Home / Giới thiệu sách / Buổi đọc sách / Buổi đọc sách khoa học “Ánh sáng dễ sợ” (Nick Arnold, NXB Trẻ, 2016)

Buổi đọc sách khoa học “Ánh sáng dễ sợ” (Nick Arnold, NXB Trẻ, 2016)

Ánh sáng có đáng sợ không? Hãy tìm những câu trả lời kinh khủng trong “Ánh sáng dễ sợ” (Nick Arnold, NXB Trẻ, 2016) nhé. Cuốn sách đã mở đầu bằng một câu chuyện rất ma quái về hiệu ứng Brocken. Điều này sẽ xảy ra khi bạn leo lên một ngọn núi và lúc hoàng hôn, mặt trời xuống thấp sẽ rọi bóng bạn lên những đám mây gần đó. Ai cũng sẽ nghĩ đó là một bóng ma to tướng đang đi theo nhưng thực chất đó đó chỉ là một trong rất nhiều hiệu ứng kì lạ của ánh sáng mà thôi.

Ánh sáng đến từ Mặt trời và một số vật thể nóng sáng như ngọn nến chẳng hạn. Thử tưởng tượng cuộc sống của chúng ta không có ánh sáng xem, ôi thật kinh khủng. Phần lớn những điều chúng ra biết về ánh sáng đều là các công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein và Issac Newton. Ngoài họ ra vẫn còn nhiều người khác nữa quan tâm đến thứ dễ sợ này: những nhà vật lý học, các nhà thiên văn học và cả những bác sĩ mắt. Nếu bạn ngứa ngáy muốn biết nhiều hơn về tròng mắt thô lố của mình thì hãy mở ngay trang 45 của cuốn sách này để gọi được tên và chức năng của các bộ phận nhé!

Một trong những hiệu ứng gay cấn nhất của mặt trời chính là “nhật thực ghê hồn”. Khi đó Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất nằm trên một đường thẳng, lẽ dĩ nhiên là Mặt Trăng nằm ở giữa và tạo thành bóng tối trên hành tinh chúng ta đang sống. Vì thế ánh sáng không đến được Trái Đất. Ngày xưa thì người ta không hiểu điều này nên họ đã bịa ra những thần thoại kì bí và thực hiện các nghi lễ kỳ quặc.

Ngoài tất cả các bóng đèn trên thế giới ra thì còn những sinh vật sau đây có thể phát sáng: sứa lược, cá angler biển sâu, đom đóm, sâu đèn, sinh vật phù du phát sáng.

Một nơi có rất nhiều ánh sáng, chính là nghĩa trang. Người ta vẫn truyền tai nhau mỗi lần đi qua sẽ có những bóng ma có ánh sáng xanh xanh chạy theo để hù dọa con người. Thực ra, chỉ là một phản ứng hóa học đã xảy ra mà thôi. Trong thành phần xác có hai khí methane và phosphine đã bốc lên trên bề mặt và bốc cháy do phản ứng với oxy trong không khí và tạo ra một khối sáng xanh lét được gọi là mà trơi.

Đừng chần chừ gì nữa, hãy khám phá thêm về ánh sáng dễ sợ mà không đáng sợ nhé!

About admin2

Scroll To Top