Home / Tư vấn - Chia sẻ / Chú lính “một câu”?

Chú lính “một câu”?

Con biết không, cách đây không lâu, trong một đợt đi công tác phải xa mẹ con con, bố đã được đến ở một doanh trại bộ đội, ở cùng các chiến sĩ, nằm cạnh giường, sáng dậy tập thể dục với các chú bộ đội, đi tập tành, luyện bắn sung, rồi đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối cùng các chú.

Bố thầm gọi các chú bộ đội ấy là những chú lính “một câu”. Con có biết tại sao không?

Sáng, tiếng nhạc báo hiệu giờ dậy, chỉ nghe một lệnh của chỉ huy là các chú bộ đội bật ngay dậy, gỡ màn, gấp chăn thật gọn và đẹp, thành một khối vuông. Đến giờ ăn, các chú cũng không đợi ai phải mời mọc nhiều lần. Chỉ một câu: “Đi ăn”! Thế là đi. Khi tập tành, chú chỉ huy hô: “Nghiêm!” là đứng nghiêm, “Chào!” là chào. Răm rắp, đều nhau, không ai chậm hơn ai. Nhìn thật là thích, con ạ.

Vì sao lại phải như thế, phải chấp hành theo kỷ luật “một câu”?

Để không ai phải đợi ai, để tất cả cùng làm một việc cho xong thật nhanh gọn, con ạ. Con biết đấy, một ngày chia ra làm 24 giờ đồng hồ. Chúng mình có 8 đến 10 giờ để ngủ rồi, còn lại, con phải biết sắp xếp để có thể làm được nhiều việc hơn, để thời gian trôi qua không vô ích.

Sáng sớm, mẹ gọi con dậy. Con oằn oại mãi. Mẹ phải nói đến 3, rồi 4 câu. Thế là mất thêm một ít thời gian rồi. Thời gian đó, lẽ ra mẹ có thể dùng để nấu cho các con bát mì, hay đánh lại đôi giày cho bố trước khi bố đi làm. Thế mà vì mất công gọi con dậy, cả nhà mình phải đi ăn sáng ngoài quán, mà ăn vội ăn vàng, đồ ăn không thể nào sạch sẽ như mẹ nấu ở nhà được. Bố đến cơ quan, giày vẫn đầy bụi bẩn… Bố nhìn xuống đôi giày và nghĩ, giá như bé con của bố là một chú lính “một câu” nhỉ!

Hôm nọ đi tham quan đền Hùng, cô giáo kể với bố, là khi tập hợp các bạn đi về, con và Nhật Anh mải chơi con quay quả trò chỉ, các cô “phát lệnh” lên xe mà các con cứ dùng dằng mãi, để biết bao nhiêu bạn phải chờ. Cô thì đã mệt, gọi các con đến cả chục lần hết cả hơi, giọng bị khản. Đến nỗi qua chủ nhật, sáng thứ hai đi làm, cổ cô giáo vẫn đau, nói nhỏ, khiến các con nghe rất khó, con lại kêu ca… Thế rồi vì đợi con mà xe chạy chậm những gần nửa tiếng, ở Hà Nội, các bố mẹ đợi ngoài cổng trường sốt ruột và lo lắng thế nào, con có biết không? Khi đứa con của mình đi đâu xa, bố mẹ nào cũng lo sợ lắm con ạ. Chỉ khi nào nhìn thấy con trở lại bên mình nguyên lành mới thở phào. Hôm ấy con đã làm bố lo thắt cả tim.

Buổi tối trước khi đi ngủ, mẹ giục con đi đánh răng. “Con ơi, con à…”, bố nghe mẹ gọi con mà sốt hết cả ruột. Con cứ “vâng vâng” mà sao con không chạy ra ngay? Phòng tắm mọi người nhường cho con để con đánh răng, rửa mặt chuẩn bị đi ngủ. Ấy vậy mà con lần lữa làm bà, bố, mẹ, chú cô đều mất thời gian chờ đợi. Cuối cùng chẳng ai được ngủ sớm cả. Sáng hôm sau, con dậy muộn, mắt cứ dính lại. Trên đường đến lớp, con vẫn cứ gà gật, cho tận đến khi vào lớp, các bạn thì vui tươi hớn hở cùng nhau tập thể dục, đón chào một ngày mới, còn con trai của bố thì mệt mỏi, ngáp, uể oải. Chà, nhìn thật là không vui!

