1. Khái niệm “học sinh cá biệt”?
Một trong những điều chúng tôi được học ở trường Sư phạm trong giờ Tâm lý giáo dục, cho đến giờ tôi còn nhớ, là: “Những quy luật của sự phát triển tâm lý ở một đứa trẻ luôn là độc đáo, cá biệt, không lặp lại ở đứa trẻ khác.” Lại nữa, một nhà văn Nga có nói: “không có sự giống nhau hoàn toàn giữa hai con người, và ngay cả giữa hai bụi tầm xuân!”… Vậy thì, đương nhiên, mỗi một học sinh phải là một nhân vật “cá biệt” – phải là riêng, không giống ai! Lạ thay, hình như lâu nay chúng ta đã quen với việc bất bình khi một người “không giống ai”! Có phải vậy không mà những đứa trẻ “hư”, có những hành vi làm phiền lòng cha mẹ, thày cô giáo, không hòa đồng được với tập thể, không chấp hành kỷ luật trường lớp, thường được gọi bằng từ “cá biệt”? Từ này được dùng với góc độ tiêu cực, rõ ràng là một sự “phân loại, đánh giá” không thân thiện, không công bằng về một con người!
Ở Nga thì có khái niệm “học sinh khó” (trudnyi uchenik) theo tôi, có lẽ chính xác hơn, với hàm nghĩa học sinh khó tiếp cận, gây khó khăn cho nhà sư phạm trong công việc điều hành lớp, đem lại kiến thức cho các em.
Gần đây, tôi có đọc một bài phân tích của một giáo viên tiểu học Nga: cô cho rằng học sinh khó có hai nhóm: nhóm có thể, mà không muốn và nhóm muốn, mà không thể! Một cách định nghĩa khá độc đáo mà ngẫm ra, rất đúng. Nhóm 1 – trẻ thể hiện phản kháng. Nhóm 2- thể hiện sự bất lực.
2. Nguyên nhân?
Một con người, một đứa trẻ cần gì? Tôi cho rằng, đó là tình yêu, sự quan tâm và thấu hiểu từ phía người lớn. Nếu trong lớp có học sinh khó nghĩa là chúng ta đã chưa bù đắp được tình yêu, sự quan tâm mà nó đã và đang cảm thấy thiếu hụt.
Tôi bất giác nhớ đến cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn đã đề xuất một phương pháp hay trong việc giáo dục trẻ, đó là: nhớ lại tuổi thơ, đặt mình ở vị trí của một đứa trẻ để hiểu một đứa trẻ, với những hoang mang, lo lắng, giận dỗi, ước mơ; nó đang khao khát, đòi hỏi điều gì ở những người lớn? Tôi đồ rằng, ở phương diện này, một đứa trẻ của thế kỷ 21 cũng không khác với đứa trẻ ở thế kỷ 19, 20 là bao. Nếu các bậc phụ huynh và các nhà sư phạm thực sự ghi nhớ được cảm nhận của mình ở lứa tuổi bằng với đứa trẻ mình đang dạy bây giờ, thì việc tìm ra con đường tiếp cận với những học sinh khó chẳng còn khó nữa. Tiếc thay, điều này hình như bây giờ chỉ là… cá biệt!!! Tôi nhớ lại trường hợp người em họ của tôi mắng đứa con học tiểu học về chuyện thằng bé ngủ gật trong lớp rồi không làm hết bài trên lớp, cô cho điểm kém. Mắng ghê lắm, hồn nhiên quên rằng, ngày nhỏ cậu ấy chúa hay ngủ gật trên lớp. Lẽ ra, thay vì mắng mỏ lên án cái “hậu quả” (ngủ gật, điểm kém), ta có thể tìm hiểu “nguyên nhân” (vì sao ngủ gật) và giúp con thay đổi kịp thời, thì đứa trẻ đã nhận được đủ tình yêu rồi. Một đứa trẻ từng đánh nhau với bạn, mà nguyên nhân là để bảo vệ một bạn trong lớp khỏi bị trêu chọc. Nếu không tìm hiểu sự việc, vội kết luận nó hư, nó được xếp vào dạng cá biệt, thì theo thời gian, đứa trẻ như thế sẽ có “cơ hội” trở thành học sinh khó khiến thày cô giáo thực sự “bó tay”! Điều này cũng khiến tôi muốn nhắc đến nguyên tắc “hiểu trẻ em để dạy trẻ em” mà nhà giáo Phạm Toàn nói đến cách đây không lâu trong buổi ra mắt cuốn sách “Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục” của mình.
