Home / Bài Viết / Sức mạnh của ngôn ngữ

Sức mạnh của ngôn ngữ

Giao tiếp đóng vai trò quan trọng nuôi dưỡng các mối quan hệ, vì vậy, bạn rất nên nuôi dưỡng kỹ năng này cho con, bắt đầu từ trong gia đình.

Trong vài năm đầu đời, con bạn sẽ học cách làm chủ rất nhiều kỹ năng phức tạp của việc giao tiếp như giao tiếp bằng ánh mắt, “đọc” thái độ thông qua nét mặt, sử dụng ngôn ngữ nói…v.v. Các kỹ năng xã hội và giao tiếp của trẻ sẽ tiến bộ hàng ngày. Khả năng sử dụng ngôn ngữ để diễn tả nhu cầu, ý kiến và cảm nhận là một bước quan trọng hướng đến khả năng có thể hiểu và tham gia vào thế giới xung quanh trẻ. Thông qua ngôn ngữ, trẻ sẽ học cách kết bạn, vui chơi và hoà mình vào tập thể, học hỏi lẫn nhau, tranh luận ý kiến và có được nhiều kiến thức về cuộc sống.

Chỉ nhiêu đây thôi cũng đã nói lên sức mạnh của ngôn ngữ. Một vài chia sẻ dưới đây có thể hỗ trợ bố mẹ trong việc giúp con làm chủ ngôn ngữ.

Tạo ra một môi trường giàu ngôn ngữ

Kinh nghiệm những năm đầu đời khi mới đi học mầm non, mẫu giáo của trẻ rất có ích trong việc định hình kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ, bởi vì đây là lần đầu tiên trẻ giao tiếp theo một nhóm. Vì vậy, có một điều hiển nhiên, con nghe càng nhiều thì con sẽ học được càng nhiều. Việc giao tiếp thực diễn ra trong bối cảnh cụ thể với những người cụ thể sẽ có tác dụng hơn nhiều việc cho con lắng nghe một đoạn hội thoại và học theo.

Lớp học của con sẽ chứa đựng nhiều nguyên vật liệu để kích thích trẻ diễn tả ý tưởng, cảm nghĩ bằng nhiều cách, kể cả không cần dùng trực tiếp ngôn ngữ. Các vật liệu thô như thùng các-tông, giấy bìa, quần áo sẽ truyền cảm hứng để trẻ làm việc cùng nhau, lên kế hoạch, thương thuyết và giải quyết vấn đề. Để làm được điều ấy, trẻ cần giao tiếp với những người khác.

Quan sát khi trẻ ở nhà và nghĩ xem có những cách nào khác mà bạn có thể hỗ trợ xây dựng kỹ năng giao tiếp mà con đã học ở trường. Tạo ra một bầu không khí mà ở đó con bạn có thể thể hiện bản thân một cách tích cực và sáng tạo bằng cách cho con biết rằng các ý kiến của con và các cách mà con giao tiếp đều được chấp nhận, được đánh giá và được tôn trọng.

Trân trọng những từ con dùng

Mặc dù trẻ học cách giao tiếp một cách tự nhiên, nhưng một số em lại cần “thăm dò” đối tượng nghe để đảm bảo những gì em nói được công nhận. Mỗi đứa trẻ cần một ai đó để nói chuyện – để chia sẻ những gì mà chúng nghĩ là chúng không thể nói với ai khác, để biết rằng người đó sẽ không cười hay không phê phán khi chúng nói.

Tạo cho con cảm giác an toàn khi con nói chuyện bằng cách chấp nhận cách trẻ giao tiếp. Trẻ con sẽ chẳng học được gì khi chúng nói mà bạn cứ chăm chăm bắt lỗi, sửa và phê bình. Khi con bạn nói một từ sai, đừng vội nói với chúng là con nói sai rồi. Trẻ sẽ học được cách dùng từ đó khi chúng nghe được chính từ đó được dùng một cách chính xác. Nhắc lại những gì trẻ vừa nói, thậm chí khi bạn đã sửa lại một vài từ, cũng đều có tác dụng tốt. Phần lớn trẻ em muốn nói chuyện nhiều hơn nữa khi bố mẹ mở rộng những gì chúng vừa nói.

