Home / Tư vấn - Chia sẻ / Đồng dao – một phương thức giao tiếp tuyệt vời giữa bố mẹ và con

Đồng dao – một phương thức giao tiếp tuyệt vời giữa bố mẹ và con

Vì sao trong tất cả những kiểu thơ, thơ đồng dao hoặc viết theo lối đồng dao luôn được trẻ đón nhận hồ hởi hơn cả? Vì đồng dao là tác phẩm văn học dân gian, từ đời này qua đời kia còn lưu được lại, nghĩa là đã có gì thích thú lắm, gần gũi lắm đọng lại trong tâm trí những con người mà không mất đi.

Một bài đồng dao có thể bắt đầu ngăn ngắn, thế rồi cứ đọc mãi, đọc mãi, kéo dài dằng dặc như trò chơi miên man của tuổi nhỏ, mà chẳng làm ai mệt, chẳng làm ai khó chịu. Bởi vì nó cứ nhịp nhịp mà trôi. Dậm dậm bàn chân, vỗ vỗ đôi bàn tay, thế là có thứ đệm cho lời, để bài thơ thêm sôi nổi. Một đứa đọc cũng được. Hai đứa thêm vui. Mà cả chục đứa rộn ràng thì vẫn cứ đều nhịp, không bị hẫng giọng hụt hơi như khi hát một bài hát mà lỡ không thuộc nhạc.

Trẻ con bé tí lại càng thích đồng dao. Nhún nhảy theo nhịp đọc đồng dao, có cần gì hiểu, chỉ cần thấy vui. Đến khi lớn lên, trẻ con thấy lời đồng dao sao mà giống kiểu nghĩ của mình thế. Nghĩ đến đâu, nói đến đấy. Đôi khi nói ngược đời. Đôi khi nói khuếch nói khoác. Đôi khi nói những việc đẩu việc đâu chẳng ăn nhập gì với nhau! Lúc này nói thế này, lúc sau đã có thêm có bớt để ra một bài khác. Đứa này nói một, đứa kia chêm thêm vào, đứa nữa đọc câu khác. Cười xòa, ra cả một bài dài!

Trẻ con là thế. Thế mới là vui. Trẻ con cần vui. Vui thì dễ chơi với nhau. Vui thì mới lớn mau.Vui thì học mới vào.

Thế thì, đồng dao cần và có thể xuất hiện trong cuộc đời trẻ nhỏ bắt đầu từ bao giờ?

 

Giao tiếp xã hội bắt đầu từ 0 tháng tuổi và sự hỗ trợ của đồng dao

 Với trẻ sơ sinh, việc học tìm hiểu bản thân và thế giới luôn thông qua việc giao tiếp xã hội và quá trình này diễn ra với sự  hỗ trợ của người thân yêu nhất của bé là mẹ. Thực ra, mẹ và bé đã giao tiếp với nhau từ lâu rồi, từ lúc chỉ là những hành vi giao tiếp không lời cho đến khi người mẹ tương lai cất giọng lên hoặc bằng ý nghĩ mà cố gắng liên lạc với đứa con còn trong bào thai của mình. Giọng của mẹ, nhịp đập trái tim mẹ, bàn tay mẹ nhè nhẹ vỗ vỗ vào thành bụng theo thói quen mỗi khi trò chuyện với bé – tất cả làm thành một ấn tượng sắc nét trong ký ức của bé về sự giao tiếp. Đó là quá trình trao đổi thông tin, có sự tương tác với nhau và cuối cùng là nhận thức về nhau. Bé đạp đạp để trao đổi tín hiệu thông tin cho mẹ, qua đó, mẹ biết bé đang vui hay buồn, hưng phấn hay không, mệt hay đang rất khỏe mạnh. Còn mẹ, mẹ truyền thông điệp tình yêu cho bé, cho bé biết rằng mẹ đang rất mong được gặp bé và sẵn sàng che chở bé.

