Home / Tư vấn - Chia sẻ / Trẻ con bé tí nói ngôn ngữ teen?

Trẻ con bé tí nói ngôn ngữ teen?

Chẳng có gì ngạc nhiên khi một ngày nào đó, bạn thấy đứa bé 4, 5 tuổi đáng yêu của mình thản nhiên đáp trả mẹ: “Mẹ nói chuẩn không cần chỉnh” hay “Mẹ nhầm nhọt sang trồng trọt rồi!”. Bố mua đồ chơi về, bé con hồn nhiên khen: “Bố mua đồ chơi hoành tá tràng (hoành tráng) quá!” và: “Bạn A. trình còi, đạp xe đạp không bằng con đâu mẹ ạ!”

Điều này là tất yếu khi mà các cô chú, anh chị, thậm chí cả bố mẹ trong lúc đùa vui phấn chấn vẫn nói với nhau như vậy. Có gì xấu đâu?

Con trai tôi 7 tuổi, đi học vẫn ngây thơ gọi bạn bè là cậu xưng tớ nghe rất là ngoan, giờ bắt đầu tập tọe xưng tôi gọi bạn là ông là bà. Vì trên phim các anh chị xưng hô như thế. Vì xung quanh cũng nghe thấy nhiều anh chị nói như thế. Nói gì thì nói, nghe hai đứa bé mặt còn non choẹt, gọi nhau là ông-bà, cũng phát phì cười. Và cũng hơi cảm thấy kỳ kỳ, ngại ngại trong lòng thế nào đó.

Hãy bắt đầu từ những khái niệm đúng và tinh tế

Thực ra, thứ ngôn ngữ tạm gọi là ngôn ngữ teen vui vui mà xã hội ngoài kia đang dùng không có tội. Nó là cuộc sống. Phong phú và đa dạng. Nhiều câu nói cách nói được hình thành từ cùng một công thức và trở thành dạng thức ngôn ngữ giống như thành ngữ, có khả năng diễn đạt cả cảm xúc vui buồn, mỉa mai, giễu cợt. Đương nhiên không phải tất cả!

Đồng thời, cũng như nhiều người phát biểu, ngôn ngữ teen kiểu này là một trong rất nhiều phương cách làm giảm bớt áp lực cuộc sống, lấy hài hước, giễu nhại đẩy lùi stress, là một cách mà con người nghĩ ra để tự bảo vệ mình. Âu cũng là phương cách sáng tạo và hữu hiệu.

Tuy nhiên, cũng đừng cho rằng hoàn toàn bình thường khi đứa bé còn rất nhỏ của bạn, chưa có đủ vốn từ vựng, chưa đủ trải nghiệm để hiểu hết các khía cạnh hài hước, giễu nhại, giải trí của thứ ngôn ngữ teen này, đã vội dùng nó như một kinh nghiệm ngôn ngữ được tiếp nhận một cách tự nhiên từ cuộc sống. Trước khi có những “phương án phụ”, trẻ cần có được phương án đúng. Trước khi biết những góc cạnh khác của một hiện tượng ngôn ngữ, trẻ cần nắm được những điều tạm gọi là chuẩn. Trước khi đến với những phá cách, phải biết cái bình thường, chuẩn mực thì những phá cách mới được gọi là phá cách. Trước khi tiếp nhận những xô bồ, thô ráp, hãy cho trẻ tiếp cận với những gì nhẹ nhàng, trong sáng, tinh tế.

Bằng không, ngược lại, tư duy của trẻ sẽ rối, không còn mạch lạc, trẻ sẽ bị lẫn lộn các khái niệm, không hiểu cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là đùa vui, cái gì là nghiêm túc.

Chẳng hạn, tôi biết một người bố hay đùa, thích nói “Cứ Hà Tĩnh” mỗi khi muốn con từ từ, bình tĩnh, kiên nhẫn. Khi lớn lên một chút, đi học, em bé không thể hiểu được từ “bình tĩnh” mà hay dùng từ “Hà Tĩnh” để… giải thích cho khái niệm kiên nhẫn, bình tĩnh ấy. Và thế là một khái niệm ngôn ngữ đã bị hoán đổi – từ chuẩn trở thành một từ nói trại và ngược lại. Một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy lúng túng vô cùng khi muốn con bắt đầu nhìn cuộc sống, sự vật hiện tượng chỉn chu lại từ đầu! Trẻ sớm dùng tiếng lóng, ngôn ngữ xã hội… thường sẽ gặp khó khăn hơn trong khi diễn đạt và trình bày một vấn đề mà đối với trẻ khác cùng tuổi là đơn giản.

Làm gì khi con bị ảnh hưởng từ bên ngoài?

* Một điều chắc chắn rằng, dù bạn có thích ngôn ngữ “nhí nhảnh con cá cảnh” đến mức nào đi nữa thì cũng hãy rất kiềm chế khi có sự hiện diện của trẻ. Đôi khi cũng phải hy sinh đôi chút sở thích cá nhân để tạo cho con một môi trường ngôn ngữ hoàn toàn trong sáng, dễ hiểu. Hãy chờ đợi cho đến khi con bạn hình thành được một vốn từ vựng nhất định, có tư duy ngôn ngữ mạch lạc, lúc ấy mới có thể thoải mái hơn.