Dành thời gian để dừng lại và lắng nghe

Khi con bạn tan trường về nhà với một bức vẽ trên tay, háo hức khoe với mẹ con đã vẽ một bức tranh thật đẹp. Bạn thì đang bận bịu với đống bát đĩa bẩn trong chậu rửa. Bạn sẽ làm gì? Điều tốt nhất mà bạn có thể làm khi ấy là dừng việc rửa bát lại, nhìn vào bức tranh và khen ngợi con: Mẹ/Bố rất thích cách con dùng màu vàng trong bức tranh này/Cô bé con trong tranh con xinh quá, động tác múa rất đẹp.

Chỉ một chút như vậy thôi nhưng đã giúp con nhận ra bạn quan tâm và trân tọng những gì con làm. Khi bạn dành thời gian dù chỉ để miêu tả những gì con làm, không phê phán, không đánh giá, bạn đã giúp con cảm thấy vui vẻ, dễ chịu hơn rất nhiều. Khi con nghe bạn nói về những gì con làm, con sẽ bắt đầu nói về các hoạt động và cả cảm xúc của mình. Bạn có thể dùng những gợi ý dưới đây để bắt đầu cuộc trò chuyện với con:

  • Khi thấy quần áo con vấy màu, bạn có thể nói: Chà chà, hẳn là toàn bộ cánh tay con đã làm việc rất tích cực khi vẽ.
  • Khi con bạn chơi đùa với cát: Mẹ/bố thấy con rất vui khi nghịch cát.
  • Khi con tự đi giày: Mẹ/bố rất tự hào về con. Con có thể tự đi giày được rồi.

 Nhận ra cảm xúc của trẻ

Bạn có thể nhận ra rất nhiều thứ khi quan sát nét mặt và nghe giọng nói của trẻ. Khi con nói “Tối qua, sấm nổ đã làm con thức giấc mẹ ạ!”, nhận ra vẻ mặt sợ hãi và giọng nói run run của con, bạn có thể: “Hẳn là con đã rất sợ. Con đã nghĩ gì khi con nghe thấy tiếng sấm?”. Đơn giản vậy thôi nhưng con có thể nhận ra bạn biết rằng con đang sợ và bắt đầu chia sẻ những lo lắng của mình khi trời sấm chớp, mưa bão.

Một tình huống khác, bé lớn nhà bạn gọi em là đồ ngu, tranh mất món đồ chơi mà em đang chơi. Trước khi bé lớn kịp đánh em bằng chính món đồ chơi đó, bạn có thể nhẹ nhàng nắm tay con và nói: “Con không thể đánh em”. Bé lớn hét lên: “Con ghét mẹ. Mẹ là đồ ngu”. Bạn hãy bình tĩnh trả lời: “Mẹ biết là con đang rất giận dữ, nhưng mẹ không thể để con đánh em”.

Bằng cách nhận ra sự tức giận của bé lớn, bạn cho con thấy tín hiệu là bạn đã nhận ra cảm xúc của con, đặt ra giới hạn cho hành vi của trẻ, và đáp lại cảm xúc của con. Bạn hiểu con cảm thấy thế nào mà không làm tổn thương con. Con sẽ nhận ra rằng hành vi của con là không được chấp nhận. Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý dưới đây:

  • Khi con ăn vạ, la hét om sòm và tự làm trầy đầu gối, hãy nhận ra nỗi sợ của con bằng cách nói “Con tự làm trầy đầu gối như vậy sẽ rất đau. Hãy lại chỗ mẹ và lấy một miếng băng nếu con muốn”.
  • Nếu con bạn khóc lóc và nói “Con không bao giờ được làm cái gì mà con muốn”, nhận ra cảm xúc của con và nói “Con cảm thấy khó chịu vì con không được làm những gì con muốn. Con có thể chơi tiếp sau giờ ăn tối”.
  • Khi con nói “Con ghét cô/thày giáo”. Bạn có thể: “Dường như là con rất giận thày/cô giáo. Chuyện gì đã xảy ra khiến con tức giận đến vậy?”.

Học hỏi qua hội thoại ngôn ngữ

Với những trẻ dễ kết bạn và duy trì tình bạn, chúng sẽ biết cách giao tiếp bằng mắt với các bạn khi chúng nói hoặc nghe, và chúng hiểu tầm quan trọng của việc chờ đến lượt mình nói khi đối thoại, cũng như biết cách xoa dịu những xung đột lời nói. Những trẻ này cũng biết cách tham gia hay không tham gia một nhóm mà không làm đứt mạch cuộc vui.

