Home / Bài Viết / Can đảm đi tìm hạnh phúc (Đọc “Dám bị ghét” Kishimi Ichiro & Koga Fumitake, Nhã Nam & NXB Lao động, 2018)

Can đảm đi tìm hạnh phúc (Đọc “Dám bị ghét” Kishimi Ichiro & Koga Fumitake, Nhã Nam & NXB Lao động, 2018)

dam-bi-ghet

Bạn có mệt mỏi với thế giới hỗn loạn mà bạn đang sống không? Hay khi ở với mọi người, bạn luôn hoài nghi và có cảm giác đề phòng? Bạn vô cùng chán ghét bản thân mình và nghĩ mình bất tài? Nếu bạn trả lời “có” cho những câu hỏi nêu trên thì “Dám bị ghét” chính là quyển sách thích hợp để bạn đọc trong những ngày nghỉ rảnh rỗi.

Được ra đời ở Nhật Bản, một nơi luôn tràn ngập sự mệt mỏi với công việc khi đa số công dân không biết cách sống lành mạnh, “Dám bị ghét” như một tia sáng phá vỡ bóng tối từ những nơi sâu thẳm nhất của tâm trí con người, để từ đó thắp lên ngọn lửa hạnh phúc. Từ sự kết hợp của triết gia Kishimi Ichiro với nhà văn Koga Fumitake, cuộc đối thoại thú vị sẽ giới thiệu cho độc giả một triết lý mới của nhà tâm lý học Adler, một thể loại đi ngược hoàn toàn với tâm lý học của Freud.

Thoạt nhìn, ai cũng tưởng đây là một cuốn “self-help” (thể loại hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân, thường được viết theo kiểu trích các câu chuyện nhỏ rồi dẫn đến kết luận chung), và đây ĐÚNG là một quyển self-help thật. Nhưng thay vì viết theo khuôn mẫu thông thường, Koga Fumitake đã lồng phần hướng dẫn của self-help vào một buổi trò chuyện giữa “chàng sinh viên” và “vị triết gia”. Trước khi đề cập đến chi tiết của cuộc đối thoại, đây là vài nét về chàng thanh niên đặc biệt này, người đã đi cả vạn dặm chỉ để phản đối quan điểm của triết gia. Chúng ta luôn biết độ tuổi 20 là độ tuổi của sự trẻ trung, năng động, độ tuổi để sống hết mình với đam mê và hoài bão, độ tuổi mà cánh cửa quá khứ đã khép lại để cả chân trời tương lai rộng mở phía trước. Nhưng anh chàng này lại không như thế. Ngay từ bé,vì bị ảnh hưởng bởi phụ huynh, anh luôn nghĩ rằng thế giới thật mệt mỏi và phức tạp. Từ một người bố nghiện công việc, anh được dạy bảo phải luôn làm việc để kiếm tiền, luôn nghi ngờ người khác để không bị lừa, luôn tìm cách làm hài lòng người khác để được thừa nhận. Tất cả chỉ để kiếm tìm một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng người bố đã quên mất một điều: đó là dạy con mình hạnh phúc là gì. Vì thế, anh chỉ nghĩ đó là một lý tưởng viển vông, một điều mà không thể với tới được. Với anh, “thế giới là một cõi hỗn mang đầy mâu thuẫn, không hề có hạnh phúc”. Anh chính là đại diện cho phần đông thanh niên của Nhật Bản hiện nay, những con người đang sống vật vờ, không có mục đích, hy vọng. Thế nên, khi nghe tin về một vị triết gia phát biểu rằng “thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc ngay từ lúc này”, anh đã tiến thẳng đến thư phòng của vị triết gia để có thể phản đối một cách gay gắt về luận điểm mà anh cho là “vô lý” này. Mặc dù là một người tự ti, nhưng anh rất tự tin về quan điểm của anh và cho rằng vị triết gia sẽ phải quỳ gối trước anh.

Thế là, cuộc trò chuyện bắt đầu. Hai người, một thư phòng nhỏ bé, một cuộc tranh luận gay gắt, một “triết lý hạnh phúc”. Thoạt đầu, qua cách nói chuyện của hai người, ai cũng sẽ liên tưởng đến hình ảnh của người thầy và trò, nhưng không, với vị triết gia, đây thực chất là cuộc trò chuyện của hai người bạn. Từng buổi tranh luận luôn bắt đầu với giọng điệu gay gắt của chàng sinh viên nhưng luôn kết thúc với sự nhẹ nhàng trong lời nói của cả hai người. Và qua từng đêm một, chàng thanh niên hiểu thêm về một mảng trong tâm lý học Adler. Cho đến đêm cuối cùng, nút thắt suy nghĩ của anh chàng đã được gỡ bỏ và chàng ra về với một nụ cười nhẹ nhõm trên mặt.Cách nói chuyện như giữa hai người bạn của vị triết gia đã giúp chàng thanh niên không bị giới hạn bởi từ ngữ và các phép tắc, khiến chàng có thể đi thẳng vào vấn đề. Ngoài cách nói chuyện, vị triết gia đã truyền đạt điều gì để thay đổi chàng thanh niên vốn dĩ “cứng đầu” này? Biết rằng ẩn sâu bộ mặt gay gắt đó của chàng sinh viên là một tâm hồn cần được chữa lành, ông đã biến buổi tranh luận triết lý này thành lớp phủ ngoài cho một buổi trị liệu tâm lý để có thể dễ dàng đưa triết học của sự hạnh phúc đến với chàng. Không chỉ thế, ông còn đề cập đến thuyết mục đích của Adler.

Vậy thuyết mục đích là gì? Đó là một thuyết đi ngược lại với thuyết nguyên nhân của Freud. Thay vì bạn suy xét một sự việc theo nguyên nhân của nó thì bạn sẽ đi tìm mục đích của sự việc đó. Ví dụ như có câu: Tom tức giận mắng người phục vụ. Người theo thuyết nguyên nhân sẽ bảo rằng: Tom tức giận vì người phục vụ làm phiền Tom. Nói thế chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Nhưng những người theo thuyết mục đích sẽ bảo rằng: Tom VÌ MUỐN MẮNG NGƯỜI PHỤC VỤ NÊN ĐÃ SỬ DỤNG CẢM XÚC TỨC GIẬN. Như thế thì Tom có thể hiểu được không phải dùng sự tức giận, chỉ cần nói nhẹ nhàng là người phục vụ sẽ xin lỗi ngay. Vị triết gia đã sử dụng lối tư duy này như một công cụ trong suốt quá trình tranh luận.

Từ buổi tranh luận đó, độc giả đã học được vô số điều mới như: sang chấn tâm lý không có thật, mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ người với người, sống hết mình ngay vào lúc này,… Tất cả các bài học đó đều để chứng minh rằng chỉ cần có CAN ĐẢM, can đảm để thay đổi mình, can đảm để có thể nhìn trực diện vào thế giới này, ta có thể biến một điều tưởng chừng như không thể thành có thể, đó là có một cuộc sống hạnh phúc. Liệu bạn có đủ can đảm để thay đổi không chỉ bản thân mà thay đổi cả thế giới, từ một con quái vật xấu xí mang nhiều mặt thành hiện thân hoàn hảo của sự hạnh phúc. Tất cả chỉ từ một điều nhỏ trong sự can đảm, đó là DÁM BỊ GHÉT. Sau cùng, tôi xin “can đảm” để nói lời cảm ơn đến PGK người đã tặng tôi cuốn sách tuyệt vời này.

Đức Anh (Lớp Nghĩ và Viết THCS – CLB Đọc sách cùng con)

About Chang Che It

Scroll To Top