Thời thơ ấu tôi đã được đọc cuốn sách “Nam tước Phôn Gôn Rinh” (tác giả Yuri Milkhaijlik, dịch giả Trọng Phan). Cuốn sách ấy đã khiến tôi say mê ngưỡng mộ hình ảnh người chiến sĩ tình báo: “Một mình trên chiến trường vẫn là chiến sĩ” (1). Khi đã trưởng thành tôi lại được xem bộ phim truyền hình dài tập “Mười bảy khoảng khắc mùa xuân” (phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Yulian Semyonov). Những cảnh người tình báo đấu trí căng thẳng ở khoảng khắc ranh giới giữa sống và chết, giữa thật và giả vô cùng mong manh, sao mà hấp dẫn mê hồn! Ấy thế mà khi đọc cuốn sách “NGƯỜI THẦY” (của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh) viết về người anh hùng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc), tôi lại có một cảm giác khác hẳn. Cuộc đời người chiến sĩ tình báo hiện ra chân thực đau thương bất hạnh, hi sinh âm thầm. Những chiến công anh hùng đã đi vào lịch sử rất lặng lẽ. Cuốn sách không lộng lẫy chói sáng chất tiểu thuyết khiến người đọc xúc động nghẹn thở mà lại làm cho người đọc tỉnh ngộ ra: “Nghề tình báo là gì?”
“NGƯỜI THẦY” là truyện của một học trò học nghề tình báo viết về người thầy của mình, một “Ông già tình báo” Đặng Trần Đức (Ba Quốc) – Người đã sống trong biến động lịch sử từ 1945 đến 1995 của Tổ quốc Việt Nam. Nửa thế kỷ XX dân tộc Việt Nam đối đầu với nước Pháp, nước Mỹ rồi nước lớn láng giềng Trung Quốc… Sự biến chuyển trong các mối quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc: từ bạn sang thù, từ thù thành bạn… vô cùng phức tạp! Anh hùng tình báo Ba Quốc cùng người học trò của ông là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã từng ở cơ quan chiến lược trong những thời khắc lịch sử thân phận dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”! Ông Ba Quốc đã từng là một điệp viên, rồi chỉ huy màng lưới điệp viên, cao hơn nữa là vị tướng lãnh đạo hàng đầu của ngành tình báo. Ông đã từng chỉ huy cả một bộ máy tình báo hoạt động nhịp nhàng, khẩn trương, chính xác mà hết sức thầm lặng, bí mật. Một người như vậy mà lại nói rằng: “Tình báo không phải là nghề của tôi.”
Ông nói khiêm nhường chăng? Không, đó là lời nói tự đáy lòng! Khi đọc xong cuốn sách “Người thầy ” của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tôi đã thấm thía câu nói đó của ông Ba Quốc. Nếu như đất nước không có chiến tranh không có sự đối kháng “địch”, “ta” thì ông Ba Quốc sẽ không trở thành một anh hùng tình báo. Có thể ông sẽ là một vị giáo sư nhân hậu, nghiêm cẩn và sáng suốt tận tụy trong sự nghiệp giáo dục. Cuốn sách của tác giả Nguyễn Chí Vịnh không chỉ nói về “tình báo” mà nói về một người thầy giáo tận tụy với học trò yêu quý của mình. Cuốn sách là một lời tâm sự của một học trò đặc biệt với “Người thầy” đặc biệt! Tác giả viết về ông Ba Quốc (nhân vật chính của cuốn sách) như một người cha, một người truyền nghề, một “ông tướng” của riêng tác giả. Trong khoảnh khắc tạm biệt người thầy về nghỉ hưu, tác giả đã viết:
“Tôi đi cạnh ông Ba – người thầy của mình, nói đủ chuyện cho ông vui, mà chủ yếu là để động viên chính mình, vì thực sự trong lòng tôi trĩu nặng, hiểu rằng từ lúc này mình không được gần ông thường xuyên nữa.
Về mặt tình cảm, như một thói quen, tất cả những việc gì khó kể cả công hay tư tôi đều chia sẻ với ông, nhưng bây giờ sẽ không thực hiện được.”