Khi đã ra đời, ngay lập tức, giữa mẹ và con thực hiện các hành vi giao tiếp bằng nhiều phương cách: sự va chạm qua da thịt (xúc giác), sự nỗ lực cổ vũ và hướng dẫn con tìm hiểu thế giới bằng cách tăng cường phát triển các giác quan khác (nghe, nhìn, nếm thử…). Nói chuyện với bé. Hát, đọc thơ cho bé nghe. Vuốt ve, ôm ấp bé. Nhìn vào mắt bé, để bé nhìn ngắm gương mặt mẹ. Cho phép bé đôi khi túm một số đồ đạc đưa vào miệng…v…v

Nhiều bà mẹ than phiền rằng chẳng biết nói gì với con vì “nó còn bé quá”. Chính ở thời điểm này, những bài thơ nho nhỏ, là đồng dao hay mới chỉ là những phác thảo đồng dao là công cụ hữu ích của mẹ. Đồng dao có thể là cây cầu giao tiếp giữa mẹ và con, vừa là một cách giải tỏa cảm xúc cho mẹ sau sinh, khiến cho việc chăm sóc con những ngày đầu trở nên thú vị, vui tươi, giảm stress. Ngoài ra, theo từng tháng, mẹ có thể dùng đồng dao làm nền để tạo ra những trò chơi – bài tập mát-xa cho bé, tăng cường độ dẻo dai về cơ, giúp bé học cách khám phá và điều khiển cơ thể mình.

Tôi lấy ví dụ một vài trò chơi cho trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi:

 “Lộn cầu vồng”(từ 3 tháng tuổi)

 Bạn cho bé nằm ngửa trên giường. Bạn ngồi dưới thấp hơn một chút. Hai tay bạn ôm hai vai bé, nhìn mắt bé, vừa đọc ngân nga bài đồng giao thuở nào:

Lộn cầu vồng nước trong nước chảy

Có cô mười bảy có cậu mười ba

Hai chị em ta

Ra lộn cầu vồng…

Cứ đọc đến câu cuối, bạn lại dùng một bên tay lật người bé, sao cho bé có thể có thế để lẫy được. Cứ như thế đổi tay vài lần. Trò chơi này vừa giúp tăng sự nhanh nhạy, sức bật khi trẻ đang ở giao đoạn học lẫy, vừa khiến trẻ cười vang thích thú và tăng cường giao lưu tình cảm giữa mẹ và bé.

“Con kiến mà leo…” (từ 1 tháng tuổi)

Mẹ để em bé nằm hoặc lên đùi hoặc ngồi đối diện tùy độ tuổi. Mẹ lấy hai ngón tay di chuyển lên cánh tay bé. Mẹ dùng hai ngón tay mô phỏng hình ảnh con kiến bò, bò khắp nơi trên lưng, cánh tay, lên má… bé. Vừa bò vừa đọc:

Con kiến mà leo cành đa,
Leo phải cành cụt, leo ra leo vào.
Con kiến mà leo cành đào,
Leo phải cành cụt, leo vào leo ra.

Mỗi lần đến âm cuối của một dòng thơ, lại nhấn tay hơi mạnh hơn và dừng lại mấy giây, cho bé cảm nhận về nhịp điệu. Bé sơ sinh sẽ cảm thấy dễ chịu và hưng phấn vì sự giao tiếp với mẹ. Bé lớn hơn sẽ cảm thấy nhột và cười to. Mẹ điều khiển “con kiến” chào bé và bò về tổ. Sau khi chơi vài lần, bé bắt đầu đọc theo mẹ.

Như vậy, với trẻ sơ sinh cho đến 1 tuổi, trò chơi đồng dao do mẹ (hoặc người chăm sóc gần gũi nhất) tiến hành, mục đích:

  1. Tạo cảm xúc tích cực bằng cách tác động tích cực đến tâm lý của trẻ qua các hình thức giao tiếp:

–         Giao tiếp bằng mắt (thị giác) giữa mẹ và con

–         Giao tiếp bằng âm thanh (thính giác) giữa mẹ và con

–         Giao tiếp bằng da thịt (xúc giác) giữa mẹ và con

2. Thúc đẩy sự nhận biết thế giới xung quanh, giúp trẻ mỗi ngày có thêm kinh nghiệm với cuộc sống mới

3. Giúp trẻ nhận biết về cơ thể mình, cơ chế hoạt động của các bộ phận trên cơ thể

4. Giúp trẻ hoàn thiện các phản xạ cơ học (nhìn, lắng nghe, co, duỗi chân tay, cầm, nắm, lật lẫy, bò…)

5. Kích thích hooc-môn hưng phấn và tăng trưởng, kích thích phát triển thể lực, tạo tiền đề cho phát triển trí lực

Với người mẹ, chơi cùng con sẽ giúp mẹ:

