Home / Tư vấn - Chia sẻ / Đồng cảm

Đồng cảm

Tôi nhớ trong một cuốn sách của mình, nhà tâm lý giáo dục học người Nga Vinogradova có kể về trường hợp một cô bé tuổi mẫu giáo thấy bạn ngã dập đầu gối, đã an ủi bạn bằng một đề nghị như thế này: “Cậu có muốn tớ cũng ngã dập đầu gối không?”. Tác giả Vinogradova cho rằng, đó không phải thể hiện sự bắt chước ở trẻ nhỏ, mà chính là sự đồng cảm!

Tương tự như vậy, tôi cũng thấy quanh tôi khá nhiều ví dụ về sự đồng cảm với người khác ở trẻ nhỏ. Chẳng hạn, con trai tôi ngày bé luôn nhận biết rất nhanh lúc nào mẹ có chuyện buồn bực. Có lần, khi nó khoảng 5 tháng tuổi, cu cậu đang làm nũng, không chịu ra khỏi nước để kết thúc việc tắm buổi chiều, kêu gào ầm ĩ tỏ ý “bất hợp tác”, thì lúc ấy tôi nhận được cú điện thoại thông báo chuyện không vui. Thấy mẹ vừa lau người cho mình, nước mắt vừa chảy ra, nó lập tức im lặng. Và từ lúc đó, nó quan sát tôi rất kỹ (và tôi thì quan sát lại nó!). Dường như chỉ đến khi tôi bình tâm, mỉm cười, thì nó mới hớn hở trở lại… Một ví dụ nữa: lúc con trai 1 tuổi rưỡi, đôi khi đi ngủ, tôi vẫn hát ru nó. Có lần hát bài “À ơi, cái cò mày đi ăn đêm, đậu phải cành mềm…” – không rõ nó hiểu lời bài hát hay do giai điệu của bài hát ru buồn quá, mà tôi thấy nó nức nở. Tôi phải an ủi bé con một lúc để nó quên đi. Đến lát sau, để thử xem kết luận của mình có đúng không hay chỉ là sự ngẫu nhiên trùng hợp, tôi lại hát cho nó nghe bài ấy, và nó lại một lần nữa nức nở. Tội nghiệp bé con, tôi không biết rằng nó đang rất đồng cảm với lời ru của mẹ…

Thế nào là sự đồng cảm ở trẻ nhỏ đối với mọi người xung quanh?

Sự đồng cảm không chỉ là lòng trắc ẩn và mong muốn được chia sẻ với những cảnh ngộ bất hạnh, mà đó là sự tinh tế của con người trong việc cảm nhận bản thân mình và thế giới xung quanh để có thể sống hài hòa cùng môi trường thiên nhiên và xã hội. Năng lực đồng cảm quan trọng không kém gì những kỹ năng khác mà các bố mẹ gần đây muốn con mình được học, nếu chưa nói là quan trọng nhất vì đó là cái gốc của lòng nhân ái, tính nhân văn của một con người khi trưởng thành.

Đứa trẻ, trước khi bước ra xã hội rộng lớn, trong một bối cảnh nhỏ hơn là gia đình mình, phải học cách quan sát và nhận biết cảm xúc của những người thân, cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, tiếp đó là có cách phản ứng hợp lý, đúng mực với từng trường hợp – đó chính là sự đồng cảm.

Ở đây tôi xin nhấn mạnh, một con người cần có sự đồng cảm với người khác trong nỗi buồn, biết chia sẻ nỗi đau, mất mát và thiệt thòi, nhưng sự đồng cảm và chia sẻ với người khác trong các cảm xúc tích cực cũng không phải điều kém quan trọng. Vì sao mà chúng ta thường thấy, có những người, khi người khác hoạn nạn thì vội vàng lao tới an ủi, quan tâm, đến khi người khác có niềm vui, lại dửng dưng, hoặc không thể chia sẻ được, thậm chí bực mình, ghen ghét? Đó, theo tôi, cũng thuộc vào phạm trù “đồng cảm” – nghĩa là năng lực hay khả năng đồng cảm còn kém, còn thiếu, còn chưa đủ để một cá thể có thể sống thật sự hòa hợp với tự nhiên và đồng loại.