Đoạn văn nói lên nỗi hụt hẵng trong lòng người học trò đã giãi bày cho người đọc biết tình thầy trò gắn bó đến thế nào? Tác giả tâm sự rằng: “ Những thói quen bao nhiêu năm nay dù đúng, dù sai, dù lớn, dù nhỏ, cũng đều có những người mình tin cậy họ tuyệt đối, mỗi lúc khó lại xin ý kiến rồi sau đó rất yên tâm thực hiện, còn khi họ không đồng ý thì cũng sẽ nghiêm túc xem lại quyết định của mình. Bây giờ chỗ dựa đó không còn.” Thật hiếm có người thầy nào gắn bó sâu sắc dài lâu và được trò tin cậy như những lời của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết về người thầy của mình: ông Ba Quốc. Ngoài ra trong cuốn sách tác giả còn cho người đọc biết những người thày khác nữa như Sáu Nam (Đại tướng Lê Đức Anh), Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Hai Nhạ (Vũ Ngọc Nhạ)… Các vị chỉ huy tình báo như Vũ Chính, Tư Văn, Ba Quang… Đọc những đoạn trích ở trên, ta sẽ đặt câu hỏi: Phải chăng người học trò Nguyễn Chí Vịnh đã như một cậu bé luôn nương tựa dựa dẫm lệ thuộc vào thầy giáo của mình? Dõi theo từng trang cuốn sách các bạn sẽ tìm thấy một câu trả lời khác! Nguyễn Chí Vịnh là con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Năm 10 tuổi, người cha thân yêu đã mất. Năm 22 tuổi, người mẹ qua đời. Bước vào ngành tình báo ở chiến trường Campuchia nóng bỏng, chàng trai 27 tuổi Nguyễn Chí Vịnh đã không còn cha mẹ. Anh được những vị tướng thương yêu như con đẻ, “Người thầy” Ba Quốc và những người thầy khác là gia đình lớn của Nguyễn Chí Vịnh, là Cha là Chú của anh, là chỗ dựa tình thần suốt quãng đời lập thân, lập nghiệp. Xuất thân là con một vị tướng, nhưng Nguyễn Chí Vịnh không cậy quyền thế để chọn một vị trí an nhàn hưởng lạc. Anh xung phong vào mặt trận gay go nhất thời kỳ ấy: Campuchia. Cuốn sách “Người thầy” không chỉ là cuốn sách kể chuyện THẦY, mà lại chính là cuốn tự truyện của người HỌC TRÒ Nguyễn Chí Vịnh. Bài học đầu tiên trên đất Campuchia của tác giả là TỰ HỌC, anh tìm hiểu đất nước Campuchia và học tiếng Khmer… Rồi những cuộc xung trận, những bài học trong công việc nghiệp vụ tình báo, cách làm việc với đơn vị đặc nhiệm như Đội X… đã được tác giả kể lại rất chân thực. Đọc những trang tự truyện của tác giả Nguyễn Chí Vịnh, tôi có sự liên tưởng đến tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” (của N.Alekseyevich Ostrovsky). Một lần nữa tôi lại nhận ra vẻ đẹp của cách viết chân thực đã chinh phục độc giả hoàn toàn khác tiểu thuyết. Những trang sách nhiều đoạn chân thật đến mức khi xuất hiện tình huống nhạy cảm tác giả đã trích đoạn nguyên văn hồ sơ lý lịch của cán bộ tình báo. Không một chút hoa hòe hoa sói, không lên gân lên cốt, những trang sách tái hiện lại cuộc đời của “Người thầy” ông Ba Quốc như là một cuốn truyện tư liệu. Thay vì miêu tả nội tâm trong những đoạn kịch tính, tác giả đã để cho “Người thầy” Ba Quốc nói lên bí mật thành công của mình khi lâm vào những hoàn cảnh kịch liệt, không được ai mách bảo, chưa hề có trải nghiệm tại sao ông đã thoát hiểm? “Đối với ông có hai điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là tình yêu và lý tưởng, Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi…”. Tiếp nối những “Người thầy”, tác giả – người kể chuyện Nguyễn Chí Vịnh cũng đã sống và biết vượt qua những thử thách, biết chuyển hướng công tác tình báo, xây dựng những ngành tình báo mới trong giai đoạn biến động chính trị ở Liên Xô (1989, 1990, 1991) và bình thường hóa với Hoa kỳ (1995).
Có thể có ý kiến cho rằng cuốn sách “Người thầy” của tác giả Nguyễn Chí Vịnh là một cuốn truyện tư liệu. Những sự việc được kể trong truyện đều có nguồn từ hồ sơ lý lịch của các “Ông già tình báo”. Không thể đơn giản như vậy, những trang viết của Nguyễn Chí Vịnh xuất phát từ sự trải nghiệm của bản thân, từ tình cảm yêu quý ngưỡng mộ tha thiết của tác giả với các nhân vật xuất hiện trong cuốn sách. Hơn thế tác giả là người nắm vững từng chi tiết nhỏ nhất của một biến cố ở một vùng hẻo lánh cho đến những sự kiện lớn lao có tầm thế giới được nhắc đến trong cuốn sách. Chắc chắn tác giả không hề sử dụng các tư liệu chưa rõ nguồn gốc. Tính chân thật của cuốn sách có gốc sâu xa từ cái tâm của tác giả khi chọn lọc từng câu, từng chữ, từng chi tiết, từng sự kiện… Cấu trúc tác phẩm “ Người thầy” cũng không theo mạch tuyến tính về thời gian mà theo dòng cảm xúc của tác giả xoay quanh cuộc đời của ông Ba Quốc và cuộc đời của chính mình. Vì thế tôi cho rằng “Người thầy” là một tự sự lớn, là tâm sự lớn của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh để lại cho đời sau.
Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ thôi gầm thét, chỉ còn lại bất diệt là tình yêu và lý tưởng của một lớp người Việt Nam trong thế kỷ XX. Lớp người ấy vẫn được gọi là “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Đó chính là điều tác giả Nguyễn Chí Vịnh mong muốn truyền cảm lại cho các thế hệ bạn đọc sau này.
Hà Nội 19/4/2023
Nhà văn Lê Phương Liên (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)
(1) “Một mình ở chiến trường vẫn là chiến sĩ” (И один в поле воин) chính là tên gốc của tác phẩm “Nam tước Phôn Gôn Rinh”