Home / Giới thiệu sách / Trần Hoài Dương – Người của “Miền xanh thẳm” (Lê Phương Liên)

Trần Hoài Dương – Người của “Miền xanh thẳm” (Lê Phương Liên)

tranhoaiduong

Thế là đã 9 năm qua rồi, kể từ một ngày hè nhà văn Trần Hoài Dương đã đột ngột ra đi. Dường như với những người bạn văn đã không còn thể nào gặp gỡ trên trần gian, ta có thể được gặp lâu hơn trên những trang chữ để lại, không phải gặp một lần mà là nhiều lần bởi được đọc kỹ hơn nghĩ ngẫm nhiều hơn để thấy ra những gì mà khi người ấy còn tại thế mình đã chưa kịp hiểu.

Trần Hoài Dương có tập truyện Con đường nhỏ (NXB Kim Đồng,1976) với những lời đề từ bằng thơ:

Yêu sao con đường nhỏ

Nguồn của mọi con đường

Hãy giữ cho đường đó

Không bao giờ rác vương

(Trần Hoài Dương con người tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr. 413)

Tôi được đọc những câu ấy từ lúc thủa đầu xanh tuổi trẻ và nhận ra một giọng nói nhẹ nhàng, nhũn nhặn, không có gì “đao to búa lớn”. Giờ đây tôi lại càng thấu hiểu việc lựa chọn một “con đường nhỏ” của Trần Hoài Dương mới thực là một thử thách không hề Nhỏ. Lời tâm nguyện “ không bao giờ rác vương” của nhà văn Trần Hoài Dương là một tâm nguyện kiên nhẫn chịu đựng thăng trầm trong đời dâu bể để đến khi tác giả đã “sạch bụi trần”, người ta mới nhận ra rằng người lựa chọn con đường nhỏ chính là người có Tâm Hồn Lớn.

Kể từ cuốn sách đầu tiên Em bé và bông hồng (NXB Kim Đồng, 1963) đến tác phẩm cuối cùng Nàng công chúa biển (NXB Kim Đồng, 2009), nhà văn Trần Hoài Dương chỉ sáng tác cho thiếu nhi bằng con đường riêng của mình. Tôi đã được nghe nhiều anh chị biên tập lớn tuổi hơn tôi kể lại chuyện anh đã không nhận nhuận bút cuốn sách nhỏ đầu tiên ấy. Sau này khi có dịp làm biên tập, tôi đã chọn tên Em bé và bông hồng (kỷ niệm cuốn sách đầu đời) để đặt tên cho tuyển tập truyện ngắn dành cho lứa tuổi nhỏ của tác giả Trần Hoài Dương. Nhớ lại dạo ấy anh rất vui và hài lòng lắm.

Đúng là nhà văn Trần Hoài Dương hầu như không bao giờ viết những chuyện “bom tấn” (từ của ngành điện ảnh hiện đại), mà anh viết về Chiếc lá, Nụ tầm xuân, Cây lá đỏ, Quà tặng của chim non, Lá non… (Tên các truyện ngắn của Trần Hoài Dương). Nhà văn là người yêu tuổi thơ và yêu mùa xuân, yêu cảnh cây cối đâm chồi nảy lộc, yêu những nụ non bé bỏng. Dường như khi nhìn thấy cảnh chồi, nụ nảy mầm xanh, anh cảm thấy niềm hi vọng của cuộc đời:

“Lộc bàng khi mới nhú mầu hung nâu.Chỉ vài ba ngày sau nó chuyển sang mầu xanh nõn, mập mạp chúm chím như những búp hoa. Thoáng nhìn một cành bàng vừa nảy lộc, cứ ngỡ vừa có một đàn bướm xanh ở đâu bay về đậu khắp cành. Chúng có thể sẵn sàng bay tung lên bất cứ lúc nào.” (Trích “Lá non”, Trần Hoài Dương con người – tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr. 352)

Ánh mắt quan sát thiên nhiên của nhà văn không chỉ là ánh mắt của nhà khoa học, anh quan sát không chỉ bằng mắt, mà bằng “cái tâm” của mình. Sự quan sát nhìn ngắm của anh không chỉ là nhìn thấy “cái thật” trước mắt, mà là “cái nhìn ảo” của người biết tưởng tượng với tâm hồn khát khao bay bổng. Bởi thế những cái “lộc bàng” mới biến thành “đàn bướm xanh” và “sẵn sàng bay tung” khi có gió thổi! Cái nhìn ấy của nhà văn Trần Hoài Dương lại chính là cái nhìn của tuổi thơ. Nếu đứa trẻ không còn cái nhìn tưởng tượng bay bổng đó thì tuổi thơ đã không còn, đã bị mất. Và, một đứa trẻ bị mất tuổi thơ là một đứa trẻ có tâm hồn cằn cỗi. Nhà văn Trần Hoài Dương ước muồn rằng khi đọc những trang văn đẹp và có tâm, trí tuệ và tâm hồn trẻ thơ như cây non được uống một loại nước trong lành nuôi dưỡng cho tâm ý của trẻ nhỏ được lớn lên hòa ái với thiên nhiên đúng như triết lý của phương đông: hòa hợp thiên, địa, nhân. Tôi nghĩ là anh chưa chắc đã ý thức triết lý này, nhưng anh đã sống tự nhiên như thế.

