Home / Tư vấn - Chia sẻ / Hành trang cho bé vào… Mẫu Giáo!

Hành trang cho bé vào… Mẫu Giáo!

Bé sắp đi Mẫu giáo! Sau 3 tuổi, những bé không còn độ tuổi đi nhà trẻ nữa, bước vào môi trường tập thể đầu tiên của mình là trường Mầm Non, thường bao giờ cũng có những rào cản về tâm lý lớn hơn những bé được làm quen với nhà trường ở tuổi bé hơn. Bé đã quen ở nhà với bà, với mẹ, bé đã đủ lớn để cảm nhận được sự choáng ngợp khi hòa mình vào môi trường mới. Bé biết phản đối, không chịu đi học. Bé biết làm nũng để mẹ cho ở nhà…. Tóm lại là, trẻ 3, 4 tuổi đến lớp lần đầu cần được phụ huynh chuẩn bị kỹ lưỡng một “hành trang” nho nhỏ để… “vào đời”!

Đó là:

Thói quen tự lập

Những bé quen “bám váy” mẹ hoặc bà đôi khi được chiều chuộng, thiếu tính tự lập. Vậy, trước khi đưa bé đến lớp độ vài tháng, bạn phải ý thức rõ việc tạo cho con thói quen tự mặc quần áo, tự rửa tay, tự xúc cơm ăn, tự bê bát đũa, tự dọn đồ chơi, tự rửa tay, rửa mặt, đi giày… Hãy từ từ, từng bước kiên nhẫn, nhưng kiên quyết, đề nghị bé tự lực trong một số việc bằng cách “nhờ con” hoặc khuyến khích, khen tặng. “Bi ơi, mẹ để quần mới ở ghế kìa, con mặc vào cho bố ngạc nhiên nhé, bố không biết là con tự mặc đồ giỏi đâu…” “Bạn Cá sấu trong truyện… chẳng biết tự mặc quần áo, buồn cười lắm, cứ xỏ hai chân vào một ống quần, buồn cười nhỉ? Thế Cún thì có mặc được không?””Đốm ơi, con bê giúp mẹ mấy cái bát của con ra đây cho mẹ rửa nào… Không có Đốm thì mẹ vất vả lắm đấy!”

Chế độ sinh hoạt

Nên luyện cho trẻ chế độ sinh hoạt gần giống với giờ giấc của nhà trường. Bạn có thể tham khảo điều này trước ở nơi mà bạn muốn gửi bé. Nếu được, gia đình cũng nương theo chế độ đó, ví dụ ăn sáng, ăn trưa, ngủ trưa… Làm sao cho trong một thời gian vài tháng trước khi đi trẻ, “đồng hồ sinh học của bé” quen với giờ giấc mới.

Mở rộng diện giao lưu bạn bè của bé

Hãy thường xuyên cho bé gặp gỡ các bạn cùng lứa tuổi ở công viên, ở sân nhà hoặc thậm chí nhờ bà đưa bé đến sân trường mẫu giáo gần nhà vào giờ tan tầm để bé cảm nhận được không khí náo nhiệt, quen với cảnh vật, chơi đồ chơi ở đó. Điều này rất cần thiết cho tâm lý của trẻ. Ở gia đình, bạn đừng ngại tổ chức các cuộc vui chơi chung cho anh chị em họ của bé (nếu sàn sàn tuổi nhau), hoặc mời con cái của bạn bè đến chơi, tổ chức các buổi đi chơi tập thể (xem xiếc, đi bảo tàng, đi sở thú, công viên nước). Thật chú trọng các ngày lễ như là một dịp cho bé giao tiếp nhiều hơn.

Hãy chơi “trò Mẫu Giáo” với trẻ.

Bạn có thể nhờ đến các chú thú bông làm bạn học của bé, thậm chí bạn cùng có thể tham gia trò chơi như một người bạn. “Các bạn” cùng chơi, cùng xây nhà, cùng xếp hàng, cùng ngồi nghe cô giáo nói… Hoặc, bạn có thể đặt trước các câu hỏi cho bé như: “Nếu bạn Gấu đánh con thì con làm gì?” “Nếu em Gà này lấy đồ chơi của bạn Thỏ làm bạn Thỏ khóc thì mình nên phạt em Gà như thế nào?” “Ôi, bạn Gấu buồn tè rồi, bạn Gấu nói thế nào với cô giáo nhỉ?”… Nghĩa là cho bé quen với các tình huống khác nhau có thể xảy ra ở Mẫu giáo để khi “đối mặt” với thực tế, bé không bỡ ngỡ quá nhiều.

Bạn cùng bé có thể (và rất nên) chơi trò đóng kịch với các con thú bông, diễn cảnh mẹ đưa con đến lớp, chào hỏi nhau và… mẹ ra về… Ở đây, hãy chú trọng nhấn mạnh những câu như: “Con ở lại chơi với các bạn cho vui nhé. Mẹ đi làm rồi chiều mẹ đến đón con ngay, hai mẹ con mình cùng đi về nhà…” Bé sẽ được làm quen dần với ý nghĩ “chia tay” mẹ hoặc bà, điều mà không phải đứa trẻ nào nếu không nói là chẳng bé nào có thể đón nhận một cách bình thản mà không có chút chấn động về tâm lý. Nghệ thuật “chia tay” với trẻ thật sự là rất cần thiết.

