Home / Bài Viết / Nói với con về tình yêu

Nói với con về tình yêu

Nói đến tình yêu, tôi muốn kể về bố tôi.

Bố tôi là một quân nhân. Ông rất nghiêm. Suốt những năm thơ ấu của tôi, hai bố con tôi cũng chưa từng đả động đến đề tài tình yêu – có lẽ cũng như phần lớn các bậc cha mẹ thời bấy giờ. Thế nhưng, tôi luôn luôn cảm thấy cái nhìn thấu suốt của ông mỗi khi tôi có cảm tình với ai đó hoặc khe khẽ mơ về một chàng trai trẻ nào…

Một lần, khi cùng bố đi trên góc đường nhỏ của Matxcơva, tôi nhìn thấy một đôi bạn trẻ ríu rít bên nhau, gương mặt bừng sáng. Rồi họ dừng lại trao nhau một nụ hôn. Cảnh tượng thật bất ngờ đối với đứa trẻ mới ở Việt Nam sang như tôi. Tôi nhìn sang bố. Bố bình thản chứng kiến cảnh ấy không chút bối rối, quay lại nói với tôi, giọng trịnh trọng: “Đó là tình yêu!”.

Từ đó, tôi luôn nghĩ đến hai từ ấy một cách rõ ràng, sáng và hồn nhiên, như bước chân của cô gái hớn hở líu ríu bên chàng trai, như ánh mắt cô nhìn anh ta thẳng thắn nồng nhiệt, như đôi bàn tay họ chạm vào nhau trong trắng đầy rung động. Kể cả sau này, khi tôi đã yêu, đã sai lầm, đã hạnh phúc, thì tôi vẫn nghĩ về Tình Yêu như thế. Tình yêu của tôi đã không giấu diếm, không sợ hãi. Đã thẳng thắn và nồng nhiệt. Đã không chút hoài nghi. Cả những nỗi buồn đau của tôi khi yêu cũng vậy, chúng cũng không khiến tôi phải cúi đầu.

Đó là bài học duy nhất bố dạy tôi về tình yêu.

Tôi kể câu chuyện này để chia sẻ với những bố mẹ đang đầy ắp băn khoăn khi con mình đang đứng trước ngưỡng trở thành thanh niên, thiếu nữ, bắt đầu chớm e ấp những cảm xúc với người bạn khác giới của mình. Thực ra, những cảm xúc kỳ lạ này đã bắt đầu sớm hơn nhiều, thậm chí có thể xuất hiện từ mẫu giáo hay tiểu học; các bạn quý nhau hơn một chút, thích chơi với nhau hơn chơi với các bạn khác, thích tặng quà nhau… Về mặt sinh học mà nói, thì đây là một hiện tượng rất bình thường. Vì vậy, tôi không thấy lý do gì để chúng ta lo ngại để mà đôi khi chính sự lo ngại này truyền sang đứa trẻ đang lớn qua những sóng âm vô hình, khiến chúng đến với những cảm xúc tự nhiên một cách e dè, lắm lúc còn xấu hổ thái quá, nhiều trường hợp đặc biệt còn là sợ hãi.

Vậy, lựa chọn thái độ nào khi nói đến Tình yêu cùng con cái? Các vấn đề khác của giáo dục giới tính đề cập ra sao? Khi con có những cảm tình mới mẻ, thậm chí là yêu ai đó, thái độ của bố mẹ thế nào? Những quan niệm của giới trẻ về tình yêu có khác gì bố mẹ? Những cuốn sách nào có thể sử dụng để gửi thông điệp đến với đứa trẻ đang lớn, sắp thành thanh niên, thiếu nữ? Hỗ trợ con thế nào là vừa đủ, hợp lý, tinh tế trong việc xử lý mọi bối rối khi đối mặt với các mối quan hệ xã hội? Là bạn của con đến mức nào? Làm sao nói với con về những nguy hiểm, “cạm bẫy” ngoài xã hội mà vẫn giữ được những suy nghĩ hồn nhiên, trong trẻo, nhân hậu về con người để bước vào đời? Đó chính là những điều chúng ta cần nghĩ, một cách rành mạch, giản dị chứ không phải ngồi lo lắng mơ hồ.

