Ngay từ năm đầu tiên có ngày sách Việt Nam – 21/4/2014, và cả trước đó là ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4, tôi đều đặn tham gia các hoạt động ở Văn Miếu và Thư viện Quốc gia, giới thiệu sách và tôn vinh các nhà văn. Thật hạnh phúc khi được đồng hành cùng những người viết, những người làm sách và độc giả!
Tuy nhiên, đã là năm thứ 4 của phong trào rồi đấy! Tôi cho rằng, đối với Việt Nam, tạo phong trào vẫn rất cần thiết. Những phong trào, chiến dịch, chủ trương lớn đã góp phần thay đổi ứng xử xã hội đối với việc đọc.
Nhưng đến hẹn lại lên, nào lễ hội, nào cuộc thi, nào diễn kịch theo sách, nào diễu hành nhân vật, nào các Hội sách hàng quý, nào Phố Sách, nào các loại toạ đàm… thế thì, thời gian nào dành cho việc đọc? Sách đẹp mua về để trên giá bao lâu thì sẽ được người lấy xuống, âu yếm phủi bụi và chậm rãi giở từng trang trong một ngày đơn giản không lễ chẳng hội nào đó? Ta sẽ lấy gì làm thước đo đánh giá một “văn hoá đọc” khi nhà nhà người người nườm nượp đi Hội Sách, mà ta vẫn lo lắng, băn khoăn?
Ngày 20/4, trong khán phòng của Thư viện Quốc gia, bên trên nói về những cuốn sách đoạt giải Sách hay Việt Nam, bên dưới rất nhiều người cố chăm chú nghe mà câu được câu chăng vì những sinh viên có vẻ như được trường “lùa” đến, nói chuyện rôm rả, một số cô giáo đi theo nhóm các bạn nhỏ trung học cơ sở xoay người ghé vào nhau ăn bim bim khe khẽ kể những câu chuyện ngoài lề, thi thoảng cười khúc khích tâm đắc. Một âm thanh rầm rì lúc to lúc nhỏ chạy từ góc này đến góc khác trong khán phòng, hoà với tiếng nhạc và loa rất to vọng vào từ bên ngoài… khiến những người có lòng đến với sách, đón nhận câu chuyện của tác giả, cảm thấy rất khó chịu. Tôi chạnh nghĩ, văn hoá đọc phải được xây dựng trên phông nền văn hoá có độ sâu và bền vững. Cứ mãi như thế này thôi, chúng ta sẽ chỉ có “văn hoá đọc” theo kiểu tuyên truyền, loa đài, số lượng.
Mỗi người bình thường đều là một người đọc tiềm năng
Khi tôi cầm một cuốn sách và bắt đầu thử đọc cho một bạn nhỏ, tôi luôn thấy hồi hộp: liệu bạn nhỏ có hưởng ứng không hay sẽ quay đi? Tôi sẽ phải làm gì để em cùng tôi khám phá những điều thú vị trong ngôn từ của tác giả? Và tôi hiểu rằng, chỉ cần một chút chậm lại, một chút để tâm tìm hiểu đứa trẻ, xem nó e ngại điều gì, nó gặp cản trở ở đâu khi đọc sách, và một chút khích lệ, tôi có thể gọi “một người đọc tiềm năng” trong em bé. Tôi hướng dẫn em cách tiếp nhận cuốn sách, cách “chơi” với một trang sách, biết chắc rằng khi không có tôi, em có thể sẽ thử lại hoạt động này.
Tôi từng nói đến việc xây dựng một “cộng đồng đọc” để lôi cuốn và chia sẻ, nhưng cộng đồng ấy cũng phải vừa đủ… nhỏ để mỗi thành viên không bị chìm nghỉm trong đó. Chính vì thế, bên cạnh các lễ hội, các Hội chợ, cần nghĩ đến việc cung cấp kỹ năng khơi gợi và hỗ trợ việc đọc cho các cán bộ thư viện, các hướng dẫn viên ở Trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức khuyến học, các thày cô giáo và các phụ huynh. Nếu chính những người liên quan trực tiếp đến việc xây dựng phát triển văn hoá đọc lại vẫn chỉ nhìn việc này như “gây dựng phong trào”, xây dựng hình tượng truyền thông để truyền thông điệp xã hội thì “người đọc tiềm năng” trong nhiều đứa trẻ sẽ từ chối xuất hiện. Suy cho cùng, mục đích của chúng ta là khơi gợi tiềm năng đọc, trang bị các kỹ năng để duy trì một năng lực đọc, một niềm vui đọc lâu dài của mỗi cá nhân chứ không phải số liệu để báo cáo! Vậy hãy chấp nhận sự chậm chạp, không bằng lòng nhưng giữ thái độ điềm tĩnh trước những con số (chẳng hạn, việc một người Việt Nam mỗi năm đọc 2,8 cuốn sách), để chúng không là cái “đích nông nổi” – “nổi nhưng nông” của những hoạt động khuyến đọc của chúng ta.
Hãy để việc đọc sách cũng như việc học sống, việc khám phá thế giới, khám phá chính mình của một con người được diễn ra nhẹ nhõm, từng bước, giản dị và tự nhiên, như lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Từng bước gió mát dậy, từng bước nở hoa sen.” vậy.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (03/2018)