Home / Tư vấn - Chia sẻ / Kỹ năng sống và bài học “hươu cao cổ”

Kỹ năng sống và bài học “hươu cao cổ”

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cụm từ “kỹ năng sống” hẳn đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí người đọc đã có thể phát chán. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn một lần nữa bàn đến khái niệm này khi mà khắp nơi, nhà nhà, người người… vẫn lo lắng về “kỹ năng sống” của trẻ và băn khoăn tìm những khóa học để con có thể học được nhiều kỹ năng hơn.

Một lần, tôi chứng kiến cảnh người cha sau khi dự một giờ học Kỹ năng sống đã chất vấn cô giáo: “Thế hôm nay cô dạy cho trẻ con kỹ năng gì?”.

Tôi đã tự hỏi, không biết người cha ấy kỳ vọng gì vào những khóa học – rằng các thày cô trong một buổi học phải dạy được kỹ năng gì thì mới đúng tiêu chí của bố mẹ khi bỏ đồng tiền ra cho con theo học lớp này?

Kỹ năng là gì? Ai cần những kỹ năng đó?

Trong chương trình sinh hoạt của một nhóm Kỹ năng sống, tôi thấy có buổi các cháu cùng nhau pha nước chanh, gấp quần áo, rửa bát… Toàn là những “kỹ năng” hay đấy chứ! Các cháu vui và bố mẹ phấn khởi. Có người khẳng định: “Đấy, đấy mới là những kỹ năng tôi muốn con học, chứ cứ vớ va vớ vẩn chả nói được ra là kỹ năng gì thì có gọi là lớp học Kỹ năng nữa hay không?”

Lại một đoạn trích tôi nghe được trên Đài tiếng nói Việt Nam hôm vừa rồi, nói về học kỳ quân đội của các bé: một phụ huynh phát biểu: “Tôi mong con mình sẽ trưởng thành nhiều khi xa nhà 1 tuần trong môi trường quân đội…”. Còn đứa con trai của anh thì tâm sự là sau 1 tuần ở doanh trại, con học được cách gấp chăn màn, “còn những cái khác con quên rồi ạ!

Vậy gấp chăn màn có phải là kỹ năng mà cha mẹ đặt mục tiêu cho con mình học được sau một tuần xa nhà?

Làm giỏi một việc gì đó, thành thạo một việc gì đó thường được gọi là có kỹ năng. Nhưng kỹ năng đó chỉ có thể có được khi trước đó con người có nhận thức và kiến thức về vấn đề liên quan. Chẳng hạn, cậu bé tham gia học kỳ quân đội nói trên, thấy các chú bộ đội gấp chăn màn đẹp, nhanh – thấy cũng hay hay và bắt chước. Cậu được dạy cách gấp chăn màn. Về nhà, nhớ đến việc đó thì làm thử cho vui. Nhưng được vài tuần thì chán, thôi không làm nữa. Vậy, ta đã có thể nói cậu bé có được một kỹ năng mới hay chưa?

Gấp chăn màn cùng chú bộ đội – một “trò chơi” thú vị!

Nhưng nếu cậu bé ấy một lần nào đó đặt câu hỏi cho mình: mình gấp chăn màn để làm gì, và có cần thiết phải làm việc ấy không? – Có thể sẽ chẳng để làm gì nếu thường ngày mình không làm thì có mẹ làm, bà làm hoặc người giúp việc làm. Như vậy, cũng chẳng cần thiết lắm! Thế nhưng, nếu cậu bé ấy nhận thức về việc một con người phải biết tự phục vụ bản thân – ngoài ra, con người ấy phải có trách nhiệm chăm sóc và phục vụ cộng đồng  (mà cộng đồng gần gũi nhất chính là người thân, gia đình mình) thì hướng tư duy của cậu sẽ khác. Cậu sẽ có thể đặt câu hỏi: “- Chăn màn mình dùng thì ai gấp mới là hợp lý? Nếu mình không gấp thì ai sẽ làm? Nếu mình gấp chăn màn thì đỡ được việc cho mẹ hay không? Mẹ có thêm thời gian để nghỉ ngơi – như thế có lợi gì? ..v..v..”. Khi nhận thức được hành vi của mình sẽ có ảnh hưởng trực tiếp – tích cực hoặc tiêu cực – đến cộng đồng, từ đó tự nhìn nhận giá trị của bản thân mình trong việc quyết định làm hay không làm một việc gì thì cậu bé có thể sẽ bắt đầu hành động một cách có hệ thống hơn: gấp chăn màn hàng ngày, coi đó là chuyện cần thiết và hợp lý, không cần ai phải giám sát và qua đó tự rèn luyện bản thân, chống lại thói ỉ lại, chây lười thường gặp, đồng thời cũng tự cảm thấy tự hào, hãnh diện và hài lòng với một giá trị mới của mình: biết tự lo cho bản thân, biết chia sẻ việc nhà với người thân..v..v.. Chỉ khi nào chúng ta có được điều này, ta mới có thể nói, cậu bé của ta đã thực sự biết làm một việc một cách có ý thức. Nhưng để hành động ấy trở thành kỹ năng, cậu phải làm nhiều lần, đến mức trở thành tự động, vô điều kiện, thành thục và không cần dừng lại mà nghĩ ngợi đến mục đích của hành động nữa.

