(Về tập thơ thứ 5 của Hoài Khánh – “Địu chữ qua Cổng Trời”, NXB Kim Đồng, 2019)
Ấn tượng đầu tiên và xuyên suốt mà tập thơ đem đến cho độc giả là âm thanh – âm thanh của cuộc sống nơi rừng núi. Ngay từ khi giở trang đầu tiên, ta đã nghe thấy thật nhiều những âm thanh đủ mọi trạng thái, cấp độ. Khi rộn rã, lúc êm êm. Khi là tiếng chim muông hoa lá, lúc lại là âm thanh vang lên trong tưởng tượng của những đứa trẻ . Từ “te te chấp chới tiếng gà”, “chim muông ríu rít” đến “khu vườn lao xao”, tiếng lá reo “mềm như lụa”, “sấm ì ùng”, “tiếng chim như mật”, tiếng dàn kèn tưởng tượng “thổi toe toe giữa trời”, tiếng sáo réo rắt, tiếng núi “nhẩm hát lời lá xanh”, tiếng thác đổ “ầm ì ngân nga”, tiếng “cánh sóng reo ca…”, kèn môi “réo rắt”, tiếng ngựa “hí vang một góc chợ phiên”, tiếng “trống chiêng mở hội”, tiếng mõ trâu “lốc cốc” … Thậm chí, âm thanh có mùi hương, âm thanh có màu sắc (tiếng ó o rất hồng; tiếng sáo thơm vào ánh trăng…).
Tập thơ “Địa chữ qua Cổng Trời”
Âm thanh khiến cuộc sống trở nên sống động, tuổi thơ trở nên tươi vui, hạnh phúc!
Hoài Khánh không kể câu chuyện xa xôi, vất vả của các bạn nhỏ miền núi mà lại cho người đọc thấy niềm hạnh phúc lớn lao của họ khi có thiên nhiên bên mình. Thiên nhiên ngập tràn khắp nơi, nhờ các hình ảnh nhân hoá mà biến thành một người thân của các em bé. Tuổi thơ vì thế mà không thiếu thốn. Tuổi thơ vì thế mà hạnh phúc!
Nhà thơ Hoài Khánh có thể là nhà thơ viết cho thiếu nhi vì ông nhìn cái gì cũng đầy liên tưởng, y như cái nhìn của trẻ nhỏ trong tư duy hình tượng: “Núi duỗi chân ra biển nghịch” (Đèo Ngang), “Ông mặt trời khó nhọc/ Đang leo dốc đằng xa” (Qua ô cửa đá), ông mặt trời có mặt ở khắp nơi, “ham chơi như trẻ lên mười” (Ông mặt trời mùa Thu), em đi gánh nước là “dắt buổi chiều xuống bến/ gánh dòng sông về nhà” (Chiều bến sông), buổi chiều nắng quái, em bé gái thêu thùa thì “tay hứng đầy nắng đỏ”, đàn em thơ ở núi đi học thì như “gùi chữ” trên đường mòn (Ở bản Giang Mỗ), những bông hoa như “đèn lồng” giăng giăng, “nối bờ giậu với mênh mông đất trời” (Hoa râm bụt), con chim “nhỏ nhoi như một hòn than/ Hót lên, cời lửa nhen ban mai hồng” (Chim chìa vôi), chồi non là mùa xuân “ríu rít/ Sum vầy bên cây bàng” (Cây bàng mùa xuân)… Những câu thơ như thế cho thấy lòng yêu thương, ưu ái của tác giả dành cho trẻ em. Với Hoài Khánh, thế giới này là của các em. Vì thế, vạn vật lá hoa mây gió, đến cả núi và mặt trời cũng là trẻ nhỏ.
Chương trình ra mắt tập thơ “Địu chữ qua cổng trời” do CLB Đọc sách cùng cùng con tổ chức. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ “EcoCamp 2019 – Ngày mai bắt đầu từ hôm nay” tại Đồ Sơn, Hải Phòng (07/2019).
Cũng giống như ba chiếc kim có tính cách khác nhau trong “Đồng hồ báo thức” hay que diêm đánh lửa lên trời chính là “cây đèn biển”… trong các tập thơ trước, Hoài Khánh vẫn giữ thế mạnh quan sát và liên tưởng hóm hỉnh trong tập thơ mới này. Nhà thơ nhìn kiểu trẻ con, nói kiểu trẻ con, học trẻ con mà sống cùng thế giới. Cách nói của anh, ngược lại, cũng sẽ ảnh hưởng đến người đọc nhỏ tuổi, khuyến khích các em nói ra những suy nghĩ táo bạo, thú vị, lạ lùng của mình.
Cuốn sách rất thích hợp và cần thiết cho các bạn nhỏ tiểu học, sẽ giúp các em học cách tiếp thu, cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống quanh mình, học cách diễn đạt ý mình một cách đầy hình tượng.
Thụy Anh (viết cho CLB Đọc sách cùng con)