Home / Bài Viết / Ngôn ngữ “xì-tin”

Ngôn ngữ “xì-tin”

HỎI: 

Hiện nay, giới trẻ nước ta đã và đang “sáng tạo” ra những ngôn ngữ tuổi teen “độc đáo” để tạo ra phong cách, cá tính riêng cho bản thân. Họ đã tự mình biến những câu từ quen thuộc thành những từ ngữ mà chỉ tuổi teen mới hiểu. (Ví dụ như: cái gì là cái zề, gì là j; bạn bè là pạn pè; con trai là con giai…). Cô có suy nghĩ gì về việc này khi mà tiếng Việt của ta đang có nguy cơ bị mai một? Theo cháu, tiếng Việt là thứ tiếng tuyệt vời nhất, nó chính là phong tục tập quán, là bản sắc dân tộc. Vậy cô đánh giá, suy nghĩ gì về cả ngôn ngữ, giới trẻ hiện nay trên đất nước ta? Em mong cô hồi âm sớm để trả lời thắc mắc của em.

Nguyễn Thị Lan Hiền (Lớp 6A4 – THCS Lâm Thao – Lâm Thao – Phú Thọ)

Ảnh: Internet

TRẢ LỜI:

Hiền thân mến,

Vấn đề em đưa ra tình cờ cũng chính là điều nhiều phụ huynh băn khoăn đấy em ạ. Ngôn ngữ giới trẻ, ngôn ngữ “xì-tin”, ngôn ngữ mạng xã hội (Facebook) không chỉ tuổi teen hay dùng đâu, chính những người lớn cũng dùng để vui đùa với nhau, thấy nó có vẻ thoải mái, không gò ép, hài hài, giúp mọi người xả stress! Đấy, ngay cả từ “stress”, đúng ra có thể viết, “căng thẳng” hay “áp lực” thì người ta hay nói “xì-chét”, nghe nó không trịnh trọng, đã thấy dễ chịu hơn rồi! Vì thế, chúng ta cũng hiểu và thông cảm với ngôn ngữ dạng này, rằng sự ra đời và tồn tại của nó đều có lý do. Mà trên thực tế, nói lóng, nói trại, nói lái đều là những hiện tượng ngôn ngữ thú vị mà tiếng nước nào cũng có. Nếu thu thập lại để nghiên cứu, ta còn có thể thấy những biến động xã hội trong lịch sử nữa cơ! Ví dụ, thời cô còn nhỏ, giới trẻ cũng hay có những câu cửa miệng không nghiêm túc, hài hước, dùng như một thành ngữ để đáp lại một tình huống nào đó, như “Bộ đội thế là thường!”, “Chuyện thường ngày ở huyện!”… Nếu tìm hiểu sẽ thấy những nguyên do tác động từ xã hội. Như những tín hiệu ngôn ngữ “không chính thống”, rồi chúng sẽ mất đi, người ta không dùng nữa, thay vào đó lại là những câu, những từ “sáng tạo” khác!

Tuy nhiên, việc em lo ngại là có cơ sở đấy. Một vấn đề lớn ở đây là, người sử dụng ngôn ngữ không phân biệt được các tình huống để dùng từ hợp lý. Một từ bao giờ cũng mang sắc thái biểu cảm riêng, dùng đúng lúc đúng chỗ mới là người hiểu biết. Các bạn trẻ bây giờ, nhiều người chưa trau dồi ngôn ngữ riêng của mình, chưa biết cách nói đẹp, viết đẹp thì đã sa đà vào cách nói “teen teen”, tạo dựng cho mình một phong cách lệch lạc. Chẳng hạn, từ “đập choai” (đẹp trai) khi các bạn đùa nhau thì không sao, nhưng nói với ông bà, bố mẹ, thậm chí có bạn lỡ tay viết cả vào bài kiểm tra (“Thạch Sanh là một chàng trai khoẻ mạnh, …. đập choai” – cô đã từng đọc được bài viết như vậy) – thì không ổn chút nào! Lại có bạn ngay trong bài viết nộp cô giáo cũng dùng những chữ viết tắt, những từ kiểu như “là j?” (là gì?), “bây h” (bây giờ), “hem” (không)- thì nó thể hiện con người thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, thiếu nghiêm túc, không tôn trọng người đọc, người nghe. Mà hậu quả đến ngay trước mắt – xơi điểm kém hoặc bị phê bình!!!

Ảnh: Internet

Nhiều bạn trẻ lại phân bua rằng, mình cứ nói, viết tiếng lóng như thế thoải mái, miễn sao lúc bình thường nói năng đúng cách, dùng từ chuẩn là được! Đúng vậy! Nhưng biết phân biệt tình huống khi dùng từ là một chuyện, còn chuyện khác nằm ngoài sự kiểm soát của mình, là … THÓI QUEN! Khi sử dụng nhiều quá cụm từ nào đó, thói quen ăn sâu đến mức nó trở thành câu “cửa miệng”. Bấy giờ, em không thể điều khiển được mình vì thói quen khiến nhiều khi em hành động rất nhanh, không dừng lại để suy nghĩ được. Từ đó hình thành “phong cách” ngôn ngữ của riêng em. Và đây là lựa chọn của em! Nếu ta không muốn hình ảnh của mình trong mắt mọi người là người ăn nói buông tuồng, thiếu nghiêm túc, hay cợt nhả, lè nhè, thì việc sử dụng ngôn ngữ teen cần được tiết chế. Mà trước hết, đó là việc tăng cường đọc, viết, giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ mình dùng. Có một cái phông là vốn từ vựng phong phú, đẹp, và thói quen viết chỉn chu thì ta yên tâm, đôi khi trong giao tiếp nói với bạn bè, giao tiếp viết trên mạng xã hội, có thể cho phép mình viết chệch đi, đùa vui một chút mà không sợ bị ảnh hưởng sâu.

Nhưng cô cũng lưu ý, việc dùng từ, cách nói năng thế nào là “lựa chọn của mình”. Ngôn ngữ lóng sẽ nhanh chóng mất đi, các kiểu nói “bồng bột” khác sẽ xuất hiện. Nếu ta lựa chọn cách chạy theo ngôn ngữ kiểu như vậy thì chắc sẽ phải chạy “ma-ra-tông” để theo kịp thời đại, vừa mệt vừa mất đi phong cách thật sự của mình.

Vài lời chia sẻ cùng em như vậy. Cô thấy rất vui khi một bạn lớp 6 như Hiền đã biết suy nghĩ sâu xa, biết lo cho tiếng Việt của chúng ta. Và cảm ơn em đã tâm sự với cô nhé. Cô mong được nhận thư của em nhiều hơn!

Cô Thuỵ Anh (Nguồn: báo Văn học và Tuổi trẻ số tháng 09/2016 )

About admin2

Scroll To Top