Home / Tin Tức / Giấy mời Toạ đàm “Cả nhà mình cùng đọc sách: Xây dựng văn hoá đọc, cộng đồng đọc từ mỗi gia đình”

Giấy mời Toạ đàm “Cả nhà mình cùng đọc sách: Xây dựng văn hoá đọc, cộng đồng đọc từ mỗi gia đình”

Nếu coi trọng sách là một kênh giáo dục giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần và thu nạp kiến thức thì việc có một tủ sách trong gia đình là một trong những cách hữu ích giúp trẻ và các thành viên trong gia đình hình thành thói quen đọc sách, từ đó có được đời sống tinh thần phong phú hơn cũng như làm giàu vốn kiến thức và vốn sống của mình. Đó cũng là điều mà trong thời gian qua TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh và các cộng sự đã nỗ lực hết mình để nhân rộng trong cộng đồng. Trong khuôn khổ Hội sách Mùa thu do Nhà xuất bản Phụ Nữ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, diễn ra từ ngày 29/10-02/11/2015, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức buổi tọa đàm mang chủ đề Cả nhà mình đọc sách: Xây dựng văn hoá đọc, cộng đồng đọc từ mỗi gia đình với sự tham gia của TS Giáo dục học, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh.

Tại buổi tọa đàm này, bạn đọc sẽ được trao đổi cùng chuyên gia các vấn đề xoay quanh việc xây dựng văn hoá đọc dựa trên việc kết nối và giao lưu cảm xúc giữa các thế hệ thành viên trong gia đình. Đó là: Xây dựng không gian đọc, tủ sách gia đình, lựa chọn sách phù hợp với tuổi tác, trình độ, sở thích; Phương pháp duy trì thói quen đọc của cả nhà từ khi con còn bé; Kỹ năng trao đổi, thảo luận và chia sẻ thông tin qua việc đọc sách; Đối mặt với việc “lười đọc” của con, những phương pháp “khuyến đọc”; Xây dựng “cộng đồng đọc” nhỏ trong gia đình lớn; Những hoạt động gia đình trải nghiệm cuộc sống bên ngoài hỗ trợ việc đọc, từ đó tạo động lực đọc cho trẻ. Đây sẽ là một cuộc giao lưu có ý nghĩa đối với những người thực sự quan tâm đến văn hóa và tri thức bắt đầu từ gia đình mình.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cùng Câu lạc bộ Đọc sách cùng con do chị khởi xướng vào năm 2010 trong suốt thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong gia đình, xây dựng những “cộng đồng đọc” nhỏ, khuyến khích và cổ vũ từng người đọc, từ đó chăm sóc cho một “thế hệ người đọc mới” được trang bị kỹ năng đọc và được trau dồi năng lực rung động với cuộc sống, với văn chương. Quy trình vận hành các câu lạc bộ cũng như quá trình tiến hành các buổi đọc sách cho trẻ do TSGD Nguyễn Thụy Anh thiết kế, thử nghiệm đã được đưa vào tập huấn cho giáo viên, phụ huynh nhiều trường ở các tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Giang, Thái Bình, v.v… và sẽ được hoàn thiện và chia sẻ trên diện rộng trong những năm tới. Câu lạc bộ cũng chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ gốc Việt ở nước ngoài, thiết kế nội dung cho Trại hè Vui cùng tiếng Việt Warszawa được trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Ba Lan) tổ chức thường niên từ năm 2012 đến nay, mục đích là kết nối cộng đồng, giữ gìn tiếng nói của dân tộc, xây dựng mối đồng cảm giữa các thế hệ người Việt. Cho đến nay, câu lạc bộ đã có 200 gia đình thành viên sinh hoạt đều đặn hàng tuần.

Câu lạc bộ Đọc sách cùng con được Hội đồng Giám khảo Quốc tế lựa chọn là Mô hình Hoạt động Hiệu quả trong khuôn khổ Giải thưởng Mô hình Hoạt động Hiệu quả Lần thứ 10, Giải thưởng Quốc tế Dubai năm 2014 bởi sự đóng góp ý nghĩa hướng tới cải thiện môi trường sống.

Theo NXB Trẻ

About DuongMy

Scroll To Top