  1. Tình yêu – đó là một điều kỳ diệu tuyệt vời. Nếu chúng ta có thể truyền được cho con thông điệp ấy, thậm chí âm thầm theo dõi con trải qua những rung động đầu đời trong sáng, sẵn sàng hỗ trợ chúng bằng những câu chuyện đời chuyện người mà mình được chứng kiến, từng trải nghiệm… thì nỗi lo lắng của bố mẹ hẳn sẽ giảm đi đáng kể. Sự “hồi hộp” quá đáng của người lớn có thể sẽ khiến đứa trẻ ngay lập tức nhìn về những mặt tiêu cực mà người ta nghĩ đến đằng sau từ “tình yêu”.

Cái nắm tay, nụ hôn… đó cũng không phải là điều xấu xa, và xin đừng “tiêm nhiễm” vào những đứa trẻ ý nghĩ ấy. Ngay cả khi con còn nhỏ, bố mẹ cũng đừng quá e ngại mà không dám thể hiện tình cảm với nhau trước mặt con. Một cái ôm ấm áp giữa bố và mẹ sẽ cho đứa trẻ cảm giác an tâm và hạnh phúc khi nghĩ đến tình yêu trong tương lai.

Hình ảnh: Hoạt động “Thì thầm Teen” tại trại hè kỹ năng, hướng nghiệp EcoCamp do CLB Đọc sách cùng con tổ chức.

 

  1. Xây dựng tình bạn. Những mối tình ngây thơ non nớt của tuổi học trò phần lớn bắt đầu từ tình bạn. Vậy hãy quan tâm đến việc hỗ trợ con xây dựng những tình bạn đẹp, tôn trọng nhau, lắng nghe để kịp thời cho con những lời khuyên trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, cố gắng giữ thái độ bình tĩnh trong mọi việc, nghĩ xa nhưng đừng vội “chụp mũ” cho các mối quan hệ giữa bạn trai và bạn gái của con, tỏ ra tin tưởng nhưng vẫn không ngừng âm thầm quan sát, đánh giá tình hình của con.

Lấy một ví dụ: Một bà mẹ băn khoăn kể cho tôi nghe về việc con gái chị 11 tuổi nhận được lời đề nghị kết bạn của một anh chàng 15 tuổi, sáng sủa, học giỏi, đàng hoàng. Anh chàng xin số điện thoại, xin cả e-mail… Với sự lo âu của người mẹ, chị những muốn “cấm chỉ” hoàn toàn những quan hệ kiểu thế này, nhưng cô bé lại có vẻ vui sướng và thích thú. Tôi cho rằng, một mặt đừng tỏ ra quá lo sợ, hãy chia sẻ với con gái niềm vui có một người bạn, người anh lớn. Nhưng mặt khác, người mẹ có thể nói với cậu trai kia là không phản đối các bạn nhỏ chơi với nhau, hy vọng vào những điều tốt đẹp, nhưng cũng cho cậu biết là có một số nguyên tắc của gia đình trong việc kết bạn vì em gái còn nhỏ – chẳng hạn, nếu đến chơi thì phải vào hẳn nhà, ngồi phòng khách; nếu muốn rủ em đi chơi phải xin phép người lớn; có một số hoạt động em chưa đến tuổi tham gia như đi quán cà phê, quán bar; không nhắn tin nhiều quá ảnh hưởng đến học tập… v.v. Và tất nhiên là luôn kín đáo theo dõi, hỏi han để biết được diễn biến tình bạn. Rất có thể mọi việc chỉ dừng ở chỗ đó.

Thay vì tưởng tượng những trường hợp tiêu cực thì bố mẹ có thể hướng dẫn con biết cách sống đồng thuận với bạn bè, biết cách thỏa thuận, nhường nhịn, biết giải quyết các va chạm, mâu thuẫn một cách tinh tế bằng nhiều cách để con có thể có một nhóm bạn tốt, thân nhau – đó cũng là một hỗ trợ tinh thần cho đứa trẻ, đồng thời là … nguồn thông tin tốt cho bố mẹ về con. Khi con ở tuổi mới lớn có được một nhóm bạn thân có những hoạt động ưa thích việc “yêu sớm” sẽ ít hơn ở những đứa trẻ ít bạn, diện quan hệ xã hội bó hẹp trong gia đình.

