Home / Bài Viết / Nghĩ nhỏ nhân ngày Sách

Nghĩ nhỏ nhân ngày Sách

Khi tôi tham gia các chương trình liên quan đến văn hoá đọc ở vùng sâu vùng xa, bao giờ cũng được nghe gàn: “Dào, bọn trẻ nghèo ăn chưa đủ, bắt chúng đọc sách làm gì!”. Mới chạnh nghĩ lại thời chính mình cũng từng là đứa trẻ trong lũ trẻ thời bao cấp, ăn chưa đủ, mặc còn phong phanh. Khi ấy, những cuốn sách cho đứa trẻ sự no đủ ấm áp về tinh thần, nuôi dưỡng những mơ mộng xa xôi. Và bao tưởng tượng về “phía núi bên kia” đã giúp đứa trẻ vượt lên những thiếu thốn, hạnh phúc hướng tới tương lai. Để đến bây giờ, nói như nhà thơ Bằng Việt, “những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…”

Nếu không phải như vậy, thì lũ trẻ chẳng mừng rỡ đón chúng tôi như thế, những người không mang theo thịt, cá, bánh kẹo, những người chỉ có sách và bao câu chuyện thần tiên…

Tháng 3 vừa qua, tôi có dịp về bản Sa Lông (Mường Chà, Điện Biên) tổ chức một buổi đọc sách nho nhỏ cho các em bé ở đây trong khuôn khổ chương trình tập huấn vận hành các câu lạc bộ đọc sách thôn bản của tổ chức Tầm nhìn thế giới ở Việt Nam.Một góc nhỏ của Điện Biên, mùa này mọi ý nghĩ bao người Việt Nam đang hướng tới, sau những bừng trắng hoa ban.

Một bản nghèo. Những nếp nhà gỗ nho nhỏ. Cuộc sống trôi chảy nhẹ nhõm trong thiếu thốn. Sách thì càng ít. Trong trò chơi tương tác, có cô giáo đặt câu hỏi về những “nhân vật” trong sách. Các em ngơ ngác. Tôi hiểu rằng chúng thậm chí chưa có đủ sách để xây dựng những khái niệm “tác giả”, “nhân vật”…

Hôm đó chúng tôi cùng các em đã đọc “Những chiếc áo ấm” của Võ Quảng. Các em đã hiểu thế nào là nhân vật, những gì làm nên một nhân vật, những gì khiến nhân vật ấy sống được trong trang sách. Các em vui sướng được mô phỏng lại nhân vật bằng ngôn ngữ cơ thể. Những thỏ, nhím, ốc sên, bọ ngựa lần lượt hiện ra … Sau đó, cùng với hướng dẫn của chúng tôi, các em đến với những từ khoá, chơi các trò chơi với từ và đưa ra rất nhiều phương án kể chuyện thú vị. Trước buổi đọc sách, một số người bảo tôi, bọn trẻ vốn sống vốn từ vựng kém lắm cô ơi, cô phải hỏi dễ vào. Nhưng có lẽ chính những người lớn đã phải ngạc nhiên! Bọn trẻ nắm bắt vấn đề rất nhanh và cũng nhanh chóng học thêm nhiều từ mới. Tự chúng đưa ra những diễn giải thú vị bất ngờ. Chẳng hạn, chúng kể về người mẹ, người cô biết thêu thùa may váy áo khéo khi nói đến từ “thợ lành nghề”. Chúng đến với không gian trong truyện nhanh hơn người lớn. Bấy giờ trời đã ấm. Song các bạn nhỏ vẫn so vai rụt cổ, cảm thấy khí lạnh của một buổi sáng mùa đông gió bấc, mưa phùn trong sự phong phanh của các nhân vật thiếu một manh áo ấm. Cuối cùng, chúng đọc thơ Võ Quảng, hào hứng dõng dạc. Còn đâu là rụt rè e ngại? Còn đâu là dấu vết của thiếu thốn vất vả?

Ảnh minh họa: Ngày sách Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Thế nhưng, quả là những niềmvui như vậy cùng sách chúng chưa có được nhiều. Sách đưa về đây còn rất ít và nghèo nàn về nội dung. Cũng chưa có nhiều cuộc đọc chung gây hưng phấn và xây dựng một cảm giác với văn chương như thế này. Tôi chạnh nghĩ, cần xoá bỏ đi những barie trong suy nghĩ- chính là điều ngăn trở cuộc sống đi lên một cách tự nhiên: đừng câu nệ việc đói nghèo về vật chất mà không nghĩ đến khía cạnh tinh thần cũng đang rất cần được phát triển phong phú, mà thậm chí còn cần đáp ứng trước, cho đến khi cân đối được hai mặt ấy. Nỗi niềm háo hức với sách sáng bừng trong mắt mỗi đứa trẻ mà tôi thấy hôm nay khẳng định nhu cầu mà nhiều người vẫn phủ nhận.

Miên man nghĩ ngợi về những “nỗi niềm sách” vào ngày Sách Việt Nam và ngày Hội Sách và bản quyền thế giới, tôi nghĩ về quyền năng lớn lao của các nhà văn. Họ dẫn dắt cảm xúc. Họ để lại dấu ấn tuổi thơ. Họ mở ra một thế giới. Họ chìa cánh tay thân thiện để nhiều cảnh đời nắm lấy mà vươn lên. Họ gọi người đọc bằng những lời im lặng giấu trong trang sách – những lời im có sức thuyết phục và giục giã hơn những tiếng loa ra rả hàng ngày… Họ cho ta ước mơ. Họ chỉ cách nuôi dưỡng và theo đuổi hoài bão. Họ có thể làm ta tin người hơn giữa hoang mang những giá trị…Và thế thì, trách nhiệm của người viết quả thực quá lớn lao!

Ngày 10/4, tôi có cuộc giao lưu với bạn đọc huyện Tiền Hải, Thái Bình về văn hoá đọc. Một người đọc lớn tuổi phát biểu, rằng nói đến văn hoá đọc, trước khi trách người đọc giờ ít đọc thì phải trách các nhà văn trước đã! Họ có viết cho ra viết chưa? Họ có nỗ lực lao động để có tác phẩm lôi cuốn bạn đọc, khiến người ta đọc không dừng lại được… chưa? Họ có nghĩ đến những thông điệp gửi gắmqua trang sách sẽ là một lời gọi quý giá với một người trẻ hay không?

Về mặt nào đó, ý kiến ấy rất xác đáng.

Đừng kêu ca về chuyện “Việt Nam có văn hoá đọc đâu!” hay bi quan với con số thống kê số sách mỗi năm được một người sờ tới! Đã nói đến “văn hoá” thì phải là dòng chảy dài lâu bền bỉ, kiên trì, không bi quan lạc quan mà việc khơi nguồn chăm chút dòng chảy ấy phải được mỗi cá nhân, mỗi cơ quan chức năng nhận về mình một phần trách nhiệm. Văn hoá – không thể có được chỉ bằng những hoạt động bề nổi mà thiếu đi bề sâu chính là việc viết văn, dịch thuật, in ấn, xuất bản, là việc dạy văn trong nhà trường, là việc xây dựng những không gian đọc ở gia đình và xã hội.

“Văn hoá” cũng không thể có được nếu chỉ dừng ở những ngày hội đến hẹn lại lên mỗi năm một lần. Và cũng đừng lấy tiêu chí rộn ràng của những ngày hội mà đánh giá!

Thuỵ Anh (Bài đã đăng trên Thời Nay, 21/4/2014)

About admin2

Scroll To Top