Các bài viết về Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIV năm nay có rất nhiều. Hình ảnh, status cũng tràn ngập trên các mạng xã hội. Các nhà thơ, nhà văn có dịp gặp gỡ bạn thơ, tâm tình thơ, ngẫm nghĩ thơ. Những người yêu thơ có dịp hưởng thụ một không gian ăm ắp thơ. Các bạn trẻ có dịp tìm hiểu thơ. Các bố mẹ có dịp cho con trẻ biết đến sự phong phú của thi ca nước nhà. Ngày thơ năm nay với CLB Đọc sách cùng con đặc biệt hơn bao giờ hết bởi sự có mặt của Sân thơ thiếu nhi.
Từ khi biết ban tổ chức ưu ái dành riêng một thời lượng cho sân thơ thiếu nhi, các thành viên của CLB Đọc sách cùng con đã dành toàn bộ tâm trí, huy động tối đa nhân lực, trí lực tham gia chuẩn bị để đem đến một sân thơ vui tươi và ý nghĩa nhất cho các bạn đọc nhỏ tuổi. Một nhóm ráo riết tập luyện cho phần trình diễn của mình trên sân khấu dù rằng sự xuất hiện của các bạn trước đông đảo khán giả vô cùng ngắn ngủi. Một nhóm khẩn trương làm đạo cụ để các “diễn viên” có thể biểu diễn và toả sáng. Một nhóm hậu cần luôn quan tâm, chu đáo đến từng thành viên để mọi người có thể hoàn thành tốt nhất các việc mình đang làm. Một nhóm không phải tập luyện, cũng không phải làm đạo cụ, cũng không trực tiếp làm hậu cần, nhưng duy trì các hoạt động của Câu lạc bộ và Mầm non Khúc Khích diễn ra một cách bình thường để ban chủ nhiệm và các thành viên khác yên tâm dồn sức cho ngày thơ.
2 cộng tác viên Hoà “Nhân Trần Đá” và Mai Trọng Tiến đang làm diều
Bác Dương Văn Tiến – bố của cô giáo Dương Xuân Trà My đang giúp làm khung cây
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về cây violon thứ hai. Chuyện kể rằng nhạc cụ khó chơi nhất trong dàn nhạc giao hưởng không phải là những cây kèn o-boa hay cello nặng nề đâu. Đó là những cây violon thứ hai. Vì sao ư? Trong khi tất cả các nhạc cụ khác của dàn nhạc giao hưởng đều có chỗ đứng và bè rõ rệt cho riêng mình thì những cây đàn violon lại chia làm hai loại. Những cây violon chính, hay còn gọi là violon thứ nhất thường là ngôi sao của buổi trình diễn. Chúng được nhạc sĩ viết riêng cho những đoạn hòa tấu, song tấu hay độc tấu nổi bật. Nhạc công chơi violon thứ nhất thường được ngồi rất gần khán giả. Ở tít phía tấm màn nhung, chỗ khuất nhất, những cây violon thứ hai thường lặng lẽ tấu lên những đoạn nhạc đệm chẳng có gì nổi bật. Chúng thường được chơi rất nhẹ nhàng để làm nổi thanh âm của những cây violon chính. Nhiệm vụ của chúng là phục vụ, làm nền cho tất cả các nhạc cụ khác. Những nhạc công chơi violon thứ hai không bao giờ có những đoạn nhạc cho riêng mình. Các cây violon cũng chẳng bao giờ vang lên những giai điệu đẹp làm say đắm lòng người. Nhưng chính vì thế mà chúng rất quan trọng. Nếu không có những âm thanh dường như tầm thường của chúng hòa cùng các đoạn nhạc đặc sắc, bản nhạc sẽ trở nên rời rạc, thiếu hài hòa. Cho dù bạn không phải là ngôi sao toả sáng trong buổi trình diễn, không mấy ai chú ý đến bạn, nhưng bạn vẫn là một người đặc biệt, vì nếu thiếu bạn, mọi việc sẽ tệ y như là dàn nhạc giao hưởng thiếu các cây violon thứ hai.
Cho dù bạn không phải là ngôi sao toả sáng trong buổi trình diễn, không mấy ai chú ý đến bạn, nhưng bạn vẫn là một người đặc biệt, vì nếu thiếu bạn, mọi việc sẽ tệ y như là dàn nhạc giao hưởng thiếu các cây violon thứ hai.
Thật khó để tìm ra một đơn vị nào khác mà ngay cả đến bố mẹ, anh chị em của nhân viên trong cơ quan cũng tham gia giúp sức như ở Câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Không vì lợi ích vật chất, không nề hà sớm khuya, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng chân thành, từ sự nhiệt tình, từ niềm yêu thương con trẻ. Sau mỗi một sự kiện như thế này, Câu lạc bộ luôn trân quý mọi sự giúp đỡ, dù là nhỏ nhất, dù là gián tiếp, dù là vô hình của tất cả mọi người, vừa rất cảm động, vừa thấy trọng trách của mình với con trẻ, với cộng đồng cao hơn, vừa thấy mình được truyền cảm hứng và vừa thấy mình được thương yêu đến nhường nào!
Bài: Hiếu Nguyễn – Ảnh: Quang Anh, Cò Trắng