1. Tạo cảm xúc tích cực cho mẹ, tăng lượng sữa, tạo cảm giác hạnh phúc và tự tin vào khả năng làm mẹ

2. Mối liên quan về tinh thần giữa hai mẹ con được thắt chặt, người mẹ dễ dàng xử lý các tình huống bất ngờ phát sinh trong quá trình nuôi con những ngày đầu trên cơ sở hiểu con sâu sắc (hiểu được con khóc vì sao, khó chịu ở đâu, con muốn gì…)

3. Có những hoạt động thể lực vừa phải sau khi sinh

Với trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, các trò chơi dân gian có gắn với đồng dao càng có điều kiện trở thành phương thức tích cực để bố mẹ, người lớn giao tiếp với trẻ nhỏ. Giao tiếp trong trò chơi và bằng hình thức hát đối là giao tiếp tạo cảm xúc tốt nhất. Bố mẹ/người lớn có thể qua đó để dạy con (đếm, phân biệt màu sắc, phát triển vốn từ vựng, tạo sự nhạy cảm với ngôn ngữ, dạy trẻ những giá trị sống như đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, tạo sự khéo léo trong hành động chân tay…), cũng có thể qua đó mà hiểu con (con đang quan tâm đến điều gì, con thích gì, ghét gì, cách phản ứng của con đối với một số sự việc thông qua trò chơi, nhu cầu của con…) từ đó mà tìm ra tiếng nói chung, cách tiếp cận con tốt nhất để có thể thật sự làm bạn cùng con.

Không phải ngẫu nhiên mà G.S.Vinogradov, nhà ngôn ngữ học nghiên cứu văn học dân gian người Nga đưa ra khái niệm “giáo dục dân gian”: ông cho rằng nhân dân luôn có những hình dung và cái nhìn về cuộc sống rất minh triết, được đúc kết hàng trăm năm, ngàn năm mà vẫn rất gần, rất đúng với nhiều thời đại.

Ở lứa tuổi này, những trò chơi dân gian như tập tầm vông, chi chi chành chành, kéo cưa lừa xẻ, rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba… đều là những trò chơi có thể lôi cuốn trẻ, giúp trẻ giải phóng năng lượng và giảm bớt các áp lực của việc “luôn phải nghe lời, ngồi ngoan” mà người lớn vẫn muốn!!!

Các cô giáo và bố mẹ có thể dùng đồng dao để rèn luyện khẩu ngữ cho trẻ, tăng lượng từ vựng của trẻ lứa tuổi mẫu giáo.

Chẳng hạn, với bài Xúc xắc xúc xẻ

Tiền lẻ bỏ vào

Bỏ được đồng nào

Được thêm đồng ấy

Ống đâu cất đầy

Đến Tết chẻ ra

Mua cái áo hoa

Mà khoe với mẹ

Xúc xắc xúc xẻ

Mẹ đọc bài đồng dao và cùng bé mô phòng việc nhặt tiền đút vào ống tre. Sau đó lại nhặt tiền cho vào bụng lợn. Sau khi đọc bài đồng dao một vài lần, hãy vừa đọc vừa chỉ vào hình vẽ các đồ vật và thay tên chúng vào chỗ cái áo hoa. (Ví dụ: Mua một quyển sách/ Mà khoe với mẹ)

 

Hoặc với bài thơ về con rùa, mẹ và con nối đuôi nhau cùng bò quanh nhà, trên lưng mỗi người là một chiếc gối nhỏ, hoặc cái chậu nhựa đồ chơi nhỏ. Mẹ và con cùng đọc:

Rù rà rù rì

Đội nhà đi chơi

Đến khi tối trời

Úp nhà nằm ngủ…

Tuổi này, bé đã biết đi rồi, sau đó biết chạy, biết leo trèo. Nhưng đôi khi, bé vẫn thích thú khi được quay lại thuở còn bé tí tẹo, khi mới chỉ biết bò. Mẹ bò trước, bé sẽ bò nối theo. Đến câu “Úp nhà nằm ngủ”, mẹ úp mặt xuống, nằm phủ phục, mô phỏng tiếng ngáy. Bé sẽ bắt chước làm theo.