Ở nhà, tớ chẳng bao giờ ăn bát cháo to thế này đâu! Ảnh: Mẹ Minh

 Bạn có thể tham khảo ý kiến giáo viên ở trường Mẫu giáo, nơi bạn định gửi con, chương trình học của bé, xem nên cho bé nghe những bài hát Mầm Non nào, đọc những câu chuyện gì… Có thể, một vài bận trong tuần, bạn cho bé làm quen với những bài hát ấy, những câu chuyện ấy…

Khi ở Mẫu Giáo, nhiều bé có tâm trạng “hoảng sợ”. Điều đó rất dễ hiểu. Một môi trường lạ, những thói quen, những hoạt động tập thể.. tất cả dù là đơn giản và bình thường nhất cũng có thể gợi nên sự sợ hãi, bất an ở bé, nhất là với những bé dễ bị tổn thương về tâm lý. Một trong những trường hợp “dễ bị tổn thương” ấy là những bé thường ngày hay bị “dọa dẫm” ở gia đình. Ví dụ, dọa “khóc to là chú công an đến bắt đi” “lèo nhèo là bác sĩ tiêm ngay”, “không ngủ là có mụ phù thủy vào bắt đi’..v.v… Đừng bao giờ nói với bé những điều đó. Những mối nguy hiểm vô hình trong cuộc sống sẽ ám ảnh bé, và nặng nề hơn nữa là bé sẽ cảm thấy ám ảnh đó khi rơi vào thời điểm không có người thân bên cạnh, dù là có bạn, có cô giáo. Đặc biệt, nếu chẳng may cô giáo ở lớp học rất nghiêm khắc thì bé của bạn chắc chắn không tránh khỏi tổn thương về tinh thần. Không dọa dẫm bé, nhưng cũng cho bé biết những điều sẽ xảy ra nếu bé cứ khăng khăng theo ý mình, không để tâm đến lời mẹ cũng như lời cô giáo. “Nếu cô giáo nói con ra rửa tay mà con cứ lờ đi, không ra cùng các bạn thì chắc chắn cô giáo sẽ không hài lòng, cũng như mẹ ấy, mẹ cũng buồn, mẹ mắng con. Mà con thì không muốn bị mắng, phải không?”

Mẹ ơi, ở đây rất vui, nhưng con sợ! Ảnh: Mẹ Dế

Hãy chế ngự tình cảm và nỗi lo của chính mình, không để ảnh hưởng đến tâm lý của con. Các bậc phụ huynh, nhất là các bà mẹ, khi chuẩn bị giao “cục cưng” của mình vào tay “tập thể”, thường không tránh khỏi những lo lắng, bối rối. Bạn hãy cố gắng kiềm chế, không thể hiện ra trước mặt bé, không nói chuyện đi trẻ trong bữa ăn. Hãy tạo cho bé cảm giác bình tĩnh, đi Mẫu giáo chỉ là một việc rất rất bình thường của một con người. Bạn có thể kể những chuyện “Hồi bé, mẹ đi Mẫu giáo…” “Hồi bé, mẹ hay được phiếu bé ngoan vì…” – những câu chuyện mà gợi nên ở bé sự tò mò và thích thú.

Và cuối cùng, bạn hãy nhắc đến ngày bé sẽ đi Mẫu Giáo như một ngày hội. “Ôi, Nhím sướng thật, sắp được làm học sinh Mẫu Giáo rồi nhé, em Tép có được đi đến đó đâu!…” Và mỗi khi có dịp mua sắm quần áo mới, hãy mua một món đồ thật đẹp và nhấn mạnh rằng đó là “để dành cho ngày đầu tiên đi học, để con của mẹ thật là diện, thật là oách nhé”. Tâm trạng háo hức ấy hẳn sẽ cùng bé suốt thời gian chuẩn bị đến Lớp Mầm Non…

Trên đây, chúng tôi chỉ thử đưa ra những ý tưởng giúp bố mẹ dễ dàng chuẩn bị cho bé bỏng của mình một “hành trang” sơ đẳng nhất bước vào cuộc sống tập thể lần đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, mỗi bé là một cá thể độc lập, có một tính cách riêng. Các bậc phụ huynh hiểu con mình nhất, chắc chắn sẽ tìm ra những “kế sách” chu đáo hơn, khiến cho ngày Đi Học của con tăng thêm niềm vui, giảm đi những hồi hộp và lo âu.

Đi học hóa ra thật là vui. Ảnh: Mẹ Dế

Chào bà, chào mẹ, chào mọi người, bé Bon đi học đây! Ảnh: Mẹ Bon

 TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top