Khi đến tuổi đi học, đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn tập viết chữ, bắt đầu từ những nét đơn giản như nét sổ nét móc, cho đến việc học tuân thủ các quy tắc về cỡ chữ, chính tả… Những điều đó nằm trong nội dung học và thực ra Tập viết là một môn học rất bình thường song song cùng môn Tập đọc kết hợp thành “song kiếm hợp bích” giúp bạn nhỏ của chúng ta bước vào thế giới học hành, chữ nghĩa… Ấy thế nhưng, ở nhiều thời điểm, đối với nhiều đứa trẻ, Tập viết lại là một môn học cần quá nhiều nỗ lực. Các em khổ sở vì việc luyện chữ. Bố mẹ … đau khổ vì chữ của em “như gà bới”. Cô giáo không hài lòng… Trong các lớp học tiếp theo, điểm Vở sạch chữ đẹp là nỗi ám ảnh đối với các bạn trai nghịch ngợm, nét chữ không ngay ngắn thẳng hàng, ngọ nguậy nhảy múa y như các bạn ấy vậy. Đôi lần chữ xấu lại bị chép đi chép lại một bài. Có bạn còn bị xé vở để cuốn vở chỉ lưu giữ nét chữ đẹp, xoá bỏ những gì ngả nghiêng xấu xí. Cá nhân tôi ngày bé cũng có nỗi ám ảnh về môn Tập viết, bỏ đi không biết bao nhiêu tờ giấy ô li quý giá đối với thời bao cấp, mất không biết bao nhiêu thời gian mắm môi mắm lợi điều khiển chữ O chữ A cho tròn, các nét liền chứ không được rời nhau. Với các bạn bản tính cẩn thận, có hoa tay thì đỡ hơn, nếu chăm chỉ có thể viết chữ đẹp hơn cả cô giáo, đều tăm tắp như in vậy!
Cách đây vài tuần, chúng tôi có làm trắc nghiệm với các bạn nhỏ và bố mẹ: đưa ra một loạt bài viết thi Chữ đẹp để bố mẹ nhận nét chữ của con. Nét chữ giống nhau đến nỗi các bố mẹ vất vả lắm mới nhận được ra. Những bài viết treo trên bích báo, chữ như máy tính in ra, không sai lệch một ly, cho ta thấy bao nỗ lực của bạn nhỏ. Nhiều bạn được đi luyện chữ, khoảng vài tháng là tạo được “nét chữ” như vậy. Thế nhưng, tôi băn khoăn tự hỏi, “nét chữ” như thế có liên quan đến “nét người” chăng? Những nét chữ giống nhau như tạc, những nét người có tăm tắp như nhau không? Ích lợi của việc viết chữ đẹp là gì?
Mục đích của môn Tập viết
Theo thông tin của tờ tạp chí Khoa học và cuộc sống (Nga) thì từ năm 2014 có 45 bang ở Mỹ thông qua quyết định học sinh đi học không cần tập viết chữ đẹp, chỉ cần viết được chữ in hoa và đánh máy thành thạo trên máy tính. Đặc trưng của thời đại công nghệ! Thật vậy, vậy tập viết còn cần cho ai?
Trên thực tế, như tôi đã nói ở trên, để bắt đầu bước vào cuộc đời học tập, đối với bé, môn Tập viết cũng cần thiết như môn Tập đọc, không kém và cũng không hơn! Vì thế, thái độ của chúng ta đối với nó cũng cần cân bằng. Nghĩa là đừng bỏ qua, coi thường nó, cho rằng sau này đánh máy chữ cả thì viết đẹp để làm gì! Cũng đừng cố sống cố chết luyện con “thành tài” – thợ viết chữ đẹp- ngay trong những năm đầu tiên đến trường.
Vậy trẻ phải làm gì với môn Tập viết?