Ngày còn đi học, tôi sợ nhất cái gọi là đánh giá hạnh kiểm. Có vẻ như cả con người mình bị phơi bày ra mà “đánh giá” ở đó, trước bàn dân thiên hạ. Những “tốt, khá, trung bình” ấy có đúng không, có công bằng không, có khiến trẻ phản ứng một cách tiêu cực không? Người lớn còn có lúc phạm lỗi, nói gì trẻ con, những con-người-nhỏ đang vẫn trong thời kỳ tự khám phá mình và thế giới, tìm cách điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với thế giới ấy. Khi trẻ phạm lỗi, phần nhiều ban đầu chúng cũng muốn sửa mình, cũng muốn được mọi người công nhận mình tốt, mình ngoan. Nhưng rồi, khi đến cả chục người mắng chúng là hư, rồi cả xã hội gọi chúng là cá biệt – không giống ai, thì chúng buông xuôi. Thêm một bước nữa, là phản kháng và thách thức.
Từ một đứa trẻ khó đến một con người “hết thuốc chữa”, bị xã hội chối bỏ… là cả một chặng đường chứ không phải ngày một ngày hai. Ở một góc độ nào đó, một đứa trẻ khó là một hiện tượng tự nhiên, tập thể nào cũng có. Nếu không có những đứa trẻ như thế thì ngành giáo dục chẳng có việc gì mà làm! Chợt liên tưởng tới những cái quảng cáo nhận học sinh của các giáo viên “giỏi” tôi từng đọc được: sẽ sơ tuyển để nhận học sinh khá giỏi trở lên!!!
3. Giải pháp?
Mỗi một đứa trẻ là một cá nhân/ cá thể trong xã hội. Đó là cái chìa khóa để các thày cô tìm đường đến với phương pháp giáo dục đứa trẻ ấy.
Việc tự đánh giá bản thân ảnh hưởng lớn đến hành vi của trẻ trong xã hội. Hãy giúp cho trẻ đánh giá đúng bản thân mình: không quá cao, cũng không quá thấp so với con người và năng lực thực của trẻ. Nhưng việc tự đánh giá bản thân (tự phê) của trẻ lại cần có cơ sở là sự đánh giá của người lớn, xã hội về mình. Không phải ngẫu nhiên mà người thày hiệu trưởng trong cuốn “Tốt-tô-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ” lại luôn luôn nói với học sinh rằng: “Em là một cô bé ngoan”!
Tuy nhiên, tôn trọng một đứa trẻ, không có nghĩa là dung thứ tất cả những lỗi sai. Đã đề ra nguyên tắc thì phải có “xử lý” nếu nguyên tắc đó bị vi phạm. Nhưng trước khi ra hình phạt, phải làm sao cho đứa trẻ tâm phục khẩu phục, phải tự “xử lý” mình trước đã! Cần nhớ, trẻ em có một quyền, là quyền tham gia. Nó được quyền phản biện trước những người lớn. Tôi nhớ những hình phạt từng được chứng kiến thời thơ ấu: viết thư mời phụ huynh đến trường, đuổi học vài ngày, bắt viết bản kiểm điểm một cách không tự giác… Thời nay thì có thêm: véo tai, đánh vào tay, cốc đầu, bắt ngồi viết 50 lần hay 100 lần một câu gì đó kiểu tự kỷ ám thị! Những kiểu phạt ấy không phải là giải pháp, mà chỉ thể hiện sự bất lực!
Điều ta cần không phải là thay đổi bản chất một con người, mà là hướng cho những hành vi của trẻ được hợp lý trong một cộng đồng, đồng thời khơi gợi phát huy những mặt mạnh tiềm ẩn mà bất kỳ con người nào cũng có. Chẳng hạn, một đứa trẻ không có khả năng tập trung tốt, năng lực học tập có kém hơn các bạn đôi chút – chớ đòi hỏi nó luôn có điểm 9, 10, thậm chí trên trung bình! “Trời sinh ra thế” rồi mà! Nhưng bù lại, chắc chắn đứa trẻ sẽ có những ưu điểm nào đó trội hơn các bạn, như hoạt động thể lực hay có đôi tai âm nhạc nhạy bén! Hãy dùng những phương pháp: quan sát, tìm hiểu, thử nghiệm, phân tích hành vi… để tìm ra cái “cá biệt đáng quý” ở trẻ. Đôi khi, “nhân tài” hay … “lưu manh” lại phụ thuộc vào bàn tay nhào nặn của thày cô!
Tôi nghĩ, nói về giải pháp đối mặt với vấn đề “học sinh cá biệt ở trường học” đồng nghĩa với việc… không nói gì cả! Điều quan trọng là cách tiếp cận vấn đề của nhà sư phạm. Mỗi đứa trẻ có một thế giới riêng của mình. Thày cô, cha mẹ bước vào thế giới đó thế nào, bằng cách nào? Có thể gõ cửa xin vào. Có thể phá cửa mà vào. Thậm chí, có thể phá cửa, bước vào, và kéo tuột đứa trẻ ra khỏi thế giới ấy, bắt nó ngay lập tức rơi vào một thế giới khác ồn ào hơn với những quy tắc, luật lệ khác hẳn điều nó muốn.
Không biết các thày cô giáo thế nào, chứ tôi, tôi chọn cách gõ cửa.
TSGD Nguyễn Thụy Anh