Có nhiều vấn đề liên quan đến con mình ở tuổi khủng hoảng, chỉ cần kiên nhẫn … là mọi việc qua đi êm đềm. Tuy nhiên, cũng có những sự không thể không can thiệp, một cách nhẹ nhàng và hiểu biết.
Nhiều phụ huynh gửi thư cho chúng tôi, chia sẻ nỗi lo lắng của mình và cả… sự bất lực của mình khi đối mặt với những biểu hiện bướng bỉnh, không nghe lời của bé.
– Con tôi mới hơn 2 tuổi đã khó bảo rồi, cứ thích gì là làm, không đếm xỉa gì đến người lớn. Không cho là lăn cu leo xuống đất ăn vạ.
– Con tôi 5 tuổi, rất cục tính, có gì không hài lòng là có thể đập phá đồ chơi, đá đồ đạc rồi vào phòng ngồi lầm lì suốt cả tiếng đồng hồ.
– Con trai tôi học lớp 1. Cô giáo nói, ở lớp rất thích phát biểu nhưng cứ giành nói hết của các bạn khác. Cô không gọi đến thì bực mình, ăn vạ. Nhiều khi chưa cần biết cô nói về vấn đề gì đã giơ tay và… nói khiến cô rất bực mình. Cô nói nhiều lần không nghe. Ở nhà thì cháu thích gì làm nấy. Cái gì thích thì bảo một cái làm ngay rất chỉn chu. Cái gì không thích thì đánh, mắng mấy cũng mặc kệ. Ví dụ như dọn đồ chơi – tôi chịu không thể nào dạy được cháu gọn gàng sau khi chơi.
Giải quyết tất cả những vấn đề ấy trong một bài viết là “nhiệm vụ bất khả thi” bởi mỗi đứa trẻ là một “nhân vật cá biệt và độc đáo” – để kết luận được điều gì về bé, điều chỉnh hành vi của bé, bạn cần phải tiếp cận với trẻ một cách thận trọng và tích cực trong một thời gian dài, quan sát, phân tích rồi mới… hành động. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn lưu ý bạn đọc một số điểm trong quá trình quan sát trẻ, như sau:
1. Trẻ đang ở độ tuổi khủng hoảng (khủng hoảng lên 3, khủng hoảng lên 7)
Chúng tôi đã từng nhắc đến đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở độ tuổi khủng hoảng trong một số bài viết trước. Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh về tâm lý của người lớn khi đối mặt với những trò ương bướng của trẻ trong độ tuổi này: Nếu đứa trẻ trước đó theo bạn là rất “ổn”, đột nhiên từ lúc tròn 2 tuổi lại phá phách hơn, khó chịu hơn, làm ngược, chỉ thích làm theo ý mình, hay đòi hỏi – Tất cả những biểu hiện ấy chứng tỏ bé của bạn đang… lớn. Bé đang bước qua một cái mốc của cuộc đời để trưởng thành hơn.
Thái độ của người lớn: kiên nhẫn, chờ đợi và đồng hành. Trẻ lên 3 hay lên 7, mỗi đứa có “thông điệp” khác nhau gửi đến người lớn, nhưng nói chung, bản thân chúng đều phải trải qua stress không kém gì bố mẹ ở thời gian này. Chúng muốn khẳng định “cái Tôi” của mình, không muốn cái gì cũng là bố mẹ bảo mới làm, thấy bực bội khi bị áp đặt nhưng chính chúng cũng không thể hiểu vì sao mình lại bực bội, dằn dỗi, khó chịu, tức tối. Vì thế, bất kỳ một động thái “mất cân bằng, mất tính kiểm soát” nào từ phía người lớn đều sẽ để lại hậu quả tiêu cực với tâm lý trẻ thời gian này.