Dựa trên cơ chế tư duy trực quan, vận dụng mọi giác quan trong nhận thức, thì việc đọc song song với việc viết khiến trẻ nhớ và tiếp nhận kiến thức nhanh hơn, đặc biệt đọc hiểu nhanh hơn nhiều so với những đứa trẻ chỉ đọc mà không bao giờ thử viết. Trẻ cần nắm được những nguyên tắc cầm bút đúng, điều chỉnh dáng ngồi hợp lý, cự li giữa mắt và vở vừa phải. Đó cũng là nội dung cần phải đưa vào môn Tập viết. Kết hợp với thao tác đọc, nghe, trẻ nhận biết mặt chữ, học cách ghi lại các âm thanh, từ vựng theo quy tắc chính tả. Từng ngày, một ít một, trẻ vỡ vạc ra sự kỳ diệu của các con chữ, học cách làm chủ chúng một cách tự nhiên cùng sự luyện tập như đã từng luyện cách điều khiển cơ thể mình một cách chính xác và mềm mại ngày xưa. Mỗi một tiến bộ của trẻ được người lớn khích lệ và tự trẻ cảm thấy tự hào. Quá trình luyện tập phải gắn liền với quá trình học tập các môn học khác. Nói vậy để thấy cái “quá trình” cần thiết biết bao! Nói vậy để thấy sự sai lầm và vô nghĩa trong việc ép trẻ tô chữ, luyện chép hàng tiếng đồng hồ trong những ngày đầu tiên đến lớp. Việc này tạo áp lực không nhỏ đối với cơ thể trẻ khi phải vận dụng cao độ cả mắt, trí óc, tay vào một công việc – Áp lực vô hình mà ở tuổi các em không nên và không được phép chịu để dẫn đến những hậu quả hữu hình: thị lực giảm, mệt mỏi, căng thẳng, đôi khi biếng ăn.
Những bạn nhỏ lớp Một ngồi tập viết chỉ nên viết một chữ hoặc từ trong vòng 5-7 phút rồi chuyển. Đó là áp lực hợp lý vừa đủ để bạn nhỏ lớp 1 làm việc cùng bút, giấy. Có nhiều phương pháp vui nhộn khác để các bạn phân biệt chữ, phân biệt âm vị và các quy tắc ghi chép: thông qua trò chơi, viết chữ vào không gian, nghĩ và tưởng tượng các câu chuyện xung quanh các chữ cái, cho chúng kết hợp với nhau bằng các mối liên hệ logic vui nhộn… Những phương pháp hỗ trợ như thế khiến việc tập viết không còn khó nhọc và buồn tẻ. Thí nghiệm của các nhà tâm lý giáo dục Nga cho thấy: nếu đưa các bạn nhỏ một cuốn vở tô chữ quá dài, các bạn sẽ tăng tốc để viết xong cho nhanh – và thế là ý nghĩa luyện chữ không còn nữa. Đương nhiên, nếu muốn, có thể dùng kỷ luật, dùng điểm để ép buộc cho đến khi thành thói quen. Nhưng đó đã là một câu chuyện khác.
Những bạn nhỏ 4-5 tuổi càng chưa nên bị lôi cuốn vào câu chuyện tập viết để … cô giáo nhàn hơn, bố mẹ yên tâm hơn, ông bà tự hào hơn khi bé chững chạc bước vào lớp 1 với một hành trang “biết đọc, biết viết”! Động lực học tập và niềm vui được dần dần khám phá con chữ cùng các bạn và thày cô ở trường cứ thế mà bị triệt tiêu!
Thế nào là vở sạch?
Một cuốn vở không tì vết, không gạch xoá, không dây mực, chữ đều và sáng sủa – đó là niềm mơ ước, tự hào của đứa trẻ, cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều đứa trẻ khác. Đôi khi, chỉ vì một lỗi sai mà cả trang vở bị xé. Đôi khi vì lỡ tay nguệch một vết vào vở là cả cố gắng suốt một học kỳ đi tong!