Trần Hoài Dương đã từng đi thâm nhập thực tế ở một trường học của trẻ em hư, mắt thấy những chuyện ăn cắp, ăn trộm, tai nghe những lời nói thô tục. Trí tuệ của Trần Hoài Dương đủ khả năng “đọc ra” trên mặt người những suy nghĩ không lương thiện… Nhưng anh đã viết về “cái hư” của trẻ em như một “cái hư tạm bợ”, dường như anh vẫn nghĩ rằng trong thẳm sâu con người vẫn là phần lương thiện, cần phải đánh thức phần lương thiện đó nuôi dưỡng phần lương thiện đó bằng những trang văn trong trẻo.

Truyện của Trần Hoài Dương có những nhân vật tưởng tượng như Bé Rơm, các Con chữ (Cuộc phiêu lưu của các con chữ, NXB Kim Đồng, 1975). Và, có cả hình bóng những người thân yêu của anh có nhân vật tên Quỳnh (tên con trai của anh). Nhưng không hiểu sao tôi có cảm giác tất cả các nhân vật đó thể hiện “cái tôi trữ tình” của Trần Hoài Dương. Văn của anh gần với thơ, đó là cách viết “giăng mình” lên trang giấy để thể hiện tất cả mọi cung bậc cảm xúc vui sướng và đau khổ trong cuộc giao cảm với mọi biến động xã hội. Cách viết ấy thể hiện đầy đủ và tiêu biểu nhất trong tác phẩm Miền xanh thẳm (NXB Kim Đồng, 2000).

Nhà văn Trần Hoài Dương đã tự bạch: “Tôi gắng chọn lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hi vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện…” (Nhà văn hiện đại Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, 2010, tr. 1015).

Với một tâm nguyện như vậy, Trần Hoài Dương giữ nguyên trong mình một lý tưởng thẩm mỹ về “vẻ đẹp trong sáng”, để rồi anh đã không chấp nhận cho cái “không đẹp”, “không trong sáng” tồn tại trong nhãn quan của mình. Trong tác phẩm cuối cùng của anh, Nàng công chúa biển, anh đã thể hiện sự dằn vặt nội tâm về cái thiện và cái ác. Tác phẩm được thể hiện như một câu chuyện cổ tích, một thể loại văn học giầu chất tưởng tượng là sở trường của Trần Hoài Dương. Câu chuyện về một ông lão ở xóm chài ven biển gặp một mụ phù thủy tàn ác có những “phép thuật”, “lời nguyền”. Người đọc bị cuốn theo những suy nghĩ của tác giả, không phải vì tin rằng những gì tác giả viết là hoàn toàn có thật, mà là vì sự lôi cuốn nhiệt tình trong cảm xúc của người kể chuyện. Cái ác đến thế sao? Người ta có thể ác như vậy sao? Người đọc sẽ lo lắng hồi hộp và mong ước nhân vật ông lão được hoàn nguyên lại là một người lương thiện. Chính vì vậy, đoạn văn gây xúc động nhất chính là đoạn văn tả lại sự thay đổi tâm tính của ông lão khi sống bên một cô bé ngây thơ trên đảo vắng. Nhiều người có thể nhận ra tác phẩm Nàng công chúa biển của Trần Hoài Dương chịu ảnh hưởng của truyện cổ tích Andersen. Chính nhà văn đã nói rằng mình rất say mê Hans Christian Andersen và Antoine de Saint Exupéri (tác giả Hoàng tử bé).

Cả đời viết cho thiếu nhi, cả trăm truyện ngắn, cả chục đầu sách, nhà văn Trần Hoài Dương đều hướng theo nghệ thuật “thế giới kỳ diệu của trí tưởng tượng”, văn phong của tác giả luôn luôn vừa tinh tế hiện thực ,vừa trong sáng lãng mạn. Có lẽ cuộc sống của nhà văn Trần Hoài Dương cũng lãng đãng vẻ huyền ảo lãng mạn như văn của anh vậy. Tác phẩm cũng như cuộc đời và sự ra đi đột ngột của nhà văn Trần Hoài Dương đã để lại cho chúng ta một lời nhắn nhủ: Sự tồn tại trần thế của một con người là hữu hạn, nhưng sức sống của những khát vọng văn học là vô hạn. Mỗi lần đọc lại những trang văn của Trần Hoài Dương tôi không thể thoát khỏi một nỗi buồn thương tiếc người đã đi xa. Nhưng rồi tâm hồn tôi bỗng bừng thức như đọc truyện Nàng tiên cá của H.C.Andersen. Tôi biết rằng Nàng tiên cá đã biến thành những cô tiên trên không trung chứ không bị biến thành bọt biển.

Nếu nghĩ đến cả tiến trình lịch sử văn học đồ sộ của nước nhà thì cuộc đời và những tác phẩm của Trần Hoài Dương cũng chỉ như tiếng hạc bay qua, nhưng tiếng hạc ấy không biến mất hoàn toàn. Bởi tiếng hạc ấy vẫn bay từ Miền xanh thẳm trở về trong những trang sách trẻ thơ đang cầm trên tay. Những nỗ lực tâm huyết của cả cuộc đời nhà văn Trần Hoài Dương đã không biến thành bọt biển. Những khát vọng nhân văn mà tác giả Trần Hoài Dương gửi lại sẽ còn xanh mãi như bầu trời, như ánh nắng ấm áp tỏa sáng trên đất nước với trẻ thơ Việt Nam.

 Hà Nội tháng 3/2020

Lê Phương Liên

About Chang Che It

Scroll To Top