Trong trường hợp này, người lớn NÊN:
– Cho trẻ một khoảng tự do nhất định cần thiết, không phải lúc nào cũng theo dõi, can thiệp vào những hoạt động của trẻ;
– Đôi khi cho phép làm một điều gì đó để giải tỏa stress như hét to, xé giấy, ném đồ chơi;
– Năng đưa trẻ ra ngoài thiên nhiên chạy nhảy;
– Năng trò chuyện tâm sự theo “kiểu của trẻ” – ví dụ: cùng nói thứ tiếng mà trẻ nghĩ ra, nghĩa là nói lăng nhăng những âm thanh vô nghĩa để cùng cười với nhau, cùng vẽ trên một tấm bìa theo ý tưởng của trẻ, cùng tưởng tượng một câu chuyện nương theo ý thích của trẻ;
– Cùng trẻ “định nghĩa” cảm xúc của trẻ thông qua sự thấu hiểu mà không phê phán: “À mẹ hiểu rồi, con đang bực mình vì…”, “Chắc là con khó chịu vì…”…
– Tỏ ra bình tĩnh, không bao giờ bối rối trước bất kỳ hành vi nào của trẻ. Điều này tưởng chừng là vô lý và khó có thể thực hiện, nhưng nếu thực sự ta nắm được quy luật phát triển của trẻ, biết rằng chắc chắn bé con phải trải qua những hiện tượng ấy, cảm xúc ấy để có thể lớn lên – thì việc giữ bình tĩnh hoàn toàn không khó. Thậm chí, ta có thể nhìn mọi vấn đề với một… nụ cười thầm: “À, đã đến lúc cu cậu lớn rồi đây!”
Người lớn KHÔNG NÊN:
– Ne nét, bắt lỗi, tỏ ra căng thẳng, quá nghiêm khắc, cứ thấy có biểu hiện có lỗi là phải truy bằng được, phân tích bằng được, phạt bằng được để răn đe;
– Hoặc ngược lại, để cho trẻ thấy sự lo lắng của mình, thấy mình “sợ” những cơn bực bội ăn vạ của trẻ nên “thôi cho nó làm cho yên cửa yên nhà” – trẻ đòi gì được nấy sau những cơn ăn vạ.
2. Ảnh hưởng từ môi trường hoặc cách xử trí chưa hợp lý từ phía người lớn
Có những đứa trẻ thu nhận được tính cách bướng bỉnh, đỏng đảnh, ích kỷ, đòi hỏi… chỉ sau một thời gian sống trong môi trường “thuận lợi” để những tính cách này nảy nở và được nuôi dưỡng. Chẳng hạn, gia đình có nhiều người lớn, mỗi người có nguyên tắc giáo dục khác nhau, không thống nhất. Trong gia đình có người quá chiều bé, coi bé là trung tâm, bé là nhất mà không cần phải để ý đến ai khác: khi ăn, nhường tất cả những gì ngon nhất cho bé; khi đi chơi, bé muốn gì cũng mua; không quy định cụ thể “công việc” hàng ngày của bé, không có bất kỳ điều gì “đòi hỏi” về phía người lớn đối với bé – ví dụ những việc tự phục vụ mình như thay quần áo, lau mồm, tự xúc ăn, rửa tay, đánh răng…
Những đứa trẻ tỏ ra bướng bỉnh và không nghe lời trong trường hợp này sẽ khó tiếp cận và khó điều chỉnh hơn các bé ở độ tuổi khủng hoảng, đặc biệt nếu những người lớn không ý thức được ảnh hưởng của chính họ đối với tính cách và hành vi của bé.
Người lớn NÊN:
– Những người lớn trong gia đình phải thống nhất được những nguyên tắc chung khi xử sự với trẻ và không ai được phá bỏ nguyên tắc ấy (chẳng hạn, không cho trẻ ăn bim bim và kẹo trước khi ăn cơm, hoặc khi ăn cơm không xem tivi);
– Cùng trẻ lên một danh sách những việc trẻ sẽ tự làm, những việc gì là của riêng trẻ (ví dụ như việc lau bàn ghế, cùng mẹ dọn bát, giúp bà phơi quần áo…);
– Những lúc trẻ vui vẻ, thống nhất rất rõ ràng với trẻ những gì là ĐÚNG, những gì trẻ phải có trách nhiệm tuân theo. Chẳng hạn, lên lịch sinh hoạt mấy giờ ăn cơm, mấy giờ tắm, giờ nào xem tivi và đến giờ nào kiên quyết phải tắt để các thành viên khác trong nhà xem chương trình khác. Không vì bất kỳ lý do nào mà phá vỡ lịch đó, trừ những ngày lễ Tết hoặc đi chơi.