Ngày xưa lớp tôi có một bạn có cuốn vở tuyệt đẹp, chữ đẹp đúng cỡ, không một lỗi tẩy xoá. Tiếc thay bạn không phát huy được khả năng học và tư duy của mình, phần nữa là bạn quá lo chăm vở quên cả nghe giảng!! Đây là một trường hợp có thật. Đương nhiên tôi không nói tất cả những ai giữ vở sạch đều lơ là chuyện học khác. Tôi chỉ cho rằng không nên đưa ra tiêu chí vở sạch một cách cực đoan như vậy, khiến cho việc vở sạch chữ đẹp vô hình trung trở thành một trò hình thức và bổ sung thêm một khía cạnh vào bệnh thành tích của chúng ta.
Với những đứa trẻ lớp 1, 2 việc giữ sạch vở, biết yêu quý vở như người bạn đồng hành của mình là tiêu chí cần thiết để HƯỚNG TỚI chứ không phải để ĐÁNH GIÁ. Mục đích: các bạn nhỏ có ý thức với việc học chữ, hào hứng với bài vở, trân trọng đồ dùng học tập… chứ không phải dùng đó như một tiêu chí gây áp lực khác.
Với học sinh từ trung học cơ sở trở lên, việc giữ vở sạch hay có thể ghi chép theo kiểu riêng của mình – theo tôi là điều có thể bàn cãi. Đôi khi việc ghi chép theo phương pháp khác như sơ đồ tư duy, nhấn nhá màu sắc, khoanh đậm từ khoá… lại giúp các bạn học nhanh và nhớ lâu hơn. Việc áp dụng các tiêu chí vở sạch chữ đẹp từng dùng cho tiểu học đối với các cấp cao hơn có thể nói là không cần thiết, thậm chí là … vô nghĩa!
Ý kiến của bạn Minh Khuê (Lớp Nghĩ và Viết – CLB Đọc sách cùng con)
Câu chuyện của tôi
Tôi còn nhớ, năm lớp 12, sau khi học xong phổ thông, tôi bắt đầu “thanh lý” các loại vở tích lại trong nhà. Tôi phát hiện ra sự thay đổi đến cảm động của mình trong nét chữ. Từ lớp 1 đến lớp 5: chữ tròn trịa, to cồ cộ, sạch sẽ – kiểu chữ của đứa trẻ không có… hoa tay nhưng nắm được nguyên tắc trình bày nên nhìn dễ chịu. Từ lớp 6 chữ mềm hơn, nhỏ nhắn đi và có nhiều nét lạ. Tôi sực nhớ nét móc bụng chữ g tôi đã lén bắt chước một người lớn mà tôi kính trọng. Đến nét vắt sang trái chữ đ tôi học của thày giáo dạy Văn năm lớp 10. Rồi nét chữ T hoa dõng dạc của bố… Cho đến bây giờ, tất cả những nét riêng của người khác mà tôi đã ngưỡng mộ học tập như thế đã biến mất, chỉ còn lại nét chữ của riêng tôi. Nó có đôi chút thẳng thắn cứng cáp đến nỗi có lần tôi viết thư cho bạn gái, mẹ bạn ấy nhất quyết cho rằng cô bạn đã nhận thư tình cảm của bạn trai vì “nét chữ chẳng giống con gái!”. Nó lại vẫn còn sự vụng về, không mềm mại. Nó hơi bay bổng không chịu bám chắc dòng kẻ. Và tất cả những đặc điểm đó cũng là “nét người” của riêng tôi.
Vì thế mà tôi nghĩ, đừng nhân danh “nét người” mà bắt những đứa trẻ cấp tốc rèn chữ từ nhỏ, sao cho đều tăm tắp vui mắt vui lòng người lớn, làm nên thành tích của gia đình, của nhà trường. Bạn nào viết đẹp được mà luyện viết vừa đủ, không cảm thấy áp lực của việc thi cử, chấm vở sạch chữ đẹp – thì đó là việc tốt. Nhưng để nét chữ thực sự là nét người, hãy để cho chính các em khám phá nét người của mình qua năm tháng- hoàn thiện dần lên, thay đổi khác đi. Những nét chữ mang cả tâm tình, cảm xúc, bộc lộ nét vui và nỗi niềm khác nữa!
TSGD Nguyễn Thuỵ Anh (Mẹ&Bé tháng 5/2014)