Home / Tin Tức / Như một cách tiếp cận với văn xuôi

Như một cách tiếp cận với văn xuôi

Những năm gần đây, trình diễn thơ đã không còn xa lạ với công chúng, tuy nhiên, trình diễn văn xuôi thì còn khá mới mẻ. Từ khi có Ngày hội sách và tôn vinh văn hóa đọc thì công chúng Hà Nội mới được làm quen với loại hình nghệ thuật này. Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội sách và văn hóa đọc 2014, Ban Nhà văn trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam đã xây dựng một chương trình trình diễn các tác phẩm thơ, văn xuôi để lại ấn tượng tốt trong những người yêu văn học có mặt tại Văn Miếu sáng 20/4. Thông qua hình thức trình diễn văn xuôi, Ban Nhà văn Trẻ mong muốn đem đến cho độc giả một cách tiếp cận mới hấp dẫn và lôi cuốn.

VNQĐ Online xin giới thiệu chùm ảnh về các màn trình diễn này.

Hai tiết mục văn xuôi được lựa chọn trình diễn lần này là trích đoạn truyện ngắn “Phòng chờ” của Nguyễn Thụy Anh và trích đoạn tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” của Nguyễn Xuân Thủy. Chỉ đạo chương trình: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Đạo diễn: Nguyễn Anh Vũ.T

rích đoạn “Phòng chờ” do các diễn viên đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ thể hiện, gồm Thu Thuận, Đức Tâm, Hương Thủy, Minh Trang và Duy Anh.

Đây là truyện ngắn nói về những người Việt xa xứ gửi thân nơi đất khách quê người. Cha của bé An (Thu Thuận) là một người như thế.

Mỗi người tìm đến với cái chết một cách khác nhau, nhưng những linh hồn phiêu dạt ấy vẫn mong mỏi trở về quê hương.

Linh hồn có thật không? Và những linh hồn phiêu dạt nơi đất khách có cách nào tìm về đất mẹ?

“Tôi không về đâu. Tôi không thể trở về, vì có ai mong tôi đâu?” – Một linh hồn nói (Minh Trang).

Linh hồn của người cha này luôn được cô con gái mong mỏi, ôm ấp trong tim, vì thế ông đã mỉm cười. Các linh hồn khác cũng vậy, họ sẽ trở về nếu như có ai đó yêu thương, mong đợi.

Thu Thuận – diễn viên trẻ lần đầu tiên đến với công chúng của văn học nhưng đã để lại những thiện cảm.

Tác giả Thụy Anh cùng tham gia trình diễn. “Phòng chờ” là truyện ngắn được viết từ những trải nghiệm đời tư của chính tác giả, khi nó xuất hiện đã mang đến cho bạn đọc nhiều xúc cảm. Một lần nữa, “Phòng chờ” đã đến với công chúng dưới một hình thức khác không kém phần lay động.

Tiết mục trình diễn văn xuôi thứ hai là trích đoạn tiểu thuyết “Nhắm mắt nhìn trời” – sáng tác mới nhất của Nguyễn Xuân Thủy vừa được anh giới thiệu đến công chúng.

Đoạn lựa chọn trình diễn nói về sự đổ vỡ tình cảm của hai người bạn, hai đồng nghiệp, hai trí thức Thành và Nguyễn (do hai nghệ sĩ Dũng Nam đến từ Nhà hát kịch Việt Nam và Duy Anh đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ thể hiện).

Cùng với đó là sự tuyệt vọng, bế tắc của nhà văn Nguyễn trong sự đồng cảm, sẻ chia của cô cave tên Hiền (Minh Cúc – Nhà hát Tuổi Trẻ).

Cũng là dân tỉnh lẻ làm báo tại Hà Nội nhưng Nguyễn và Thành điển hình cho hai lối sống, hai lối suy nghĩ rất khác nhau. Dù thế, họ lại là những đồng nghiệp thân thiết. Sự năng động, linh hoạt theo thời thế và có phần cơ hội của Thành khiến anh ta trụ lại thành phố dễ dàng hơn Nguyễn rất nhiều. Thương người anh, người đồng nghiệp, Thành muốn Nguyễn thay đổi để cuộc sống đỡ khổ nhưng dường như mong muốn ấy là không thể.

Những đối lập về cách nghĩ, cách sống đã khiến hố sâu ngăn cách giữa Nguyễn và Thành ngày càng rộng, dù trước đó họ đã có chung bao kỷ niệm vui buồn.

Nguyễn vừa muốn chạy theo những “mánh lới” do Thành bày ra để vợ con đỡ khổ nhưng anh không thể bước qua những lằn ranh đạo đức là nguyên tắc sống của một người trí thức. “Vợ con mình có nhà nhưng vợ con người khác phải ra đường. Làm thế thất đức lắm Thành ạ”. Anh thấy mệt mỏi, bế tắc.

Cô cave tên Hiền Nguyễn vô tình “vấp phải” trên đường đời để sau này đã trở thành người bạn tri âm của anh. Hiền cũng có những nỗi niềm khi thất bại trên con đường đi tìm khát vọng hòan lương.

“Quê ư – Ước gì bế được quê đi đâu đó…”. Nguyễn và Hiền cùng ra đi từ những miền quê và giờ đây, họ hiểu rằng họ không thể trở về. Mỗi người một lý do nhưng những miền quê ấy không còn thuộc về họ nữa, không còn chào đón sự trở về của họ nữa.

Nguyễn từ chỗ an ủi Hiền, rồi đến lượt chính cô cave ấy an ủi Nguyễn. Họ đã thất bại khi gắng gỏi “cứu rỗi” lẫn nhau. Nguyễn đã đốt hết bản thảo, tất cả chỉ còn là những cánh tro tàn.

Hai con người, một được coi là trí thức, một thuộc về tầng lớp dưới đáy xã hội thất bại, lạc lõng nơi phố phường.

Tác giả cùng tham gia trình diễn giới thiệu tác phẩm mới. Màn trình diễn “Nhắm mắt nhìn trời” đã gây xúc động nơi người xem, mang lại những hiệu ứng tốt khi nhiều độc giả ngay sau đó đã tìm mua tác phẩm của Nguyễn Xuân Thủy.

Bên cạnh trình diễn văn xuôi, được coi là “món chính” trong Ngày hội Sách – Văn hóa đọc hàng năm, vẫn có trình diễn thơ xen kẽ với 3 gương mặt Nguyễn Quang Hưng, Thiên Anh và Tú Anh.

Nguyễn Quang Hưng – Hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam – một gương mặt quen thuộc tại sân thơ trong các dịp Ngày thơ Việt Nam. Anh cũng là người chịu trách nhiệm đạo diễn phần trình diễn thơ.

Tú Anh – Gương mặt mới đến từ Thanh Hóa.

Dẫn chương trình của phần trình diễn các tác phẩm văn học tại Ngày hội sách – Văn hóa đọc 2014 là Nguyễn Minh Cường và Đặng Lan Chinh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Ban Nhà văn Trẻ, đạo diễn và các tác giả, diễn viên tham gia Ngày hội sách – Văn hóa đọc lần thứ 4.

Vũ Thành Duy – Khả Lôi Việt Vương (Văn nghệ quân đội)

About admin2

Scroll To Top