Home / Tư vấn - Chia sẻ / Vì sao có Tết?

Vì sao có Tết?

Đêm nay, bố kể cho con một câu chuyện mới.

Ngày xửa ngày xưa, có một bà mẹ sinh được rất nhiều con trai. Chồng bà mất sớm, những người con lớn lên, đi làm ăn ở xa hết cả. Còn lại bà mẹ cặm cụi một mình một bóng. Thi thoảng những người con cũng về thăm mẹ, mang cho bà rất nhiều quà. Nhưng chẳng khi nào họ có mặt đông đủ cùng một lúc cả. Gặp người này, bà mẹ lại chạnh nhớ đến người kia. Chưa kịp vui thì gương mặt bà đã lo âu, buồn bã, không hiểu những đứa con khác dạo này ra sao, có gầy đi vì vất vả mưa nắng hay không. Người mẹ nào cũng lo cho con mình như thế đấy, con ạ.

Bà mẹ nuôi một đôi chim bồ câu làm bầu bạn. Đôi chim sớm tối bay về, gù gù vui vẻ một góc vườn khiến bà cũng vui theo một chút, nhưng nỗi nhớ nhung về những đứa con xa thì vẫn đầy ắp trên từng nếp nhăn của gương mặt bà.

Một hôm, đôi vợ chồng chim bảo nhau: “Mình ơi, tôi thương bà lão quá! Trời đổi tiết xuân, ở đâu cũng có không khí hân hoan của sự sống. Chỉ có ở nhà bà lão, tôi thấy buồn ghê. Mình phải làm gì đây?” Chim chồng nghĩ ra một kế: “Phải gọi tất cả những đứa con của bà lão cùng về một lúc. Chỉ có như thế, bà mới hết buồn lo”.

Chiều hôm ấy, hai vợ chồng nhà chim họp tất cả những bè bạn bồ câu trong vùng, nhờ họ bay đi tìm gọi tất cả những người con phương xa của bà lão. Sớm hôm sau, những cánh chim bồ câu bay đi rợp trời. Bồ câu dẻo dai và tinh tường, bay qua biết bao nhiêu ngọn núi, con sông, tìm được đến tất cả những người con lưu lạc của bà lão.

Một buổi chiều, bà lão mở cửa ra, kinh ngạc nhìn thấy tất cả những đứa con thân thương của mình đang tập họp đông đủ trước sân. Họ mang theo cả vợ con, những cô con dâu từ nhiều miền đất khác nhau, những đứa bé đủ mọi lứa tuổi, đồng thanh gọi “Bà!”.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Người mẹ mỉm cười. Mọi nếp nhăn trên trán bà biến sạch đi đâu mất. Mái tóc dần đen trở lại chỉ trong một buổi chiều. Tối hôm ấy, một bữa cơm đông vui chưa từng có trong đời bà đã diễn ra với thật nhiều món ngon do các nàng dâu trổ tài nấu nướng. Không chỉ có bà lão cảm thấy hạnh phúc mà thật ra, tất cả những người con của bà đều thấy hạnh phúc. Họ nhắc lại những chuyện ngày xưa, hồi còn thơ bé, những kỷ niệm ngây thơ của những ngày xa lắc tưởng chừng không còn nhớ tới nữa. Trẻ con tròn mắt lắng nghe. Chúng nhận anh chị em với nhau, chơi đùa thỏa thích để rồi đêm về thiếp đi trong giấc ngủ ngon lành.

Sáng hôm sau, bà lão đi từng giường gọi các cháu dậy, nhưng gọi được đứa này thì đứa kia lại thèm thuồng nằm xuống ngủ nướng. Nghĩ ra một kế, bà bèn đốt một tràng pháo dài thật là dài. Tiếng pháo nổ rộn ràng khiến lũ trẻ bật ngay dậy, chạy ra sân. Một ngày đẹp đẽ nhất trong năm đã bắt đầu.

Và thế là, cứ đã thành lệ, những người con lấy ngày ấy mà trở về tụ họp với Mẹ, những đứa cháu về bên Bà trong bữa cơm tưng bừng cuối năm. Những đứa cháu cứ sáng ra lại hớn hở đón một ngày mới đẹp đẽ nhất trong năm, thỏa thuê nô đùa để cả năm đó nhớ mãi về nhau…

Những ngày vui vẻ ấy bây giờ mình gọi là Tết, Tết Nguyên Đán!

Tết sinh ra để cho mọi nhà được sum họp. Tết sinh ra để người đi xa vội vã trở về, để người ở nhà ngóng đợi giây phút gặp lại người thân sau một năm dài xa cách. Tết sinh ra để cho mọi người niềm vui đoàn tụ.

Bố kể câu chuyện này để trả lời câu hỏi mấy ngày hôm nay của con: “Tết là gì hả bố? Tại sao lại phải có Tết?”.

Bây giờ con hãy nhắm mắt ngủ đi. Sáng mai bố mẹ đưa con đi mua cành đào, chuẩn bị cho một cái Tết vui vẻ đang sắp đến, con nhé!

Ký tên: Bố tấn (Bố ơi vì sao? – TSGD Nguyễn Thụy Anh)

About admin2

Scroll To Top