Học kỹ năng trong thời gian ngắn – có ngây thơ quá không?

Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa kỹ năng sống là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực” cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”. Khả năng ấy, hành vi ấy, như đã nói ở trên, phải có một quá trình nhận thức và luyện tập mới trở thành thói quen, và từ thói quen làm được thành thạo sẽ trở thành kỹ năng. Vậy thì, làm sao chúng ta có thể ngây thơ đòi hỏi ai đó trong vòng 1, 2 tuần tạo được một kỹ năng cho con mình? Đó là chưa kể những công việc cụ thể như gấp quần áo, quét nhà, rửa bát…, theo tôi, người dạy con hay nhất vẫn là cha mẹ. Mỗi gia đình có một truyền thống, thói quen riêng, thậm chí đến cả việc nấu ăn, cách pha nước chấm, cách quét nhà lia chổi ra sao, cách là quần áo là từ đâu trước – cũng có thể rất khác nhau. Và điều này tạo nên phong cách một con người. Nếu gọi đó là những “kỹ năng sống” thì học đến bao giờ cho hết?

Thêm nữa, để trẻ làm một việc thành thạo, luôn phải có cổ vũ, hỗ trợ, nhắc nhớ lặp đi lặp lại của người lớn. Ngay như người lớn chúng ta, biết làm nên hành động thế này thế kia theo lý thuyết mà vẫn rất khó khăn mới có thể thực hiện được và ta phải cố gắng học, luyện, sửa rất nhiều trước khi có thể biến hành động ấy thành việc được thực hiện thường xuyên, thành thục. Làm sao ta có thể đòi hỏi trẻ có được một kỹ năng trong thời gian ngắn?

Từ những đòi hỏi khác nhau, tiêu chí, mục đích khác nhau của các bậc cha mẹ mà hầu như, những ý kiến về các khóa học có tên chung là Kỹ năng sống nhiều khi trái ngược nhau hoàn toàn, người này hài lòng, người kia chê bai.

Lấy gì làm chuẩn đây?

Đôi khi em không biết cách thể hiện cảm xúc- điều này ngăn trở em sống thoải mái và đồng thuận với cộng đồng!

Nhận thức về các giá trị

Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin chia sẻ với bạn đọc định nghĩa riêng của mình về cụm từ Kỹ năng sống đang làm đau đầu các bậc phụ huynh hiện đại của chúng ta. Nói “dạy trẻ kỹ năng sống”, tôi hiểu theo nghĩa hướng dẫn và cùng trẻ rèn luyện sao cho chúng có được một lối sống tích cực, trong đó tập hợp những kỹ năng cần thiết nhất để giúp một con người có thể SỐNG được một cách thoải mái (mạnh khỏe, an toàn, lành mạnh) và hạnh phúc. Trẻ có thể biết làm và học làm rất nhiều việc và những việc ấy đều có khả năng mang lại cuộc sống thoải mái và hạnh phúc cho trẻ, thế nhưng, ở đây, chúng ta nhấn mạnh cụm từ “cần thiết nhất” – hiểu với nghĩa tối thiểu.

Theo tôi, với một đứa trẻ, để có thể SỐNG được, sống mạnh khỏe, an toàn, lành mạnh, ta cần chú ý đến 3 khía cạnh chính của các tập hợp các “hành vi tích cực”. Đó là: tự phục vụ bản thân (khả năng tự lập); chung sống hòa hợp, đồng thuận với cộng đồng(có trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ cộng đồng và tuân thủ các thỏa thuận và quy ước chung); khả năng ứng phó và tự bảo vệ và hỗ trợ người khác trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm.