* Song, nếu bạn không chủ trương dùng từ ngữ teen trong gia đình, trước mặt trẻ, mà trẻ vẫn cứ sử dụng ngôn ngữ này do nghe được từ anh chị họ hay những người hàng xóm vui tính, hoặc thậm chí có cô chú vui tính đến nỗi thích thú dạy bé chỉ để bé nói ra những câu, những từ teen bằng cái giọng non non của mình, để mà cười? Mà càng thấy mọi người cười bé lại càng phấn khởi. Trẻ vốn tiếp thu cực nhanh.

 Vậy, phải làm sao?

1. Thái độ bình thản: không cổ vũ cũng chẳng phản đối; không trầm trồ thú vị cũng chẳng cấm đoán. Hãy coi đó là chỉ là một lời nói, không hơn. Trẻ sẽ chóng chán nếu cảm thấy sự thờ ơ của bạn.

2 .Không nhất thiết phải giải thích cặn kẽ đến đầu đến đũa ý nghĩa của cụm từ bé dùng hoặc sửa lại bằng một cụm từ đúng hơn, chuẩn hơn: “Con phải nói thế này…” “Con nói thế là sai…” – đây là những cụm từ bố mẹ cũng nên tránh. Cấm đoán và phê phán gay gắt, lên án là việc làm dễ nhất, nhưng cũng vô ích nhất khi đối mặt với trẻ.

3. Nếu như trẻ “ngoan cố” dùng những cụm từ bạn rất-không-thích khiến bạn dễ nổi cáu, hãy cứ tỏ thái độ của mình một cách kiên quyết, rõ ràng nhưng đúng mực: “Mẹ không thích con nói như vậy vì nghe không lịch sự đâu!”; “Nếu con cứ nói kiểu này thì mọi người sẽ cho rằng con là người không lịch sự. Mà thế không đúng vì mẹ biết con là người rất lịch sự mà.” Và nếu trẻ có gặng hỏi vì sao lại không lịch sự, bố mẹ không nhất thiết phải đi sâu vào chi tiết. Chỉ cần nói đơn giản: “… vì người lịch sự không nói thế, con ạ.”

4. Hãy nghĩ đến việc tích cực cung cấp thứ ngôn ngữ tinh tế đẹp đẽ cho trẻ thông qua sách truyện, thơ ca. Trẻ có phông nền ngôn ngữ và văn hóa càng vững chắc và tinh tế thì sau này, khi lớn lên, chúng càng có thể tự tin khi chọn dùng ngôn từ sách vở chính thống hay ngôn ngữ nghịch ngợm kiểu teen. Suy cho cùng, phải hiểu sâu sắc mọi sắc thái của ngôn ngữ, nắm được từ vựng kể cả về ngữ nghĩa lẫn ngữ âm thì con người mới có thể xử lý ngôn ngữ linh hoạt, hợp cảnh hợp tình, đúng … người đúng việc được. Ngôn ngữ kiểu nào cũng cần thiết: sách vở, thi ca, đời thường, ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói, tiếng lóng, thậm chí cả… chửi tục – cũng đều có vị trí của mình trong cuộc sống con người và có lý do để tồn tại. Quan trọng hơn cả là: biết dùng chúng đúng lúc đúng chỗ! Mà điều này chỉ có được khi ngày còn bé tí, trẻ được tiếp xúc với thứ ngôn ngữ chuẩn mực, trong sáng.

5. Bằng nhiều cách, nhẹ nhàng cho bé biết những quy tắc xã hội về mặt ngôn ngữ. Trong lúc bé học để có thể ngấm những quy tắc này, hãy kiên nhẫn chờ đợi chứ không phải lúc nào cũng bắt bẻ, nổi cáu. Ví dụ, mẹ dạy con khi có đông người cái gì nên nói to, cái gì không nên nói công khai; khi mọi người đang ăn uống thì tránh nhắc đến những từ gì..v…v..  Một vài lần nhắc nhở con rất vui vẻ, sau đó phải khen ngợi nếu con làm được một lần     đầu. Điều này chắc chắn có hiệu quả.

6. Và cuối cùng, rất cần một tấm gương từ phía các bậc phụ huynh. Phải rất thống nhất trong lời ăn tiếng nói. Nếu bố mẹ ăn nói buông tuồng trước mặt con thì cũng đừng bao giờ mắng mỏ con nếu trẻ liên tục dùng những từ ngữ ấy để nói lại với mình. Thích dùng những từ ngữ vui nhộn nghịch ngợm với con mà khi con dùng đáp trả lại cáu bẳn bực bội, kêt tội trẻ là hư là hỗn. Thế mà điều này không hiếm khi xảy ra!!

 

 

Vừa mới nói “bó tay…” chưa dứt lời bố mẹ đã phạt mình ngồi trong bắp cải. Đúng là “nhầm nhọt sang trồng trọt”!!!!!!!

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Bài đã đăng tạp chí Mẹ&Bé)

About admin2

Scroll To Top