Home / Thông Báo / “Tủ sách đời người” ra mắt loạt sách đầu tiên & Tọa đàm chia sẻ Phương pháp dẫn dắt trẻ vào thế giới truyện cổ

“Tủ sách đời người” ra mắt loạt sách đầu tiên & Tọa đàm chia sẻ Phương pháp dẫn dắt trẻ vào thế giới truyện cổ

Chiều ngày 20/4/2022, tại Thư viện Quốc Gia đã diễn ra sự kiện ra mắt 7 cuốn sách đầu tiên trong dự án Tủ sách Đời người, gồm các cuốn sách hướng tới thiếu nhi: Truyện cổ nước Nam, Truyện ngụ ngôn Aesop, Thơ ngụ ngôn La Fontaine, Truyện cổ dân gian Nga, Truyện Kiều, Gia lễ chỉ nam.

Trước khi các chuyên gia trao đổi và chia sẻ với phụ huynh, thầy cô giáo cũng như những người lớn quan tâm đến văn hoá đọc, TSGD Nguyễn Thuỵ Anh đã giao lưu với các bạn học sinh trường THCS Ban Mai về truyện dân gian, đặc biệt là ngụ ngôn. Nhắc đến truyện ngụ ngôn, các bạn nhỏ có thể kể ngay được một số câu chuyện quen thuộc gắn với bài học đạo đức như truyện “Bó đũa” khuyên anh em đoàn kết, truyện “Đồng tiền vàng” về giá trị của lao động… Vậy nếu các bạn tự mình sáng tạo, thay đổi một chi tiết trong truyện ngụ ngôn thì điều gì sẽ xảy ra? Khi được cô Thuỵ Anh giao một thử thách nhỏ với truyện “Nho chua” trong Ngụ ngôn Aesop, các bạn học sinh và cả thầy cô giáo đều hào hứng tham gia, thoả sức tưởng tượng và tự tạo nên một câu chuyện khác, rút ra một ý nghĩa khác, lời khuyên khác. Thông qua cách tương tác, sáng tạo, hoặc phản biện lại câu chuyện, truyện cổ dân gian trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với các bạn nhỏ hiện đại.

 

Sau phần giao lưu với các bạn nhỏ, các khách mời của chương trình gồm TSGD Nguyễn Thuỵ Anh, tác giả – dịch giả Nguyễn Quốc Vương, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn đã tiếp tục bàn luận, chia sẻ về giá trị của văn học dân gian và cách đưa văn học dân gian đến gần hơn với độc giả nhỏ tuổi. Cô Thuỵ Anh cho rằng không nên áp đặt ý nghĩa, bài học khi đọc cho trẻ những câu chuyện dân gian. Phương pháp đưa trẻ tiếp cận mở, cho phép sáng tạo, phản biện là cách tiếp cận nhẹ nhàng, gần gũi, để các em không chỉ nhớ một cách máy móc. Đồng quan điểm về hướng phát triển tư duy phản biện, thầy Anh Tuấn nói đến những bối cảnh, cách ứng xử, suy nghĩ trong truyện dân gian mang tính chất thời đại, có thể không còn phù hợp với cách nghĩ ngày nay. Độc giả nhỏ tuổi cần được cung cấp không gian để nhận xét, thảo luận, phản biện. Thầy Quốc Vương cũng nhắc đến những trường hợp truyện dân gian được biên tập, chỉnh sửa để phù hợp với tư duy giáo dục, văn hoá của mỗi đất nước, đồng thời người lớn nên đặt mình vào góc nhìn của trẻ để đánh giá truyện dân gian đó có phù hợp hay không.

Loạt sách đầu tiên trong dự án Tủ sách Đời người của Omega Plus gồm những truyện cổ, truyện dân gian hướng đến thiếu nhi, mang giá trị tham khảo, hướng dẫn cho các độc giả nhỏ tuổi cũng như các phụ huynh, thầy cô giáo khi chọn đọc các tác phẩm văn học dân gian trong gia đình và ở trường. Dự án sẽ tiếp tục xuất bản những đầu sách nằm trong sự lựa chọn của độc giả cả nước và ban cố vấn chuyên môn của dự án, hứa hẹn giới thiệu, lan toả những cuốn sách giá trị, thúc đẩy sự phát triển văn hoá đọc của người Việt.

Bài viết: Hương Trang – Ảnh: Quang Tùng, Trà My

About DuongMy

Scroll To Top