Home / Tư vấn - Chia sẻ / Tránh xa sống ảo…?

Tránh xa sống ảo…?

Cháu chào cô Thuỵ Anh.

Trong thời gian qua, cháu thấy hiện tượng sống ảo đang dần tăng lên. Giới trẻ thì suốt ngày nằm trên bàn phím máy tính để lướt facebook. Nhiều người lớn cũng thế. Zalo, facebook bây giờ đã chiếm gần hết cuộc sống của họ khiến cho không ít mâu thuẫn hoặc những rạn nứt gia đình… Cô ơi, cháu phải làm gì để tránh được thế giới sống ảo này đây ạ? Cháu rất mong nhận được lời tư vấn từ cô.

Lê Hữu Mạnh Cường (Lớp 6B, THCS Lý Nhật Quang, Đô Lương, Nghệ An)

 ——————–

Mạnh Cường thân mến,

Câu hỏi của em làm cô giật mình nhìn lại chính mình, nhìn ra xung quanh… xem có những ai đang đắm chìm vào “thế giới ảo” như em nói!

Nếu một ngày mình giao tiếp với người bên cạnh, người bạn cùng bàn, người cùng sống dưới một mái nhà ít hơn thời gian mình dành cho mạng xã hội, thì đúng là mình đang “sống ảo”.

Nếu ngồi vào quán ăn, thay vì thưởng thức món ăn, ngắm nghía cách trình bày, hít hà hương vị, chia sẻ những cảm xúc hoặc ký ức về món ăn đó, mình lại rút điện thoại thông minh ra chụp loạch xoạch để up lên đâu đó, thì đúng là mình có nguy cơ sống ảo rất cao.

Nếu cả nhà uống trà buổi tối sau bữa cơm, cả nhà quá nửa thành viên trong gia đình ôm điện thoại, không kể chuyện cho nhau nghe, không hỏi han nhau, không dí dỏm đùa vui để cả nhà bật cười mà lại tủm tỉm một mình khi nhìn vào bàn phím, nước rót chả buồn uống, chẳng ai tâm tình, chẳng ai lắng nghe ai – cả nhà chúng ta đều mắc bệnh “sống ảo” mất rồi!

Rồi sinh nhật bố, sinh nhật mẹ, sinh nhật con – tưng bừng chúc tụng trên “phây” mà chạm mặt nhau thì không chút nhiệt tình – ta đã sống cho một cuộc đời không có thật trê. mạng ảo. Thế là “bệnh đã nặng” lắm rồi!

Cường ạ,

Em cũng nói đúng rằng cả người lớn lẫn trẻ con đều có thể nhiễm căn bệnh này! Ngày trước, cô cũng từng “mắc bệnh” nhưng may quá, đã khỏi! Cô dùng Facebook để làm việc thôi, nhưng đã từng làm cháy cá cháy thịt khi đang kho trên bếp chỉ vì ôm điện thoại! Và cô thấy, rõ ràng, cô đang phụ thuộc vào công nghệ, thích thú khi xây dựng cho mình những mối quan hệ xã hội qua mạng. Khi bị ốm, lẽ ra phải đi bác sĩ ngay thì cô lên mạng hỏi ý kiến mọi người… Ảo quá, phải không?

tranh xa song ao

Ảnh: cafeF

Thế nhưng, chỉ cần mình nhận ra được mình đang-sống-ảo là mình có thể có nhiều cách xử lý theo hướng tích cực, em ạ. Ta phải làm gì? Với một bạn nhỏ lớp 6 như em, câu hỏi này thật đặc biệt. Nó cho thấy em còn chín chắn hơn rất nhiều người lớn đấy! Thời đại công nghệ, muốn hay không muốn em vẫn là một con người hiện đại thuộc về thế giới hiện đại, rồi sẽ đến lúc em cũng tham gia mạng xã hội hoặc phải tiếp cận thế giới mạng. Em cần nghĩ trước mọi “kịch bản” để sẵn sàng đối mặt với nguy cơ sống ảo. Cô đưa ra một vài tưởng tượng dưới dạng câu hỏi tình huống nhé:

  • Em đã 13 tuổi. Em quyết định tham gia mạng xã hội, có tài khoản FB… đã nên chưa?