– Tôn trọng và đánh giá đúng những gì trẻ làm được, khen và phê bình phải thật công bằng.
– Khi đưa ra đề nghị hoặc « mệnh lệnh » phải dùng giọng nói rõ ràng, mạch lạc, kiên quyết
– Luôn giữ lời hứa với trẻ một cách đặc biệt nghiêm túc, nhất là những lời hứa về việc mua quà, mua đồ chơi, mua sách;
– Tìm nhiều thời gian gần gũi và cùng hoạt động thể thao ngoài trời với trẻ
Người lớn KHÔNG NÊN:
– Khen ngợi quá lời, không đúng thực chất;
– Mỉa mai khi chê bai;
– Tặc lưỡi chiều trẻ một lần, phá bỏ các nguyên tắc đã đặt ra với trẻ;
– Dùng cách nói cưng nựng để “nịnh” trẻ khi mong muốn trẻ làm một việc gì đó;
– Dùng các hình phạt khiến trẻ mất thể diện, xấu hổ như đi kể xấu, chê bai trẻ với người khác, bắt úp mặt vào tường khi nhà có khách, dùng roi vọt.
3. Do đặc điểm tính cách của trẻ
Hẳn bạn đồng ý với tôi rằng, một trăm đứa trẻ thì có một trăm cách thể hiện tính cách khác nhau, nhưng về mặt tâm lý con người, chúng ta vẫn có thể chia chúng thành những nhóm tính cách – tính cách mà “trời sinh ra thế”. Có nhiều kiểu phân loại tính cách, nhưng ở trường hợp này, chúng ta nói đến nhóm trẻ mang tính cách mạnh – choleric. Trong mắt bố mẹ và những người lớn khác, chúng có thể được coi là trẻ bướng bỉnh, khó bảo vì Trời đã cho chúng một đặc trưng về tính cách là rất hoạt bát, nhanh nhẹn, không chịu ngồi một chỗ, nói nhiều, nhanh, có sức biểu cảm tốt, dễ bị kích động, đôi khi hay hét lên nếu không được như ý, không lắng nghe người khác mà tự tin vào sự đúng đắn của mình. Trẻ thiếu kiên nhẫn, dễ mạo hiểm, không chịu được sự nhàm chán. Phải nói rằng, những đứa trẻ có tính cách như thế khá mạnh mẽ, dũng cảm, dám nghĩ dám làm, không bỏ cuộc giữa chừng, muốn gì là cố gắng đạt bằng được, thích là leader trong các cuộc chơi.
Việc của người lớn không phải là “triệt phá” tính cách của trẻ mà nắm được tâm lý của trẻ nhóm tính cách này để tạo điều kiện cho trẻ có thể phát huy điểm mạnh của mình. Chỉ có thế, những điểm tiêu cực mới dần được loại bỏ và trẻ có được sự cân bằng với môi trường và cộng đồng mà vẫn giữ được cái riêng của cá tính.
Người lớn NÊN:
– Khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh, không nên riết róng ép trẻ làm theo ý mình ngay lập tức. Hãy dùng biện pháp “đánh lạc hướng”, chỉ cho trẻ một hoạt động nào đó thú vị để trẻ tham gia như thể là tự nguyện. Chẳng hạn, bé 3 tuổi không muốn chào người lớn. Người mẹ rất xấu hổ với khách, nhắc con: “Con chào bác đi!”. “Nhưng con đang bận!” – đứa trẻ trả lời và kiên quyết không chào. Với trường hợp đó, người mẹ chủ động nói với khách: “Mẹ cháu chào bác hộ cháu vì cháu đang bận ạ, lát cháu hết bận cháu sẽ chào bác ngay”. Rất có thể chỉ ngay một vài giây sau, đứa bé sẽ tỏ ra “hết bận” và chào khách vì cái tôi của nó đã được thỏa mãn, đồng thời bé cũng vẫn hiểu được nguyên tắc giao tiếp. Cách thứ hai, người khách sẽ chủ động chào bé trước và đưa tay bắt; điều đó cũng sẽ làm bé thấy được quan tâm, tôn trọng và đáp lại khách.
