Home / Tin Tức / TS Nguyễn Thụy Anh: Phải hướng đến tính bền vững trong giáo dục tiết kiệm năng lượng

TS Nguyễn Thụy Anh: Phải hướng đến tính bền vững trong giáo dục tiết kiệm năng lượng

Việc tuyên truyền vấn đề tiết kiệm năng lượng đến cư dân trên thế giới thì hình thức nào cũng quan trọng. Nhưng, cốt yếu là tìm ra được động cơ tạo lập thói quen mới cho con người thì mới thành công. TS. Nguyễn Thụy Anh – Chủ nhiệm CLB “Đọc sách cùng con”, Phó GĐ Quỹ Hỗ trợ và Quảng bá Văn học Việt Nam – Văn học Nga đã chia sẻ với tietkiemnangluong.vn trong cuộc trao đổi về giáo dục tiết kiệm năng lượng.

PV: Gần đây, chị có so sánh: hiệu quả truyền thông của chiến dịch Giờ Trái đất sẽ không bền vững bằng “Em học sống xanh”. Tại sao, thưa chị?

TSGD Nguyễn Thụy Anh: Thực ra đó là câu chuyện vui ngoài lề của tôi với bạn bè. Tôi cho rằng, việc tuyên truyền về vấn đề tiết kiệm năng lượng đến cư dân trên thế giới thì hình thức nào cũng quan trọng. Thế nhưng, chiến dịch truyền thông Giờ thế giới sẽ chỉ mãi mãi dừng lại ở kết quả là tạo hiệu ứng xã hội, có nhiều người biết đến và có thái độ phù hợp hơn với việc này nhưng chưa đảm bảo được thực chất: thay đổi hành vi và xây dựng thói quen, tiến tới xây dựng lối sống bền vững. Hơn thế, nếu không có cách tiếp cận tiếp theo tinh tế hơn thì việc tuyên truyền có thể trở thành phong trào bề nổi nặng tính hình thức.

Bắt đầu từ bề nổi và ngay lập tức phải đi vào chiều sâu. Ở đây tôi nhắc đến chương trình “Em học sống xanh” do Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường và Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị đã tiến hành đưa vào một số trường trung học cơ sở ở Hà Nội, Huế 3 năm qua. Giá như chương trình có thể được thực hiện rộng khắp, đại trà ở các trường thì ta được nhiều hơn là tốn kém, nếu so sánh với kinh phí để tổ chức truyền thông Giờ trái đất. Chương trình do các tiến sĩ giáo dục và môi trường ở một số nước biên soạn và có mô hình tiếp cận rất thú vị, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao trong việc hình thành lối sống mới ở học sinh, trong đó có cả các thói quen tiết kiệm năng lượng. Trong “Em học sống xanh”, trẻ không đơn thuần thu nhận kiến thức mà được gợi mở để đi tìm thông tin, xuất hiện nhu cầu hành động thực tế và được cổ vũ bởi những kết quả thiết thực thông qua các kiểm toán cuối mỗi chủ đề học. Việc lên kế hoạch, quản lý việc thực hiện, chia sẻ và phản hồi là những phương pháp nhỏ khiến các em sau quá trình học và hành động tự xây dựng được những thói quen sống mới. Có em còn nói với chúng tôi: “Bây giờ ra khỏi phòng mà không tắt điện là em… không chịu nổi”. Đó chính là tính bền vững của giáo dục và truyền thông!

Những trang sách dạy học sinh tiết kiệm điện của “Em học sống xanh” (Ảnh: Kiều Anh)

PV: Theo chị, để hình thành một ý thức không lãng phí năng lượng cho học sinh, chúng ta cần phải làm gì tiếp theo?

TSGD Nguyễn Thụy Anh: Trong chương trình “Em học sống xanh”, chúng tôi bắt đầu từ một kết quả kiểm toán – đo lường một số giá trị của thói quen sống mà thường không mấy khi các em để ý tới. Chẳng hạn, thu thập hoá đơn tiền điện, tìm hiểu lý do tiền điện tăng, giảm…v..v Từ đó đặt ra một loạt câu hỏi mà các em tự muốn tìm hiểu. Chìa khoá là kích thích được động lực- động cơ tìm hiểu vấn đề và vấn đề ấy phải liên quan thiết thực đến cá nhân em, em có thể làm thay đổi con số. Ví dụ: sau một thời gian, các em thu thập tiếp hoá đơn tiền điện và phát hiện mình đã tiết kiệm được cho gia đình một khoản tiền bằng cách áp dụng những phương pháp tiết kiệm năng lượng đã được học. Sau khi thử làm một số việc cho phản hồi tích cực, phải lên kế hoạch thực hiện hành động ấy thường xuyên trong vòng 3 tuần. Và sau đó, chúng ta có được một thói quen mới trong cuộc sống! Nếu chỉ tuyên truyền để thay đổi nhận thức thì chưa đủ. Mục tiêu cuối cùng là các em phải hành động, và cuối cùng là biến các hành vi tích cực thành một thói quen hàng ngày. Quá trình tổ chức việc học như thế được xây dựng rất khoa học, theo sát hỗ trợ học sinh cho đến khi có được một lối sống mới: tiết kiệm và gìn giữ tài nguyên trái đất.

TS. Nguyễn Thụy Anh

PV: Chị có theo dõi các sáng kiến của học sinh về sống xanh hay không? Nếu có, điều này sẽ có lợi ích như thế nào khi lan tỏa trong cộng đồng?

TSGD Nguyễn Thụy Anh: Trong thời gian làm việc với các trường theo chương trình “Em học sống xanh”, chúng tôi vui mừng thấy các bạn nhỏ của chúng ta đầy thiện chí với môi trường, có nhiều sáng kiến thú vị. Tất cả các hoạt động của các em đều được chúng tôi ghi lại trên trang Em học sống xanh. Các bạn nhỏ không dừng lại ở hành động cá nhân, các em còn cùng nhau xây dựng dự án sống xanh, áp dụng các phương án đơn giản mà có tác dụng vào cuộc sống hàng ngày, đồng thời tạo hiệu quả truyền thông cao, ảnh hưởng đến các cộng đồng nhỏ xung quanh các em mà đặc biệt là thay đổi cả lối sống của chính những người lớn còn thiếu ý thức trong gia đình.

– Sinh năm 1974, Nguyễn Thụy Anh từng bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Hội đồng khoa học trường ĐH Tổng hợp sư phạm Moskva (Nga) năm 2002.

– TS. Nguyễn Thụy Anh cũng là một người đồng hành với “Em học sống xanh” – dự án doTrung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường và Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị.

Kiều Anh (thực hiện)

About admin2

Scroll To Top