Trả lời: Có thể nhưng không nhất thiết. Em chỉ nên lập FB hoặc vào Zalo nếu em thực sự muốn và biết mục đích của việc này. Em cần đọc kỹ các hướng dẫn, điều khoản thoả thuận của FB trước khi tham gia.

  • Nếu có một ai đó muốn kết bạn với em trên mạng xã hội, em có nên nhận lời không?

Trả lời: Có thể nhưng hãy cảnh giác! Với tuổi của các em, tốt nhất là nên kết bạn với những người em biết ngoài đời, hạn chế những nguy hiểm tiềm ẩn (lừa đảo, dụ dỗ…) của các mối quan hệ trên mạng.

  • Làm thế nào để kiểm soát thời gian ngồi mạng của mình?

Trả lời: Thực ra, kiểm soát mình là việc khá khó. Với tuổi trung học cơ sở, các em nên nhờ một người lớn trong nhà hỗ trợ việc này. Em đưa ra thoả thuận với bản thân, mỗi ngày vào mạng từ giờ này đến giờ này – nhưng cần nhờ người lớn đó (người mà em tin tưởng, yêu quý) giúp em thực hiện đúng thời gian biểu. Người ấy sẽ nhắc em khi sắp hết giờ, sẽ kiên quyết dứt em ra khỏi trò chơi, câu chuyện… nếu em không dừng lại được. Điều này chỉ có lợi cho em – em cũng biết vậy mà. Nhờ người khác nhưng vẫn là em đang chủ động kiểm soát mình! Em có thể dán tờ giấy ghi thời lượng vào mạng hằng ngày của em lên tường, nhìn vào đó, em tự đếm được những giờ sống ảo của mình mà điều chỉnh!

  • Nếu cầm điện thoại hay vào mạng là một thói quen rồi, thì làm sao để hạn chế việc luôn luôn nhìn vào màn hình, lơ đãng với những gì đang xảy ra xung quanh?

Trả lời: Theo thời gian biểu đã lập ra, khi nào cần bỏ điện thoại xuống, em hãy thực hiện nghiêm túc bằng cách… để điện thoại vào một chiếc hộp, bỏ hẳn vào căn phòng khác, tắt điện thoại đi hoặc chí ít là tắt chuông. Để khuất mắt là một cách đề phòng bị “nghiện” hoặc “cai nghiện tốt nhất. Nếu em sợ mình ý chí chưa kiên định, em có thể gửi bố mẹ hoặc cho vào tủ khoá lại.

  • Phải làm gì khi… cả nhà nghiện sống ảo?

Trả lời: Phải đấu tranh. Em có thể chủ động họp cả nhà để đưa ra “luật”: “Ngồi ăn cơm không điện thoại!”. Hoặc đặt ra “một ngày không điện thoại”trong tháng, trong tuần để các thành viên trong gia đình làm theo. Lên kế hoạch đi chơi, dã ngoại cùng bố mẹ, chỉ dùng diện thoại để chụp ảnh chứ không để giao tiếp bên ngoài

Và cuối cùng, việc quan trọng nhất là em nên để tâm đến những hoạt động thể dục thể thao, những hoạt động thể chất khiến em suy nghĩ sáng suốt hơn, con người khoẻ khoắn hơn, tự em sẽ ngán việc ngồi mãi một chỗ và đắm chìm vào mạng hảo.

Chúc em lạc quan lên vì với tâm thế chuẩn bị như em khi tiếp cận với mạng xã hội, cô tin, em sẽ không sống trên mạng nhiều hơn ngoài đời, em sẽ không bỏ qua những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống thực xung quanh.

Chúc em vui vẻ!

Cô Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top