– Những phụ huynh của các bé choleric hãy học cách điều khiển bé bằng sự hài hước – nhưng không phải là nhạo báng. Những khi thấy bé có thể nổi nóng, bạn có thể dùng phương pháp này để làm thần kinh bé dịu xuống. Tôi lấy ví dụ câu chuyện này: một cậu bé 5 tuổi chơi cá ngựa với mẹ và cậu bé bị thua. Cậu rất không hài lòng, mặt đỏ lên và không chấp nhận thua cuộc. Người mẹ không nhất thiết phải giả vờ thua – điều ấy có khi sẽ làm bé càng bực bội hơn. Mẹ hãy hài hước nhận xét: “Các chú ngựa của mẹ về chuồng trước nhưng các chú ngựa của con lại thắng vì đá ngựa của mẹ nhiều hơn. Cứ định về chuồng là bị đá một phát, sợ thế!”..v..v..
– Hãy cùng trẻ ngay từ bé định nghĩa các loại cảm xúc như: vui, buồn, bực bội, giận, tức, thích thú, ghét, yêu… Đứa trẻ rất cần ngôn ngữ để nói ra cảm xúc của mình. Trẻ có tính cách mạnh luôn cần được chia sẻ. Người lớn không nên dùng những từ như: “Ngồi yên một chỗ!”, “Im lặng”, “không nói linh tinh” để ra lệnh với trẻ. Hãy giải thích lý do khi nêu ra một đề nghị. Chẳng hạn: “Mẹ đang phải viết một bài báo bây giờ, con và bố giúp mẹ giữ trật tự trong phòng nhé. Khi nào xong việc, chúng mình sẽ lại nói chuyện!”.
– Để tỏ thái độ không hài lòng với hành vi nào đó của trẻ, bố mẹ phải dùng giọng nói thật cứng rắn, không kể lể dài dòng mà thật logic. Đôi lúc có thể lên giọng cao và mạnh hơn bình thường. Ví dụ: “Mẹ đã cho con rất nhiều giấy để con vẽ, vì thế con vẽ ra bàn và ra tường như thế này là không đúng. Mẹ rất không hài lòng!”.
– Hình phạt lớn nhất đối với những đứa trẻ có cá tính mạnh là người lớn không thèm để ý đến chúng trong một thời gian ngắn. Mẹ tuyên bố: mẹ sẽ không nói chuyện, không nhìn tranh của con, không tham gia chơi cùng con từ nay đến tối. Nhưng sau thời hạn đó, nhất thiết phải gọi trẻ đến, nhìn vào mắt trẻ và tạo cơ hội cho trẻ được nói, được chia sẻ.- Với trẻ có cá tính mạnh (choleric), bạn hãy chú ý hướng cho con học cách kiềm chế sự ham thích một điều gì đó, biết chờ đợi, dạy cách phân tích và suy nghĩ trước khi hành động, dạy trẻ các nguyên tắc lịch sự trong giao tiếp. Để đạt được điều đó, phải có các bài tập.
Kỳ sau chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một số bài tập, trò chơi có thể sử dụng trong quá trình nuôi dạy trẻ có cá tính mạnh, bướng bỉnh. Những trò chơi này không chỉ giúp trẻ kiềm chế độ “nóng” trong cá tính của mình mà còn giúp trẻ phát huy được mặt mạnh của tính cách, có thể thực sự là thủ lĩnh mà vẫn không làm tổn thương người xung quanh.
Hãy cùng trẻ ngay từ bé định nghĩa các loại cảm xúc như: vui, buồn, bực bội, giận, tức, thích thú, ghét, yêu… Đứa trẻ rất cần ngôn ngữ để nói ra cảm xúc của mình. Trẻ có tính cách mạnh luôn cần được chia sẻ.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Bài đã được đăng trên Tạp chí Mẹ&Bé)