Home / Tư vấn - Chia sẻ / Lý do tồn tại của “tiếng lóng”

Lý do tồn tại của “tiếng lóng”

Cháu chào cô Thuỵ Anh. Cháu rất thích cách trả lời duyên dáng và rất tâm lí của cô trên các số báo của Văn học và Tuổi trẻ. Qua đó, cháu cảm nhận được sự chân thành, thân thiết mà cô dành cho các bạn trẻ chúng cháu.

Gần đây, cháu nghe cô giáo nói về thuật ngữ tiếng lóng. Cháu đã tìm hiểu trên mạng và cũng biết một chút về nó. Tuy nhiên cháu thấy đa số tiếng lóng là không tốt, không hay, trong khi nhiều bạn trẻ ngày nay lại sử dụng nhiều. Vậy xin cô tư vấn cho chúng cháu rằng có nên sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp hay không? Nếu dùng thì phải lưu ý những gì?

Cháu cảm ơn cô.

Nguyễn Minh Việt

Lớp 10E, Trường THPT Bảo Thắng – Lào Cai

***

Chào Minh Việt!

Câu hỏi của em rất thú vị. Nó chạm đến khía cạnh tâm lý xã hội của ngôn ngữ. Có xã hội nào mà không tồn tại “tiếng lóng” như một sắc thái của lời nói! Xã hội nào cũng vậy. Đất nước nào cũng vậy. Thời đại nào cũng vậy. Thời cô còn nhỏ, thanh niên thanh nữ cũng hay dùng kiểu nói chuyện riêng của mình để tạo thêm sắc độ phong phú cho ngôn ngữ. Nếu bạn trẻ bây giờ dùng “GATO”, “chém gió”, “quẩy”, “nhục như con trùng trục”, “chuyện nhỏ như con thỏ”… thì thời trước lại có những từ “tinh vi”, “tinh nhuệ”, “MAKENO”, “bộ đội… thế là thường”, “chuyện thường ngày ở huyện”…

Vậy thì, tiếng lóng thực chất là thứ ngôn ngữ tồn tại song song với ngôn ngữ chính thống, thường được thống nhất chung và dễ hiểu cho một nhóm người trong xã hội cùng độ tuổi hoặc cùng nghề nghiệp, cùng mối quan tâm, cùng “gu” diễn đạt và nhu cầu thể hiện giống nhau. Trong thiểu thuyết “Bỉ vỏ” chẳng hạn, nhà văn Nguyên Hồng đã cất công trải nghiệm cuộc sống để nhân vật của mình nói được thứ tiếng lóng của dân “anh chị”, trộm cắp… Bây giờ có nói kiểu teen, viết kiểu teen, rồi ngôn ngữ mạng xã hội (Facebook)..v.v… Đôi khi, các bạn trẻ quên bẵng mất ngữ cảnh mà sử dụng thứ ngôn ngữ ấy “vô tội vạ” – bạ đâu cũng nói, nói cả với người lớn, viết cả trong bài kiểm tra… khiến các cô giáo rất “choáng”, ông bà bố mẹ phiền lòng.

Việt thân mến,

Cá nhân cô không phản đối tiếng lóng hay ngôn ngữ teen vì nó có lý do để tồn tại. Đôi khi, nó mang lại hiệu quả biểu đạt cảm xúc mạnh mẽ hơn cách nói thông thường, thông tin truyền đạt nhanh, “trúng đích”, sắc nét hơn hoặc mang lại lợi ích… xả xì-chet!!!

Tiếng lóng luôn có lí do tồn tại

Tuy nhiên, đã là ngôn ngữ giao tiếp thì việc dùng thứ ngôn ngữ ấy cần có các nguyên tắc sử dụng-ứng xử dành cho người nói để không gây khó chịu và phiền phức cho cộng đồng. Theo cô, đó là:

  1. Sử dụng trong nhóm của mình, biết chắc đó là những người cùng nhu cầu, cùng gu thẩm mỹ và sở thích.
  2. Không dùng tiếng lóng quá thoải mái khi ở nơi công cộng hoặc phải hạ giọng nhỏ nhất để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đôi khi dùng từ lóng nơi công cộng quá thoải mái cũng khiến “ô nhiễm môi trường” đấy!
  3. Chớ dùng tiếng lóng với các bậc phụ huynh, thày cô giáo – điều đó khiến bạn vô tình trở thành người vô lễ!
  4. Biết điểm dừng! Nếu không tỉnh táo, suốt ngày dùng từ lóng, đến mức bị tráo đổi mọi khái niệm, quên cả cách dùng ngôn ngữ chuẩn, chính thống, từ chỗ chỉ với mục đích vui vẻ, mình sẽ trở thành người thiếu văn hoá lúc nào không biết! Mà điều đó ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức đến chính bản thân các em!

Cô biết có bạn trẻ viết cả tiếng lóng tiếng đệm vào bài kiểm tra. Đương nhiên, điểm số không thể đẹp được! Có bạn đùa cứ viết sai chính tả hoặc giả vờ ngọng, đến lúc tay quen, miệng quen, không sửa nổi, cứ sai như vô thức, thành ngọng thật mới buồn!

Hoặc một bạn gái xinh thật là xinh nhưng cái miệng xinh xinh của bạn ấy lại liên tục phát ra những từ lóng của giới trẻ khi gặp phụ huynh của bạn trai mình. Cô ấy không xấu, đó chỉ là trào lưu thôi, nhưng cô không kiểm soát được ngôn ngữ của mình lúc ấy!

Vậy, để vẫn “sành điệu”, lại tỉnh táo kiểm soát ngôn ngữ của mình, rất nên… đôi khi hỏi một người khác xem mình “ăn nói” có vấn đề gì không. Người bên ngoài nhìn rõ hơn, em ạ. Thêm vào đó, nên đọc sách nhiều hơn. Sách văn học chứ không phải sách kỹ năng hay sách giáo khoa! Ngôn ngữ văn chương cho ta một trường từ vựng khác, giúp ta giữ được vẻ đẹp của lời nói, cách viết, kiềm chế được sự dễ dãi, đại khái thường có khi ta quen dùng tiếng lóng.

Và cuối cùng, là sự chọn lựa của chính các em!

Em muốn mình thế nào, em chọn thứ ngôn ngữ ấy. Nhưng nên nhớ rằng, từ lóng, từ tuổi tên không tồn tại mãi mãi. Chúng thay đổi theo thời gian, thời đại. Mà con người của mình cần sự chuẩn mực và ổn định trước nhất, em có đồng ý với cô không?

Cô Thuỵ Anh.

About admin2

Scroll To Top