Thực ra, rất nhiều người trong đời đã từng trải qua cảm giác này: cảm giác cùng đường, không có lối thoát cho cuộc đời mình, điều ấy chi phối tất cả những suy nghĩ hoặc hành động của mình trong thời điểm cụ thể, nhất thời đó. Không hiếm người, không chỉ là những người trẻ mới lớn nông nổi, trong nhiều tình huống, rơi vào tâm thế không muốn, không thể, không dám đối mặt với sự thật, và trong đầu manh nha một ý nghĩ: chết!
Lúc bấy giờ, cái chết đối với ta có vẻ như đơn giản hơn nhiều so với những ý nghĩ của ta về nó ở thời điểm khác. Sống hay chết lúc bấy giờ đều vô nghĩa như nhau. Như trong ý thơ của nhà thơ Nga S. Esenin:
Thôi chào nhé, không một lời bịn rịn
Bạn thân yêu, xin bạn đừng buồn
Trên đời này, chết là điều chẳng mới
Nhưng sống thật tình cũng chẳng mới gì hơn
(Anh Ngọc dịch)
Năm 2004, tổ chức Y tế thế giới đưa ra một danh mục gồm 800 nguyên nhân dẫn đến việc con người tự nguyện rời bỏ cuộc sống. Vấn nạn tự tử ở người trẻ trên thế giới cũng ngày càng tăng, trong đó, có những nguyên nhân “lãng xẹt” như “tự dưng chán sống” hay muốn tìm cảm giác mạnh từ sự… tiệm cận cái chết. Ở Nga còn có phong trào “Cẩu phê” (theo từ dùng của tác giả Đan Thi – VNN) – lũ trẻ tìm cảm giác mạnh bằng cách tự xiết cổ mình hoặc cổ bạn, cho đến khi lè lưỡi ra như chó, chạm đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Ở Nhật, trẻ lên mạng rủ nhau quyên sinh tập thể… Nhiều đứa trẻ đã kết thúc đời mình bằng cách đó.
Cẩu phê ở Nga.
Tuy vậy, trong số 800 nguyên nhân được dẫn ra, dường như người ta chưa nói đến nguyên nhân “trượt đại học”!
Loại bỏ những dấu hiệu bệnh lý tâm thần, nói đến chuyện tự tử ở giới trẻ gần đây, nhất là qua loạt bài vừa được đăng tải trên báo chí, mới thấy, trẻ vị thành niên giờ đây quá dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” để nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời sau những kỳ thi. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cả xã hội chúng ta phải nhìn nhận lại việc giáo dục trẻ, hoặc nói rộng hơn, là phải đấu tranh để thay đổi cả tư tưởng của những bậc làm cha mẹ, những người lớn – cách nhìn của họ về việc học tập của con cái, quan niệm về sự thành đạt trong xã hội.
Có lẽ không cần phải nói nhiều nữa về những áp lực từ phía gia đình và xã hội đang vô tình đè nặng lên vai những đứa trẻ vị thành niên. Trẻ vị thành niên, cái tuổi “dở dở ương ương”, không còn bé nữa nhưng vẫn phụ thuộc vào gia đình, bố mẹ. Đây là lứa tuổi “nhạy cảm” nhất, đôi khi chỉ một va chạm giận hờn gì đó với cha mẹ đã có thể giận dỗi nghĩ: Giá mình chết được đi, thì “họ” sẽ tiếc nuối thế nào, khóc than ra sao, sẽ thấy mình cần cho “họ” biết bao!… Cái sự giận ở mức độ nho nhỏ thì có thể còn qua đi, “ước mơ chết” sẽ chỉ là những ý nghĩ vớ vẩn thoảng qua. Nhưng nếu cấp độ giận cao hơn thì sao? Nhất là trong các trường hợp đứa trẻ bị chính những người thân của mình nhiếc móc, nhục mạ… thì việc muốn tìm chết là phản ứng hoàn toàn hiểu được.
Tôi vẫn nhớ như in một bộ phim cho giới trẻ, trong đó có chàng thanh niên khi làm các nghề tay chân để kiếm sống thì được mọi người cho là không thành đạt so với sức học của anh khi còn trên ghế nhà trường. Đến khi, sau một thời gian phấn đấu, anh trở thành giám đốc một công ty, thì người mẹ phát biểu: “Con đã thành người”!
Trong rất nhiều cách day dỗ trẻ, trong các cách truyền đạt thông tin khác nữa, chúng ta đều vô tình nhận được một thông điệp: muốn “thành người”, ta phải vào đại học, phải cố gắng có một địa vị cao trong xã hội. “Lập thân tối hạ thị…” nhiều nghề khác như làm thợ, quét rác, chạy bàn..v..v…
Áp lực từ đó mà ra. Vô hình. Nhưng trẻ càng lớn áp lực ấy càng nặng nề hơn.