Để có được những hành vi tích cực, hơn nữa, biến chúng thành những kỹ năng tối thiểu đáp ứng được 3 yêu cầu lớn nói trên, trẻ phải được giáo dục một cách có hệ thống và sâu sắc về những giá trị quan trọng của con người và cuộc sống. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ xã hội, trẻ cần được hướng dẫn hiểu và cảm nhận được những khái niệm như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình mẹ con, tình cha con, tình anh em… Mà những khái niệm này lại không nên đặt ra một cách chung chung mà phải do trẻ tự rút ra được kết luận thông qua quá trình học về những khái niệm khác như đồng cảm, chia sẻ, lắng nghe tích cực, đồng thuận, thỏa thuận, đồng minh, hợp tác, hỗ trợ, liên kết, lối sống bền vững… Ngoài ra, trẻ cần được tiếp cận với những khái niệm khác thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội mà thoạt nhìn, người lớn tưởng chúng khó có thể hiểu được, ví dụ: mặc cảm, định kiến.

Chúng ta có thể có nhiều cách để giải thích cho trẻ những từ này. Và trên thực tế, nếu thực sự xóa bỏ được những định kiến thì con người mới có thể xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp được. Điều ấy trẻ cũng cần được biết và sớm nhận thức để điều chỉnh các hành vi giao tiếp sau này.

Một cách em dùng để kể về những mối quan hệ xã hội của em

Trong một buổi học với học sinh trung học cơ sở (lớp 6-7), tôi cùng các em thử định nghĩa từ “định kiến”. Một phụ huynh cho rằng, các em còn quá nhỏ để hiểu từ này và cũng không cần phải biết từ này. Nhưng trên thực tế thì sao? Giờ học của chúng tôi diễn ra rất vui và khá sôi nổi , bắt đầu từ việc các em mô tả sự khác nhau giữa một… chú hươu cao cổ và một con kiến. Các em đã đủ lớn để biết làm một động tác quan trọng của tư duy, đó là liên hệ, liên tưởng. Các em thấy con kiến có thể định kiến vì nó chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của chân con voi (!), còn con hươu cao cổ thì có nhiều cơ hội để tự xóa bỏ định kiến khi đánh giá một sự vật sự việc nào đó, đơn giản là vì hươu cao cổ có cổ cao hơn, mắt nhìn nhiều hướng hơn.

Các em tự đưa ra khá nhiều ví dụ để minh họa cho việc em hiểu “định kiến là gì”. Đây chỉ là một bước đơn giản để các em có hướng suy nghĩ mỗi khi đối mặt với việc xây dựng một mối quan hệ xã hội nào đó. Chẳng hạn, thay vì kết tội bạn luôn không tử tế với mình, em dừng lại và lắng nghe bạn giải thích vì em muốn có cái nhìn của “hươu cao cổ” – rộng hơn, nghe nhiều thông tin hơn, nhìn từ nhiều góc độ hơn chứ không khư khư giữ nguyên định kiến của mình về người khác. Từ việc này, em sẽ xây dựng thói quen biết lắng nghe và lắng nghe tích cực, từ đó mới có cơ hội đạt được sự đồng cảm, chia sẻ, tương trợ… – đó chính là một trong những kỹ năng quan trọng để em có thể sống được hòa hợp cùng cộng đồng.

Hươu cao cổ vui nhộn. Tranh: Ksiusha Shapkarina (Nga)

Với bài học Hươu cao cổ nói trên chẳng hạn, trẻ được định hướng đến với những giá trị sống quan trọng, là gốc của những Kỹ năng sống mà trẻ sẽ rèn luyện và có được sau này. Thế nhưng cách tiếp cận ấy lại không phải lúc nào cũng được cổ vũ. Tôi thầm nghĩ, phải chăng, chính người lớn chúng ta cũng cần học bài học Hươu cao cổ để có được cách nhìn bao quát hơn về một vấn đề, chẳng hạn, vấn đề Kỹ năng sống cho trẻ!

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ, tôi khó có thể trình bày toàn bộ quan điểm của mình về việc dạy trẻ kỹ năng sống. Chỉ muốn cùng các bạn đọc tin rằng, cho dù có tham gia các khóa học Kỹ năng hay không, những đứa trẻ của chúng ta vẫn luôn sẵn sàng tiếp nhận những bài học kỹ năng sống từ bố mẹ, các thày cô, bạn bè. Các khóa học kỹ năng chỉ cần và chỉ nên đóng vai trò định hướng cho trẻ trong nhận thức, đồng thời xây dựng những bài học, hành động hợp lý để có thể tạo được hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý cho trẻ khiến trẻ thấm thía được ý nghĩa của những hành vi tích cực của mình, từ đó hồ hởi thực hiện hành vi ấy thường xuyên, thành hệ thống để biến chúng thành những kỹ năng.

Nhớ lại những khoản mẹ phải chi ngày Tết – một cách quan sát và điểm xuất phát của sự đồng cảm

TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top