Các em học sinh mến thương,
Các em cần biết nhiều điều, và trong bức thư này tôi sẽ viết về những điều đó, để các em biết cần phải làm gì khi tới trường, cần trông đợi những gì ở thầy cô và bạn bè. Có lẽ các em đã được chỉ bảo cần phải làm gì, tức là, nghĩa vụ của các em là gì: phải cư xử đúng mực, tôn trọng thầy cô và bạn học, làm bài tập ở nhà, giữ gìn sách vở và ghi chép đầy đủ, phải vệ sinh sạch sẽ khi tới trường, và phải ngoan ngoãn và dễ thương với tất cả mọi người. Nhưng trong bức thư này, chúng ta sẽ không bàn về những nghĩa vụ của các em, những điều các em đã rõ, mà là về những gì người khác cần phải làm cho các em. Chúng ta sẽ bàn về những quyền của các em.
KHÔNG AI ĐƯỢC NGƯỢC ĐÃI EM VÌ EM LÀ TRẺ CON. Không ai được kéo tai, đánh hoặc làm đau em. Không ai được biến em thành trò cười, làm cho em tủi thân, xấu hổ trước mọi người, bắt em đứng quay mặt vào tường, hoặc nói năng thô bạo với em. Trẻ em cần được đối xử tử tế, cần phải được yêu thương và tôn trọng. Lúc nào tới trường, em cũng phải được vui vẻ và không sợ hãi. Những người quan trọng nhất ở trường học chính là trẻ em, chứ không phải người lớn.
KHÔNG AI ĐƯỢC NGƯỢC ĐÃI EM VÌ EM NGHÈO. Nghèo không phải là tội lỗi. Có lẽ chính thầy cô giáo của em cũng nghèo. Khắp nơi trên thế giới, hầu hết trẻ em đều nghèo, và hầu hết người nghèo là trẻ em. Nghèo đói không phải là lỗi của em. Nếu như có quá nhiều người nghèo, đó là vì có sự bất công. Xã hội của chúng ta có vấn đề, chứ không phải các em có vấn đề.
KHÔNG AI ĐƯỢC NGƯỢC ĐÃI EM VÌ EM THUỘC CHỦNG TỘC (dân tộc) KHÁC. Mọi người đều khác nhau. Mọi người khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Không có một dân tộc nào tốt hơn một dân tộc nào. Không ai được làm cho em thấy khổ sở vì em là người da đen, là người Anh-điêng, hoặc người châu Á. Tất cả chúng ta đều xứng đáng nhận được sự tôn trọng như nhau.
KHÔNG AI ĐƯỢC NGƯỢC ĐÃI EM VÌ EM LÀ CON GÁI. Con trai và con gái, đàn ông và đàn bà, đều bình đẳng và có khả năng như nhau. Đừng để ai không quan tâm đến và bỏ rơi em, dồn ép em phải chấp nhận phần thua thiệt nhất, hạn chế những điều kiện của em, kìm hãm không cho em phát triển hết mọi tiềm năng của mình chỉ vì em là con gái. Đừng để ai làm cho em tin rằng đàn bà thấp kém hơn đàn ông, bởi vì điều đó không đúng.
KHÔNG AI ĐƯỢC NGƯỢC ĐÃI EM VÌ EM CÓ KHIẾM KHUYẾT CƠ THỂ. Khuyết tật cơ thể không phải là một điều đáng ghê sợ, và đó không phải là lỗi của em khi em bị khuyết tật. Điều đó không làm cho em trở thành một đứa trẻ bất bình thường. Ngay cả những trẻ khiếm thị, khiếm thính, khiếm thanh, hoặc có bệnh nặng, vẫn có thể học nếu như trẻ đó được yêu thương và chăm sóc. Những trẻ em có vấn đề, và chính bởi các em có vấn đề, cần phải được đối xử một cách đặc biệt quan tâm.
KHÔNG AI ĐƯỢC NGƯỢC ĐÃI EM VÌ EM TỪ NƠI KHÁC TỚI. Không ai được làm cho em khổ sở vì em đến từ miền quê hay thành phố khác. Có thể em hơi khác với các bạn xung quanh vì em nói một thứ tiếng khác hoặc có giọng nói khác, hoặc bởi vì em có những ý nghĩ, phong tục, và sở thích khác. Nhưng khác biệt không phải là vấn đề. Tất cả chúng ta đều phải học cách để hiểu và tôn trọng những gì khác với chúng ta và với những gì ta có.
KHÔNG AI ĐƯỢC NGƯỢC ĐÃI EM VÌ EM HỌC KHÔNG NHANH. Mỗi một trẻ đều khác nhau và mỗi em đều có cách học riêng của mình. Một số trẻ học chậm hơn các bạn. Một số em học giỏi vài môn này, nhưng các bạn khác lại giỏi những môn khác. Nếu em học không nhanh, có thể em chẳng có lỗi gì, mà có lẽ chính là những người dạy các em và cách mà họ dạy em. Không ai có thể học được nếu không hiểu mình học cái gì, hoặc thấy điều mình học không hay hoặc không có ích, hoặc thường xuyên bị đe dọa và trừng phạt. Đừng để ai gọi em là dốt, đần, hay ngốc. Nếu em không hiểu điều gì, hãy hỏi. Em có quyền được đặt câu hỏi và yêu cầu thầy cô giáo giải thích cho em và dạy sao cho em hiểu. Chính vì vậy mới cần có trường học. Và đó là lý do tại sao cần có thầy cô giáo.Các em thân mến: trường học được tạo ra để cho trẻ em gặp gỡ, cùng chơi, cùng học, và được hạnh phúc. Nếu em thấy buồn tủi hoặc khổ sở, chắc chắn trường học của em, chứ không phải bản thân em, có vấn đề.Các em mến thương: đừng để cho mọi người chỉ nhắc nhở em về những nghĩa vụ của em. Hãy đứng lên vì quyền của mình. Hãy bắt đầu học cách giành lấy quyền của mình, với tư cách một đứa trẻ, để khi lớn lên, em sẽ có thể bảo vệ được các quyền đó một cách mạnh mẽ hơn.
Rosa-María Torres
Ngày 2 tháng 6 năm 1991Rosa-María Torres, Instituto Fronesis, Thư ký Khu vực Châu Mỹ La tinh và vùng Caribe của World Culture Open. Ở Ecuador, bà là Giám đốc Sư phạm của Chiến dịch Xóa nạn mù chữ Quốc gia “Monseñor Leonidas Proaño” (1988-2000) và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa (2003), do Phong trào Pachakutik Plurinational bổ nhiệm. Ở Nicaragua (1981-1986), bà là cố vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục dành cho người lớn và sau đó là điều phối viên của Dự án Khu vực về Giáo dục Phổ thông và Truyền thông thuộc Chương trình Khu vực Điều tra về Kinh tế Xã hội, CRIES. Sau Hội nghị Thế giới về Giáo dục cho Mọi người (1990), bà gia nhập UNICEF ở New York với tư cách Cố vấn Cao cấp về Giáo dục và Biên tập tờ Tin tức Giáo dục của UNICEF (1991-1996). Bà là Giám đốc Chương trình Châu Mỹ La tinh và vùng Caribê của Quỹ W.K. Kellogg (1996-98), ở đó bà đã xây dựng Sáng kiến “Cộng đồng Học tập” Giáo dục Cơ bản. Bà đã tiếp tục theo đuổi chương trình này ở văn phòng UNESCO-IIPE ở Buenos Aires (1998-2000).