Hình ảnh: Trò chơi Kết bạn tại EcoCamp

 

  1. Tình cảm giữa bạn nam và bạn nữ, ngay cả khi chưa thể gọi là tình yêu, đối với giới trẻ ngày nay có vẻ rõ ràng và công khai hơn nhiều. Trên FB, các bạn trẻ không ngại đưa thông tin về người bạn khác giới của mình, thậm chí gọi nhau là vợ là chồng một cách tự nhiên nhất đời. Tuy vậy, chúng dù thế nào vẫn là những đứa trẻ, dẫu có hiện đại, tân tiến hơn những đứa trẻ thế hệ trước. Còn nhớ, xưa kia Nguyễn Bính có viết trong một bài thơ: “Hai ta trẻ lắm tình thơ dại/ Chẳng biết yêu nhau phải những gì!”

Với  những bạn nhỏ, “những gì” đó là cảm xúc hạnh phúc, lãng mạn. Đó là cảm xúc hài lòng khi được chia sẻ, hy sinh. Là những buổi đi chơi cùng cả đám bạn bè, đi bên nhau đã là vui sướng lâng lâng đến nỗi cứ cười hoài mà không hiểu vì sao. Là sự trao đổi tâm tình với nhau hàng ngày trên lớp. Là việc trao cho nhau những tấm thiệp xinh. Ở đây, những cuốn sách văn học như sách của Nguyễn Nhật Ánh, các đầu sách kinh điển như Không gia đình, Cánh buồm đỏ thắm…, những cuốn sổ tay thơ sẽ nuôi dưỡng cảm xúc trong sáng, e ấp để các em đến với tình yêu của mình sau này.

Bố mẹ cũng đừng quá “sợ” với tác phong của giới trẻ hiện nay, kể cả cách xưng hô. Nhiều khi, ta phải biết chấp nhận. Chấp nhận một thế hệ lớn lên khác nhiều với chúng ta, ăn nói cũng khác, trang phục cũng khác. Chấp nhận một chút bồng bột, nông nổi của người trẻ. Có thể góp ý nhưng không nên phê phán, dè bỉu, chê bai.

Hình ảnh: Hoạt động Teambuilding dành cho nhóm Teen tại trại hè EcoCamp.

 

  1. Tuổi mới lớn cần được khám phá cảm xúc của chính bản thân mình, điều khiển và kiểm soát được cảm xúc ấy, đồng thời cần được cung cấp những kiến thức cơ bản về cơ thể mình. Những kiến thức này các em thường được dạy trong giờ Khoa học hoặc Sinh vật – một cách khoa học và giản dị. Trên thị trường sách hiện nay có khá nhiều sách thay bố mẹ “trò chuyện” với tuổi teen về các vấn đề khó nói. Có cuốn sách còn xây dựng theo hình thức vừa dẫn giải vừa có các câu hỏi trắc nghiệm để các em loại bỏ dần những kiến thức “lá cải” được nhặt nhạnh và lại không đúng. Những hiểu biết chính xác, khoa học sẽ cho các em sự tự tin và hướng giải quyết nhiều vấn đề trong tương lai.

Một lưu ý nhỏ: Xin đừng đánh đồng việc giáo dục giới tính trong nhà trường với việc chỉ đơn thuần là dạy những hiểu biết về tình dục. Còn có những điều khác rất đáng nói cùng các em như khái niệm nữ tính, nam tính, khái niệm về đồng tính và thái độ của em. Làm sao cho các em qua những câu chuyện bố mẹ chia sẻ sẽ không sợ hãi về giới tính của bản thân, không ngạc nhiên vì những khác biệt của người bên cạnh và tiếp nhận thế giới này một cách giản dị như nó vốn thế.

Và với tình yêu cũng vậy, hãy để khái niệm Tình Yêu đầu đời mãi lung linh trong suy nghĩ của các em, như nó vốn thế.

Thụy Anh, 2015

 

About DuongMy

Scroll To Top