Với lứa tuổi Tiểu học trở lên, đồng dao lại có thể là phương thức giao tiếp xã hội rất tốt để trẻ nhanh chóng hòa đồng với các bạn ở lớp, hoặc với những cộng đồng lạ. Lúc này, giữa bố mẹ/người lớn và bé, các trò chơi đồng dao sẽ thường chỉ được tiến hành trong các kỳ nghỉ gia đình, khi có dịp ra ngoài thiên nhiên. Nhưng nếu biết cách tổ chức trò chơi có chất lượng, bố mẹ sẽ có cơ hội để:

– chơi với con theo luật chơi của con

– chia sẻ sự hài hước

– khéo léo hướng dẫn các quy tắc giao tiếp xã hội thông qua các trò chơi đồng dao

Ở lứa tuổi này, những bài hát đồng dao có chủ đề phóng đại, khuếch khoác hoặc nói ngược là nhữn bài hát gần gũi với tâm lý lứa tuổi của trẻ. Trẻ có nhu cầu … nói sai sự thật, hay nói cách khác, thể hiện sự tưởng tượng phong phú của mình thông qua ngôn ngữ, một cách hài hước, dí dỏm, khiến đôi khi, nếu người lớn không tinh tế sẽ dễ kết tội trẻ là “nói điêu, nói dối”. Đồng dao – vè nói ngược luôn là lựa chọn tốt để người lớn chia sẻ với trẻ điều này. Đây cũng là một phương án tốt để tạo sự đồng cảm giữa bố mẹ và con. Chẳng hạn:

Meo meo là vịt
Quạc quạc là mèo
Trâu thì hay trèo
Sóc thì lội nước
Rắn thì hay bước
Voi thì hay bò
Ngắn như cổ cò
Dài như cổ vịt
Đỏ như quả quýt
Vàng như quả hồng…

Chủ động sáng tạo ra “đồng dao mới”

Với những quy tắc rất giản dị của vận, vần, chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau sáng tác đồng dao mới, như một trò chơi giữa bố mẹ và con. Thử nghĩ mà xem: hai, thậm chí là ba thế hệ cùng nhau vui đùa với nhịp, vần, với ngôn từ, với cảm xúc… Vui. Gần nhau. Đồng cảm. Đồng minh… Đồng dao cùng sáng tác sẽ đem lại cho tất cả các thành viên trong gia đình thật nhiều điều thú vị và đem cho gia đình một chất keo gắn kết vô hình – cái chất keo luôn cần để theo từng bước lớn của con, cha mẹ vẫn có thể “có quyền” và “có khả năng” đồng hành cùng con trong nhiều chặng đường mới mẻ của cuộc đời. Thơ đồng dao có được thực đơn giản.

Đôi khi là trò chơi đếm. Thay đổi con số là ra một bài đồng dao: “Xòe bàn tay/ Đếm ngón tay/ Một là mây/ Hai là gió/ Ba là cỏ….” Mỗi người cứ lần lượt nói ra con số và một từ chỉ đồ vật của mình, không nhất thiết phải có vần. Nhưng nếu có thể có vần được thì đó sẽ là một cảm nhận riêng của mỗi người – trò chơi này làm tăng sự nhạy cảm về âm thanh, nhịp điệu và tinh tế về ngôn ngữ.

Đôi lúc lại có thể cùng nhau chọn từ cho hợp lý, với vần chân, vần lưng, với sự đối nhau giữa các hình ảnh. Ví dụ:

Nào ta cùng chơi

Trò chơi đếm ngón

Ngón này là ông

Ngón này là… bà (trẻ tự nói từ của mình – gợi ý: có ông thì phải có bà?)

Ngón này là… cha (vần chân, cùng với “bà”)

Ngón này là … mẹ (cha rồi thì hẳn sẽ đến mẹ)

Ngón này là …chị

Ngón này là …anh

Ngón này là…. em

Đi ngủ ban đêm

Ban ngày đi học

Được đọc được chơi

Và học đếm ngón

Ngón này là ông

Ngón này là bà…

Bạn có thấy vui không? Vui quá chứ. Và chúng ta đã có được một “hành vi giao tiếp” tương tác với trẻ để “nhận thức lẫn nhau” mà lựa tìm cách sống, cách dạy nhau, cách yêu quý và trân trọng nhau… Những kiểu thơ đồng dao nói trên hoàn toàn không khó. Chỉ cần bố mẹ biết hướng dẫn và kích thích ở trẻ sự hưng phấn tham gia trò vui là kết quả sẽ rất khả quan.

Xin chúc các bố mẹ và các bé có được những bài thơ đồng dao mới. Để mà gần nhau.

 

Trẻ em nước nào trên thế giới cũng có đồng dao là không gian chơi và giao tiếp của mình

TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top