Một đứa trẻ ra đời, một ai đó trở thành bố! Kể từ lúc bấy giờ, mà trên thực tế, có thể suốt cả chín tháng trước, bố đã đồng hành cùng con trong cuộc đời.
Sẽ là có chút “sai sai” nếu có người khẳng định, không cần bố! Cho dù đối với một số người, bố chỉ là một hình ảnh để nhớ về, thì bố vẫn cần biết bao! Trong mối tương quan về giới, thông thường, mẹ cho sự chăm bẵm chu đáo, sự dịu dàng êm ái, những yêu thương vô điều kiện. Nhưng trẻ vẫn cần sự hiện diện của bố trong cảm giác về mong muốn được dựa dẫm, che chở. Con trai cần bố để đùa nghịch theo “kiểu đàn ông với nhau”, để bắt chước nhiều hành vi ứng xử trong cuộc sống, để cùng làm những việc xốc vác trong nhà, để hỏi nhiều điều bố có cơ hội biết tường tận hơn mẹ, hoặc đôi khi, ở lứa tuổi mới lớn, còn để tranh cãi nảy lửa với nhau nữa! Con gái lại cần bố để được làm nũng, nhận lấy những dịu dàng bên những mạnh mẽ, bảo bọc. Bố cũng có thể là hình mẫu của người bạn đời tương lai của con…
✍️ Bố nên tham gia vào việc nuôi dạy con như thế nào?
Bố có thể làm mọi điều để chăm con, kể cả cho ăn, thay bỉm, tắm và chơi với con ngay từ khi con mới lọt lòng. Bố chia sẻ với mẹ những việc lớn nhỏ xoay xung quanh đứa con. Kể cả những ông bố hay phải đi công tác xa, không ngày ngày ở bên con thì đứa con vẫn không thiếu tình cha nếu mỗi lần được về, bố dành thời gian cho con nhiều nhất. Khi ở xa, bố không quên viết thư, gửi tin nhắn, mua quà gửi về. Kỷ niệm cứ đầy lên. Mỗi kỷ vật, mỗi tấm ảnh, mỗi lần bố làm điều đặc biệt cho con – tất cả đều là những tấm lót đường êm ái để đường đời con bớt chông chênh sau này.
Bố là đồng minh của con (ảnh: internet)
✍️ Bố nên vào vai “Ác” hay “Hiền” khi dạy con?
Mỗi gia đình có kiểu sống và ứng xử riêng. Có nhà, bố luôn nghiêm khắc và là người đưa ra những phán quyết nặng ký sau cùng. Có nhà khác thì bố lại mềm hơn mẹ, “dấm dúi” đồng tình với những hành vi nghịch ngợm, quậy phá đáng yêu của con. Nhưng bất luận là ở vai nào, bố đừng quên cho con thấy thông điệp của yêu thương. Đôi khi, bố và con tách nhóm, đi chơi riêng để tạo cơ hội tâm tình, trò chuyện riêng. Trong nhiều trường hợp, bố có thể là cầu nối thấu hiểu giữa mẹ và con khi con bước vào tuổi khủng hoảng lên 3 hoặc tuổi mới lớn, cũng là một cách giảm tải áp lực cho mẹ. Bố và mẹ có thể thay nhau làm chiếc “phao cứu sinh” cho đứa con mỗi khi con rơi vào những cảm xúc tiêu cực như cáu giận, buồn bực và …không muốn vâng lời. Bố hãy là cán cân giữ cân bằng cho không khí trong gia đình: mẹ nổi nóng thì bố điềm tĩnh; mẹ chiều chuộng quá thì bố nhắc con những nguyên tắc ứng xử cần phải theo.
✍️ Mẹ làm gì để lôi cuốn bố vào việc chăm con?
Không ít ông bố Việt Nam cho rằng việc nuôi con là thiên chức của phụ nữ. Điều ấy không có nghĩa là họ không yêu con, chỉ đơn giản là họ chưa biết rằng, tham gia chăm con được nhận nhiều cảm xúc tích cực thế nào! Và khoảng thời gian bên con khi con còn bé là vô giá với cả bố và con.
Người mẹ hãy chủ động “nhờ vả”, hướng dẫn bố từng việc nhỏ. Nếu bố chưa quen, đừng quá sòng phẳng phân công răm rắp việc nọ việc kia mà hãy cùng làm cho đến khi ông bố nhuần nhuyễn quen tay rồi mới… buông. Mẹ đừng quên nhắc đến bố với đứa con, khi có bố ở đó và khi bố đi làm vắng: “Ôi, bố mua cho mình đồ chơi đẹp quá này!”; “Bố sắp về để chơi với mình rồi!”; “Tối nay bố đọc sách gì cho mình thế nhỉ?”…
Bố và mẹ có thể thay nhau viết ngắn gọn vài dòng nhật ký cho bé, chụp ảnh dán vào sổ hoặc làm nhật ký online. Ông bố dần đã hoà làm một với gia đình nhỏ của mình trong mọi hoạt động lớn nhỏ, không còn phân biệt việc nào của mẹ việc nào của bố, việc nào việc nhỏ việc nào việc lớn nữa…
Tận hướng những giây phút bên nhau (tranh: Kim Duẩn)
✍️ Trong trường hợp bố mẹ chia tay nhau hoặc người mẹ là mẹ đơn thân thì sao?
Không ai mong muốn sự thiếu hụt của bố, của một người đàn ông trong gia đình. Nhưng nếu có điều đó xảy ra, người bố, người mẹ hãy chủ động thoả thuận cách ứng xử tối ưu nhất giữa hai người để giữ cho con cảm giác an toàn, bình ổn. Hãy đặt lợi ích, cảm xúc và tâm lý của bé con lên trên mọi cái “Tôi” của mỗi người. Nếu có thể, hãy để bố được bù đắp cho con nhiều nhất mỗi lần gần nhau. Nói thì dễ, làm thì khó! Nhưng chỉ cần hai bố mẹ đọc câu thần chú: “Vì con, mình chịu được hết!” là sẽ làm được! Nếu phải xa bố, con trẻ vẫn cần cảm giác yêu thương, không hắt hủi từ bố. Trẻ sẽ không cảm thấy bơ vơ. Ông bố hãy chủ động lên lịch đến với con. Và trong mọi câu chuyện, chớ bao giờ oán trách đối phương, nói xấu người mẹ của con. Cách hành xử đại lượng của bố sẽ là niềm an ủi lớn cho đứa con vốn đã mất mát chỗ dựa vạm vỡ hàng ngày.
Với các bà mẹ đơn thân, hẳn hình ảnh người cha lớn lao nhất đối với đứa con chính là… ông ngoại! Ông là người cha lớn của gia đình. Ngoài ra, các chú, các cậu – ai cũng có thể vẽ nên hình tượng người cha trong bé.
Người xưa nói: “Cha là nóc nhà”. Có nhà thơ viết: “Cha là tuyến đầu. Cha là đê bao…”. Người cha có thể không hoàn hảo với người đời, nhưng với đứa con mình, hãy là cây cổ thụ toả bóng mát: cho con chơi đùa với tán lá, cho con gục đầu vào thân lớn để nhận nguồn an ủi… Thậm chí, đến người cha thiểu năng trong bộ phim “Tôi là Sam” cũng có thể là người cha tuyệt vời với con gái mình.
Chúc các ông bố tìm được cách khắc hoạ hình ảnh ấm áp của mình vào tim đứa con thơ, để mai này lớn lên, con được nâng đỡ nhờ kỷ niệm…
TSGD Nguyễn Thuỵ Anh