Một đứa trẻ thường xuyên bị người khác phớt lờ và gặp khó khăn giao tiếp có thể sẽ không làm chủ được nhiều kỹ năng xã hội cần thiết. Bạn có thể áp dụng một số khuyến nghị dưới đây để giúp con phát triển các kỹ năng khi tham gia giao tiếp. Trò chơi đóng vai với búp bê hay với các con vật đồ chơi là một cách tập luyện rất vui mà không hề có bất cứ nguy hiểm nào.

  • Giao tiếp bằng mắt: Nói chuyện mặt đối mặt với con, nhắc nhở con tại sao con nên làm giống bố/mẹ. Khi nhìn vào con, con biết rằng bạn đang nói chuyện với con mà không phải ai khác. Hướng dẫn một đứa trẻ hay ngại ngùng cách nhìn vào mắt người đối diện khi giao tiếp. Mời con nói về bản thân mình trước gương.
  • Chờ đến lượt mình khi giao tiếp. Thật khó để một đứa trẻ phán đoán, suy xét xung quanh khi đang đến lượt chúng nói, nhưng chúng cần phải học cách sử dụng và hiểu các dấu hiệu mà người nói đưa ra. Nếu con mất quá nhiều thời gian để trả lời câu hỏi của người nói, một ai đó sẽ nhảy vào giành mất. Nếu con trả lời quá nhanh, con sẽ làm cụt hứng người nói. Trẻ cũng cần học cách nhận ra các tín hiệu phi ngôn ngữ, vẻ mặt và sự thay đổi trong giọng nói của người đối thoại để biết mình nên nói ra sao. Giúp trẻ hiểu về vấn đề này khi đang trên xe bus, ô tô hoặc đơn giản khi bạn đang âu yếm bé trên ghế. Hãy hỏi con cách con mô tả một trò chơi mới cho bạn. Khi con giao tiếp với người khác, nhắc nhở con hãy tôn trọng người nói, chờ đến lượt mình.
  • Giải quyết xung đột. Ở bước này, bạn cần giúp trẻ biết nói không, biết cách điều khiển. Khi con biết được sức mạnh của việc nói “không”, nếu xảy ra xung đột trong khi chơi, con có thể dùng nó để cùng thương thuyết với bạn sẽ chơi cái gì, chơi như thế nào, ai có thể chơi. Với trẻ 4 hoặc 5 tuổi, trẻ sẽ học rằng nếu con có thể thoả hiệp thành công, con sẽ chơi vui vẻ với các bạn được rất lâu và không làm tổn thương ai. Những trẻ có thể thương thuyết bằng lời nói với trẻ khác có thể làm được điều này vì chúng biết cách cân nhắc lời nói, nhu cầu và mong muốn của người khác.

“Kế hoạch hành động”

Khi con bạn muốn làm một món đồ chơi hoặc đơn giản là chơi gì đó, trước khi bắt đầu, bạn hãy cùng con vạch ra một kế hoạch. Ví dụ như: Chơi trò bác sĩ, con có thể đóng vai em bé trước, bạn con sẽ đóng vai bác sĩ, sau đó đến lượt con làm bác sĩ và bạn con làm em bé; hoặc em con sẽ chơi tàu hoả trước, rồi đến lượt con. Điều này sẽ giúp trẻ hình dung trước diễn biến trò chơi trong đầu và giảm xung đột xảy ra.

Điều quan trong hơn hết giúp con bạn thành công ở trường đó là sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác. Học cách nghe và nói với người khác là nền tảng cho những thành công trên con đường học vấn sau này. Làm chủ các kỹ năng giao tiếp, trẻ sẽ được chuẩn bị sẵn sàng để học, sử dụng ký hiệu và tiếp nhận các kỹ năng học thuật khác. Khi bạn trân trọng ngôn ngữ của trẻ, bạn không chỉ giúp con mở rộng vốn từ vựng và khả năng giao tiếp, mà còn mở rộng khả năng thành công trong cuộc sống của con.

 Hiếu Nguyễn (Lược dịch và viết từ http://www.scholastic.com)

About admin2

Scroll To Top