Thực ra, nói “dạy trẻ sự đồng cảm” có lẽ là chưa chính xác, vì sự đồng cảm có mầm mống tự nhiên (ai mà biết được, có thể là trong tiềm thức) ở tâm hồn một đứa trẻ – nó có tiềm năng cho điều đó. Người lớn – thày cô, bố mẹ- chỉ cần khơi gợi để giúp cho năng lực ấy không bị thui chột, hơn thế nữa, được phát triển đầy đủ và linh hoạt, hài hòa với xã hội mà đứa trẻ đang tồn tại và lớn lên. Tôi nói “linh hoạt” vì khả năng đồng cảm của đứa trẻ phải được hướng sao cho đặt đúng chỗ và công bằng. Chẳng hạn, với những “người xấu”, những nhân vật phản diện trong truyện bố mẹ thường đọc cho trẻ, khi bị trừng phạt (cô Cám bị dội nước sôi…?) có gợi hay không ở trẻ sự đồng cảm- thương xót?

Khả năng đồng cảm ở trẻ nhỏ có được nhờ những phẩm chất sau:

– Tố chất tinh tế, nhạy cảm;

– Khả năng quan sát chi tiết;

– Khả năng tưởng tượng, đặt mình vào vị trí của người khác và bằng tưởng tượng nhận được những trải nghiệm mà người khác có thể phải trải qua;

– Khả năng lưu giữ những cảm nhận có được do trải nghiệm (nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần… mình từng phải chịu đựng hay niềm vui sướng mà mình từng có);

– Khả năng chia sẻ khó khăn với người khác, cùng người khác giải quyết vấn đề;

– Khả năng cảm thấy hạnh phúc khi người khác có niềm vui.

 

Đôi bạn đồng cảm
1. Các cách khơi gợi và trau dồi lòng đồng cảm với người, vật xung quanh ở trẻ mẫu giáo

Trước khi có được sự đồng cảm với người khác thì trẻ cần được học cách hiểu cảm xúc của bản thân mình, xác định được đó là cảm xúc gì và biết cách giãi bày. Vì thế, khi con còn nhỏ, bạn hãy luôn gọi tên cảm xúc hộ bé đồng thởi tỏ ra đồng cảm. Chẳng hạn, khi bé im im, tỏ ra không vui vì bố đi công tác mấy ngày không về với bé, bạn hãy nói: “Con buồn vì nhớ bố phải không? Mẹ cũng vậy.” Khi bé cáu giận vì không được người lớn đáp ứng yêu cầu nào đó: “Mẹ biết con đang cáu kỉnh, bực mình vì không được xem tivi. Bộ phim Hai anh chuối mặc pijamas thật hay. Nhưng mà mình đã xem phim Con nhím vui tính suốt cả chiều rồi, nếu bây giờ xem nữa thì mắt sẽ mỏi…”. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên ngại việc nói ra cảm xúc của mình với con và nguyên nhân có cảm xúc ấy.

2. Bài tập quan sát: Quan sát là một trong những hoạt động tư duy cần thiết, làm nền tảng cho việc nhận biết cảm xúc của người xung quanh. Bạn hãy cùng bé quan sát mọi người bằng những “bài tập” nhỏ ngay từ khi bé chưa biết nói. Xin đơn cử một vài ví dụ:

  • Trong khi kể cho bé nghe một câu chuyện nào đó, hãy dừng lại ở những chi tiết biểu hiện cảm xúc của nhân vật và hỏi bé: “Nhận được hũ mật ong ngọt ơi là ngọt, bạn Gấu mừng rỡquá, cười to lên. Cười như thế nào, vui như thế nào con nhỉ?” – bé sẽ lập tức cười lên để biểu diễn cảm xúc của bạn Gấu. Tương tự với buồn, khóc, đau, sợ hãi, ngạc nhiên, bực bội, giận dỗi…
  • Khi bé đã biết nói, thi thoảng cùng bé chơi trò quan sát người đi đường qua cửa sổ, hoặc quan sát những mặt người hoặc vật được vẽ có cảm xúc trong một cuốn sách, một bức tranh. Chọn những gương mặt biểu cảm rõ nét nhất: “Con nghĩ bác này đang vui hay buồn? Bạn lợn này hình như đang sợ hãi điều gì thì phải…” Và cùng bé đoán, tưởng tượng nguyên nhân của những cảm xúc ấy: “Có thể, bác ấy vui vì… Con có nghĩ thế không? “Chắc là hôm nay bạn lợn này đã chạm trán với Sói đây mà. Con nghĩ thế nào?”.
  • Đọc truyện một cách diễn cảm cho bé nghe: nhấn nhá, thể hiện tốt những đoạn văn có câu cảm thán gợi nỗi buồn, sự sợ hãi, lo lắng, hoặc niềm vui, phấn khởi, ngạc nhiên…
  • Chơi các trò chơi phân vai với bé, tạo điều kiện cho bé thể hiện cảm xúc thông qua nhân vật
  • Với các bé lớn hơn đôi chút, bạn cho bé xem những bức tranh, trong đó có thể hiện những cảm xúc con người, đề nghị các bé đặt lời bình cho bức tranh ấy và trình bày một cách diễn cảm. Bài tập này có thể làm trong nhóm nhiều bé thì hiệu quả cao hơn (với anh chị em họ của con bạn chẳng hạn).
  • Vẽ những hình tròn to mặt người, có mắt, mũi, mà chưa có miệng, để bé điền miệng vào khớp với cảm xúc: vui hoặc buồn.
  • Tạo điều kiện cho bé tiếp xúc với những người kém may mắn hơn bé, bị tật nguyền, những hoàn cảnh gợi lòng trắc ẩn… và bằng những câu hỏi, hướng bé quan sát để nhận thấy sự khác biệt, thông qua trí tưởng tượng để gợi sự thông cảm ở bé đối với những hoàn cảnh, những con người ấy. Chẳng hạn, với một người mù bị dính mắt, bé có thể quan sát thấy: “Mẹ ơi, chú ấy nhắm mắt, chẳng mở mắt ra gì cả” “Đúng rồi, không phải chú ấy thích nhắm mắt đâu, mà chú bị hỏng mắt từ hồi còn nhỏ đấy. Con có biết hỏng mắt nghĩa là như thế nào không?… Con thấy chú đi lại phải cầm cái gì ở tay nhỉ? Đúng rồi, cái gậy. Cái gậy dẫn đường cho chú đấy. Bây giờ con thử nhắm mắt lại mà xem, con thử đứng dậy đi xem có đi được không?…” v..v…

3. Dạy bé cách thể hiện sự đồng cảm qua hành động: Bạn hãy luôn làm mẫu… một cách chân thành thông qua các tình huống của cuộc sống.

Sự đồng cảm không lờiThể hiện sự đồng cảm qua hành động bắt nguồn tự sự giao cảm nhờ các giác quan – xúc  giác và thị giác. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, người ta nhấn mạnh nguyên tắc “mắt nhìn mắt, da chạm da” trong việc mẹ cho bé bú. Em bé vừa tắm xong, được lau khô người, chưa mặc quần áo, được mẹ âu yếm đặt lên cánh tay trần hoặc bụng trần của mẹ. Mắt nhìn mắt con, mẹ cho con bú. Khi ấy, hooc-môn “tình mẫu tử” – hưng phấn – tăng lên, khiến sữa của mẹ nhiều hơn và chất lượng hơn. Như vậy cảm xúc đã truyền được từ người đến người qua ánh mắt và tiếp xúc da thịt. Nó thể hiện sự thông cảm bằng thứ ngôn ngữ không lời. Ở đây, muốn dạy trẻ “phương pháp thể hiện lòng đồng cảm” này, bố mẹ đương nhiên là những người đi đầu. Mỗi khi bé vui thì cười với bé, mắt nhìn vào bé. Điều này thể hiện nhiều trên thực tế: trẻ con luôn có nhu cầu chia sẻ niềm vui với người lớn bằng cách nhìn vào mắt và cười. Nếu người lớn lơ đãng thì bé hỏi: “Sao mẹ không cười?”. Đương nhiên, mỗi người, mỗi đứa trẻ lại có cách thể hiện tình cảm riêng của mình.  Nhưng thường thì bé học tập cách người lớn phản ứng với các cảm xúc của người khác, vì thế, bố mẹ dạy con thông qua “tấm gương” bản thân.

