy

Scroll To Top