Chỗ dựa tinh thần
Trong nhiều trường hợp, trẻ vị thành niên tìm đến cái chết để giải quyết “một lần và mãi mãi” các vấn đề của mình, người thân bạn hữu thường hờn trách; “Sao dại dột thế? Sao ích kỷ vậy, không nghĩ đến cha mẹ nuôi nấng gần hai chục năm rồi?..v..v..”. Nhưng thử hỏi, khi con người rơi vào một cơn chấn động tâm thần như thế thì còn có thể hiểu, suy nghĩ, cân nhắc, đánh giá sáng suốt được không?
Trong nhiều nghiên cứu của các nhà tâm lý xã hội thế giới, thì người có tôn giáo, đức tin, thường ít phải tìm đến cái chết hơn những người khác. Có nghĩa là, để thoát cái chết trong gang tấc, trong một lần quyết định nông nổi, con người cần một niềm tin để bấu víu. Nhiều khi đó chỉ là một niềm tin vững chắc rằng, mình có một “hậu phương” vững chắc về mặt tinh thần – gia đình của mình, người thân của mình. Nếu bố mẹ từ nhỏ cho con thấy được rằng, cuộc đời sẽ có cả thành công lẫn thất bại. Nếu chẳng may con thất bại, thì bố mẹ vẫn yêu con như thế, giá trị của con đối với bố mẹ vẫn không thay đổi… thì hẳn những tình huống đáng tiếc đã không xảy ra. Vì thế, cũng rất nên cân nhắc việc mắng mỏ chê trách trẻ mỗi khi trẻ mang về nhà điểm kém. Bản thân số điểm không được như ý muốn đã là một hình phạt đối với trẻ rồi – xin chớ để chúng chịu một hình phạt đúp! Điều ấy sẽ khiến đứa trẻ ngày càng đánh giá thấp bản thân, dễ rơi vào những cảm xúc tiêu cực, trơ ì với mọi mục đích phấn đấu mà người lớn vẽ ra trước mắt.
Thêm một điều nữa, là thời mạng ảo này, dường như con người bận bịu vội vàng mà ít đến với nhau ngoài đời hơn. Họ có thể lên mạng, vào Facebook, comment một vài câu thông cảm với bạn mình, nhưng họ lại không tìm ra thời gian để ngồi lại bên nhau, nhìn vào mắt nhau, cho nhau những cảm nhận đồng cảm qua sự giao tiếp bằng xúc giác – một cách trao đổi cảm xúc hết sức quan trọng. Thật vậy, đôi khi việc “tìm chết” được trì hoãn, rồi được loại bỏ với một lý do cũng hết sức… lãng xẹt: một người bạn thân tìm đến rủ đi café. Khóc một chút. Thành thật hết. Và bỗng dưng có lại một niềm tin, rằng mọi điều cũng chưa đến mức như mình nghĩ, rằng hóa ra còn có người ở lại với mình, chạm vào tay mình, im lặng đợi mình khóc hết đi, và nước mắt gột rửa mọi điều phiền muộn, cuộc đời lại trở lại những sắc màu tươi sáng.
Và cũng vì thế, hỡi những bậc phụ huynh, hãy học cách trở thành bạn của con, học cách cầm tay, ôm vai, ngồi cạnh lắng nghe… – nghĩa là tất cả những cách chia sẻ cảm xúc trong im lặng. Điều này đôi khi là chìa khóa của thành công trong giáo dục con cái.
Kỹ năng sống
Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định vội vàng của trẻ về cái chết là sự thiếu khuyết cái gọi là “kỹ năng sống” mà gần đây chúng ta hay nhắc đến. Để đối mặt với nhiều tình huống khác nhau của cuộc đời, ngay từ nhỏ trẻ đã phải được học cũng như tự học rất nhiều kỹ năng, trong đó, có kỹ năng tự đánh giá bản thân là một trong những điều quan trọng cần được học: học để biết phân tích, so sánh những hành vi của mình và của những người xung quanh. Những đứa trẻ “khó tính”, khắt khe với cả bản thân lẫn người khác, có ít bạn bè… – là một trong những nhóm có nguy cơ cao. Đánh giá quá cao bản thân, vượt cả những khả năng mình có hoặc ngược lại, đánh giá quá thấp bản thân, tự ti, không dám thể hiện mình… cũng đều dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống. Ngoài ra, gia đình, nhà trường, hãy là nơi đem lại cho các em những kỹ năng khác cần thiết như kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng xây dựng niềm vui, lý tưởng, niềm tin… để các em có thể sống được với cuộc đời này, hơn thế nữa, sống vui và ý nghĩa….
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Bài đã đăng trên tạp chí Mẹ và bé, 10-2010)