–         Phản ứng với niềm vui: chia vui bằng cách cười, reo, vỗ vai, bắt tay, hỏi han thêm về niềm vui ấy, có những hành động khiến người đang vui thấy bạn trân trọng niềm vui của họ. Ví dụ: bé con nhận giấy khen và phần thưởng học sinh giỏi cuối năm, bố mẹ ngoài việc khen tặng, có thể đóng khung treo giấy khen lên tường, ngắm nghía, trầm trồ, bàn bạc với nhau, khoe với ông bà, rồi cả nhà liên hoan mừng niềm vui…

–         Với nỗi buồn: im lặng ngồi bên cạnh, cầm tay hoặc ôm lấy vai, hoặc dùng bàn tay xoa lưng, vuốt tóc. Ngoài ra, bạn có thể phản ứng một cách tích cực qua sự chăm sóc vật chất cho “đối tượng”: pha một cốc nước chanh, làm một bát mì, đắp chăn, bật quạt …v…v

–         Phản ứng với nỗi đau thể xác: Tìm các vật dụng cần thiết để làm giảm nhẹ nỗi đau ấy. Ví như đá để chườm khi bị chấn thương, dầu gió bôi khi bị cảm, lấy bông băng hay chỉ đơn giản là thổi vào chỗ đau…

–         Thể hiện sự quan tâm: Chăm sóc, nhường nhịn, muốn đem đồ của mình cho những người mình yêu thương hoặc những người mình cảm thấy kém may mắn hơn mình..v…v

Phải lưu ý là, tất cả những phản ứng trên phải xuất phát từ những tình cảm thật, chân thành. Chớ có bao giờ không thực sự thấy vui mà tỏ ra vui, không nhớ mà cố gắng tỏ ra buồn nhớ. Tất cả những sự miễn cưỡng và giả dối sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến cảm xúc của bé.

Thể hiện sự đồng cảm qua ngôn ngữThường xuyên trò chuyện với con, cùng con nói về những cảm xúc của mình và của người khác, không ngại tăng dần cấp độ phức tạp của các từ ngữ dùng để diễn tả cảm xúc. Chẳng hạn: Mẹ buồn lắm. Mẹ buồn ơi là buồn. Mẹ buồn thỉu đi. Mẹ buồn đến nỗi không nhấc nổi chân tay lên nữa, con ạ…  Trong việc này, bạn lại có thể dùng các trò chơi phân vai với bé, để bé tập thể hiện đồng cảm của mình trong nhiều tình huống.

4.Luôn tìm hiểu cảm nhận của trẻ sau hành vi chia sẻ

với người khác cảm xúc và các vấn đề của người ấy. Ví dụ, trong chuyến đi thăm trại trẻ mồ côi, con của bạn mang tặng một ít sách truyện cũ. Khi về nhà, hãy hỏi han trẻ về chuyến đi, trong đó có thể hỏi: “Thế con không tiếc bộ Đô-rê-môn đấy à? Mẹ nhớ con thích bộ sách ấy lắm mà? Bạn nhận sách bạn có thích không, có vui không? Bạn cười với con à, hay còn nói gì nữa? Thế à, bạn reo lên và ôm lấy vai con à? Con có thấy vui không ?… Thế nếu lần sau mình đến đây nữa thăm các bạn, con có nghĩ, các bạn sẽ nhận ra con đã từng tặng sách không? Đổi lại, con có muốn bạn làm gì hay cho con lại cái gì không? ..v…v…”. Hãy hướng cho trẻ có được một lòng trắc ẩn không vụ lợi.

5. Dùng văn học đánh thức và trau dồi sự đồng cảm:

  • Ngay từ khi con còn nhỏ, hãy có ý thức chọn cho bé những cuốn sách diễn tả tinh tế về nỗi buồn, niềm vui, sự giận dữ, hài lòng…, khơi gợi lòng trắc ẩn, sự nhân ái. Chẳng hạn, truyện “Cái Tết của mèo con” (Nguyễn Đình Thi) từ đầu đến cuối đều có những câu văn đầy biểu cảm thế này: “Mèo con bỗng lạnh người (nỗi sợ). Một con rắn đang bạnh to cổ, lắc lư cất cao đầu, trườn mình lên ổ trứng gà đang ấp. Gà mẹ mắt long lên (giận dữ), đuôi và cánh xù to…”…
  • Hãy kể cho bé nghe những cảm xúc mà bạn đã từng có được khi đọc cuốn sách đó  để tìm… sự đồng cảm ở bé.

Đọc cho trẻ câu chuyện về Cô bé bán diêm, rất có thể, bé sẽ tỏ lòng đồng cảm?

TSGD Nguyễn Thụy Anh
Bài viết đã đăng trên Mẹ & Bé, 7-2010

About admin2

Scroll To Top