Home / Tư vấn - Chia sẻ / Định nghĩa về “thành đạt”

Định nghĩa về “thành đạt”

Kính gửi cô Nguyễn Thuỵ Anh

Em được biết chuyên mục Tư vấn tuổi hồng của Tạp chí từ lâu và cũng nhiều lần muốn gửi câu hỏi nhưng rồi lại ngần ngại. Có một vấn đề em cứ lấn cấn mãi không biết đúng hay không, rằng anh trai em học rất giỏi, nhiều năm là học sinh xuất sắc nhưng đến giờ anh vẫn chưa thật sự thành đạt. Trong khi đó, những bạn học cùng anh, chỉ là học sinh trung bình, thậm chí có môn còn loại yếu, nhưng đến giờ anh nào cũng nhà cửa đàng hoàng, xe hơi đi cả chiếc… Em luôn băn khoăn rằng, học giỏi liệu có phải là điều kiện để thành đạt hay cần những thứ gì khác?

Rất mong VH&TT giải đáp.

Em xin cảm ơn ạ.

Vũ Trọng Thể (Tổ 2, phường Nhân Hoà, Mỹ Hào, Hưng Yên)

———————

Chào em!

Cô thấy câu hỏi của em rất thẳng thắn, thú vị, và những quan sát của em cũng rất đúng, rất thật. (Tuy nhiên, lần sau đừng ngần ngại nhé, có thắc mắc là hỏi ngay mới hay!)

Thể thân mến,

Một trong những khái niệm làm người ta tranh cãi nhiều nhất, bên cạnh khái niệm “Hạnh phúc” thì còn có từ “Thành đạt”!

Đôi khi, có những người, người ngoài nhìn vào thì thấy người đó quá “thành đạt” – như em miêu tả, “nhà cửa đàng hoàng, đi xe hơi cả chiếc”, và ai cũng nghĩ, hẳn họ rất hạnh phúc. Thế nhưng, có nhiều trường hợp không phải thế. Cô biết một vài người giàu có, mua được nhà, đi xe ô tô nhưng luôn căng thẳng, mệt mỏi, không vui. Lại có người bạn cô là chuyên gia giỏi, say mê khoa học, suốt ngày chỉ vùi đầu vào nghiên cứu và chú ấy chẳng quan tâm đến nhà, đến xe, chỉ phấn khởi khi một công trình nghiên cứu được đưa vào ứng dụng…

Như vậy, mình cần có định nghĩa riêng của mình về “sự thành đạt”. Điều này là mục đích sống và làm việc của mỗi người, mỗi người có lựa chọn riêng cho mình, không ai đúng, không ai sai. Mình thực hiện được ước mơ và đạt mục đích mà mình tự đặt ra – đó là hạnh phúc!

Cá nhân cô cho rằng, có mấy dạng người thành đạt:

Một là, lấy vật chất làm thước đo: có nhiều tiền, có nhà đẹp, có xe hơi, du thuyền, quần áo sang trọng…

Hai là, lấy sự cống hiến cho nhân loại bằng chất xám của mình, bằng bàn tay lao động của mình làm thước đo: những nhà khoa học, những người giỏi chuyên môn; những người thợ giỏi nghề làm ra được nhiều sản phẩm tốt được mọi người thán phục; những nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ “thành danh” nhiều người biết đến; những người chủ trang trại trù phú, thu hoạch nhiều mùa hoa trái tốt..v..v…

Ba là, những người có sự thăng tiến về vị trí xã hội: quan chức, sếp, người lãnh đạo, “quyền cao chức trọng”…

Bốn là, những người tự nguyện hy sinh sự nghiệp riêng mình để chăm sóc, hỗ trợ cho sự thành công của ai đó: bà mẹ chăm gia đình để ông bố đạt giải cao trong khoa học; người vợ hỗ trợ chồng để chồng sáng tác văn chương; người mẹ dạy con để con trở nên một chuyên gia giỏi…

Và còn nhiều dạng “thành đạt” khác.

Tuy nhiên, dù ở dạng nào, con người được coi là thành đạt khi được người khác công nhận, kính trọng, khi họ tự hào về những nỗ lực của mình và hài lòng, hạnh phúc với những gì đạt được. Nếu ai đó thấy không vui, xấu hổ, mệt mỏi, căng thẳng…, dù họ có nhiều thứ người khác không có thì họ vẫn chưa phải là người thành đạt đúng nghĩa…

anh dinh nghia ve thanh dat

Mỗi người chọn con đường khác nhau (ảnh: internet)

Như vậy, thành đạt hay không phần lớn tuỳ thuộc vào sự lựa chọn mục đích sống của chúng ta.

Nhưng, cô cũng đồng ý với băn khoăn của em, liệu học giỏi có phải là điều kiện duy nhất để thành đạt? Với nhiều dạng thành đạt như cô nói ở trên, rõ ràng, câu trả lời là… không. Ngay cả việc “học giỏi” cũng không chỉ là điểm số. Học giỏi, theo cô là biết cách học, học có phương pháp, có trách nhiệm với việc học, biết tìm nguồn thông tin để bổ sung kiến thức, biết phản biện, tìm tòi cái mới, sáng tạo, biết đặt ra kế hoạch, quản lý thời gian, thực hiện theo kế hoạch và tự đánh giá hoạt động của mình… Đó là các kỹ năng cần thiết cho một người lao động, một chuyên gia làm việc sau này. Ngoài ra, còn cần có những kỹ năng xã hội: giao tiếp, thuyết trình, thoả thuận, thuyết phục, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát cảm xúc, chia sẻ, làm việc nhóm…

Việc đánh giá theo thang điểm trong trường không quyết định: mình giỏi hay không. Phần nhiều, giỏi hay không giỏi là do chính chúng ta có thể tự đánh giá bản thân. Khi ta biết mình phải làm gì, biết mình thích gì, say mê điều gì, mình thấy vui, hạnh phúc khi học, khi làm việc, mình có ước mơ riêng – cô nghĩ, đó đã là những bước đi gần tới sự thành đạt…

Chúc em có được lựa chọn riêng của mình trong khái niệm “thành đạt” nhé!

Trên tất cả, cô chúc em có nhiều khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời, bây giờ và trong tương lai!

Thân mến,

Cô Thuỵ Anh. (Bài đã đăng trên tạp chí Văn học & Tuổi trẻ)

About admin2

Scroll To Top