Con thấy không, nếu con là một chú lính “một câu”, hẳn đã không làm phiền đến nhiều người như thế. Và ngay chính con, con cũng vui hơn đấy.

Có một lần bố đã nói với con thế nào là tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian cũng quan trọng không kém tiết kiệm tiền bạc, con ạ. Mẹ nói một câu, con nghe ngay. Mẹ tiết kiệm được nhiều câu nói thừa, còn con tiết kiệm được biết bao nhiêu thời gian. Thời gian ấy, con dành để đọc sách, để xem phim Shrek, để đi chơi công viên Thủ Lệ với bố mẹ, thế có hay hơn không? Con ngạc nhiên ư? Có gì đâu, mỗi một ngày, con có thêm được 10 phút, thì một tháng, con có được những 300 phút rỗi rãi cơ đấy! Tuyệt vời, con nhỉ?

Nếu con chưa tin rằng được là một chú lính một câu thì thú vị lắm, bố kể câu chuyện này cho con nghe nhé.

Ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có một đội quân rất tinh nhuệ, đánh giặc trận nào cũng thắng. Ông vua nước ấy rất yêu quý những người lính đã bảo vệ giang sơn, vì thế, ông quyết định gả công chúa xinh đẹp của mình cho một trong những người lính ấy. Các chú lính vui mừng lắm, ai cũng cố gắng hết sức để được lọt vào mắt xanh của công chúa. Công chúa thì có cảm tình với hai chàng. Một chàng đẹp trai, sáng sủa, cao lớn, và bắn súng rất tài, trăm phát trăm trúng. Còn chàng kia không đẹp trai bằng, nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Công chúa đang phân vân, không biết chọn ai.

Năm ấy, từ đâu bỗng xuất hiện một con Rồng hung ác. Rồng bay qua vương quốc, nhìn thấy công chúa đang dạo chơi trong vườn thượng uyển, lấy làm thích lắm, và sà xuống cuốn nàng đi. Trước khi đi, Rồng còn phụt ra một luồng lửa đỏ rực, thiêu cháy hết một dãy cung điện của nhà vua. Công chúa sợ hãi hét to: “Cứu ta…!”.

Hai chàng lính đều nghe thấy. Chàng cao to đẹp trai, tài bắn súng rất tin vào khả năng của mình. Chàng mà ngắm bắn thì chắc chắn là trúng đầu Rồng ngay và cưứ được công chúa. Khốn nỗi, bấy giờ, chàng đang ngồi chơi cờ, giải một thế cờ bí. Chàng tặc lưỡi, thêm hai phút nữa cũng chẳng hề gì. Và cố rốn ngồi lại cho xong ván cờ.

Chàng lính thứ hai vốn là anh lính “một câu”. Chỉ nghe một lời kêu của công chúa, chàng xách súng lên ngựa ngay tức thì. Thật may, nếu chậm 2 phút nữa thôi, Rồng đã biến vào hang núi, thì không thể tìm ra dấu vết của công chúa nữa.

Chắc con cũng đoán được rồi, chàng lính một câu của chúng ta đã cứu được công chúa và cùng nàng kết duyên vợ chồng. Công chúa rất hài lòng, vì nàng hiểu rằng, chỉ có những người lính “một câu” mới không ích kỷ, không khư khư chỉ nghĩ đến thú vui của riêng mình mà biết sống vì người khác!

Con trai yêu quý của bố, bố rất mong con cũng trở thành một người lính “một câu”. Con thấy sao? Có thể hôm nay chưa được, con hãy cố gắng là người lính hai câu, rồi thêm một thời gian, con sẽ là người lính “một câu”, và điều ấy sẽ làm cả con lẫn tất cả mọi người xung quanh con thấy hài lòng, phấn khởi.

 Bây giờ bé con của bố ngủ đi nhé, và hãy mơ về những chú lính “một câu”!

Sáng mai bố sẽ gọi con, sẽ gọi mấy câu, con nhỉ?

 

Bạn Đức cũng là một chú lính một câu đấy! (Ảnh: mẹ Thu)

Ký tên: Bố tấn (Bố ơi vì sao? – TSGD Nguyễn Thụy Anh)

About admin2

Scroll To Top